Quyển “Người Việt Tại Ðông Âu Và Vấn Ðề Việt Nam” của Phạm Quốc Bảo do nhà xuất bản Việt Hưng California phát hành năm 1990 nói về vấn đề công nhân lao động Việt Nam tại Ðông Âu, tình cảnh khốn cùng của họ tại Tiệp Khắc, đồng lương công nhân không đủ sống vì bị nhiều tầng lớp bóc lột bao quanh, khiến họ phải làm những công việc phạm pháp, trong đó có phong trào buôn lậu thuốc lá phổ biến nhất. Một người tên Cao Văn Phúc, 34 tuổi, ở Wohnheim Ðông Ðức, đã nói với tác giả: Tình cảnh của tụi em hiện nay rất bế tắc. Công ăn việc làm sắp bị cúp ngang. Tiền bồi thường nghe nói tổng cộng khoảng ba ngàn tiền Ðức Mã [ Deutch Mark], nhưng chẳng có văn bản nào xác định cả. Còn tiền để dành đem về sẽ bị trấn lột tất! Tại phi trường này bị một chặng. Rồi về tới phi trường Gia Lâm bị thêm một chặng nữa. [Trang 54]
Cao Văn Phúc đi bộ đội khi mới 16 tuổi, cấp bậc đại uý, đơn vị chót là Sư Ðoàn 304, được chọn đi “hợp tác lao động” ngành xây dựng theo một thỏa thuận ký trước là 5 năm, tại nhà máy xi măng của thị trấn Wohnheim thuộc tỉnh Fuerstenwalde, cách Ðông Bá Linh khoảng 40 cây số. Ðiều đau khổ nhất đối với những người được chọn đi lao động như Cao Văn Phúc là họ bị bóc lột. Sự bóc lột đầu tiên là của người thông dịch tên Ðặng Kim Bảo. Không phải là bộ đội nhưng nhờ bốn năm trước đi học phương cách quản trị xí nghiệp tại Leipzig, Ðặng Kim Bảo thông thạo Ðức Ngữ, trở thành người trung gian duy nhất giữa nhóm công nhân lao động với nhà máy. Anh chàng này không làm bất cứ việc gì, nhưng được tất cả công nhân trong đội cung phụng và lo lót, chỉ vì họ phải nhờ anh ta thông dịch. Tự phong cho mình “thiên chức” giúp đỡ mọi người, nên Ðặng Kim Bảo bị công nhân đánh giá là…hắn đối với anh em trong đội đây như đảng và nhà nước ta trong nước hiện giờ vậy[Trang 58]– một nhận xét cho thấy tính cách quan liêu cửa quyền của nhóm “đầy tớ nhân dân,” nhưng luôn tìm cách khiến nhân dân phải khốn khổ.
Bị bóc lột ngay từ trong chỗ ở, những người công nhân Miền Bắc đi hợp tác lao động ở trong một phòng vuông vức 6 thước mỗi bề, có cầu tiêu nhà tắm, dành cho hai công nhân lao động. Trong phòng kê hai chiếc giường, mỗi chiếc một thước rộng hai thước dài, hai cái tủ đứng cao hai thước sâu năm tấc, và một cái bàn vuông một thước với hai ghế đều bằng mủ. Giá thuê mỗi người đúng 60 Ðức Mã / 1 tháng hồi trước tháng 12/ 1989, bây giờ tăng lên 139 Ðức Mã/ 1 tháng. Ăn tự túc, món thường trực là mì sợi (giống như mì to bản mầu vàng ngà nhưng rất bở), tối thiểu mỗi tháng tốn 200 Ðức Mã… [Trang 59 & 60]
Chính vì đời sống khốn khổ tù túng, khiến những công nhân ở Ðông Ðức rủ nhau buôn lậu thuốc lá. Hầu hết, nếu không nói là tất cả mọi người, đều kiếm đủ cách làm ăn thêm, ngoài giờ lao động chính. Chẳng hạn như chị Vương Thị Hoa vừa may trong hãng xưởng, vừa làm bánh cuốn, nấu bún xáo măng, bán lẻ thuốc lá Marlboro cho anh chị em công nhân ở cùng một tòa nhà. Phong trào buôn bán thuốc lá phổ biến trong giới công nhân lao độngViệt Nam tại Ðông Ðức phát triển từ tháng 12 năm 1989, sau khi bức tường Bá Linh đổ, người dân tự do đi lại giữa hai miền Tây và Ðông Bá Linh.
Nhà văn Phạm Quốc Bảo sinh năm 1943 tại tỉnh Nam Ðịnh, Miền Bắc Việt Nam. Ông là chủ nhiệm kiêm chủ bút Nguyệt San Ðối Thoại, Văn Khoa, Sài Gòn, năm 1966, là chủ biên Nhật Báo Người Việt Hoa Kỳ năm 1982-1993. Ngoài tên thật, nhà văn Phạm Quốc Bảo còn ký các bút danh Hà Quân, Hà Châu, Việt Linh…Những tác phẩm tiêu biểu của ông là Chiến Tranh Và Tuổi Trẻ Phương Tây (1969), Năm Dài Tình Yêu (1969), Vực Hồng (1975), Cùm Ðỏ (1985), Dâu Bể (1986), Gọi Bình Minh (1989)… Năm 1990 ông sang Châu Âu hai tháng, ở Paris, Stutgart, Tây Bá Linh, Ðông Bá Linh, Praha và Plezen, Dortmund và Bonn, tìm hiểu đời sống của người Việt Miền Bắc tại đây, sau đó đúc kết thành quyển sách Người Việt Tại Ðông Âu và Vấn Ðề Việt Nam – biên soạn về mảnh đời tan tác và từng bước vong thân của những người Việt tha phương cầu thực ở bến bờ Ðông Âu.

Nhà văn Phạm Quốc Bảo