Menu Close

Thêm một lần Xuân

1.
Những ngày tháng dương lịch còn nấn ná, trước khi khoác cho một chiếc áo mới- na ná chiếc áo cũ đã giặt, ủi! Mùa Đông Dallas, màu café đen sánh buổi sáng. Tôi nhìn ra cửa sổ, mặt trời cũng đã dậy nửa buổi. Tôi nướng lại khúc bánh mì, chấm dứt luôn cái nồi cari gà ế ẩm trong tủ lạnh mấy ngày cận Tết. Hũ quất “trị ho suyễn” chua tới tận óc,  tôi đem ra chế biến thêm với một trái khóm tươi, dăm cũ gừng thành một thẩu “mứt” chua ngọt.  Tôi cảm giác, mình như một con chim có giọng hót khàn vì đau cổ họng!

Hiên sau nhà tôi, nhánh mai đất ép cành trong cái chậu nhỏ đã toe toét nụ; chậu đào cũng vừa lún phún những cánh hồng tuyệt đẹp. Những mùi hương cũ không đuổi kịp hồi Xuân. Những kỷ niệm léo nhéo, níu kéo tâm hồn tôi vốn mỏng như một lát thịt bò tái, nhúng vô nước sôi là chín.

Tôi thừa giờ, một mình ngồi với trăm năm cô đơn. Nỗi nhớ trỗi gốc sự yên tĩnh tâm hồn. Mỗi mùa Tết đến, tôi luôn chợt dưng nhớ đến người láng giềng năm xưa- họa sĩ Bé Ký và những chậu hoa ngày Tết.  Có những chậu mai rực cánh, có những chậu lan tươi sắc… Cây bà trồng năm nào cũng sung túc chồi nụ. Mùa Tết đến, mai lan hiên nhà bà ngập ngụa sắc hoa. Cây mai tứ quý bà tặng tôi thì cứ như pháo lép, năm nào cũng lẹt tẹt…nở.  Ngày  hăm mấy Tết, bà chạy ra sân hét toáng, như ai đó vừa cắt đi khúc ruột của bà. Cái chậu lan kiểng rất ư “hoành tráng” đã bị ai đó thừa lúc bà vắng nhà đã cuỗm mất. Vĩnh biệt cái chậu lan kiểng cưng quý, bà tiếc hoa còn hơn tiếc của.

Ly café cầm trong tay đã cạn, chỉ còn chút khói bay lên nuối tiếc.  Đốt Tết. Quay về tự phỉnh mình bằng những tiếng pháo nổ giòn tưởng tượng. Nỗi ưu tư vẫn treo tít trên ngọn sầu Đông. Cái mớ âm thanh hỗn loạn của lũ chó láng giềng, đánh động cái lọ cổ hoài niệm. Chiếc võng tuổi thơ lại đong đưa, lúc lắc. Con hẻm nhỏ, giữ kỷ niệm bằng con mắt trẻ thơ. Con hẻm nực nội lúc nhúc những hơi người và chó. Cái đêm cuối năm, tôi bị chó rượt. Một con chó dại hung dữ. Con chó hăm he nhìn tôi lưỡng lự, nên táp hay chừa?
Tôi hét toáng rồi cắm đầu chạy. Con cẩu dại dần tăng tốc lực. Sự quyết liệt của nó làm tôi khiếp sợ. Và khi nhận ra cái hàm nanh nhăn nhở đang gần kề cặp cẳng gầy bé- có nghĩa, mọi nỗ lực trốn chạy của tôi đều vô ích. Tôi sẩy chân – Cú ngã giáng trời. Tôi cảm giác một vật đâm thốn sâu vào đầu.  Con mắt lờ mờ thông dịch rằng không phải là cái nanh chó táp mà là một cục đá nhọn hoắc, chơm chởm giữa đàng. Sự sấp ngã như một nghi thức tế thần. Con chó bỗng dưng ghìm lại. Chấm dứt màn hăm he. Hú vía!

Giao thừa hổn hển đón Tết vào nhà. Tôi mang về tin… [xui] bằng gương mặt lem luốc máu me. Mẹ đứng tim, thả cái hét lên lầu. Ba cuống cẳng vấp trượt cả mấy cái  nấc  thang.  Đêm cuối năm, cô y tá mừng tuổi tôi bằng vô số mũi khâu như những cái  chân rết bám vào chân tóc.  Mồng Một Tết, cái vành băng trắng trêu ngươi trở thành một nỗi sầu nội chiến. Đôi chân mày nhăn nhíu, tôi chỉ dám liếc vô gương, từ cái cổ áo trở xuống. Cái dấu vết không dưng ấy trở thành nỗi dị ứng của một cái Tết tuổi thơ. Như một viên sỏi trong chiếc giày nhỏ, tôi moi ra và cố quên đi. Trí óc trẻ thơ như một miếng xốp dễ thấm những ám thị.  Đầu năm, tôi mang cái mặt như bệ thớt đi chúc Tết họ hàng. Nỗi “thống khổ” của tôi được đền bù bằng những cái bao lì xì đầy túi. Cũng chẳng quá tệ chỉ để  xấu xí vài ba ngày Tết.

Một sớm Đông, cảm thức xa vời. Cứ  ngây ngây trong tôi.

2.
Nỗi buồn lạ, buồn quen cũng thôi đeo theo đuôi. Đừng mong mỏi cuộc đời bất tử, mà hãy đi hết giới hạn của cái khả hữu. Năm của con dê đi học. Con cóc ở nhà. Mất của chẳng tiếc, tiếc cái công cò còm cõi tìm kiếm suốt bao tháng trời cái món “hàng độc”. Bưu điện bỏ nhầm địa chỉ láng giềng. Thế là cuốn theo chiều gió!  Mấy tiếng chửi đổng làm lẹo cả lưỡi. Nỗi buồn, vàng như hoa mai muộn. Hy vọng cứ như những trái táo bệnh tật, ép mình chết non trên nỗi tiếc nuối của vị ngọt.

Mấy tháng trời Thu, tóc… mây rụng lả tả như lá thu sầu. May là nàng đã lẹ tay quẳng vào thùng rác mấy chai dầu gội đầu KirdLand – sản phẩm của Costco. Hiệu quả tức thời, sàn nhà chẳng còn vương vãi những bụm tóc mây tre nứa. Tiện tay, tôi quẳng luôn mấy chai gel tóc. Chồng trách, “Sao em quăng đi mấy chai gel, anh để vuốt cái mái trước.” Tôi liếc mấy cọng tóc – Còn lại – Trơ chỏm như cái “sunroof” trên nóc xe. Tóc gió thôi bay, rồi anh!    

3.
Buổi tối cuối tuần rơi vào cái tiệc Valentine. Lễ Tình Nhân, phụ nữ chẳng còn tha thiết với  bông hồng và chocolate. Thời kỳ siêu…lãng mạn đã chấm dứt. Phụ nữ  thời nay muốn làm mới cảm xúc với cả những món quà tặng.

Mùa lễ Tình Yêu, tôi cũng bội thực luôn với sắc đỏ. Tôi thay hồng cánh sen bằng màu sơn móng tay. Phong cách hippie thời thượng, quần da đen bó thay váy đỏ. Mùa lễ là ngày hội thời trang, những màu sắc loạn xạ vỡ toang cứ như Iraq ném bom tự sát. Đời sống cũn cỡn, mặc cái gì (chắc cũng) thành ra thậm thượt. Quần jeans thì bở vía, che sao hết những cái lỗ rách tự nguyện? Một gã bạn phát biểu, “Cái váy của phụ nữ nên giống như hàng rào thép gai, nó phải đạt được mục đích mà không cản trở tầm nhìn.”

Đứng tán ngẫu với cô bạn về đề tài thời trang. “Chị Mỹ Hạnh có mấy cái chuỗi đeo cổ độc đáo, khó đụng hàng.”  Thẩm mình là kẻ si mê những phế tích, bụi bặm, không kiểu cách. Tôi hứa hẹn, sẽ có một bài viết về cái thú sưu tầm “hàng độc” nữ trang của nàng.  
Cổ rướn thở khò khè, tôi ráng góp vui một bài hát. Thanh quản như cái đồng hồ lâu ngày không lên dây cót. Hát một bài là tự minh định “phong cách”, qua bài thứ hai trở thành tra tấn màng nhĩ khán giả. Một gã khàn khào, trầm giọng thổ với Nỗi Lòng: “Yêu ai, yêu cả một đờiiii…ời… ời…” Cô vợ ở hàng ghế dưới, hỏi trổng lên, “Ủa, ổng đang hát cho ai dzậy?”

4.
Tết giữa xứ người, vẫn thấy lưu lạc tùm lum nỗi buồn. Phác thảo dăm câu que củi, tôi gắng đun sôi cái cảm hứng “dăng chương”. Đầu năm, người mừng đón niềm tin. Người lo hái lộc mới. Tôi lắng nghe tuổi mình, gập hằn những nuối tiếc về phía đuôi mắt.
Đời có bấy nhiêu thôi. Có nỗi vui nào chẳng tàn lụi?

DMH