Câu chuyện Sony bị đạo tặc hành hung, cướp phá thoạt tiên là sự nhũng nhiễu, rồi trở thành cuộc đọ trí giữa các chuyên viên điện toán, một phe đi trộm cắp phá phách, phe kia đi truy tầm thủ phạm và nghiên cứu cách trộm cắp hầu phòng ngừa về sau và sau cùng là việc thách đố ngoại giao giữa hai chính phủ. Con ông Kim và cháu chú Sam tha hồ lời qua tiếng lại. Từ một cuốn phim hài hước nhạt thếch, xếp hạng ba hạng tư, thọt lét mà chẳng ai chịu cười, “The Interview” trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của bá tánh.
Về mặt quốc thể, cư dân Huê Kỳ nóng mặt vì nghĩ rằng đất nước họ bị Bắc Hàn dọa nạt, hiếp đáp. Uýnh sập Sony là một cái tát tai cho… cả nước! Không mấy ai hiểu được đằng sau bức màn sắt, lãnh tụ được tôn là thần thánh vì cư dân Huê Kỳ chê tông tông thẳng tay, chế giễu sướng miệng thì thôi! Khi Sony lên tiếng ngưng chiếu cuốn phim là bá tánh sôi nổi khó chịu. Ngược lại, dân Bắc Hàn căm giận vì Huê Kỳ dám làm phim ảnh bêu riếu lãnh tụ anh minh. Họ không thể nào hiểu được rằng ở miền đất xa xôi kia, tổng thống hay bà con anh em … hễ không được ưa chuộng vì bất cứ lý do gì là bá tánh bĩu môi chê cười thoải mái.
Riêng phản ứng và cách hành xử đối với nhân viên và thế giới bên ngoài của Sony đã trở thành một bài học khá lớn về quản trị kinh doanh.
Công ty bị đạo tặc quấy phá, tên đầy đủ là Sony Pictures Entertainment, Inc. (SPE), là “con cái” của tập đoàn Sony, chuyên sản xuất phim ảnh cho màn ảnh nhỏ, television, và màn ảnh lớn, phim trường, rạp xi nê. Sau khi mua trọn phim trường Columbia Pictures Entertainment vào năm 1989 với 3.4 tỷ Mỹ kim, SPE làm ăn buôn bán rầm rộ; đến năm 2011 thì chiếm giữ khoảng 12.5% thị trường phim ảnh, và trở thành phim trường lớn thứ ba của thế giới. Mãi lực của SPE vào năm 2012 khoảng 8.5 tỷ Mỹ kim. Phim trường này sản xuất một số phim nổi tiếng như Spider-Man, The Karate Kid, và Men in Black và vài chương trình truyền hình tên tuổi như Jeopardy!, Wheel of Fortune.
Công ty “mẹ” Sony Corporation, hay Sony, là một tập đoàn thương mại gốc Nhật Bản, làm ăn buôn bán tại nhiều quốc gia trên thế giới; trụ sở chính tại Konan Minato, Tokyo, Nhật. Sony buôn bán rầm rộ trong nhiều lãnh vực, từ kỹ nghệ chế tạo vật dụng điện tử (tủ lạnh, tivi, máy điện toán…), trò chơi điện tử, giải trí, đến sản xuất phim ảnh và cả tài chánh. Năm 2014, Sony xếp hạng 105 trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới, Fortune Global 500.
Ðạo tặc tấn công công ty “con”, Sony Pictures Entertainement. Trụ sở của Sony Pictures Entertainment đặt tại Culver City, California, Hoa Kỳ và sếp lớn là ông Michael Lynton.
Cơn nhức đầu của Sony Pictures bắt đầu vài ngày trước lễ Tạ Ơn khi công ty nhận ra rằng hệ thống điện toán của họ bị đạo tặc xâm nhập, mất mát hay hư hại những gì thì chưa rõ.
Phản ứng đầu tiên của ông sếp lớn chỉ là ‘chuyện nhỏ’, ‘chuyện riêng’ của Sony, chắc chỉ vài ngày rồi đâu lại vào đó. Nhưng rất nhanh chóng, họ nhận ra rằng đây là một trận đánh cướp quy mô khi 7,000 nhân viên đến văn phòng làm việc, mở máy điện toán và trên màn hình là những hình ảnh khủng khiếp của ông Lynton bị bêu đầu! Tạm hiểu là toàn bộ hệ thống điện toán của Sony Pictures bị xâm nhập và điều khiển từ xa. Phản xạ đầu tiên là công ty đóng cửa hoàn toàn hệ thống truyền thông qua dàn máy điện toán, không còn điện thư, điện thoại… giữa nhân viên. Một số nhân viên cao cấp được trao BlackBerry để dùng tạm và những người khác dùng điện thoại riêng để trò chuyện qua tín hiệu. Và nhóm kỹ thuật của công ty bắt đầu công việc sửa chữa…
Mấy ngày đầu, vụ đánh cướp dữ kiện được nhìn ngắm như bị chơi khăm, bị quấy nhiễu… nên Sony Pictures chỉ thông báo rằng họ gặp khó khăn với dàn điện toán. Nhưng chỉ sau một tuần lễ thì Sony Pictures hốt hoảng bàng hoàng nhận ra rằng cả núi tài liệu đã bị đánh cắp, kho dữ liệu bị dọn sạch sẽ và 75% hệ thống server bị hủy hoại hoàn toàn. Mọi tài sản quý giá đều biến mất. Hợp đồng, sổ lương bổng, ngân sách sản xuất phim ảnh, bệnh sử cũng như số An Sinh của nhân viên, thư từ riêng tư… và cả 5 cuộn phim mới keng chưa trình chiếu lần nào!
Với sự trợ giúp của FBI, họ nhận ra rằng đây là vụ tấn công [bằng kỹ thuật điện toán qua mạng ảo] lớn nhất nhắm vào một công ty trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Thế rồi đạo tặc đăng đàn công bố các tài liệu đánh cắp, và bá tánh kìn kìn rủ nhau đến dòm xem các tai mắt của Sony Pictures đã xì xào bảo nhau những gì… tệ hại nhất là những mẩu thư riêng nói lời không đẹp về một người thứ ba, như ông tông tông Hoa Kỳ và tài tử điện ảnh tên tuổi khác… Các tai mắt của Sony Pictures đành ê ẩm gõ cửa xin lỗi những người bị xúc phạm.
Khi tìm hiểu kỹ lưỡng từ các tài liệu do chính đạo tặc công bố, thì bá tánh đọc ra rằng trước khi tấn công, đạo tặc đã cảnh cáo Sony Pictures, đòi công ty này phải trả một số tiền nếu không muốn bị đánh phá! Lá thư tống tiền kia kẹt lẫn trong núi thư từ của sếp lớn nên Sony Pictures không hề hay biết đến lời cảnh cáo và tống tiền! Trong thư gây chiến, đạo tặc chỉ mặt Sony Pictures cáo tội xúc phạm đến lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Ân và từ đó cảnh cáo thêm rằng nếu không ngưng chiếu “The Interview” sẽ có trận tấn công quy mô cỡ biến cố 9/11!
Ðối mặt với chuyện trong nhà đang nát như tương Tàu, lại bị đạo tặc dọa nạt thêm phần các công ty chủ rạp xi nê lắc đầu không muốn dính líu đến chuyện lôi thôi, khủng bố nên ông Lynton đăng đàn thông báo ngưng chiếu cuộn phim ồn ào nọ. Thế là bá tánh lại nổi giận, chính ông Tổng thống Huê Kỳ cũng khó chịu mà lên tiếng chê Sony chết nhát, tại sao lui bước trước côn đồ, không tha thiết chi đến quyền tự do ngôn luận nữa chăng?
Ðằng sau bức tường bao bọc công ty, các tai to mặt lớn của Sony Pictures đang bối rối lắm, họ loay hoay không biết phải xử trí ra sao ngoài việc đi xin lỗi xin phải và …nín khe.
Ði từ việc không nhận ra mức hư hại to lớn của trận tấn công, đến việc phản ứng quá chậm chạp rồi lúng túng trước bá tánh. Nôm na là các sếp điều hành Sony Pictures không biết cách xoay trở, hành xử khi gặp sóng gió!?
Thế rồi cơn sóng dữ cũng từ từ đi qua, Sony Pictures kiếm được ít tiền lẻ, có thể là nhiều hơn so với việc trình chiếu khi gió thuận mưa hòa vì “The Interview” là một cuốn phim như hạch! Và khi theo dấu chân trong không gian ảo thì ta nhận ra rằng, trận tấn công kia đến từ các server tại ngoại quốc và mang dấu vết của nhóm “Dark Seoul”. Ðạo tặc đánh cắp mật mã của một nhân viên cao cấp, có đủ chìa khóa để mở mọi loại trương mục trong công ty, rồi từ đó kìn kìn khuân đi tài liệu.
Ðánh cướp xong đạo tặc bêu riếu Sony Pictures qua việc công bố tài liệu làm ăn buôn bán và thư từ riêng tư của công ty này. Ông sếp lớn Michael Lynton hơi chậm chạp khi ngần ngại sử dụng luật pháp. Nghĩa là ông ấy có thể dùng luật pháp mà cấm các hãng thông tấn sử dụng tài sản đánh cắp, của phi nghĩa không được xài khơi khơi, luật pháp đất nước nào cũng bảo vệ quyền tư hữu. Mãi đến hai ba tuần lễ sau khi đạo tặc công bố tài liệu đánh cướp mới thấy luật sư của Sony Pictures lên tiếng yêu cầu các hãng thông tấn ngưng sử dụng của ăn cắp! Muộn màng!
Bài học khác từ Sony Pictures? Phản ứng nhanh hơn khi bị đánh cướp, đừng để đạo tặc hăm dọa nhưng quan trọng nhất vẫn là đừng viết ra những dòng chữ mà ta không muốn bá tánh đọc! Câu nói của cổ nhân ta “bút sa gà chết” vẫn còn khá chính xác trong thời đại @.
