Menu Close

An Sinh Xã Hội (03/04/15)

Tôi tên Liên, sinh năm 1950, chồng tôi 1952. Hiện nay, tôi đang lãnh hưu non (lúc 62 tuổi) $300/tháng. Chồng tôi vẫn còn đi làm, tuy nhiên sức khỏe ông ấy kém. Vừa rồi, tôi nhận được thông báo của ASXH về dự tính tiền hưu của chồng tôi. Có 2 câu hỏi, mong cô giải thích.

1. Disability: chồng tôi sẽ nhận số tiền bệnh vào thời điểm này là $1,360/tháng. Như vậy tôi có thể xin chuyển tiền hưu non hiện tại ăn theo tiền bệnh của chồng được không?

2. Benefit of survivors: tính như sau:

Your child: $1054/m

Your spouse, cho is caring your child: $1054/m

Your spouse, if start at full retirement: $1405/m

Total family benefits cannot more than: $2530/m

Trường hợp tôi là vợ thứ 2, đã và đang chung sống với chồng được 10 năm (có hôn thú) và không có con. Người vợ trước sống chung 20 năm, không có hôn thú và có 3 người con chung, hiện đã hơn 21 tuổi. Như vậy tôi và bà ấy không có lãnh tiền nuôi con nhỏ. Dựa trên số liệu tạm tính, nếu mai mốt ông ấy đi  với số tiền hưu quá ít $300/tháng, tôi và bà ấy mỗi người được lãnh bao nhiêu nếu đến tuổi hưu.

Đáp

Bà là người đang chung sống với ông, bản thân đang lãnh tiền hưu trên chính hồ sơ làm việc của mình.

1. Nếu ông được chấp thuận hưởng tiền tàn tật An Sinh Xã Hội ngay bây giờ, bà vẫn tiếp tục số tiền hưu của bà là $300/tháng. Là người vợ đang chung sống nhưng đã về hưu ở tuổi 62 bà chỉ được nhận 35% trên quyền lợi An Sinh Xã Hội của ông. Bà sẽ không được hưởng hai chi phiếu, nhưng sẽ nhận được mức sai biệt cho đủ số 35% của ông.

2. Nếu không may ông qua đời thì bà sẽ được hưởng gần bằng số tiền ông đang hưởng.

Người vợ trước nếu không có tái hôn và nếu bà ấy đủ tuổi hưu toàn phần, bà ấy cũng sẽ có quyền lợi giống như bà. Hai bà không phải chia nhau quyền lợi tồn sinh. Mỗi bà có những tiêu chuẩn khác nhau, người là vợ đương thời, người là vợ cũ.

Tôi qua Mỹ cuối tháng 12/2009. Đã đủ thời gian để thi quốc tịch. Tôi có 1 đứa con sanh 1/1990 bị bệnh động kinh từ nhỏ đang uống thuốc của bệnh viện Parkland, có giấy chứng nhận tàn tật của bác sĩ. Cô cho tôi hỏi:

– Con tôi có thể xin thi quốc tịch bằng tiếng việt được không và liên lạc ở đâu để có được mẫu đơn.

– Cháu đang sống với mẹ và mẹ cháu đã kết hôn lần hai. Người chồng sau này đến đầu năm 2016 sẽ về hưu. vậy cháu có thể xin ăn theo 50% hưu của người chồng sau này được không và có cần bằng chứng sống chung gì không .Tôi rất cảm kích khi nhận được sự giúp đỡ của chị. Cảm ơn chị rất nhiều

Đáp

Năm nay người con của ông đã được 25 tuổi.

Theo chương trình hưu bổng An Sinh Xã Hội, cha mẹ về hưu thì những người con được hưởng một phần trên hồ sơ hưu trí của cha hay mẹ.

Ai được coi là CON của người về hưu:

– Con ruột, con nuôi, con tư sinh hay con riêng của vợ hay chồng của mình.

Nếu là con ruột thì giấy khai sinh sẽ xác minh được quan hệ cha mẹ con cái, con nuôi thì cần có chứng từ xin nhận đứa trẻ làm con, về con riêng của vợ hay chồng thì còn tuỳ thuộc vào trách nhiệm bảo dưỡng của kế mẫu hay kế phụ cho người con này.

Một khi xác định được việc nuôi dưỡng đứa trẻ thì quan hệ vợ chồng của cha hay mẹ đứa trẻ với người phối ngẫu mới phải còn có hiệu lực.

Để dễ hiểu hơn, thí dụ Mẹ của một đứa trẻ 3 tuổi, kết hôn với người chồng mới, ông nầy đã về hưu, sau khi thành hôn ông mang đứa con riêng của vợ về nuôi dưỡng cùng nhau sống dưới một mái nhà.

Nếu cơm không lành canh không ngọt, người mẹ của đứa nhỏ chia tay với ông bố dượng, cho dù ông bố dượng vẫn tiếp tục nuôi dạy đứa con “ ghẻ”, nhưng vì hôn nhân của mẹ và bố dượng đổ vỡ, bé này không còn được hưởng quyền lợi trên hồ sơ hưu bổng của kế phụ.

Tuy nhiên muốn được hưởng quyền lợi hưu bổng, tàn tật hay tồn sinh của cha hay mẹ thì những người con còn phải hội đủ điều kiện về tuổi tác như:

– Trẻ dưới 18 tuổi và độc thân

– Tiếp tục được hưởng quyền lợi của cha hay mẹ đến tuổi 19 nếu ở độ tuổi này trẻ còn đi học toàn thời gian cấp trung học và độc thân.

– Trẻ bị tàn tật trước tuổi 22 và độcc thân sẽ tiếp tục hưởng quyền lợi này khi nào vẫn còn bệnh tật.

Đến năm 2016 kế phụ của cháu về hưu, nhưng lúc ấy cháu đã 26 tuổi rồi, quá độ tuổi là người con vị thành niên.

Theo chỗ tôi được biết muốn thi quốc tịch bằng tiếng mẹ đẻ thì:

– Người 50 tuổi trở lên phải là thường trú nhân ở Hoa Kỳ 20 năm

– Người từ 55 tuổi trở lên phải có thẻ xanh ở Hoa Kỳ 15 năm trở lên.

AH