Menu Close

Mùa Xuân với bông hoa và ong bướm – Kỳ 1

Thời tiết lạnh mùa Ðông rồi cũng qua để nắng ấm mùa Xuân trở lại với vạn vật. Ở nhà quê bắt đầu mùa Xuân cũng là lúc các giống hoa nở rộ. Gần với mùa Tết có hoa mai vàng rực nơi các gốc mai trồng, nơi bàn ông thiên hay các nhóm mai mọc hoang cạnh bờ mương hoặc mọc rải rác nơi các bờ tre chắn gió giáp với miếng ruộng sau hè. Nhưng có lẽ mùa nắng ấm vào những ngày đầu năm rồi chuyển qua mùa Tháng Hai, Tháng Ba với các giàn mướp nở rợp những bông màu vàng như phơi mình trong nắng mới cũng là cảnh sắc góp thêm phần mời gọi bướm ong. Như sắp đặt của tạo hóa, nơi nào có bông hoa nở rộ nơi ấy sẽ có ong và bướm hút nhụy vậy.

alt

Ong đang hút nhụy hoa nơi giàn mướpẢNH TÁC GIẢ

Ong bướm thích hoa có lẽ trong nhụy hoa có mật ngọt. Các loài bông trong vườn có lẽ hai loài bông chuối và bông so đũa là nhiều mật hơn các loài bông khác. Nhớ hồi còn nhỏ, trẻ con chúng tôi ở vườn đứa nào cũng mê lượm bông chuối và bông so đũa để hút mật vì hai loại bông này vừa nhiều mật và vừa thơm nữa. Nhưng với ong bướm thì loại bông nào chúng cũng thích. Chẳng hạn bông tràm tới mùa mưa Tháng Ba ThángTư cả một rừng tràm vùng U Minh nở rộ và các đàn ong mật vào mùa này cũng là mùa xây tổ làm mật của chúng.

Hồi ấy, gần bốn chục năm về trước, có lần chúng tôi bất đắc dĩ phải vào rừng đốn tràm vào mùa tràm đang trổ bông, rải rác trong rừng chúng tôi gặp những đàn ong mật đang hút nhụy bông về làm mật nhưng chúng đâu biết có những người trẻ như chúng tôi đang làm công việc phải chặt bớt tràm rồi vài ba năm sau cả khu rừng tràm dày bịt chỉ còn trơ lại những gốc tràm khô không còn một nhánh nhỏ nào nữa. Ðó cũng là một tình cờ, cả ong và những người trai trẻ như chúng tôi không ai muốn làm những công việc đối nghịch nhau ấy, nhưng rồi cũng phải đành chịu. Rồi đàn ong mật lại di chuyển qua khu rừng khác và chúng tôi cũng đâu ở lại đó suốt đời. Thế là rừng và ong vẫn còn gặp lại nhau mỗi mùa bông tràm trổ những ngày mưa.

alt

Bướm đang lấy đôi chân dò xét một bụi hoa ẢNH TÁC GIẢ

Các loài ong không chỉ hút mật bông tràm, chúng còn hút nhụy nhiều loại bông khác nữa. Chẳng hạn chúng cũng mê bông thanh long không rời một tấc. Ngay cả các loài bông sống trong các ao hồ như bông súng, bông sen, ong cũng vờn quanh những cánh hoa mềm mại ấy. Tới loại bông mai chiếu thủy rất mềm và mỏng manh, ong cũng thích tìm cách hút nhụy những cánh hoa màu trắng với hương thơm lan tỏa nhẹ nhàng trong sương sớm.

Ðó là căn tính của các loài ong, mà nhứt là ong mật không thể rời xa những rừng hoa khoe sắc thắm nơi các khu vườn, nhưng bướm đâu dễ chịu thua ong bao giờ. Chúng cũng bay đôi cánh nhẹ của chúng và cũng tìm hoa như một thói quen khi biết thế nào là cái đẹp vô cùng hấp dẫn của các loài hoa.

alt

Ong đang say đắm với nhụy hoa loài mai chiếu thủyẢNH TÁC GIẢ

Nhưng nói gì thì nói, không thể không nhắc qua một chút về đặc tính của hai loài ong và bướm này. Phải thế không bạn? Trước nhứt, xin nhắc về bướm. Bướm vốn dĩ là “Loại côn trùng có cánh, nhiều màu sắc rất đẹp. Chúng sống bằng mật hoa và nhờ đấy, chúng đã mang hoa phấn đực sang hoa phấn cái và ngược lại, để có sự sinh hóa cho cây trái. Như một sự luân chuyển: bướm sinh sâu, sâu hóa bướm.”(1)

Và dĩ nhiên, trong mỗi loài trong vũ trụ đều có cái tài riêng của mình. Thế nên dân gian mới truyền miệng với nhau:

“Khá khen con bướm khôn ngoan,

Hoa tươi bướm đậu, hoa tàn bướm bay”.

Bướm đang chăm chú nhìn ngắm một đóa hoa đào.

Còn ong thì cũng là loại “Côn trùng có cánh mình eo, sau đít có vòi cứng như cây kim để chích và ghim luôn vòi ấy với nọc độc vào thịt kẻ thù; sống bằng nhụy hoa để gây ra mật nuôi ong (tùy loại)(2). Thế nên trong dân gian cũng truyền nhau câu ca dao:

“Vườn xuân hoa nở đầy giàn,

Ngăn con ong lại kẻo tàn nhụy hoa.”

alt

Rừng tràm đang mùa trổ bôngẢNH TÁC GIẢ

alt

Bướm đang chăm chú ngắm hoa.ẢNH TÁC GIẢ

alt

Bướm đang mải mê hút nhụy bông cúc.ẢNH TÁC GIẢ

alt

Bướm và hoa đào.ẢNH TÁC GIẢ

HT

Cước chú:

1/ Theo Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ, nhà xuất bản Khai Trí, Sài Gòn, năm 1970, quyển Thượng, trang 147.

2/ Theo Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ, sđd, quyển Hạ, trang 1116.