Lê Văn Ngăn sinh ngày 15.1.1944 tại Quảng Điền – Thừa Thiên mất ngày 27.2.2015 tại Qui Nhơn
Trước 75, Lê Văn Ngăn sống ở Đà Lạt, làm việc trong cơ quan Quân Tiếp Vụ.
Những tập thơ đã in :
– Vào Một Thời Im Bóng ( 1974 )
– Viết Dưới Bóng Quê Nhà ( 2008 )
Thơ Lê Văn Ngăn trong tập Vào Một Thời Im Bóng mang những nét đẹp riêng, vừa cổ kính vừa hiện đại. Thơ sau 1975 lời giản dị, mộc mạc, ý và tình không còn bay bổng nữa, nhưng nhờ sự chân thành nên gây cảm xúc.

Lê Văn Ngăn
Trên sân ga
Quê hương đang trải mình ngoài cửa sổ phòng đợi
những mái nhà, dòng sông, nền trời cao, những kỷ niệm một thời chung sống
Quê hương ấy, chẳng bao lâu nữa tôi sẽ chia lìa.
Tôi sẽ đến một nơi chưa bao giờ đến
nơi không cha mẹ anh em
nơi của hạnh phúc thường nhuốm màu cô quạnh
Nơi ấy,
tôi chưa biết thu xếp thế nào về một cảnh đời khác lạ.
Tạm biệt những người bạn, xin các anh sớm trở về với cuộc vui dưới nền trời sao
Tạm biệt em, người đàn bà đã đi cùng tôi qua những chặng đường mưa rét
Sắp tới, nếu gặp được người đàn ông nào khá giả và yêu em
xin em cứ bỏ tôi để lo xây đắp những ngày hạnh phúc muộn màng.
Tạm biệt, tạm biệt
rồi ai cũng phải đến lúc ra đi một mình
đi một mình với hình bóng quê hương thân yêu vừa từ giã.
Bên hồ Thủy Ngữ
Gió đưa tình ta sang xa nhau
Thời xuân thu gió thổi ngang đầu
Quyến luyến mùi hương anh mang áo dạ
Bóng đổ tường nghiêng một ngọn đèn dầu
Mắt thắm nghìn khơi không đổi hướng
Rèm thiên thu còn hỏi trông tin
Bước đi dưới rừng dương liễu dậy
Sóng biển bừng lên sóng biển chìm
Anh lại lui về thành thị cũ
Soi mắt em trong tấm gương mờ
Ngó qua mái ngói mây trời đục
Biết đến đêm này khuya có mưa
Vang hưởng từ khi em cười nói
Là quanh đời tiếp tiếp truyền đi
Lãng du đưa đẩy chân dừng lại
Nỗi vui thầm mấy lá biệt ly
Ngồi ở thành Tây hồ Thủy Ngữ
Chân thuyền quyên ơi anh lát gạch hồng
Bông sen hồng bông sen còn lá
Tình anh rồi nước trải giòng sông
Ðêm có khi anh nằm nghiêng mặt
Nghe bến chờ thoảng điệu hành vân
Tưởng người quân tử chưa thành vận
Gảy độc huyền ca gọi tình nhân
Tù và vang thúc lòng xe ngựa
Tiếng chân anh lẫn tiếng cổ thành
Ôi giấc hoàng thu càng nặng nợ
Dẫu xa người yếm trắng thủy thanh
Ví dụ, một vẻ tàn phai
Năm tôi hai mươi tuổi
một điếu thuốc cháy tàn trong góc quán
những sợi mưa thầm trên mặt sông
bóng đêm trên cây vông tầng lá tối
vông sẽ nở
trời sẽ hết bóng đêm
và tôi sẽ không còn ngồi nơi góc quán này.
Năm tôi ba mươi tuổi
cũng một điếu thuốc cháy tàn trong góc quán
hạt lệ nào long lanh
chảy lờ mờ qua trí nhớ.
Chẳng có gì khác trên dòng dây điện trời mùa đông con quạ kêu
chẳng có gì khác ở cuối đường mưa tím ngắt
chẳng có gì khác ngoài hồn tôi mịt mù.
Này hạt thanh xuân tôi tặng em
tặng những tàn phai không mỉm cười không nức nở
những rộn rã của một đời người
không bằng âm vang tiếng guốc.
Nhớ không
cây sung cây vả đầu cổng trường hay trên bờ sông
những tấm lưới giăng ngày mưa bão hay tiếng ca-nô khi lá muối vàng
Em đã nghe gì
em đã mất gì.
Em đã nghe gì
không phải tiếng áo bay cùng tiếng lá bàng
không phải nghe đôi vòng xe tuổi trẻ
chạy êm đềm qua sơn khê
Hãy giống mắt nhìn qua hỡi người đã khuất sau cánh hoàng đồng
em đã nghe gì
em đã nhớ gì.
Em đã nhớ gì
không phải nhớ người đàn ông già sau quầy hàng
trở về từ Marseille hát bài Les Feuilles Mortes
không phải nhớ dĩa hát mòn quay giữa trời mưa
và que diêm bật lên trong đêm sắp Tết.
Chẳng nhớ gì hết
chẳng còn gì hết
chẳng mất gì hết
chẳng có tiếng huýt gió chạy dưới song sắt
và sau khi em ngủ một giấc dài
chiếc cầu hết người qua lại.
Này đây bàn tay em
phấn hương nào bỡ ngỡ nào
bàn tay căng chiếc ô dưới ngọn đèn hai mươi nến
bàn tay cài lại cổ áo choàng
Này đây bàn tay cầm bút Parker và trang giấy vở
cùng bàn tay dắt những đứa con.
Chẳng nhớ gì hết
hay nhớ tiếng trompette bên kia khu tư
và em ngửa mắt nhìn trời.
Kẽ lá thưa
kẽ lá thưa không có tuổi già
chỉ có chiếc khăn len trắng tháng mười
chỉ có chuyến đò lạnh lẽo nhưng lòng kề nhau.
Năm tôi hai mươi tuổi
một điếu thuốc cháy tàn trong góc quán
năm tôi ba mươi tuổi
cũng một điếu thuốc cháy tàn trong góc quán.

Đinh Cường