Hôm 25-1-2015 vừa qua, một chiếc drone không rõ từ đâu đã rơi xuống sân South Lawn của Tòa Bạch Ốc. Vụ này khiến dư luận xôn xao không ít.
An ninh rà soát sân cỏ Tòa Bạch Ốc sau khi có “drone” đột nhập.
Các phi cơ tự động “drone”, hay phi cơ điều khiển từ xa, hay phi cơ không phi công… tại Hoa Kỳ cũng có nhiều kỹ thuật và tên gọi khác nhau. Có những chiếc “Quadcopter”, hay “Quadrotor Helicopter”, hay “Quadrotor” dùng kỹ thuật cánh quạt, cất cánh thẳng đứng tương tự như trực thăng. Loại “drone” này có hệ thống điều khiển điện tử và một lớp cảm ứng điện tử “Electronic sensor” rất nhạy để giúp phi cơ giữ thăng bằng. Lợi thế của loại “drone” này là kích cỡ nhỏ gọn, có nhiều chiếc có thể nằm gọn trong lòng bàn tay, và bay rất giỏi cả trong nhà lẫn lộ thiên, không khác nào chuồn chuồn. Các phi cơ này lại rẻ, thiết kế cơ học đơn giản. Ngày nay tại Hoa Kỳ, có nhiều phòng thí nghiệm công khai lẫn bí mật tiếp tục phát triển kỹ thuật này, trong đó có phòng “lab” của Đại Học Bách Khoa lừng danh MIT (Massachusetts Institute of Technology, thành phố Cambridge, tiểu bang Massachusetts, láng giềng của Đại Học Harvard University).
Chiếc “drone” thủ phạm đã làm náo động Tòa Bạch Ốc và gây xôn xao dư luận cả nước.
Một loại phi cơ điều khiển từ xa khác có tên gọi Anh ngữ chánh thức là Unmanned Aerial Vehicle (UAV). Các chiếc UAV này trước kia thường chỉ dùng trong giới nhà binh hoặc vài chương trình dân sự đặc biệt. Tuy nhiên, vài năm gần đây các UAV ngày càng phổ biến, được áp dụng càng lúc càng rộng rãi, như trong công việc cảnh sát, cứu hỏa, đường dây điện, đường ống dẫn dầu, v.v… Trên thế giới, Quân lực Hoa Kỳ là vô địch về sử dụng các phi cơ không cần phi công này để tiết kiệm sanh mạng binh sĩ. Một quân nhân Hoa Kỳ có thể ngồi tại trung tâm điều khiển ngay tại Hoa Kỳ trong khi bay và không tập các mục tiêu thù địch trên chiến trường Trung Cận Đông chẳng hạn.
Một buổi điều trần về “drone” trên sàn Thượng Viện Hoa Kỳ đầu năm 2013. Ảnh Brendan Smialowski/AFP/Getty Images
Cảnh sát Atlanta dùng “drone” theo dõi đám đông biểu tình hôm 25-11-2014. Ảnh John Amis/AP Photo
Cần nhắc lại rằng ý tưởng phi cơ tự động không phải là điều mới. Các kỹ thuật thô sơ đã manh nha từ đầu thế kỷ 20. Một trong những chiếc “drone” (dù ngày xưa chưa có cách gọi này) đầu tiên ra mắt dạo 1908 và bay thử nhiều lần. Năm 1924, đã có chiếc bay xa 360m (390 yd), đạt đến độ cao khoảng 5 m (16 ft 5 in). Và đến giữa thập niên 1950 thì các chiếc phi cơ điều khiển từ xa tối tân nhất (đến thời điểm đó) có thể bay xa trên 300 dặm với tốc độ lên đến 173 mph (278 km/h). Ngày nay, tại Hoa Kỳ, có 2 chương trình nghiên cứu thiết kế các chiếc UAV lớn nhất, đều do chánh phủ liên bang đài thọ. Chương trình của Ngũ Giác Đài được biết đến rộng rãi hơn, và các UAV của họ cũng chỉ hoạt động trong tầm giới hạn của các căn cứ đồn trú. Ngay từ đầu năm 1973, trong các phiên điều trần trước Quốc Hội, Quân Lực Hoa Kỳ đã xác nhận có dùng phi cơ điều khiển từ xa tại Đông Dương và Việt Nam. Số liệu năm 2012, Không Lực Hoa Kỳ có khoảng 7,500 chiếc UAV, nghĩa là cứ 3 phi cơ thì có 1 chiếc “drone”. Chính một trong những phi cơ tự động UAV này đã phát giác ra trùm khủng bố Osama Bin Laden, chụp không ảnh, cho tình báo xác nhận danh tánh, để rồi Tổng Thống Barack Obama ra quyết định gởi Biệt Hải Hoa Kỳ đổ bộ vào triệt hạ Bin Laden.
Để bảo đảm an ninh, trận banh Super Bowl vừa qua, thẩm quyền không lưu liên bang (Federal Aviation Administration – FAA) đã ban hành lịnh cấm bay “drone” quanh vận động trường University of Phoenix Stadium gần Phoenix, tiểu bang Arizona. Ảnh FAA
Ngược lại với bên nhà binh, chương trình UAV của Trung Ương Tình Báo CIA tuyệt mật, không ai biết rõ tầm vóc của nó. Vừa qua, trên phương diện chánh thức, Tòa Bạch Ốc nói vụ chiếc drone gãy cánh giữa South Lawn, không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, rộng rãi công luận vẫn dấy lên sự quan tâm việc an toàn cho các cơ quan chính phủ, nếu khủng bố dùng loại này để gởi bom. Nhiều người tin rằng các chuyên viên kỹ thuật CIA hẳn đã lập ra các kỹ thuật và nhu liệu (software) đặc dụng nhằm triệt hạ, hoặc lái những vị khách drone không mời mà đến này ra khỏi vùng cấm địa.
Tiệm Domino thử nghiệm chuyển bánh pizza bằng “drone” từ giữa năm 2013.
Chưa kể dân tình Hoa Kỳ phàn nàn về việc mất sự riêng tư một khi drone hàng xóm lơ lửng trên nóc nhà mình. Với các phi cơ tự động ngày càng rẻ và phổ biến, đã thấy một số trong giới truyền thông dùng chúng để chụp hình lén những người nổi tiếng. Và ngày 12-1-2015 mới đây, đài CNN chánh thức tuyên bố thẩm quyền liên bang về an toàn không lưu FAA đã chấp thuận cho họ thử nghiệm quay phim, làm tin tức dùng các phi cơ “drone”, thông qua sự cộng tác với Học Viện Nghiên Cứu Georgia Tech Research Institute.
Amazon.com thử nghiệm chuyển hàng bằng “drone” tại Hòa Lan vào tháng 12- 2013.
Một thử nghiệm vận chuyển hàng từ xe đến tay khách hàng của Đại Học University of Cincinnati. Ảnh Lisa Ventre
Tính đến 2013, có ít nhất 50 quốc gia đã sử dụng các “drone” ít hoặc nhiều. Tại Hoa Kỳ, tháng 9-2014, có 20 tiểu bang đã ban hành luật riêng về việc sử dụng drone và các thông tin hình ảnh do chúng thu thập. Liên bang thì có luật “FAA Modernization and Reform Act” năm 2012, quy định đến ngày 30-9-2015, thì FAA phải soạn xong các quy định về sử dụng “drone” cho mục đích dân sự trên tại nội địa Hoa Kỳ. Trong thời gian chờ đợi, việc sử dụng chúng trong thương mại vẫn còn phi pháp. Đó là trên phương diện pháp lý, còn về mặt kỹ thuật, thì Hoa Kỳ đã đi rất xa, được thử nghiệm rất nhiều. Cái ngày các phi cơ điều khiển từ xa được sử dụng rộng rãi trong việc “delivery” hàng hóa, thức ăn… trong phạm vi hạn chế, đang đến rất gần.
Chiến đấu cơ tự động “ScanEagle Drone” trên chiến trường Trung Cận Đông.
TD