Menu Close

Rain – A Tribute to The Beatles

The Beatles rã đám đã hơn 45 năm, nhưng dòng nhạc của bốn chàng Tứ Quái vẫn sống mạnh. Cho tới giờ phút này trên thế giới hiện có vô số các ban nhạc chuyên chơi nhạc Beatles. Tiếng Anh gọi các ban nhạc loại này là “tribute band”, tạm dịch là ban nhạc “giả cổ”. Ngoài The Beatles còn nhiều ban nhạc khác cũng được “giả cổ” như Led Zeppelin, Heart, v.v…

alt

Beatles thời mới ra lò, với bộ tóc dài “moptop” gây chấn động năm châu (1964)

Đa số các ban nhạc “giả cổ” này cố làm sao nghe cho thật giống ban nhạc gốc, nhưng thỉnh thoảng cũng có những ban chơi theo phong cách riêng của mình. Chẳng hạn như ở vùng Dallas có một ban chuyên soạn nhạc Beatles để chơi theo kiểu “bluegrass” – một dạng dân nhạc của người Mỹ dùng các nhạc cụ cổ truyền như banjo, guitar thùng, và đàn contrebass.

alt

“Rain” là một bài nhạc của Beatles, và cũng là tên một vở ca nhạc kịch (musical) do năm nhạc sĩ  Beatles “giả cổ” thủ diễn. Lý do có đến năm là vì ngoài bốn người đóng vai John, Paul, George và Ringo còn cần thêm một người chơi keyboard/synthesizer để hỗ trợ các phần âm thanh đệm như tiếng vĩ cầm hay tiếng kèn, các tiếng động thường ngày ngoài đường phố, tiếng chuông reo, tiếng bom nổ, v.v… Sở dĩ phải có những âm thanh đó là vì khi Beatles ngưng đi lưu diễn, không còn chơi live show nữa thì họ chú tâm làm nhạc trong studio mà thôi. Và các album về sau ngày càng sử dụng nhiều thứ âm thanh mà trước đó không ai nghĩ tới trong nhạc rock (gà gáy, chim kêu, chó sủa, máy thu băng chạy ngược chiều…) Cái khó cho các ban nhạc Beatles “giả cổ” là làm sao tạo ra và kết hợp những âm thanh đó vào trong live show của mình. “Người thứ năm” của “Rain” đã chu toàn công việc này một cách hoàn hảo.

Beatles là ban nhạc đi tiên phong trong việc dùng phòng thu thanh như một nhạc cụ. Trước khi chia tay, họ đã quyết định làm một album “để đời”, và dùng luôn tên của studio để đặt cho cuốn album cuối cùng này. Dĩa Abbey Road, nổi tiếng với hình bốn chàng Tứ Quái băng qua con đường trước phòng thu âm Abbey Road Studio, đã trở thành bất hủ với những bản nhạc kinh điển như “Come Together”, “Here Comes The Sun”, và “Something” (Frank Sinatra rất thích bài này và nó là bài tình ca hay nhất mà ông biết.)
Vở nhạc kịch “Rain” thật ra nhạc nhiều hơn kịch. Trong bốn nhân vật chính, chỉ có John và Paul là có phần thoại, chủ yếu nói chuyện với khán giả. Còn Ringo và George chỉ hát chứ không nói. Cốt chuyện cũng hết sức đơn giản, nó kể lại sự nghiệp của Beatles qua các giai đoạn sáng tác khác nhau. Khởi đầu là các bài top hit cho lứa tuổi teen như “She Loves You”, “I Want To Hold Your Hand” v.v. Kế đến là một số bài Beatles diễn ở Shea Stadium (New York) nơi đã xảy ra hiện tượng Beatlemania (ngày nay ta gọi là fan cuồng). Tiếp theo khán giả được thưởng thức nhạc Beatles của thời kỳ làm phim (“A Hard Day’s Night”, “Help!”) Và cuối cùng là “Sgt Pepper’s Lonely Hearts Club Band” để kết thúc Màn 1 với những bộ trang phục đầy màu sắc vô cùng đẹp mắt và bài “A Day In The Life”, được xem như đỉnh cao của nhạc pop từ xưa tới nay.

alt

Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band – khởi đầu giai đoạn “psychedelic” (1967)

 Sau 20 phút giải lao, Màn 2 dẫn khán giả vào thời điểm cực thịnh của phong trào hippie và dòng nhạc psychedelic của những năm 67-69, đầy ảo giác và những hình tượng siêu thực. Thời kỳ này Beatles bắt đầu thử nghiệm thuốc LSD và sang Ấn Độ tìm hiểu triết học Đông Phương. George Harrison học đàn Sitar với Ravi Shankar cùng trong khoảng thời gian này. Nó cũng trùng khớp với cao điểm của cuộc chiến ở Việt Nam.

Trong lúc các nhạc sĩ trình diễn thì hình ảnh trên màn phông của sân khấu được thay đổi liên tục bằng kỹ thuật video tân kỳ và khéo léo, giúp khán giả theo dõi và nắm bắt dòng chảy của câu chuyện. Khi ngoài chiến trường, lúc trong giáo đường. Khi hoa lá cành sặc sỡ, lúc thì xám ngắt thê lương. Cách dàn dựng sân khấu tuy không cầu kỳ nhưng rất đa dạng, uyển chuyển, hợp lý và đầy tính sáng tạo. Đây cũng là một điểm nổi bật của vở nhạc kịch.

alt

Shea Stadium, New York – Beatlemania lên đến cực điểm (1966)

Dòng nhạc Beatles đến thời điểm này cũng già dặn và sâu lắng hơn, và theo tôi thì hay hơn nhiều so với thời mới ra lò. Những bài như “Blackbird”, “While My Guitar Gently Weeps”, “Strawberry Fields Forever” rõ ràng là những bước nhảy vọt về nội dung, tư tưởng và kỹ thuật. Năm nhạc sĩ của “Rain” đã thể hiện khá chính xác những pha phối khí cực kỳ phức tạp mà chính ban Beatles cũng chưa từng chơi live trên sân khấu bao giờ. Họ dùng nhiều loại đàn khác nhau. Chẳng hạn như khi Paul đánh piano thì John đánh bass. Có khi cả ba đều đánh đàn thùng (“Two Of Us”). Trong bài “In My Life” thì phần piano solo lại giao cho “người thứ năm”. Nếu có điều gì để phàn nàn về show “Rain”, thì tôi ước phải chi chương trình dành nhiều thời gian cho các bản nhạc thời này hơn nữa, vì hiếm khi được nghe chúng hay như vậy.

Xen kẽ giữa các cảnh khác nhau là những tiết mục ngăn ngắn, như những mẩu quảng cáo hay tin tức thời sự trên TV trắng đen thời đó. Ngoài mục đích tạo dựng bối cảnh cho câu chuyện (ví dụ: Apollo 11 đáp xuống mặt trăng) nó còn cho nhạc sĩ thì giờ để thay y phục và hoá trang. Nên nhớ rằng trong vòng mười năm ngắn ngủi của The Beatles, bốn chàng John, Paul, George và Ringo trải qua rất nhiều thay đổi, từ cách ăn mặc cho tới kiểu tóc, có lúc bốn người cùng… để râu! Do đó các nhạc-kịch-sĩ cũng phải thay đổi liên tục. Cũng vì lẽ đó mà không thể xếp “Rain” vào dạng “tribute band” theo nghĩa đơn giản bình thường.

alt

Trên màn ảnh hậu cảnh là hình chiếc huy chương quân đội và hình chiến tranh.

Dầu vậy, âm nhạc vẫn là phần chính của chương trình. Các nhạc sĩ tuy mặt mũi và giọng hát không giống như ban Beatles thật, nhưng kỹ năng của họ thì không chỗ nào chê. Giỏi nhất, theo tôi, là chàng chơi trống. Phong cách cũng như kỹ thuật của anh ta giống Ringo Starr gần như 100%. Người đóng vai Paul McCartney cũng giống không kém, chất giọng khá gần với Paul, làm nhiều lúc ta có cảm tưởng như đang nghe Paul hát, nhưng nhìn lại thì rõ ràng là Paul giả vì chàng này đánh bass thuận tay phải, không như Paul thiệt. George giả thì chơi đàn lead guitar rất chuẩn và đúng nốt, nhưng tiếng đàn hơi thiếu nét u uẩn mượt mà của thiên tài Harrison. Còn nhân vật John thì có giọng nói Liverpool đặc sệt, nghe chẳng khác nào Lennon thứ thiệt. Chỉ khi chàng ta hát lên thì ta mới nghe thấy sự khác biệt, nhưng không nhiều lắm.

Và cũng không có gì ngạc nhiên khi thấy đa số khán giả là các ông bà lớn tuổi, trên 60, ai cũng thuộc lòng mấy bài hát. Vui nhất là khi chơi đến bài “Twist And Shout” và “When I’m 64”, khán giả đứng lên hát hò nhảy nhót như thời còn trẻ. Nhưng đáng nói là cũng có không ít những người trung niên cỡ tôi, và một số nhỏ thanh thiếu niên, trong đó có mấy đứa con tôi. Còn dân Á Châu thì hôm đó tôi không thấy ai. Hai thằng con tuổi teen của tôi thì thích mấy bài trong liên khúc “Abbey Road”, có lẽ vì nó gần với nhạc hiện đại hơn. Nhưng chúng khoái nhất những đoạn TV thời xưa mà con nít ngày nay không thể tưởng tượng nổi – như khúc phim hoạt họa “The Flinstones” dùng để quảng cáo… thuốc lá Winston!!

alt

“Come Together”, Abbey Road – album cuối cùng (1969)

Thằng Út của tôi tuy mới lên 9 nhưng cũng rất rành nhạc Beatles, phần vì được cho chơi “Beatles Rockband” video game từ hồi nhỏ xíu chưa biết đọc chữ, tới giờ vẫn còn chơi. Khỏi phải nói, chàng ngồi coi “Rain” mê mẩn và thích thú, lâu lâu còn phán vài câu rất điệu nghệ. Như khi Màn 2 mở đầu bằng bài “All You Need Is Love” chàng phê: “Đáng lẽ bài này phải để dành chơi cuối cùng, vì nó là bài hay nhất!” (Chàng nào hiểu, bài “hay nhất” chưa chắc là bài được nhiều người biết hoặc thích nhất).

Sau hơn hai tiếng đồng hồ và gần ba mươi bản nhạc, chương trình được “kết thúc” đúng quy trình với bản “The End” – bài cuối cùng trong album cuối cùng của sự nghiệp đồ sộ của The Beatles. Cũng đúng theo quy trình, sau vài phút nghỉ ngơi để khán giả có dịp hò hét khản cổ, ban nhạc trở ra để chơi phần “encore”. Và như để trả lời thắc mắc của cậu Út, “Rain” được chấm dứt bằng hai ca khúc mà dân mê nhạc ai ai cũng biết và yêu thích: “Let It Be” và “Hey Jude”, với sự tham gia của dàn đồng ca nam phụ lão ấu mấy ngàn người. Làm tôi nhớ cách đây năm năm, khi Paul McCartney đến trình diễn ở Cowboys Stadium cũng có chơi hai bản này. Tuy nhiên, vì Paul McCartney đã lớn tuổi nên giọng hát không còn mạnh nữa nên nghe “Beatles giả” hát coi vậy mà giống “Beatles thiệt” hơn!

Dù gì chăng nữa, phải công nhận đây là một chương trình nhạc rất xuất sắc. Mọi người ra về mặt mày ai nấy vui vẻ. Trước khi rời khỏi ghế, cậu Út còn kéo tôi lại gần và mi một cái thiệt to, “Thanks for taking me, Ba!”

IB – 2015.02.12
 Verizon Theater – Grand Prairie, TX