Tết Nguyên Đán là dịp quan trọng để cộng đồng người gốc Việt khắp nơi trên thế giới bày tỏ lòng kính trọng và tưởng nhớ tổ tiên ông bà, cùng những người thân yêu trong gia đình đón một mùa xuân mới, một khởi đầu mới với những hy vọng cho một năm tốt đẹp hơn. Hiện có trên 1.8 triệu người gốc Việt sinh sống trên đất nước Hoa Kỳ. Những hoạt động truyền thống ngày Tết của cộng đồng người Việt xa quê từ lâu đã được biết tới và đã trở nên quen thuộc đối với người dân bản địa.
Múa lân tại Grand Prairie, Texas
Dẫu không thể sánh với lễ hội Tết ở quê nhà, nhưng không khí đón Tết của người Việt xa quê cũng nhộn nhịp với những màn múa lân vui nhộn, những tràng pháo nổ rộn rã, tưng bừng, những trò chơi dân gian đặc sắc vẫn được tạo dựng cho thế hệ trẻ biết đến và gìn giữ nét văn hóa truyền thống bao đời qua các hội chợ xuân, các nghi lễ dâng hương, cúng tổ tiên, biểu diễn các lễ hội dân gian, thi nấu ăn, thi gói bánh tét bánh chưng, thi hoa hậu… Ngoài ra, còn có diễn hành cùng nhiều xe hoa, các hội đoàn, nhóm võ dân tộc…
Đốt pháo tại hải ngoại
Đó là những sinh hoạt bề nổi trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc sưởi ấm tâm hồn của triệu người xa. Đối với người sống ở xứ người tuy ăn uống đầy đủ những món ngon vật lạ, thế nhưng ăn Tết xa quê dường như có chút gì thiếu thốn về mặt tinh thần. Thiếu tiết trời ấm áp chan hòa của nắng xuân. Thiếu những ngày nghỉ dài vui chơi cho thỏa một năm làm việc. Thiếu những tâm tình chia sẻ với nhau về những cái Tết xưa còn lưu lại trong ký. Và nhất là những người cao niên, không biết “ăn Tết” lòng có vui khi con cháu ít còn quây quần trong không khí đầm ấm, tiễn đưa năm cũ đón chào năm mới. Thật ra đâu chỉ người lớn tuổi mà cả với người trẻ tuổi, thời khắc Giao Thừa đối với mọi người thật thiêng liêng, rộn ràng trong lòng và háo hức chờ đón. Giao thừa mỗi năm chỉ diễn ra có một lần cho cuộc giao hòa đất trời bước sang năm mới. Lúc đó, người và người tạm quên đi những phiền muộn, khó khăn đang gặp trong cuộc sống, tạm vui đã, và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Ngày Tết là sự khởi đầu của một năm mới, trong cái khoảnh khắc ấy ai cũng gửi gắm nhiều điều mong ước.
Chính vì vậy, Giao Thừa có một gì đó thiêng liêng mang ý nghĩa tâm linh khó giải thích. Thời khắc đang đến gần từng giờ từng phút, niềm mong mỏi sắp đến Giao Thừa cứ nhảy nhót trong đầu trong khi người ta cứ như thói quen, chuẩn bị một mâm cỗ cúng đặt trên bàn một cách trịnh trọng. Nhiều người giải thích ý nghĩa Giao Thừa theo sách vở. Giao là qua lại với nhau, trước sau tiếp nhau. Tế trời cũng gọi là Giao Thừa có nghĩa là thuận theo, tiếp nối. Giao Thừa là cũ giao lại, mới tiếp lấy, lúc năm cũ qua năm mới đến. Giao Thừa là giây phút chuyển vận giữa giờ cuối cùng (giờ Hợi) của ngày cuối cùng thuộc Tháng Chạp năm cũ với giờ khởi đầu (giờ Tý) của ngày đầu tiên thuộc Tháng Giêng năm mới. Ý nghĩa “Tống cựu nghinh tân” được mọi người thực hiện bằng những vật cúng vào giờ phút này, giờ phút thiêng liêng nơi đây nhưng lòng đang hướng về cái Tết quê nhà ngày trước.
Nhành đào chưng ngày Tết tại Bolsa
Khi bên này là buổi trưa thì bên kia trái đất mọi người đang náo nức đón Giao Thừa, chuẩn bị xuất hành đầu năm đi chùa hái lộc. Và tôi cũng nhớ lắm, giờ Giao Thừa thuở bé ngồi bên nồi bánh tét nhỏ cuối năm còn vương mùi củi khói, mùi diêm sinh của những phong pháo đì đùng kéo dài khắp nơi từ đầu trên xóm dưới và những xóm lân cận vang vọng báo hiệu “Tết đến rồi vui thật là vui”. Những năm sau này, cấm đốt pháo,niềm vui mất đi một nửa, nhưng không vì thế mà lòng tôi kém háo hức với những màn pháo hoa sáng trời trên Bến Bạch Đằng. Tiếc rằng, thời ấy bây giờ đã xa lẫn vào góc khuất bình yên trong ký ức.
Bạn nhớ giờ Giao Thừa, tôi nhớ và nhiều người đều nhớ. Nhớ cái giờ trùng lắp cho cả hai nơi, đất trời ở Đông hay Tây vẫn là một. Giờ giấc chỉ là ước lệ theo cái quy ước múi giờ do các nhà thiên văn làm ra, chọn giờ Greenwich làm chuẩn. Nếu theo New Year của người Tây thì London là đất nước được đón Giao Thừa đầu tiên trên toàn trái đất. Từ cái Đài thiên văn hoàng gia ở Greenwich người ta quy ước đó là múi giờ gốc, và từ đó cộng lên 12 giờ, ra London là địa đầu thế giới, và như vậy Alaska của nước Mỹ sẽ là điểm cuối cùng nhìn thấy mặt trời trong ngày. Nếu không phải mấy ông Ănglê đó, mà lại là ông Nhật Bổn hay Trung Hoa thì tình hình lại khác đi thì sao… chẳng vấn đề gì.
Trẻ con có bao lì xì là thích
Thế giới như trái cam có 24 múi cho 24 giờ của một ngày. Đó là chuyện múi giờ địa lý. Còn chuyện múi giờ hành chính của mỗi quốc gia lại là chuyện khác. Nước Nga từ những hòn đảo đầu tiên ở biển Bering, trải dài từ Á sang Âu đến điểm cực tây là Murmansk, đúng 11 múi giờ, nhưng giờ hành chính chỉ áp dụng có 6 múi giờ thôi, và ranh giới giữa các múi giờ (đường đổi giờ) cũng không thẳng tưng theo đường kinh tuyến, mà cong queo theo địa giới hành chính giữa các vùng. Cả nước Trung Quốc to oạc thế, về địa lý trải dài từ Đông sang Tây là 6 múi giờ, nhưng áp dụng thống nhất một giờ theo giờ Bắc Kinh – nghĩa là ở Mãn Châu Lý đi làm lúc 8 giờ sáng mặt trời sáng choang, thì bà con Tân Cương cũng đi làm, cũng 8 giờ sáng, nhưng thực tế lúc đó mới 2 giờ, tối mò mò và rét căm căm…, nhưng đoán nếu người ta quy định giờ đi làm sẽ phải là 14 giờ chiều giờ Bắc Kinh thì vào làm việc, và kết thúc công việc vào 23 giờ theo giờ Bắc Kinh. Tất cả chỉ là quy ước. Nước Mỹ quy ước dùng 5 múi giờ, Hawaii 12 giờ trưa thì ở New York là 5 giờ chiều.
Tôi tự hỏi, thế giới có đồng tiền chung, có ngôn ngữ Esperento chung, vậy sẽ dễ dàng và đơn giản hơn nếu có chung một múi giờ? Và khi đi từ nước này sang nước khác cũng không cần chỉnh lại đồng hồ. Nhưng những lý do khiến cho thế giới cần có nhiều múi giờ là: Trái Đất quay 15 độ mỗi giờ, một ngày là 360 độ. 12 giờ trưa ngày cuối năm ở Texas thì ở Sài Gòn nở rộ pháo bông đón chào năm mới. Lúc đó Florida là 2 giờ trưa. Không giống như ở quê nhà, từ Bắc đến Nam có chung một múi giờ, người Việt cả nước đón năm mới cùng một lúc. Nhưng thôi, tất cả giờ múi giờ chỉ là quy ước.
Cảnh đón Tết tại một chợ của Người Việt
Do vậy, có nhiều nơi bà con người Việt thường kết hợp chung giờ đón Giao Thừa cùng giờ ở quê nhà, vừa tiện cho nhiều người ban ngày còn đi làm, ban đêm đi chùa hái lộc nếu Tết không phải rơi vào ngày cuối tuần. Đón Giao Thừa trong tâm tưởng và tiện cho mọi người, một công hai chuyện. Trong khi đó ban ngày (tức là trước Giao Thừa), bà con người Việt sống khắp nơi trên nước Mỹ từ Alaska đến tận Hawaii vẫn có thể tổ chức những lễ hội vui chơi, múa lân, đốt pháo chuẩn bị chào đón một năm mới tốt lành.
Người lớn thì ngồi tính thời khắc Giao Thừa chênh lệch giờ nhau cho có chuyện nói vui trong ba ngày Tết, chỉ tội cho trẻ con chẳng biết Giao Thừa là gì miễn sao Tết được nhiều phong bao lì xì là vui nhất rồi. Không như thời thuở nhỏ của những người lớn ngày xưa, cứ thấp thỏm nhìn đồng hồ chờ giờ Giao Thừa đến để bước sang năm mới được mặc tấm áo mới, được mừng tuổi.
Thời khắc Giao Thừa đã điểm. Đất trời đổi mới, vạn vật chuyển mình và tâm thức con người trong sáng, gột tẩy mọi ưu phiền, buông xả mọi phiền não… Mọi người hãy cùng hát với nhau, “Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi…”.
Bánh mứt Tết tại các chợ
TN