Menu Close

Bài thơ vườn thẩm

Ngàn năm cổ lục còn ghi

Lục Du, tự Vu Quan, người đời Tống. Ông chẳng những nổi tiếng yêu nước và thơ hay mà còn để lại một thiên tình sử diễm lệ. Chuyện kể: Năm 19 tuổi, Lục Du (1125-1210) đến Tiên An để dự thi Tiến Sĩ. Thi không đỗ, ông lưu lại nhà cậu ruột là Đường Trọng Tuấn và kết hôn với con gái của cậu là Đường Uyển. Ông sống với Đường Uyển rất hạnh phúc. Điều trớ trêu là bà mẹ Lục Du rất ghét con dâu, cháu gái mình. Bà bắt Lục Du ly hôn với Đường Uyển. Sau đó Lục Du lấy vợ khác. Đường Uyển kết hôn với Triệu Sĩ Trình về sống ở Chiết Giang.

   Thời gian trôi qua. Bảy năm sau, 1155, vào một ngày xuân, Lục Du tới thăm khu vườn của một người họ Thẩm – khu vườn này thường được gọi là Thẩm Viên – Vườn Thẩm, một thắng cảnh nay còn di tích ở Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang. Tình cờ trong chuyến du phương thảo địa này, Lục Du gặp vợ chồng Triệu Sĩ Trình – Đường Uyển. Đường Uyển bảo chồng mở tiệc rượu trong vườn mời Lục Du. Ông cảm khái làm một bài từ theo điệu Thoa Đầu Phụng rất diễm lệ nhưng cũng rất bi ai:

Tay mịn hồng

Rượu hoàng đằng

Đầy thành xuân sắc, liễu tường cung

Gió đông ghét

Tình vui hiếm

Lòng ngổn ngang sầu

Bao năm chia cách

Lầm! Lầm! Lầm!

Xuân như xưa

Người héo hon

Lệ hồng thấm ướt khăn lụa giao

Hoa đào rụng

Ao, lầu lặng

Thề non tuy còn

Gấm thư khó gởi

Không, không, không

(Bản dịch của Tạ QuốcTuấn)

   Về sau việc nước cuốn Lục Du vào cơn gió bụi đến nỗi cái chết của Đường Uyển ông cũng không hay biết. Ba mươi bảy năm sau ngày Đường Uyển chết buồn thảm vì thương nhớ Lục Du, nhất là sau lần gặp lại ông ở Vườn Thẩm, lúc này Lục Du đã 68 tuổi, ông mới trở lại vườn xưa. Lòng bồi hồi cảm động, ông đề trên vách một bài thơ nói lên tình yêu không phai nhạt đối với nàng. Năm bảy lăm tuổi, Lục Du trở lại Vườn Thẩm lần thứ ba, và làm bài thơ sau đây:

Bóng xế thành xưa ốc gợi sầu

Đài cao Vườn Thẩm cảnh xưa đâu

Dưới cầu nước biếc trông đau ruột

Đây bóng hồng soi thoảng lúc nào

Mộng đứt hương tàn bốn chục thu

Liễu già Vườn Thẩm chẳng bay tơ

Thân này thành đất Kê Sơn nữa

Vẫn nhỏ dòng châu khóc dấu xưa

(Bản dịch của Xuân Tùng)

Đây là bài thơ tình tiêu biểu của Lục Du viết cho Đường Uyển. Sau này lúc đã ngoài tám mươi tuổi cho dù sức mòn lực kiệt, ông vẫn tới Vườn Thẩm mấy lần nữa, nhìn tường xiêu vách đổ nhưng những dòng thơ tình trên vách vẫn còn được bụi rêu che giữ.

   Như vậy là Lục Du đã làm nhiều bài thơ cho Đường Uyển. Nhưng người đời thường nhắc nhiều đến bài thơ Vườn Thẩm trích dẫn trên. Chắc hẳn vì cái tình không cạn, cái mộng không dứt. Do đó đến Vườn Thẩm trong những ngày xế chiều của đời người, Lục Du vẫn tìm được bóng dáng của nàng dưới dòng nước biếc! Đó là một tình yêu nồng nàn và chung thủy trong kho tàng thơ cổ Trung Hoa.

   Người thời nay như tôi, xem cổ lục đọc Lục Du, lòng không khỏi có mối đồng cảm sâu sắc. Sao chuyện giống mình vậy cà. Nhớ lần qua cầu ngày nọ, chia tay cùng người. Rồi trở lại con đường Barranca, qua khu Woodbridge, thấy cầu thấy dòng nước biếc, mà chẳng thấy bóng người áo màu hoa lilac thuở nào. Mùa xuân lại về. Lục Du ôi Lục Du. Đường Uyển…

(Viết theo tài liệu của Xuân Tùng và Tạ Quốc Tuấn)

alt

Tranh: Đinh Cường

SK