Menu Close

Lời trăng trối… cuối cùng

Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề cận cổ, súng kề tai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa

Sự hiểu biết về “cách mạng” của Tố Hữu trong bài thơ Trăng (có “rê”) Trối rất đúng nhưng chưa đủ. Nói cách khác, “còn một nửa” Tố Hữu chưa nói. Nửa kia, nếu nói ra, chắc là có thêm nhiều người muốn “làm cách mạng” như Tố Hữu. Thí dụ như “nhà cách mạng” Nguyễn Ái Quốc.

Ông này, có nghi vấn cho rằng đã… chôm tên của một nhóm nhà cách mạng bên Paris. Sau khi về nước và trở thành lãnh tụ, đời cách mạng nói chung và đời tư của ông nói riêng đã lên hương thấy rõ. Chẳng hạn, ông được sống trong một ngôi nhà sàn xây ‘đơn sơ” toàn bằng gỗ lim và nhiều thứ gỗ quý khác. Sự lên hương khác mà người dân không thấy rõ là, đêm đêm, ông được phục vụ… gái tơ thoải mái. Nếu sống vào thời nay, ông có thể mang một cái tên kiểu Hàn quốc như Chơi Xong Dong; vì những gái tơ ấy ông để cho “sống chết mặc bay”, cho dù chết trong nhà hay ngoài đường cái. Khi cảm thấy gần hết… xí quách, ông làm bộ viết trong di chúc chỉ muốn được hỏa táng cho có vẻ khiêm tốn giản dị. Chứ chuyện chuẩn bị tẩm xác và xây lăng là do bọn đàn em làm chứ ông không có biết. Bọn đàn em, hay nói cho văn vẻ là các đồng chí của ông, cũng có “đời cách mạng” không cần nói ra ai cũng hiểu. Ngoại trừ chuyện xây lăng, chứ mọi khoái lạc trong cuộc đời “các chú ấy” muốn là có. Con cái ưa đi Đông đi Tây gì thì đi.

Mới đây cũng có một “nhà cách mạng” chưa hề bị tù đày, chưa bị ai kê súng. Thật ra thì chính cha của ông “làm cách mạng”; còn ông được cho ra Bắc học rồi trở về Nam làm lãnh đạo. Gần đây ông được cho ra Bắc để làm lớn (hơn) nhưng chưa được bao lâu thì… thân sống chỉ coi còn một nửa. Người ta nghi ông bị các đồng chí của mình đầu độc bằng chất phóng xạ. Ông qua Tân Gia Ba chữa 2 tháng trời mà không khỏi. Ông qua chữa tiếp bên Mỹ thêm 4 tháng nữa thì mạng sống coi như… rồi! Về nhà chờ… chừng hơn một tháng thì xong. Thứ Hai vừa qua, người ta làm Lễ truy điệu cho ông.

Hồi nhỏ, ông có tham gia du kích vài năm ở dưới quê rồi được cho đi học và sau đó làm chính trị. Ông chưa hề mở công ty hoặc kinh doanh gì cả. Có lẽ thông cảm điều đó nên lúc sắp chết, ông được Đảng đề nghị trả giúp chi phí chữa bệnh của ông. Chưa nói chi phí chữa bệnh nửa năm trời ở Tân Gia Ba và Mỹ, nội chuyện thuê máy bay riêng (và nhóm chuyên viên y tế hộ tống) chở ông từ Mỹ về Việt Nam cũng gần nửa triệu đô-la. Không biết bệnh viện Tân Gia Ba có tính giá… sale cho ông không chứ Mỹ thì cứ chặt đẹp. Nếu là người khác, chắc thế nào cũng nói cảm ơn liền:” Nhờ ơn Đảng ơn Bác mà vợ con tôi không phải bán nhà trả nợ. Dù có bán chắc gì đã trả hết?” Vậy mà ông từ chối thẳng thừng:” Gia đình chúng tôi sẽ lo tất cả những chi phí cho việc chữa bệnh của tôi”. Nói rồi, không biết bao lâu sau đó, ông hôn mê luôn! Câu nói cuối cùng ấy của ông được nhiều báo chí Việt Nam đăng lại như tô vẽ thêm chân dung của một người cả đời sống vì dân, vì nước, không màng đến lợi ích cá nhân và gia đình.

Cha của ông, vốn là một Tỉnh ủy viên, đã chết trong một trận hành quân của quân đội Hoa Kỳ. Không biết trong thời gian hoạt động trong rừng núi tỉnh Quảng Nam, ông ấy có tình cờ đào được thùng vàng nào để lại cho vợ con không?

Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu…

alt