Những ngày cuối tuần, nhiều người cố “nướng” thêm một vài giờ trên giường để bù cho những hôm thiếu ngủ. Tuy nhiên, ngày nào cũng ngủ quá nhiều như thế lại là dấu hiệu bệnh hoạn. Theo một cuộc nghiên cứu mới đây, người nào ngủ nhiều hơn 8 tiếng một ngày có nguy cơ dễ bị đột quỵ (stroke) hơn những ai chỉ ngủ mỗi đêm từ 6 đến 8 giờ đồng hồ.
Kết quả cuộc nghiên cứu nói trên công bố trên tạp chí Neurology sau khi đã theo dõi khoảng 10 ngàn người ở độ tuổi 42-81 trong thời gian gần 10 năm trời, để ghi lại số giờ họ ngủ mỗi đêm, cũng như xem họ có bị đột quỵ hay không.
Trung bình trong 10 người thì có khoảng 7 người đã ngủ từ 6-8 giờ, còn 1 người ngủ hơn 8 giờ mỗi đêm. Những người ngủ nhiều bị nguy cơ đột quỵ cao hơn tới 46% so với những nguyên nhân khác.
Điều đáng ngạc nhiên là trong quá khứ người ta vẫn cho rằng thiếu ngủ mới dễ bị đột quỵ. Các nhà nghiên cứu suy luận rằng những đêm ngủ dài có thể đưa đến tình trạng gia tăng viêm sưng (inflammation) và từ đó đến các bệnh tim mạch.
Giấc ngủ kéo dài có thể là chỉ dấu cho biết có sự gia tăng nguy cơ bị đột quỵ nơi người lớn tuổi, nhưng cần được thử nghiệm thêm để có thể áp dụng trong y học. Đột quỵ không chỉ là nguy cơ duy nhất liên quan đến tình trạng ngủ quá nhiều. Các y sĩ còn có lúc coi thời gian ngủ như dấu hiệu cho biết bệnh nhân cảm thấy lành bệnh tới đâu. Nhưng ngủ quá nhiều có thể còn có điều gì tiềm ẩn.
Ngủ nhiều quá là một dấu hiệu xấu, vì lý do rất ít người có thể ngủ nhiều hơn nhu cầu cần thiết. Điều đó cho biết có gì tiềm ẩn liên quan đến sức khỏe, như trầm cảm, ung thư, thoái hóa thần kinh…, tóm lại không phải là dấu hiệu tốt.
Nếu bạn thích ngủ thêm vài giờ vào những ngày cuối tuần thì đừng băn khoăn làm gì. Thỉnh thoảng ngủ thêm không phải là biểu hiện xấu, nhưng nếu trở thành thói quen thường ngày, thì cần phải kiểm tra lại. Hiện nay các nhà nghiên cứu cho biết kết quả của họ cần được điều tra thêm nữa, nhất là tìm hiểu về những cơ chế còn tiềm ẩn.
Một số nguyên nhân gây bệnh tim
Ai trong chúng ta cũng biết về những yếu tố có nguy cơ gây ra bệnh tim cho một người. Như mập phì, bị tiểu đường, bị cao huyết áp chẳng hạn, tất cả đều dẫn tới rủi ro nhiều hơn. Rồi những “tật” như hút thuốc lá, không hoạt động mà ngồi nhiều quá cũng là những yếu tố nhiều người biết đến. Nhưng còn một nhóm thứ ba là những yếu tố nho nhỏ cũng gây nguy hại cho tim, chẳng hạn như:
1. Bỗng nhiên bực tức dữ dội
Một cuộc nghiên cứu mới đây trên 313 bệnh nhân bị heart attack tại Úc cho thấy tai biến này dễ xảy ra tới 8.5 lần hơn khoảng 2 giờ sau cơn giận dữ dữ dội so với cùng khoảng thời gian đó nhưng tâm tính bình thường. Họ mô tả trạng thái lúc ấy là “điên tiết”, “nổi khùng”, “không kiềm chế nổi”, tay nắm lại, có thể quăng ném đồ vật, gây đau đớn cho người khác hay cho chính mình. Cơn giận thường bắt đầu bằng một cuộc tranh cãi, đa số với người thân trong gia đình (42%) hoặc trong lúc làm việc (14%).
Để tránh nguy hại đến tim do bực tức thái quá, nên ráng kiềm chế cảm xúc, nhất là những người cao huyết áp, cao cholesterol hoặc hút thuốc lá. Những lúc gặp điều gây ra giận dữ, hãy tìm cách thư giãn hoặc giải trí. Cũng có thể dùng thuốc, như aspirin, sau cơn giận để có thể giảm nguy cơ bị heart attack.
2. Lo âu thái quá
Cũng cuộc nghiên cứu nói trên, cho thấy người lo âu thái quá có rủi ro nhiều hơn gấp 9 lần sẽ bị heart attack hai giờ sau đó, vì nhịp tim tăng, huyết áp tăng, mạch máu thắt lại và dễ bị nghẽn.
Các nhà nghiên cứu khuyên những người dễ bị nguy cơ bệnh tim nên tránh các họat động thái quá gây ra âu lo, tức bực, cũng như nên tự luyện giảm stress để hạn chế được cơn giận và các phản ứng phiền muộn lo âu. Ngoài ra, nên tìm cách giải trí, thư giãn.
3. Hoạt động thể lực bất thường
Từ 1990 đến 2006 mỗi năm có trung bình 11,500 tai nạn liên quan đến xúc tuyết, trong số này có 7% bị thương tật vì bệnh tim.
Khí lạnh làm co thắt mạch máu, và hoạt động thể lực này phải ráng sức nhiều, cả hai kết hợp lại gây nguy hiểm cho những người đã yếu tim sẵn. Các nhà nghiên cứu cho thấy những người trước kia đã bị bệnh tim, cũng như người có huyết áp cao, cholesterol cao, hút thuốc lá hoặc ít vận động, dễ bị rủi ro heart attack nhất trong khi xúc tuyết.
Nếu phải làm công việc này, nên dùng xẻng nhỏ để ít phí sức và thỉnh thoảng ngưng việc để nghỉ. Cũng đừng uống rượu và ăn quá nhiều trước hoặc sau khi xúc tuyết. Điều quan trọng là lắng nghe những dấu hiệu của cơ thể, lúc đầu chỉ là khó chịu, đau nhẹ nhưng rồi biến thành tức ngực, khó thở, phải ngưng việc ngay và tìm cách chữa trị.
4. Lạm dụng rượu và ma túy
Bệnh tim còn có thể gây ra do lạm dụng ma túy hoặc rượu. Tuy rượu đỏ có hiệu quả bảo vệ tim nếu dùng hạn chế, nhưng Hiệp hội Tim Hoa Kỳ cho biết uống quá nhiều rượu có thể làm tăng mức độ triglyceride và huyết áp, cũng như gây cho người ta ăn uống quá độ. Những yếu tố rủi ro đó có thể đưa đến bệnh tim hoặc tử vong vì tim.
5. Những bữa ăn thịnh soạn bất thường
Một cuộc nghiên cứu năm 2000 cho thấy người yếu tim có nguy cơ bị heart attack tăng gấp 4 lần vào hai giờ sau một bữa ăn nhiều thực phẩm.
Những bữa cơm ê hề thức ăn tạo cho cơ thể một số nguy cơ bị bệnh tim, vì làm tăng nhịp tim và huyết áp. Còn một số lý thuyết khác thì cho rằng vì các acid béo từ thực phẩm đi vào máu, hoặc tăng tỷ lệ insulin lên làm cho các động mạch vành bị thắt lại.

Ảnh minh họa. NGUỒN: LIFECHEATING.COM