Mồng Một gọi về Việt Nam chúc Tết, cô tôi kể, cúng Giao Thừa xong là cả nhà cùng qua chùa Sư Nữ lễ Phật. Chùa Sư Nữ nằm trong con hẻm gần nhà tôi, khu ngã ba Trần Quang Diệu và Trương Minh Giảng ở Sài Gòn. Gọi là chùa Sư Nữ – chùa chỉ có các sư bà, sư cô tu trì, như là một tên riêng bởi vì tôi quen theo cách gọi của nhiều người, chứ thật ra tên chùa là Thích Ca Tự. Nằm trong hẻm lớn, đi vào chùa ngang qua cả hai trường tôi từng theo học lúc nhỏ. Cái đầu hẻm hình như là trường Trương Minh Giảng, tôi không còn nhớ chắc, nhưng trường Lê Bảo Tịnh thì vẫn còn nhớ. Cũng lạ, không nhớ lắm những ngôi trường mình theo học, mà lại nhớ đến ngôi chùa nhỏ nằm cuối con hẻm của những ngày còn ở Sài Gòn. Bởi vì không có cái Tết nào tôi không đến viếng chùa, cho đến khi sang Mỹ.
Thật ra tôi nhớ về chùa Sư Nữ cũng có lý do của nó. Tôi không biết lý do nào mà các cô chú và mẹ tôi lại chọn chùa Sư Nữ để thờ vong linh của bà nội và cha tôi khi hai người qua đời, cho dù quanh khu cũng có lắm chùa. Hàng đêm, cả nhà tôi sang chùa đọc kinh cầu siêu cho bà và cha tôi đến thất tuần, riết rồi tôi thuộc cả kinh tiếng Phạn dù không hiểu gì. Bây giờ vào chùa nghe kinh, tôi còn lõm bõm đọc theo được. Những ngày lễ lớn, ngày rằm, cả nhà tôi cũng thường qua chùa, nhưng ngày Tết thì đi đâu thì vẫn giữ cái lệ sang chùa sau khi đón Giao Thừa hay sáng Mồng Một, tùy theo “giờ tốt” để xuất hành năm mới. Các sư bà, sư cô ở đây đọc kinh bổng trầm rất hay mà thuyết pháp cũng giỏi. Nghe bảo có vài vị tu học rất cao, ngoài Phật pháp còn am hiểu cả văn chương và Hán Học nên thuyết giảng cuốn hút. Nhưng với riêng tôi, tài nấu cơm chay của các sư mới quả thật khéo tay. Chùa nghèo, không phải lúc nào cũng có thể đãi được cơm chay theo nghĩa “cơm chùa” cho Phật Tử hay khách thập phương. Nhưng những ngày lễ lớn hay ngày Tết, bữa cơm chùa đãi ngồi theo mâm cỗ thì quả thật tươm tất, đến bây giờ tôi chưa hề gặp lại kiểu cách như vậy. Cơm chùa, cơm không trả tiền mà cứ như tiệc. Mười người một mâm, các món chay kiểu cách xen lẫn rau muống chấm tương chay của chính chùa làm, không dư mà cũng chẳng để ai thiếu phần, để khi xong bữa, bụng thì no nhưng đầu thì nghĩ mình còn có thể ăn thêm chén nữa. Vài năm trước về lại Việt Nam, theo mẹ tôi thăm chùa cũng đúng ngay dịp ngày rằm lễ lớn, lại được ăn lại mâm cỗ chay mà vẫn thấy ngon như ngày nào. Các sư cô cũng chẳng cần đặt tên theo món mặn như người ta thường làm. Giá có đặt tên thì tôi nghĩ cũng chẳng sao.
Nhóm phục vụ cơm chay
Nhiều người vẫn chấp kiểu, đã món chay sao còn đặt tên theo món mặn? Tôi nghĩ đó chỉ là nghệ thuật ẩm thực. Có chế biến giống như món mặn thì thật ra vẫn là đồ chay và người ăn cũng biết rằng mình đang ăn một món chay, chứ không phải để vọng tưởng món mặn như tên gọi. Lại thêm những người làm thương mại, những nhà hàng chay cứ gán đặt những tên gọi cầu kỳ theo món mặn để câu khách, lại càng tăng thêm cái tư tưởng phản bác này. Nghe “bún bò chay” riết rồi nhiều người cũng quen, nhưng nếu gọi “giả cầy chay”, “lẩu Thái tôm mực… chay”, “hamburger, pizza chay” … như các nhà chay bên Việt Nam rầm rộ quảng cáo, thì quả cũng chẳng nên để chúng theo vào chùa. Tôi nghĩ các đầu bếp chùa cũng có thể đặt những cái tên tỉ sử như “mì Thanh Tịnh”, “bún xào An Lạc”, “măng kho Thiện Tâm”…, cho dù có nấu giả theo kiểu nào. Mà tại sao lại không, nếu chúng không gây nên những tranh cãi so những món ăn do giới thương mại đặt tên.
Những tô bún chay miễn phí.
Chúng ta cũng chẳng chấp chuyện giới thương mại làm chuyện thương mại, nhưng mục đích của tôn giáo cao cả hơn và chẳng phải thương mại. Chẳng bao giờ là thương mại. Nhưng điều đó dường như dần len lỏi đó đây bởi một số người, nghe bảo trái ngược cả ý định của các Thầy, các Cha. Sang đến Mỹ, ngày Tết đi đó đây, vẫn làm tôi suy nghĩ khi bắt gặp có những hội chợ Tết của cơ sở tôn giáo nào đó mà tăng giá, bán mắc hơn ngày thường. Họ có quyền và có lý do để tăng giá. Nhưng đó là những “lý do” và suy nghĩ của thương mại chứ không phải của đức tin, của niềm tin mà người ta đặt vào. Không phải nơi đâu cũng có những hội chợ quy mô, thu hút hàng chục ngàn người như tại vài thành phố đông người Việt, nên ngày Tết ở xứ người, các cơ sở tôn giáo dù lớn nhỏ, cũng trở thành nơi quan trọng để cho các tín hữu của mình hay các thành viên trong cộng đồng bất kể tôn giáo cùng tụ tập đón Xuân, gìn giữ tập tục và văn hóa ngàn đời trong dăm ba ngày Tết. Những người đến những nơi này để cùng cầu nguyện, vui đón và chúc lành mùa Xuân, ắt sẽ chẳng so đo. Nhưng nó không phải là dịp để kinh doanh, để tận dụng không khí Tết hay hội chợ thương mại như ngoài đời. Họ có thể lời thêm ít tiền nào đó, nhưng sẽ lỗ lắm vì những điều mà nhiều người đã ngần ngại nói ra. Nhưng họ thấy. Và nói với nhau như tôi thường được nghe.
Phát lộc đầu năm
Lấy vợ Công Giáo, tôi trở thành con chiên, đi nhà thờ mỗi tuần nhưng vẫn giữ lệ đón Giao Thừa ở khu chùa gần nhà mỗi năm. Vào nơi nào, tôi cũng giữ lòng tôn kính như những tín hữu thuần thành. Đêm Giao Thừa xứ người, chùa lớn nhỏ nào có khách. Có năm không vào được Chánh Điện, tôi cũng đứng co ro phía ngoài cùng hàng trăm người khác chờ đến lượt mình được phát nhánh lộc đầu năm. Người đến lễ Phật, đón phút giao hòa đất trời cũng nhiều mà người đến tìm không khí Tết cũng không ít. Năm nay, nghe chùa thông báo phục vụ cơm chay miễn phí trưa chiều mấy ngày Tết, tôi cũng viếng chùa và ăn dĩa cơm chay thanh đạm, hưởng lộc ngày Tết . Cơm chùa đúng nghĩa, không có các quầy mua bán tấp nập như mọi năm. Số tiền tôi bỏ thùng cao hơn nhiều lần so với bữa cơm ngoài tiệm, mà sao thấy lòng thật vui. Không chắc ai cũng đã làm như tôi, và chắc chắn số tiền của tôi cũng là rất nhỏ so với nhiều người khác đã cúng dường công sức, phẩm vật hay tiền bạc. Nhưng tôi vui vì thấy nhiều người đến chùa được hưởng cái không khí thanh bạch, không thế tục ngày Tết. Không chờ mong nơi nào cũng làm vậy vì đó ắt phải là sự cố gắng rất lớn giữa thời buổi này và làm sao cho đủ phục vụ hàng ngàn khách thập phương. Chỉ cầu mong đừng để dăm ý tưởng thương mại nào đó cứ len lỏi vào những nơi này. Bởi ai cũng cần lắm một đức tin, cần một nơi chốn để đặt lòng mình vào. Và cần một nơi để gìn giữ không khí Tết xứ người.
Giao thừa.
ĐYT