Menu Close

Cánh Cò – Những vết thương không thể lành

Ngày 5 tháng 12 năm 2014 nhà xuất bản Người Việt Books tổ chức ra mắt tác phẩm “Những Vết Thương Không Thể Lành” của blogger Cánh Cò, một buổi ra mắt sách thật đặc biệt vì không có sự hiện diện của tác giả, cũng không biết tác giả là ai. Danh sách của Cánh Cò được giấu kín để bảo đảm an toàn cho tác giả – người vẫn còn đang sống tại Việt Nam. “Những Vết Thương Không Thể Lành” là tập hợp gần 100 bài viết tiêu biểu của Cánh Cò gửi cho Đài Á Châu Tự Do [RFA]. Những bài viết về  nhiều đề tài, từ suy nghĩ cá nhân trước những sự kiện xảy ra trong xã hội, đến tập quán tệ hại của cả một tập thể, cả một chính thể trước một vấn đề nào đó. Tác giả nhìn thấy thói kiêu binh, độc tài, tham ô, thiển cận trong từng hành vi-cử chỉ-thái độ-lời nói xấc ngược, vô lý của các quan chức trong guồng máy của chế độ – một điều mà chỉ những người trong cuộc mới nhìn rõ. Trước  khi bước vào hàng trăm bài viết nói trên, nhà xuất bản cho in giòng chữ: Nhân dân, những con người không được nói, nhưng khi sức mạnh bật lên từ cổ họng đám đông, nó có uy lực của sóng ngầm, có thể lật nhào những con thuyền độc ác nhất.

alt 

Mở đầu Những Vết Thương Không Lành  là Chuyện Những Chiếc Cầu Chưa Gãy. Cánh Cò nói đến chiếc cầu treo Chu Va 6 lật nhào, nguyên nhân chỉ vì con ốc neo không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật bị vỡ ra. Và chiếc Cầu Rồng – niềm tự hào của ông Nguyễn Bá Thanh. Sau một vài lần phun lửa thì rồng đang lâm bệnh. Bác sĩ cầu chẩn đoán và tiêm chủng cho rồng những mũi keo che vết lở lói trên thân rồng, và bác sĩ cầu ấy nói như đinh đóng cột: da rồng sẽ lành và sẽ thương sẽ khỏi. [1] Ai tin thì tin, riêng Cánh Cò không tin, bởi vì nhìn ngắm những vết keo nham nhở trên thân Cầu Rồng, Cánh Cò tự hỏi: Trên thế giới có chiếc cầu nào vá chằng vá đụp như vậy hay không? Một chiếc cầu chi phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng lại bị trầy trụa, sứt mẻ đến nỗi phải dùng keo hàn gắn, số phận chẳng khác gì chiếc cầu treo Chu Va 6 lật nhào.

Cánh Cò muốn nói gì khi đưa ra hai chủ đề như hai vế đối: Chuyện những chiếc cầu chưa gẫy, và chuyện một chiếc cầu đã gẫy? Dễ hiểu thôi. Tác giả muốn so sánh khả năng và trách nhiệm của những người phụ trách việc xây dựng. Gustave Eiffet thiết kế và xây dựng Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp đã hơn một trăm năm, ngoài hai lần bị chính người bản xứ đánh gẫy, chiếc cầu vẫn thi gan cùng tuế nguyệt, chẳng cần hội chẩn để tiêm chích bất cứ một loại keo dán nào. Trong khi đó từ chiếc cầu treo Chu Va ít tiền cho đến Cầu Rồng sang trọng, cả những chiếc cầu đắt tiền như Cầu Thuận Phước cũng ở Đà Nẵng, và Cầu Vĩnh Tuy ở Hà Nội, đang có hội chứng như Cầu Rồng Đà Nẵng – nứt đúng quy trình. [1]

Cánh Cò bằng giọng văn nhẹ nhàng của ngòi bút trào phúng tinh tế sắc bén, đã giới thiệu sự thật đang xảy ra trên quê hương Việt Nam, khiến những người trông thấy và cả những người không trông thấy đều ngậm ngùi, khi biết rõ những vết thương không lành trên đất mẹ, một vết thương mà nhà thơ Trần Dần từng cảm khái: Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc. Ðất hôm nay tầm tã mưa phùn. Bỗng nhói ngang lưng máu nhỏ xuống bùn. Lưng tôi có tên nào chém trộm? A, cái lưỡi dao cùn. Không đứt được mà đau!

Hãy đọc Những Vết Thương Không Lành của Cánh Cò để biết từ con tự do cho tới con ốc vít; số phận anh Vương, con đường ông Dũng; lòng tự trọng và sự xót thương… để tỉnh táo nhìn đảng viên tồi tệ đến thế là cùng, trong một xứ sở được mệnh danh là chơi trội như quốc hội, và để biết thế nào là sống gửi, nhưng thác chẳng thể về. *

HNP
4:15am Thứ Hai ngày 2 tháng 2 năm 2015
* Những chữ in nghiêng trong đoạn này là đề tựa của các bài viết trong tác phẩm “Những Vết Thương Không Lành.”