Cưng gọi Mẹ (ặc ặc) mắng vốn Mẹ dùm em được hôn? (Ặc ặc ặc) Mẹ chỉ thuốc dỏm làm cho em khổ quá đi! Mà thuốc (ặc) có hiệu nghiệm gì đâu! Thuốc gì mà đắng muốn chết! Em có uống mấy thì cũng vẫn còn ho như cánh cửa gẫy bị bão gió dập nè.
– Anh sẽ gọi mà!
Nhưng anh đã không gọi. Linh Dương không bao giờ nói điều gì phật lòng người thân. Nói cho cùng thì vợ anh cũng đang khuấy tí khôi hài đau thương đấy thôi. Có con gái nhà nào mà gọi mẹ mình hỏi liều thuốc nam rồi lại đi mắng vốn mẹ đâu. Ngò Gai của anh thì lại càng không. Nhưng những lát chanh còn vỏ chưng cách thủy với tí muối quả thật đắng hơn hỏa ngục. Ngò Gai không đỏm dáng tiểu thơ, nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Quả thật chanh lát chưng cách thủy mẹ bày cho em tối qua không giúp gì cho em cả.
Cho nên, sáng hôm nay, em tìm về liều thuốc chính quy, mà tối hôm qua tuy mẹ đã gợi ý từ đầu, nhưng em không có đủ vật liệu vì các tiệm gần nhà đều đã đóng cửa. Nằm nghiêng 45 độ trên giường, em nhờ chồng đi mua một trái dừa và ít gừng. Giọng của em khàn đi sau mấy tuần mất ngủ và ho suốt.
– Cưng mua dùm em gừng già (ặc ặc, ặc ặc ặc). Nếu Cưng thấy có sợi xơ chìa ra (ặc) ở đầu, là được rồi (ặc ặc). Và nhớ chọn một trái dừa ngon nghe.
– Chắc chắn rồi, Cưng.
Họ vốn bình đẳng nam nữ. Họ gọi nhau bằng một cái tên chung, Cưng, và làm cho sự ngăn chia giới tính trở thành vô hiệu. Bằng hữu thường nói rằng họ đã vượt qua nhiều định chế xã hội. Nửa giờ đồng hồ trôi qua. Em ngủ chập chờn. Cuối cùng, cửa mở. Linh Dương vào, hớn hở đi đến giường.
– Anh tìm được hai trái dừa!
Ngò Gai kéo anh về phía em và giữ lấy anh trong cánh tay mình. Có lẽ em cần một vòng tay ôm chặt hơn là bất cứ linh đơn diệu dược nào trong lúc này. Họ đã sống ở hai bờ của nước Mỹ trong hai năm rưỡi qua. Em vừa đến tối hôm qua sau buổi đọc thơ ở Chicago. Họ không thể mừng ngày Tình Nhân với nhau, nhưng đối với một đôi vợ chồng lãng mạn đến tội nghiệp như họ, thì mỗi ngày đều là một tuần trăng mật. Ðó chính là lý do tại sao em chán ngán sự xa cách, chán ngán cái thực tế phải luôn luôn thay đổi giữa có và không có anh, và chán ngán cái sự vô lý rồ dại của biệt ly. Cho dù có lãng mạn hay không, bất cứ ai trong cuộc cũng thấu cái nỗi đau của một mối tình Tương giang đầu Tương giang vĩ. Và bây giờ, anh đã xin từ chức, bỏ công việc vững vàng và nhiều triển vọng ở Manhattan để đoàn viên với em ở La Jolla. Nếu cần, em nói, thì họ thà đi khất thực dưới phố cùng nhau, còn hơn là sống (ngay cả trong lầu son gác tía) ở hai nơi khác nhau.
Nghe Linh Dương nói đã mua dừa, Ngò Gai thấy hãnh diện vì chồng. Rốt cuộc thì anh cũng biết cách chăm sóc cho em. Em luôn cảm thấy anh như là một cậu bé con – và em phải chỉ bảo anh. Ai cũng cần phải tập làm vợ làm chồng sau ngày cưới (hay là trước đó, tùy theo hoàn cảnh mỗi người). Nhưng đối với anh, dường như anh cần phải thay đổi nhiều để thực sự hòa mình vào đời sống hôn nhân. Anh kể, lúc mười mấy tuổi, anh đã ‘biểu tình’ không giúp việc nhà, vì muốn làm một nhà tư tưởng! May quá, anh đã bỏ ‘biểu tình’ từ lâu, nhưng việc nhà thì ôi thôi, vẫn chưa chịu thạo! Em từ từ đi vào phòng khách và đến chiếc bàn gỗ nơi hai vợ chồng ăn cơm với nhau. Cái bàn này mua từ Ikea, nhưng nó cũng dùng được, và hợp túi tiền của những đôi vợ chồng mới ra riêng. Nằm đó, giữa những cái tách màu xanh Ðan Mạch và hoa quả đủ loại, là hai quả banh nâu tròn lông lá trừng mắt nhìn em. Em hét lên:
– Cái gì đây (ặc ặc)? Cái gì đây?
– Dừa anh mới mua! Linh Dương trả lời, đầy hãnh diện.
– Cưng mua dừa (ặc ặc) khô hả? Nhưng em có bao giờ mua dừa khô cho Cưng (ặc) uống đâu! Em chỉ mua dừa tươi (ặc ặc ặc) thôi mà!
– Anh chỉ tìm được có loại này thôi.
– Dừa này vô dụng! (ặc, ặc ặc)
Em thấy liều thuốc ho của mình tan thành mây khói. Vô vọng. Ngay trong giây phút mà em nghĩ rằng anh có thể cáng đáng được một việc rất nhỏ em nhờ, thì anh lại làm hỏng việc ngay. Em có thể trông cậy ở anh điều gì đây? Ngay cả việc phân biệt dừa khô và dừa tươi cũng không làm được! Trời ạ, em đã chặt dừa cho anh uống cả hai năm rưỡi nay. Ngay cả khi em ở bên bờ bên kia của nước Mỹ, em cũng chặt trước rồi để vào từng hộp nhỏ, cất vào tủ đá để anh tận hưởng khi em vắng mặt. Em nổi giận:
– Em làm gì (ặc) với của nợ này? Cưng đem trả lại cho (ặc ặc) C-Town đi!
– Anh sẽ trả.
Anh lẳng lặng đem dừa vào bếp cất, không nói gì để vuốt giận em. Em gọi Mẹ trên điện thoại cầm tay. “Mẹ coi đó. Ảnh đi vác dừa khô về (ặc ặc)!” “Không, không được. Phải dừa tươi kìa.” “Con đã nói ảnh rồi!” Tối hôm qua, sau khi cắn răng nhắm mắt ăn hết phần chanh đắng, em hỏi anh:
– Từ nhà mình đi Phố Tàu (ặc ặc) mất bao lâu hả Cưng? Một tiếng rưỡi (ặc)?
– Khoảng đó.
– Ngày mai nếu em vẫn ho (ặc ặc) thì Cưng có đi Phố (ặc) Tàu mua dừa cho em hôn?
– Anh chắc chắn sẽ đi, Cưng. Anh sẽ làm bất cứ điều gì cho Cưng.
Thế nên hôm nay, khi anh không thể chọn đúng loại dừa, em bực lắm. Bất cứ điều gì cho Cưng – nhưng xin đừng mua dừa khô mà! Em nấu tí nước sôi, nuốt ực, rồi trở lại giường, dung dưỡng cái bệnh cảm mà em mong là nó đừng đến. Anh lộn lui lộn tới một hồi, rồi tất cả âm thanh lắng xuống quanh em. Em thiếp đi, và trong giấc mơ, em thấy một người bạn cũ đang gặp nguy. Em đau lòng, và thức giấc. Em gõ vào thành giường. Anh chạy vội ra cửa trước, mở cửa, rồi khi không thấy ai, anh chạy ngược vào phòng ngủ.
– Cưng mới gọi anh hả?
Em không nói gì, chỉ chìa tay ra. Anh kéo em dậy. Họ đi đến bàn ăn. Có hai trái dừa thật lớn nằm một cách bàng quan trên bàn.
– Anh kiếm được ở trong chợ kế bên đường rày xe lửa. Tiệm nằm trên đường Center.
– Dừa ngon quá (ặc).
– Anh phải đi hỏi chủ chợ đó. Họ không có bày bán. Người quản lý phải đi vô trong kho để kiếm cho anh. Anh nói ổng chọn dùm trái nào tươi và nặng nhất.
– Cám ơn Cưng.
Em đi vào bếp, nhón chân lấy con dao lớn nhất, đặt tấm thớt lên kệ bếp, đứng lên ghế mà em thường dùng để lấy đồ trên những ngăn tủ trên cao, và giữa nhịp điệu đứt quãng của những cơn ho, em chặt phẳng một đầu của trái dừa. Em bắt đầu bằng cách khứa một vòng tròn xung quanh, rồi dùng con dao cắt bánh mì để xén vào lớp vỏ dừa có xơ xốp. Cũng không khó. Nhưng đầu kia mới khó hơn. Nhưng rồi cũng xong. Tuy vỏ có chỗ đã nâu đi, nhưng trái dừa vẫn còn rất tươi và dễ cắt. Em dừng tay, quay qua anh đang rửa chén trong cái bồn bên cạnh em.
– Dừa này ngon lắm Cưng (ặc)! Và gừng cũng ngon nữa! Em thấy nó (ặc) già lắm.
– Cám ơn Cưng!
Em vạt dừa xong, thì cắt một khoanh tròn làm nắp. Xong, em gọt gừng. Ðến lúc đó thì em mới phát hiện ra rằng gừng đã bị hư gần hết. Già thì già đó, nhưng đã hư rồi. Không thể nào chỉ nhìn thoáng qua việc gì mà có thể tin tưởng Linh Dương được. Trước tiên và nhất thiết, cần phải tìm hiểu chất lượng của việc anh làm một cách kỹ lưỡng. Ðang tập sự đi chợ, nấu thuốc mà. Anh kinh ngạc:
– Anh đâu có biết nó bị hư rồi đâu!
– Dĩ nhiên là Cưng không biết rồi (ặc). Không có sao. Lẽ ra em nên nói trước. Nếu nhìn gừng trong như vầy (ặc ặc), thì đã úng rồi. Lần sau thì Cưng sẽ biết.
Em gọt bỏ chỗ úng, còn lại một chút gừng tí teo. Em xắt mỏng và để vào trong nước dừa. Khi em đã chuẩn bị xong tất cả, Ngò Gai đặt trái dừa phẳng đít lên bếp điện tân thời và mở điện. Một dây khói mỏng bay lên. Rồi hai dây. Rồi thêm nhiều dây nữa. Những giọt nước trượt khỏi vỏ dừa và bốc khói trên mặt lò. Hơi nóng ép nước chảy ra từ vỏ.