Hàng ngàn mỏ “vàng đen” trên thế giới sẽ cạn kiệt trong vài thập kỷ tới. Năng lượng gió, mặt trời vô tận nhưng chiếm nhiều diện tích xây dựng trên mặt đất. Nguyên tử Uranium quá nguy hiểm với phóng xạ cho con người và môi trường. Những điều này đã khiến các nhà khoa học năng lượng vũ trụ đã tiến hành nghiên cứu một nguyên tố sinh ra nhiệt hạch sạch có phóng xạ không nguy hiểm nhưng có sức mạnh năng lượng khủng khiếp, cụ thể là Helium-3 đồng vị hạt nhân. Và để có được nhiên liệu này, con người phải lên cung trăng… đào mỏ.
Mô hình xây dựng căn cứ nghiên cứu helium-3 trên Mặt Trăng
Chúng ta biết rằng, Mặt Trăng là vệ tinh duy nhất của Trái Đất và cũng là thiên thể duy nhất ngoài Trái Đất mà con người đã đặt chân đến. Đã 45 năm trôi qua kể từ khi Neil Armstrong đặt những bước chân đầu tiên lên Mặt Trăng. Khi đã hiểu hơn, con người chúng ta vẫn luôn tìm cách để có thể sử dụng và khai thác vệ tinh này. Cùng tìm hiểu những “tác dụng” không ngờ của Mặt Trăng bên cạnh việc điều khiển thủy triều và ý tưởng khai thác nguồn năng lượng từ đất của Mặt Trăng một cách táo bạo.
Các chuyến bay đến Mặt Trăng luân phiên sẽ mang theo thiết bị từ trạm Không gian Quốc tế thiết lập căn cứ khai thác helium-3
Các nhà khoa học cho rằng, Helium-3 hiện được coi là nguồn tài nguyên có giá trị nhất trên Mặt Trăng. Các nguồn tài nguyên khác như titan, niken, nhóm bạch kim (platinum) gồm kim loại, nhôm, silicon, uranium, kim cương…, đều được Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc thiết lập vị trí trên bản đồ và phân tích trong những năm gần đây. Trong khi đó, một số quốc gia đã yêu cầu xây dựng một chế độ pháp lý chung nhằm chia sẻ các nguồn tài nguyên trên Mặt Trăng, vốn được gọi là “di sản chung của nhân loại” theo Hiệp ước Vũ trụ năm 1967.
Cần nhắc lại rằng, Liên Hiệp Quốc đã chuẩn thuận Hiệp ước Vũ trụ nhằm điều chỉnh hoạt động của các quốc gia trong việc nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ, bao gồm Mặt Trăng và các thiên thể khác. Điều II của Hiệp ước Vũ trụ quy định: “Khoảng không vũ trụ, bao gồm cả Mặt Trăng và các thiên thể khác, không bị phụ thuộc vào sự chiếm hữu của quốc gia bằng cách tuyên bố chủ quyền, bằng cách sử dụng hoặc cư trú, hoặc bởi bất kỳ cách thức nào khác…”. Hiệp ước Vũ trụ có một kẽ hở pháp lý lớn là chỉ cấm “Chính phủ” chứ không cấm cá nhân hoặc tổ chức chiếm hữu Mặt Trăng. Từ đó, câu chuyện về một người Mỹ có tên Dennis Hope “tuyên bố chủ quyền trên Mặt trăng” đã gây được sự chú ý với dư luận quốc tế và là một trong những vụ việc khiến các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét lại những lỗ hổng pháp lý của Hiệp ước Vũ trụ. Năm 1980, Dennis Hope đã gửi thư đến Liên Hiệp Quốc và chính phủ các thành viên Liên Hiệp Quốc thông báo rằng mình là chủ nhân của tất cả hành tinh thuộc hệ Mặt trời (ngoại trừ Trái đất). Ông ta còn thậm chí đưa ra thời hạn (tối hậu thư) cho các Quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc phải trả lời trong trường hợp họ bác bỏ lời tuyên bố của ông ta. Thời hạn trôi qua, Dennis Hope không nhận được bất kỳ một câu trả lời chính thức nào và vì vậy ông ta đã cho rằng mình có quyền bán đất Mặt trăng.
Mặt Trăng sẽ là nơi khai thác nhiên liệu helium-3 trong tương lai
Thế là Dennis Hope mở công ty Lunar Embassy vào năm 1980 bán đất. Việc mua đất bao gồm quyền sử dụng tài nguyên chất khoáng sâu đến 3 km dưới mặt đất. Ông Hope khẳng định: “Tôi có 3.5 triệu khách hàng, gồm cả Cựu Tổng thống Ronald Reagan, Jimmy Carter và các ngôi sao điện ảnh”. Nhưng các luật sư của Liên Hiệp Quốc nói quyền hạn của Lunar Embassy trên mặt trăng là không hợp lệ. Trung Quốc là nước thứ tám nơi Lunar Embassy mở văn phòng (năm 2005), sau Mỹ, Đức, Anh, Ireland, Australia, New Zealand và Nhật Bản. Cùng năm đó, Tòa thượng thẩm Trung Quốc đã ra phán quyết rằng các vật thể vũ trụ không thuộc sở hữu của bất kỳ một ai, vì vậy việc buôn bán đất mặt trăng của công ty “Lunar Embassy” là hành vi bất hợp pháp.
Ông chủ Mặt Trăng Dennis Hope rao bán đất mặt trăng cứ việc rao, ai “điên” thì cứ mua. Các nhà khoa học năng lượng ví Mặt Trăng như một “trạm dừng chân”. Chúng ta có thể khám phá các hành tinh khác như Hỏa tinh một cách dễ dàng hơn rất nhiều so với phóng tàu đi từ Trái Đất. Và đương nhiên, việc đặt một hệ thống “nhà nghỉ” tạm thời ở đây sẽ là một bước đệm tuyệt vời giúp con người vươn xa hơn trong vũ trụ. Không những thế, việc tìm ra chất helium-3 trong đất Mặt Trăng cũng mở ra một lối thoát mới cho công cuộc tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế của con người. Với việc thương mại hóa được nguồn helium-3, Mặt Trăng sẽ chính thức trở thành một “trạm nhiên liệu” của con người. Theo tính toán của các chuyên gia, nguyên liệu quý giá này có thể giải quyết nhu cầu năng lượng của con người ít nhất trong mười ngàn năm.
Đất Mặt Trăng đun nóng ở nhiệt độ 600 độ C sẽ phóng thích helium-3 rồi được đưa về Trái Đất bằng phi thuyền
Cựu Tổng thống Ấn Độ Abdul Kalam đồng thời là tiến sĩ khoa học hàng đầu của nước này từng nhận định nguồn năng lượng Helium-3 trên Mặt Trăng “lớn hơn gấp 10 lần so với tất cả nguồn nhiên liệu có trên Trái Đất”. Hiện có khoảng 600 kg Helium-3 tồn tại trên Trái Đất dưới dạng sản phẩm phụ từ quá trình phân rã đầu đạn hạt nhân tritium của Mỹ và các kho dự trữ hạt nhân của Nga, 100 kg khác có trong tự nhiên. Theo tính toán của các nhà khoa học, một tấn Helium-3 có thể sản xuất 10,000 megawatt điện, đáp ứng 80% nhu cầu sử dụng điện của thành phố Tokyo, Nhật trong một năm. Hay chỉ cần 40 tấn Helium-3 là có thể cung cấp năng lượng cần thiết cho nhu cầu điện năng của Hoa Kỳ trong suốt một năm.
Năng lượng sinh ra từ một tấn helium-3 lớn hơn 1.5 lần so với sức mạnh hủy diệt của quả bom khí Tsar Bomba, vụ nổ hạt nhân lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nói cách khác, một tấn Helium-3 có thể tạo ra vũ khí hạt nhân có sức nổ bằng 75 triệu tấn thuốc nổ. Tsar Bomba của Nga, trong vụ thử năm 1962 có sức công phá mạnh hơn 1,350 lần so với bom nguyên tử từng giáng xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, gấp 10 lần so với sức mạnh của tất cả các loại chất nổ trong Thế chiến II.
Cùng với Deuterium, Helium-3 có thể là nguồn năng lượng tiềm năng cho các chuyến bay không gian đến Hỏa tinh trong vòng chưa đầy 100 ngày, đến Mặt Trời hay Mộc Tinh trong 200 ngày. Việc tách Helium-3 là hoạt động khai thác bề mặt tương đối đơn giản. Công nghệ tách Helium-3, nén và đưa trở về Trái Đất đã có trong các ngành công nghiệp không gian, khai thác mỏ và khí đốt. Hiện nay, chính phủ các nước đều xem xét tác động của tất cả các nghiên cứu đối với hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân thế hệ mới.
Mô hình nhà máy sản xuất helium-3 của NASA
Do đó, các thế hệ vũ khí hạt nhân thứ 4 chỉ sử dụng Helium-3 tinh khiết sẽ không tạo ra hoặc tạo ra rất ít bụi phóng xạ. Đây là đặc điểm thách thức đối với các loại vũ khí hạt nhân thông thường. Vũ khí sử dụng Helium-3 được cho là có giá trị chiến lược, cho phép chiếm đóng một vùng lãnh thổ sau khi phát nổ mà không lo ngại đến vấn đề phóng xạ. Chính phủ các nước cũng có thể sẵn sàng chế tạo một loại vũ khí chiến lược với sức mạnh lớn hơn cả Tsar Bomba. Bên cạnh đó, tên lửa hạt nhân helium-3 được cho là vũ khí thích hợp để phá hủy các tiểu hành tinh có nguy cơ đe dọa Trái Đất. Năm 2013, NASA ước tính hơn 1,400 tiểu hành tinh có khả năng gây nguy hiểm cho hành tinh của chúng ta.
Chính vì thế, Trung cộng đang tiến hành các chương trình thám hiểm Mặt Trăng mang tên Hằng Nga liên quan trực tiếp đến việc coi khai thác helium-3 là một ưu tiên của chiến lược. Năm 2013, tàu vũ trụ Hằng Nga 3 đã thành công sau khi con tàu này và xe tự hành Thỏ Ngọc đã chụp được những bức ảnh trên bề mặt Mặt Trăng. Vào tháng 10-2014, Trung cộng lại tiếp tục phóng tàu vụ trũ Hằng Nga 5-T1 với mục đích thăm dò và cho bay một vòng quanh mặt trăng. Tuy nhiên, khác với Hằng Nga 3 chỉ để khảo sát cấu trúc địa chất và lấy các số đo quang phổ, Hằng Nga 5-T1 được chế tạo để thực hiện chuyến bay mới nhằm hạ cánh xuống Mặt Trăng, khoan xuống sâu tối thiểu 2 mét để thu một khối đất đá chứa khoảng 2kg nguyên liệu helium-3 và đưa về Trái Đất hồi đầu tháng 11-2014. Đây là lần đầu tiên sứ mệnh chinh phục Mặt Trăng được thực hiện thành công trong 40 năm qua, giúp Trung cộng trở thành quốc gia thứ ba làm được điều này sau Liên Xô và Mỹ. Và theo kế hoạch, năm 2017 Trung cộng tiếp tục phóng phi thuyền Hằng Nga 5 sẽ đổ bộ lên khu vực Mare Imbrium (hay còn gọi là Biển Mưa). Đây là một trong những vùng tối phẳng rộng hình thành sau các đợt phun trào núi lửa từ xa xưa, có thể nhìn thấy từ Trái Đất và là nơi lưu trữ một lượng lớn helium-3.
Theo đánh giá của giới quan sát, với tiềm năng lớn của helium-3, Mặt Trăng đang trở thành mục tiêu trong cuộc đua của nhiều quốc gia trên thế giới. NASA vẫn đang trong công cuộc tìm hiểu và khai thác những yếu tố địa chất trên Mặt Trăng nhằm tìm ra các nguồn tài nguyên mới và có ích từ hành tinh này. Với sự khám phá nước tồn tại trên Mặt Trăng cùng với nguồn helium-3 dồi dào, Mặt Trăng hứa hẹn là một “trạm nhiên liệu” hoàn hảo. Nguồn nước tìm thấy trên Mặt Trăng nếu có thể khai thác kết hợp với đất có chứa nguyên tố Heli phóng thích helium-3 sẽ là một điều kiện tuyệt vời để con người thực hiện cuộc đổ bộ lên cung trăng… đào mỏ.
NL