Nhà văn Chu Trầm Nguyên Minh (1943-2014) tên thật là Trần Ðức Tâm tức Phạm Minh Tâm, nguyên quán tại Phú Bình, Hàm Liêm – vùng ngoại ô Phan Thiết, từng trải qua quãng đời niên thiếu gian nan, khốn khó. Ông là giáo sư dạy Toán và cũng là Trung Úy Bộ Binh, bị học tập cải tạo tại A 38. Ngoài truyện dài Bài Hoan Ca ở A 38, ông còn viết Con Bách Thảo Cái, Tội Ngu, và những tuyển tập thơ như Trong Mặt Trời Buồn (1967), Quê Hương Thơ Và Nước Mắt (1968)…; những bài thơ phổ nhạc Lời Tình Buồn, Về Thôi Em, Biển Tình Anh…;truyện ngắn Con Chuột Cống, Cún, Có Duyên Thì Gặp…

Nếu như sứ mạng của con người ở trên trái đất này là để ghi nhớ như lời Henry Miller viết, thì quả thật Chu Trầm Nguyên Minh đã ghi nhớ rất nhiều điều trong Bài Hoan Ca ở A 38 – tác phẩm của ôngdo Tương Tri. Com xuất bản tại Hoa Kỳ ngày 04 tháng 03 năm 2014.
Những ngày cuối Tháng 3, các báo Sài Gòn liên tiếp đưa tin chiến sự, cộng sản đã chiếm Ban Mê Thuột, Huế, Ðà Nẵng…và lệnh “di tản chiến thuật” của chính Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa coi như phá sản… Ðầu Tháng 4, sư đoàn 10 hợp cùng sư 320 và sư Sao Vàng của cộng sản chiếm Nha Trang. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nhận định: Mất Xuân Lộc và Phan Rang là mất Miền Nam, Phan Rang thành “lá chắn thép,” chận đường bộ và đường duyên hải của cộng sản. Tập trung một lực lượng hùng hậu, Sư Ðoàn 6 Không Quân, Lữ Ðoàn 2 Nhảy Dù, Sư Ðoàn 2 Bộ Binh, Liên Ðoàn 31 Biệt Ðộng Quân…10,000 quân, máy bay tại chỗ và từ Biên Hòa sẵn sàng yểm trợ 150 chiếc F.105. Khí tài hùng mạnh, bộ chỉ huy tiền phương đóng ở sân bay Thành Sơn do Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư Lệnh Quân Khu 3 chỉ huy, quyết “tử thủ” Phan Rang. Khí thế ngất trời… [trang 23]
Ðến một tuổi nào đó, tự dưng người ta nhìn sự vật chung quanh bằng ánh mắt thiết tha và thấu hiểu.. Chu Trầm Nguyên Minh đã dùng ánh mắt như vậy khi nhìn về quá khứ, sống trong thực tại, và nhận diện tương lai. Chiến tranh không chỉ là tàn phá và hủy diệt, chiến tranh còn là chia ly và đọng lại những âm ba dư chấn không bao giờ nguôi, trong tâm hồn của những người từng sống trong tháng năm chinh chiến. Trái tim của họ chưa từng được chữa lành, như hòn tên mũi đạn truy sát thường dân, truy sát từng mảnh đời bất hạnh đến vô tận, để cuối cùng cuộc đời chỉ thấy hoang phế, cô liêu. Cho mãi đến về sau, Chu Trầm Nguyên Minh còn nhớ:
Khoảng tháng 7, như đã xong năm học, tàn tích văn hóa đồi trụy đã sạch, bệnh viện cũng đã xong nhiệm vụ, không còn nhiều thương binh như trước. Buổi sáng cán bộ N đến, tập họp giáo sư biệt phái vào phòng họp. Cán bộ N sau khi đã cảm ơn sự có mặt “kịp thời” và “đúng lúc” và….sự cống hiến nhiệt tình …của các đồng chí… Ðảng và cách mạng sẽ ghi công. Thành phần “biệt phái” của Duy Tân là trên dưới 10 người, ngồi yên lặng, chờ đợi. Một chiếc xe lam chạy vô sân trước phòng giáo sư, bỏ xuống những cái túi. Cán bộ N nói tiếp… anh em phải đi học tập chính sách… Ðây là việc bình thường. Thời gian học chính sách… hơn một tháng thôi… Hắn và đồng nghiệp biệt phái như hắn được chính cán bộ N trao tận tay một bao thư 3.000 đồng, và một bao gạo 30 kg…, rồi nói….các anh đem về cho vợ con…Hắn tần ngần, nỗi ngậm ngùi nặng trĩu nơi lòng… rồi xốc bao gạo lên vai và bước nhanh ra khỏi cổng trường. Hắn bỏ lại sau lưng biết bao kỷ niệm vui buồn, biết bao khuôn mặt học sinh thân thương. Hắn bỏ lại sau lưng chính cuộc đời hắn. Ðó là những bước cuối cùng, hắn không còn trở lại ngôi trường thân yêu này thêm một lần nào nữa. [trang 38]
Chu Trầm Nguyên Minh đã nhìn lại và nhớ về quá khứ, như nhìn căn nhà thân yêu của một người bạn cùng bị đi cải tạo đã chết trong tù. Cuộc bể dâu cuộn theo biết bao cuộc đời dâu bể. Một đổi thay như một trận cuồng phong bất ngờ thổi qua cánh đồng xanh bao năm bình lặng, làm dậy sóng mặt hồ tịnh yên, làm gãy đổ lòng người, làm những cuộc chia ly mang theo cái chết…[ trang 253]
Những cuộc chia ly mang theo cái chết dư đầy bi kịch như vậy, bàng bạc trong Bài Hoan Ca ở A 38.