Menu Close

Mắt đổi mắt một đổi một!

Khổng Tử ngày xưa có nói một câu mà bất cứ ai, theo hay không theo bất cứ tôn giáo nào, cũng thấy đúng. Ông than: “Làm người rất khó!” Cái khó ở chỗ đối nhân xử thế; chứ với chính mình thì sao cũng được. Trong đối nhân xử thế, có lẽ khó nhất là đối xử với kẻ thù của mình. Xử làm sao mà mình không mang tiếng tiểu nhân nhưng vẫn… thỏa lòng (hận). Ðức Chúa Jesus khuyên cứ để cho kẻ thù… tát mình. Ðức Phật Thích Ca thì khuyên nên làm ơn cho kẻ thù của mình. Hai lời khuyên ấy, xưa nay, ít người làm được. Khổng Tử, thực tế hơn, cho rằng nên báo oán bằng sự công bằng: dĩ trực báo oán! Nhưng “trực” thế nào cho… công bằng? Theo Bộ luật Sharia của Hồi giáo, sự công bằng này là… một đổi một; hay nói theo kiểu Tây phương là “mắt đổi mắt”, an eye for an eye.

alt

Ameneh Bahrami, ẢNH: LLUIS GENE / AFP

Trưa Thứ Bảy vừa qua, tòa án Iran đã dùng luật ấy để xử phạt một người đàn ông 30 tuổi tên là Majid Movahedi. Hồi năm 2004, Majid đã cầu hôn cô Ameneh Bahrami nhưng bị từ chối. Không biết do quá yêu hay vì cảm thấy… mất mặt nên Majid đã mua a-xít đem tạt vào mặt cô Ameneh. Sau đó cô được qua Tây Ban Nha giải phẫu nhiều lần nhưng cuối cùng vẫn bị mù hai mắt và đầy sẹo trên mặt. Ở tòa, cô từ chối nhận tiền bồi thường mà chỉ mong Majid cũng bị… mù như cô. Có lẽ vì Majid là đàn ông nên cô Ameneh không (thèm) nhắc đến đám sẹo trên mặt. Tòa cho phép cô nhỏ… a-xít vào hai con mắt của Majid. Thực ra án phạt có từ năm 2008 nhưng đến Thứ Bảy vừa rồi mới thực hiện. Nhiều nước (ở Tây Âu) mấy năm qua đã phản đối án phạt này mặc dù ai cũng đồng ý Majid quá dã man. Chính phủ Anh đã kêu gọi nhà nước Iran đình chỉ việc thực thi án phạt. Cô Ameneh giải thích rằng xử phạt như thế không phải chỉ để trả thù mà còn răn đe những kẻ đi… hỏi vợ. Lời giải thích này không phải là ngụy biện mà rất có lý. Phụ nữ ở mấy xứ Hồi giáo, xưa nay mất hết… nhân quyền; chỉ còn mỗi cái quyền nói Yes hay No khi được hỏi… cưới. Nếu không răn đe những kẻ như Majid, các cô gái Iran, thay vì để ý chiếc nhẫn hột xoàn cỡ mấy ly, phải để mắt coi nó có giấu cái bình xịt ở đâu không. Mất hết sự lãng mạn!

alt

Majid Movahedi

Giả sử xử như vậy là công bằng thì anh chàng Majid vẫn được lời hơn 10 năm giữ được cặp mắt sáng. Thậm chí, theo lời cô Ameneh trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2009, Majid chỉ bị “xử” một… con mắt thôi. Lý do, theo luật ở Iran, một người đàn ông giá trị bằng hai người đàn bà. Tuy nhiên, có lẽ nhờ Tòa nghĩ lại, nhìn một mắt thì không rõ bằng hai mắt chứ không phải chỉ nhìn được một nửa. Dù nhìn được một nửa vẫn tốt hơn vạn lần đối với sự mù lòa hoàn toàn. Thành ra, dù luật có cho một người đàn ông đổi được cả mớ đàn bà vẫn không thể áp dụng trong vụ án này.

Có lẽ khái niệm “trực” của Khổng Tử vẫn mang tính tương đối. Không bao giờ có được sự công bằng tuyệt đối. Cuối cùng cô Ameneh vẫn bị mù, nhan sắc tiêu tan. Thánh Gandhi bên Ấn Ðộ hồi trước có nói: “Trả thù kiểu “mắt đổi mắt” thì cả thế giới sẽ mù luôn”. Tuy nhiên, chính Gandhi sau này cũng bị ám sát. Ðức Chúa Jesus ngày xưa lại bị đóng đinh trên thập giá. Vậy những người thường như chúng ta phải nên đối xử như thế nào với kẻ thù của mình?

Ðúng là làm người khó quá!

alt