Menu Close

Cô đơn cũng có thể đẹp – Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel trả lời phỏng vấn

LỜI GIỚI THIỆULề Chéo là một mục mới do nhà văn Phạm Thị Hoài đảm trách trên báo Trẻ. Khác Lề Trái, Lề Dân, càng không là Lề Phải hay Lề Đảng, Lề Chéo là cách một nhà văn băng qua giao lộ của suy nghĩ với tất cả tự do và độc lập của tác giả Thiên Sứ.

 

Đúng mười năm trước, tạp chí phụ nữ Brigitte đã có cuộc phỏng vấn Angela Merkel, ngay trước khi bà ra tranh cử rồi trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước Đức và từ đó đến nay liên tục nắm cương vị này. Phần trích dịch sau đây tập trung vào những khía cạnh riêng tư trong cuộc đời người phụ nữ quyền lực nhất thế giới này.

alt

Thủ tướng Đức Angela Merkel. ẢNH: DPA

Brigitte: Thưa Tiến sĩ Merkel, bà muốn chọn nói về chủ đề nào? Cô đơn hay sợ hãi?

Angela Merkel: Tôi chọn cô đơn.

Brigitte: Bà có sợ cô đơn không?

Angela Merkel: Không. Sau khi nước Ðức thống nhất, tôi hay phải nhớ đến một câu của Václav Havel: Một dân tộc đã quen sống trong áp bức thì thật khó có đủ ý thức để sử dụng tự do. Toàn bộ sức nặng của tự do, trong đó người ta phải tự chịu trách nhiệm cho mọi quyết định của mình, cũng bao hàm một chút thành tố cô đơn. Chúng ta thường liên tưởng cô đơn với buồn bã. Nhưng cô đơn có thể nặng nề, mà cũng có thể đẹp. Tôi rất tiếc cho những người không bao giờ biết trải nghiệm cảnh một mình, lúc nào cũng phải có ai đó xung quanh, hoặc phải nghe nhạc.

Brigitte: Bây giờ sang cặp phạm trù khác, tình yêu hay hôn nhân?

Angela Merkel: Tôi chọn hôn nhân. Nhưng tôi phải nói ngay rằng hôn nhân không phải là đối sách của tình yêu.

Brigitte: Bà đang sống trong cuộc hôn nhân thứ hai. Nhà văn Max Frisch từng hỏi: Qua đâu mà bạn thấy hôn nhân là một thiết chế tốt đẹp, qua kinh nghiệm của chính bạn hay của người khác?

Angela Merkel: Của chính tôi, dù tất nhiên tôi có thể nêu ra các trường hợp của bạn bè hay của cha mẹ tôi.

Brigitte: Vậy bà có cho phép hỏi, vì sao vợ chồng bà chung sống đến tám năm rồi mới cưới?

Angela Merkel: Tôi không muốn quá dễ dàng, không muốn lại có thêm một cuộc hôn nhân thất bại. Hơn nữa, tôi tuyệt đối không muốn người ta bảo rằng vì tôi là đảng viên của Liên minh Dân chủ Cơ Ðốc nên phải lấy chồng, và nếu không thì không thể trở thành Bộ trưởng Bộ Phụ nữ. Nếu không bước vào chính trị, chắc chúng tôi đã cưới nhau từ mấy năm trước rồi.

Brigitte: Ðàn ông hấp dẫn bà nhất ở điều gì?

Angela Merkel: Những người mà tôi thấy là chân thực thì nhìn chung đều hấp dẫn. Ngoài ra tôi thích những người đôi khi cũng biết im lặng.

Brigitte: Bà có ghen với đàn ông ở điểm nào không?

Angela Merkel: Có. Trong chính trường. Giọng đàn ông thường trầm hơn.

Brigitte: Và dễ có vẻ uy nghiêm hơn, trong khi phụ nữ…

Angela Merkel:… thì giọng dễ bị chuyển thành the thé.

Brigitte: Bà có tiếc là đã không có con không?

Angela Merkel: Không phải là tôi quyết định như thế, nhưng số phận muốn như vậy. Tôi không trách cứ số phận.

Brigitte: Nếu có con, bà có hình dung được là có thể trở thành một nhà chính trị thành công và lên đến đỉnh cao không?

Angela Merkel: Tôi vừa nói chuyện với bà Brundtland, cựu Thủ tướng Na Uy, về đề tài này. Phụ nữ nuôi con có lẽ sẽ bắt đầu sự nghiệp chính trị muộn hơn. Tôi có thể sinh con ở tuổi hai mươi, tức là năm 1990 con tôi đã mười lăm tuổi. Khi con cái đã tương đối lớn, phụ nữ cũng có thể thành công như trường hợp bước trái ngạch và khá muộn vào chính trị của tôi. Nhưng ở thời điểm bước ngoặt đó của nước Ðức, mọi chuyện phức tạp hơn.

Brigitte: Nhân bà nhắc đến bước ngoặt của nước Ðức, bây giờ bà chọn chủ đề nào, Ðông hay Tây?

Angela Merkel: Tây.

Brigitte: Có lần bà nói rằng ở bên Ðông thì chuyện vặt cũng bị để ý, còn ở bên Tây thì ngược lại, phải làm đủ thứ mới được chú ý. Nhận thức đó có khiến bà thay đổi không?

Angela Merkel: Theo quan sát của tôi thì ở bên Tây, người ta ít thông thạo cách đọc giữa hai hàng chữ. Vì thế có một thời gian tôi bị trách vì người ta không rõ tôi muốn nói gì.

Brigitte: Ðiều gì của phương Tây khiến bà thất vọng?

Angela Merkel: Ở phương Tây người ta có thể tự do bày tỏ quan điểm mà không bị tống ngay vào tù. Nhưng có nhiều cơ chế khiến người ta không thể nói thẳng ý kiến của mình. Tôi có phần thất vọng về điều đó. Người ta thường nói sau lưng, nhiều người không dám nói thẳng vào mặt người khác những điều không lọt tai người khác.

Brigitte: Từ đó bà rút ra điều gì?

Angela Merkel: Tôi rất cố gắng để khen ngợi những người cho tôi biết những điều không hay, những người nói thẳng ý kiến của họ cho tôi nghe.

Brigitte: Bà là Tiến sĩ vật lý. Nguyện vọng của bà cho bữa tiệc sinh nhật 50 tuổi là nghe một nhà nghiên cứu bộ não con người thuyết trình. Bây giờ bà muốn chọn đề tài nào, thuyết tương đối hay nghiên cứu não bộ?

Angela Merkel: Tôi chọn nghiên cứu não bộ. Vì không ai chờ đợi là tôi hiểu gì trong lĩnh vực này.

Brigitte: Ðề tài nóng nhất trong lĩnh vực này là: Các nhà nghiên cứu não bộ không tin rằng con người sở hữu một ý chí tự do.

Angela Merkel: Nghiên cứu não bộ hiện đại rất hấp dẫn, nhưng một số luận đề xuất phát từ đó khiến tôi nhớ đến cái nhận thức nhầm lẫn của các nhà du hành vũ trụ, họ bảo rằng: Chúng tôi đã vào đến vũ trụ, nhưng không tìm thấy Thượng đế ở đó. Các nhà nghiên cứu não bộ nên nhường cuộc tranh luận về ý chí tự do của con người cho các triết gia.

Brigitte: Vậy cuộc đời bà không chỉ là một loạt các truyền dẫn xung điện của tế bào thần kinh trong não…

Angela Merkel: Tất cả những gì tôi nghĩ, tôi cảm nhận, tôi nói, đều biểu lộ con người tôi. Tổng thể của một nhân cách không chỉ là tổng số những chi tiết có thể nắm bắt bằng khoa học. Nói cách khác: không thể đếm các nét cọ để biết một bức họa có phải là nghệ thuật không. Vì thế tôi rất yên tâm, tôi không thấy các ngành khoa học tự nhiên có gì đe dọa.

Phạm Thị Hoài dịch (Đức Quốc)