Menu Close

Quế – Vị Thuốc quí với tên Sài Gòn mãi mãi còn đó!

Quế tuy là một trong bốn vị thuốc căn bản của Đông Y (Sâm, Nhung, Quế, Phụ) nhưng chính lại là một vị thuốc Nam thực thụ, nếu xem thuốc Nam như là một cây thuốc mọc tại Việt Nam. Lịch sử cũng như văn chương Việt Nam đã nói nhiều đến Quế. Quế là một trong phẩm vật quí mà dân Việt ngày xưa đã phải dùng để cống cho kẻ thù phương Bắc là Trung Hoa. Những câu ví trong dân gian như “Gạo Châu, Củi Quế” và “Tiếc thay câu Quế giữa rừng..” để nhắc nhở đến Huyền Trân công chúa vẫn còn được truyền tụng. Ôn Như Hầu trong Cung Oán Ngâm Khúc cũng từng nhắc đến Vách Quế.

alt

TÊN KHOA HỌC:

Cinnamomum zelanicum, C.cassia, Cinnamomum saigonicum, thuộc họ Lauracea, còn gọi là Cassia, Ceylon cinnamon, Saigon cinnamon. Người Pháp gọi là Cannelle, Cannelle de Cochinchine. Đông Y chia làm hai loại: Quế Chi để chỉ lấy Quế từ phần cành nhỏ trên gần ngọn. Và Quế Bì để chỉ lấy phần dược liệu lấy từ Vỏ thân cây.

LỊCH SỬ VÀ ĐẶC TÍNH THỰC VẬT:

Quế là một loại Dược liệu có lẽ đã được xử dụng từ khi có lịch sử loài người từ Đông sang Tây. Trong Thánh Kinh (Exodus 30:23-25) Đấng Giavê đã ra lệnh cho Môi Sen dùng Quế trộn chung với các hương liệu khác để sức Dầu bàn thờ Thánh. Quế trong thời kỳ này có lẽ được đưa từ Trung Hoa sang miền cận Đông qua hải cảng Tyre nên cũng được Ezekiel nhắc đến (27:19). Với Đông Y thì Quế đã được viết trong Thần Nông Bản Thảo và sau đó trong Bản Thảo Cương Mục với các đặc tính như vị cay, khí nóng để trị Thương hàn, Tiêu thực. Hoàng Đế Neron của La Mã đã từng đốt Quế suốt một năm nơi mộ của Hoàng Hậu để tưởng nhớ người Vợ quá cố (năm 66 Tây Lịch).

Người Việt Nam đã biết dùng Lá Quế xay thật nhuyễn trộn với rơm để trét thành Vách Quế, tạo nên một khuê phòng ấm áp và thơm ngát. Khi người Bồ Đào Nha xâm chiếm đảo Tích Lan, việc đầu tiên là họ bắt cư dân phải nộp thuế bằng vỏ quế. Đến giữa thế kỷ 17, người Hòa Lan thay người Bồ tại Tích Lan và bắt đầu ra các luật lệ kiểm soát việc trao đổi buôn bán Quế. Cho đến năm 1973, Tích Lan trồng khoảng 34 ngàn mẫu Quế và là nước xuất cảng loại Quế được xem là hảo hạng.

Quế Tích Lan (Cinnamon zeylanicum) là một cây hằng niên, có thể cao từ 10 đến 13m khi mọc hoang, nhưng khi được nuôi trồng, thường bị giới hạn chiều cao. Lá xanh có mùi rất thơm, dài từ 10 tới 15cm, mặt trên xanh đậm hơn mặt dưới. Hoa nhỏ màu vàng. Trái như loài Dâu màu tím xậm, to chừng 1 – 2cm. Quế Tích Lan thích đất xốp có pha cát, mọc ở độ cao 600m và cần mưa trung bình 160 – 200cm/năm. Nhiệt độ tốt nhất vào khoảng 80 độ F.

Việc thu hoạch có thể bắt đầu lúc cây được 4 – 5 tuổi. Dùng dao nhọn và cong tách vỏ cây để vỏ tự lên men trong vòng 24 giờ. Sau đó vỏ bên ngoài được cạo sạch một cách kỹ lưỡng và phơi khô trong bóng mát, rồi sau đó phơi ngoài nắng trong 3 – 4 ngày. Vỏ tự cuốn lại và giá trị của Quế tùy thuộc vào bề dầy của vỏ, được xếp hạng thông thường từ 0 đến 00000. Hạng cao nhất là năm số 0. Một Hecta (acre) có thể cung cấp khoảng 75kg Quế sau 7 năm nuôi trồng. Quế Saigon Cinnamon Cassia hay Saigonicum mọc nhiều nhất ở miền Bắc (Thanh Hóa) và miền Trung Việt Nam (nhất là Trà Bồng, Quế Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam). Quế Trà Bồng cũng đã đi vào lịch sử chiến tranh Việt Nam nhưng không lấy gì làm hãnh diện với những biệt danh như Quế Tướng Công!.

Thị trường Quế tại Hoa Kỳ được cung cấp từ 4 nguồn Quế chính: Từ Indonesia với 2 loại: Padang “vỏ mỏng” và Korintji “vỏ dày” từ các cây C.burmaniia trồng ở đảo Sumatra. Từ Hoa Lục với loại Cassia lignea. Từ Việt Nam với loại Sàigòn cassia và sau cùng từ Mã Lai với loại C. sintok. Trong 4 loại trên Quế Sàigòn được xem là tốt nhất.

alt

THÀNH PHẦN HÓA HỌC:

Vỏ Quế chứa 0.5 đến 2.5% tinh dầu gồm các loại: Cinnamaldehyd (65 – 80%), Eugenol, và trans-Cinnamic acid (5 – 10%). Ngoài ra còn có các Phenylpropanes như Hydroxycinnamaldehyd, cinnamyl alcohol và các chất terpenes gồm limonene, alpha-terpineol..cùng các tani, chất nhày, các procyanidin và một ít counarin.

PHẦN DÙNG LÀM DƯỢC LIỆU:

Ngoài phần quan trọng nhất là vỏ, được dùng nhiều nhất để làm Dược liệu và gia vị. Lá cũng được dùng để chưng cất, ly trích tinh dầu chứa khá nhiều Eugenol được dùng trong kỹ nghệ Mỹ Phẩm, Dầu Thơm tại Hoa Kỳ và cũng dùng làm nguyên liệu để trích Vanillin. Quả của cây Quế hái lúc chưa chín hẳn được dùng trong kỹ nghệ đồ hộp, thêm vào dưa muối.

ĐẶC TÍNH DƯỢC HỌC:

Trong Y Học hiện đại, Quế được dùng để trị ói mửa, tiêu chảy và trợ tiêu hóa. Quế cũng được dùng để làm bớt vị đắng của dược phẩm khác. Tác dụng của Quế trên bắp thịt tử cung còn đang trong vòng tranh cãi.

. Khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng:

Đây là lý do để giải thích tại sao Quế được dùng trong Kem đánh răng, thuốc xúc miệng. Tinh dầu Quế là một chất sát trùng mạnh, có khả năng tiêu diệt nhiều vi khuẩn gây sâu răng, trị cả nấm và vài loại siêu vi trùng.

Một báo cáo trong Journal Of Food Science cho thấy Quế ngăn chặn được sự phát triển của Nấm Mốc nhất là khi dùng Quế trong kỹ nghệ bánh kẹo.

. Khả năng trị nhiễm trùng đường tiểu:

Các nghiên cứu tại Đức chứng minh được Quế có khả năng diệt được Escherichia Coli, tác nhân gây nhiễm trùng đường tiểu và cả Candida Albicans loại Nấm gây bệnh nơi bộ phận sinh dục phái nữ. (Yeast infections). Đã có đề nghị là nên tẩm giấy vệ sinh bằng tinh dầu Quế.

. Khả năng trị đau:

Do ở tỷ lệ Eugenol trong tinh dầu, Quế giúp làm giảm đau do tác dụng gây tê, nên khi rắc Bột Quế vào vết đứt, cắt là phương thức tốt trong lúc khẩn cấp.

.Khả năng trị bệnh bao tử:

Khi nghiên cứu trên thú vật tại Nhật, người ta nhận thấy Quế có khả năng trị được ung loét bao tử. Phương thức tốt nhất là dùng ½ đến ¼ muổng cà phê Bột Quế ngâm trong 1 ly nước sôi trong 10 – 20 phút và uống mỗi ngày 3 ly. Quế cũng giúp tiêu hóa chất Béo trong bao tử.

. Khả năng giúp tăng hiệu lực của Insulin:

Một số thử nghiệm cho thấy Quế giúp bệnh nhân tiểu đường. Nhất là loại 2 tăng hiệu lực của Insulin trong việc tiêu hóa chất đường. Theo GS James Duke của Bộ Canh Nông Hoa Kỳ thì 1/8 muổng cà phê Bột Quế làm tác dụng của Insulin tăng lên gấp 3 lần.

CHẾ PHẨM VÀ CÁCH XỬ DỤNG:

Cần phải phân biệt Bột Quế và Tinh Dầu Quế. Bột Quế không độc hại nhưng Tinh Dầu lại là chuyện khác. Dầu Quế có thể làm phỏng Da, uống nguyên chất có thể gây nôn mửa và hư hại Thận. Không bao giờ dùng Dầu Quế nguyên chất.

THUỐC RƯỢU QUẾ:

Có thể tự chế tạo thuốc rượu Quế theo phương thức sau: Ngâm 10 muổng canh Bột Quế trong 250ml rượu Vodka, thêm vào đó 200ml nước lọc. Ngâm trong 2 tuần, nhớ lắc đều mỗi ngày 2 lần. Lọc qua vải hay bông gòn. Từ rượu thuốc này có thể tự chế dung dịch súc miệng bằng cách pha 1 muổng cà phê rượu thuốc trong 150ml nước ấm, xúc miệng nhiều lần nếu cần.

. Dung dịch vệ sinh phụ nữ, trị nấm nơi chân:

Đun sôi khoảng 1 lít nước , bỏ vào khoảng 8 – 10 thanh Quế nhỏ. Bớt lửa, đun thêm trong 5 phút, có thể dùng để rửa sau khi để nguội khoảng 45 phút.

Quế được dùng nhiều nhất trong Đông Y. Sau đây là vài thang thuốc thông dụng được Bộ Y Tế Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và Bộ Y Tế Nhật chấp nhận:

–    Ngũ Linh Thang (Wu-Ling-San):

Tác dụng thông tiểu, trị ói mửa, khát nước đưa đến tiêu chảy, phù thủng. Thang thuốc gồm:

. Chu Linh (Polyporus) 4.5g
. Bạch Truất (Atractylodes) 4.5
. Bột Quế 3g
. Phục Linh (Hoelen) 6.5g
. Alisma 6g

–    Quế Chi Phục Linh Hoàn (Kueh Chih Fuling Wan):

Tác dụng điều hòa kinh nguyệt phụ nữ, cân bằng kích thích tố nội tạng. Trị được đau bụng khi hành kinh, nhức đầu bần thần, khó chịu trong lúc kinh kỳ.

Hoàn thuốc gồm: Quế chi, Bạch Đơn Căn, Mẫu Đơn bì, Phục Linh và Đào nhân (hạt trái Đào)

–    Quế Chi Ngũ Vật Thang:

Dùng trị sưng lợi, nướu răng, miệng và hơi thở hôi.

Thang thuốc gồm: Quế 4g, Hoàng Cầm 4g, Điạ Hoàng 4g, Phục linh 8g và Xuyên Khung 3g.

DS Trần Việt Hưng