Cây mai lớn lắm, dễ chừng cao hơn nóc nhà. Mỗi năm, lúc gần Tết, ông nội tôi lại bắt thang lên tỉa lá. Ông bỏ ra cả ba bốn ngày công mới tỉa hết những chiếc lá mai. Cứ như thế, năm nào chúng tôi cũng có được một cây mai nở rực trước sân nhà.
Ông nội tôi rất quý cây mai này. Lúc nhỏ chúng tôi bị ông la hoài vì cái tật hay leo trèo lên thân mai sần sùi kia. Càng lớn, tôi càng yêu gốc mai. Trông nó gân guốc vì trải qua bao cảnh đời, trong đó có kỷ niệm ấu thời của tôi với những vết khắc lâu ngày để lại những dấu thẹo u nần, già dặn gió sương.
Theo ông nội tôi, khu vườn nhà không có gì đáng quý hơn cây mai ngót nghét cả thế kỷ rồi. Mùa xuân đến, những người đi ngang nhà tôi, ai cũng bỏ ra vài phút đứng lại để thưởng thức những đóa mai nở sáng trong vườn. Cây mai nổi tiếng đến nỗi người ta đặt tên cho nhà nội tôi là nhà ôn… Mai. Mỗi lần đi đường gặp người quen trong làng, tôi hay chào họ và thế nào cũng được họ đáp lại: “Cháu ôn Mai đó hỉ?” hoặc, “Cháu ở nhà ôn Mai phải không?”… đại loại là như thế.
***
“Hay mình đuổi hắn đi cho khuất?”
“Răng ba lại noái rứa? Đuổi hắn đi thì con Khuyên sẽ chết.”
Ba tôi nhỏ giọng nói với nội tôi trong phòng. Buổi tối. Tôi xuống nhà bếp rót ly nước. Đi ngang phòng nội tình cờ nghe được mẩu đối thoại trên. Tôi trở lại phòng, trùm mền kín đầu nhưng lời nói của ba tôi và ông nội vẫn còn lùng bùng trong tai. Đuổi ai? Có liên quan chi đến o Khuyên mô mà o phải chết? Đầu óc non nớt của tôi lúc đó không tài nào giải đáp được thắc mắc đêm ấy.
***
O Khuyên là con gái độc nhất của ông bà nội tôi. Và con út, nên o rất được cưng chìu. Nhưng không vì thế mà o tỏ ra kiêu kỳ, lên mặt với người ăn kẻ ở trong nhà. Dầu o có quyền đó. Ông nội tôi dù sao cũng từng làm quan trong trào, nay về vui thú điền viên. Ba tôi là con trai trưởng, hơn nữa lại là cháu đích tôn, nên gia đình tôi phải ở trong gian từ đường để lo chạp, kỵ và hương khói tổ tiên. Giữa ba tôi và o Khuyên còn có chú Thịnh và chú Thọ. Hai chú đã đem gia đình vao Nam lập nghiệp.
Trong khu vườn xinh xắn, dưới ngôi nhà ba gian xây theo kiểu hình chữ U, gồm 8 người sinh sống. Ông nội tôi. Ba me tôi. O Khuyên. Ba anh em tôi và chị Bê, người làm. Bà nội tôi đã khuất núi từ lúc ông chưa từ quan. O Khuyên là con út nên chỉ lớn hơn anh đầu tôi hai tuổi và chị kế ba tuổi. Anh đầu tôi tên Kha, chị tôi tên Huyền. Tôi hay chọc anh chị là lúc me tôi sanh anh Kha, ba vui quá uống rượu mừng, vừa… khà một tiếng là có thêm chị Huyền liền. Chị Huyền vốn hơi… tối tăm nên hỏi vặn lại tôi. Răng rứa? Tôi cười. Kha Huyền… Khà chớ răng. Rồi lại cười hăng hắc và cong giò chạy để tránh những cái cú u đầu.
Tuổi tác xấp xỉ nhau, cho nên o Khuyên, anh Kha và chị Huyền chơi rất thân với nhau. Còn tôi? Tôi chỉ là một đứa con nít ưa “nhiều chuyện” dưới mắt chị Huyền. Tôi vốn không được sanh năm một như anh Kha và chị Huyền. Sau chị Huyền, mãi năm năm sau mới “lòi” tôi ra. Vì thế, khoảng cách giữa chúng tôi rất lớn. Có lần giận tôi, chị Huyền còn phán tôi là “thằng Dư”. Khi không lại “lòi” ra mi. Đúng là tai nạn. Tôi tức lắm. Phải rồi. Em sinh ra để chia cơm sẻ áo với chị mà. Chị tức phải không? Tức thì đi kiện ba me đi. Thế là chị tôi ngúng nguẩy bỏ đi. Nói vậy chứ nhiều lúc chị cũng tốt với tôi. Mỗi khi tôi làm “chim xanh” cho chị, chị thường dúi vào tay tôi một nắm kẹo cau thơm lựng. Tôi cũng có quà từ tay anh Thông ở xóm trên. Trò làm “chim xanh” này tôi rất khoái.
O Khuyên thì kín đáo hơn. Tôi không biết o đã có bồ hay chưa? O hai mốt tuổi rồi. Lại đẹp nữa. Chắc tại o kén chọn mà thôi. Ba tôi làm việc cho sở Hỏa Xa, ít khi có mặt ở nhà. Me tôi thì theo đôn đốc chị Bê lo cơm ngày ba bữa cho chúng tôi và đám tá điền. Me không có nhiều thì giờ với chúng tôi. Hơn nữa, chúng tôi cũng khá lớn khiến me không quá bận tâm.
Những lúc rảnh rang, tôi thường trèo lên cây bồ quân ngắm vu vơ những ruộng lúa xa xa sau nhà, hoặc giòng sông lững lờ trôi trước sân vườn. Cây bồ quân đến mùa xum xuê trái. Những trái chín căng vỏ màu tím đỏ trông thật gợi cảm. Tôi không phải vì những trái bồ quân mà thường leo lên cây này. Bởi vì, ở trên cây là một chỗ bí mật mà chỉ có mình tôi biết. Tôi lén làm một chỗ thật êm trong lùm cây. Ở dưới đất không tài nào trông thấy được. Nhưng nếu nằm trên đó, tôi có thể theo dõi được sinh hoạt dưới thấp. Có khi tôi giả làm ma, ném đất sét lên những đứa mục đồng lúc trời chạng vạng tối, khi chúng lùa trâu về nhà, làm chúng chạy trối chết.
Có khi vô tình từ trên cao nhìn xuống, thấy chiếc mông trắng hếu của chị Bê đang kéo quần ngồi xuống tiểu tiện, khiến tôi bụm miệng cười đến đau thắt bụng. Cũng có lúc nhìn chị lén lút mở cổng sau, cho em chị vài nắm cơm trắng, vài miếng cá khô mà thương chị thật nhiều. Tôi biết gia đình chị nghèo lắm. Nhìn những đứa em ốm của chị, tôi không nỡ lòng méc cho me tôi biết. Có lần, vì lòng trắc ẩn, tôi đã nói riêng với chị:
“Răng chị không lấy gạo cho em chị. Lấy chi ba cái thứ cơm thừa canh cặn đó.”
Chị Bê giật mình suýt khóc:
“Cậu đừng noái với ôn mệ hỉ? Tui trót dại, lần sau tui không dám nữa mô.”
Tôi cười, ôm vai chị cho chị an lòng:
“Du nói thiệt. Chị đừng sợ. Nhà mình thiếu chi lúa gạo.”
Chị Bê nhìn tôi bằng con mắt biết ơn. Chị mở miệng định nói thêm câu gì nữa, thì nghe tiếng chị Huyền léo nhéo:
“Du… côn ơi. Mới đó mô rồi. Nhờ chút chuyện đi.”
Tôi chạy lại, hất cằm:
“Nhờ người ta mà giở giọng hàm hồ. Du là Du, không có côn ở đây. Biết chưa?”
Tôi biết chị Huyền nhờ tôi đưa thư cho anh Thông, nên mới ra giọng du… côn như vậy. Chị Huyền liếc tôi, mắt sắc như dao bổ cau:
“Chưa kêu mi là thằng Dư là may lắm rồi. Nhờ có công có lộc chứ ai nhờ không mi mô nờ?”
Chị trao tôi phong thư, kèm theo gói nhỏ. Tôi bóp gói nhỏ trong tay, buột miệng:
“Lại kẹo cau? Chán chết! Răng chị không có chi thay đổi rứa?”
“Được voi đòi tiên. Không muốn thì trả lại đây.”
Giấu gói kẹo sau lưng, trả phong thư lại cho chị, tôi nhe răng cười:
“Đây nì.”
Chị Huyền la lên:
“Mi xỏ lá. Tau nói là kẹo.”
Tôi làm bộ nghiêm giọng:
“Nói thiệt nghe, chị cho em ăn kẹo cau hoài. Chắc trong thư bữa mô chị cũng cho anh Thông uống nước đường hết hỉ? Coi chừng anh bị bệnh tiểu đường đó.”
Chị Huyền tức:
“Tiểu… tiểu lỵ…”
Tôi há hốc miệng:
“Trời ơi! Chị có hiểu chị nói chi đó không? Con gái con đứa. Chị bắt chước ông già Tàu bán kẹo cau đó hỉ? Chết. Hư rồi. Em méc me. Chị hư thúi rồi!”
Chị Huyền tái mặt nhìn tôi. Chị không ngờ tôi phản ứng mạnh như vậy. Chị chối quanh:
“Tau có nói chi mô mà quan trọng hóa vấn đề?”
Tôi nhảy tới, kê miệng vào tai chị giải thích. Mặt chị bỗng từ tái đổi sang đỏ rần. Chị chửi:
“Thằng Ba Tàu mất dạy.”
Đó là chuyện giữa tôi với chị Huyền. Bẵng đi một thời gian, không thấy chị nhờ tôi trao thư nữa. Lúc ấy tôi mới biết chuyện tình của chị và anh Thông không gánh mà đứt.
Còn anh Kha thì sao? Thấy anh im im ít nói, nhưng anh cũng lãng mạn ra phết. Anh để ý đến chị Diệu Khoa ở cạnh nhà. Sáng nào anh cũng bảnh bao cầm cuốn sách đi lui đi tới trong vườn, thỉnh thoảng lại liếc mắt nhìn qua bên kia hàng rào bông cẩn. Tôi nín cười không được, khi một hôm thấy anh len lén bẻ của nội một cành mai thật đẹp, ném qua bên kia vườn chị Diệu Khoa. Lúc đó, chị Diệu Khoa đang quét sân nhà chị. Tôi thấy chị hình như chẳng để ý chi đến anh. Chị nhặt cành hoa mai lên, chép miệng nói một mình: “Ai mà ác rứa thê. Hoa đẹp như ri mà bẻ đi thiệt tàn nhẫn.” Anh Kha nghe nói vậy thì âm thầm rút êm vô nhà.
Có một lần anh thức suốt đêm làm thơ. Sáng hôm sau, anh hái trái ổi xá lị còn nguyên cành lá, cột bài thơ vào rồi ném qua vườn nhà chị Diệu Khoa. Chẳng may cho anh, hôm ấy tôi cũng đang nằm vắt vẻo trên cây bồ quân. Và, càng không may nữa, là trái ổi bị me chị Diệu Khoa lượm được. Bà mở lá thư ra, miệng bắt đầu lớn tiếng:
“Đồ con nít chưa nứt mắt mà bày đặt yêu đương, thơ thẩn. Có tin là tau qua méc với ba me mi không này?”
Anh Kha mặt mày xanh lè. Anh lủi ngay ra đồng. Tôi thấy anh đi thơ thẩn trên ruộng lúa mà tội nghiệp anh. Dầu sao anh cũng đã mười chín tuổi rồi chứ bộ! Tôi tuột xuống cây, chạy theo anh. Tôi lên tiếng trong hơi thở dồn dập:
“Chờ em chút.”
Anh Kha quay lại:
“Chạy đi mô mà xớn xác rứa, thằng quỷ?”
“Chạy theo anh. Nói anh đừng buồn Chị Diệu Khoa có đẹp đẽ chi mô nờ. Me chị lại dữ nữa.”
Anh Kha trừng mắt nìn tôi:
“Con nít ranh. Té ra mi biết hết.”
Tôi cười:
“Em mười ba tuổi rồi. Tại anh không thấy em lớn đó thôi.”
Anh Kha cú vào đầu tôi:
“Lớn chi mi? Suốt ngày cứ leo trèo trong vườn như khỉ” – Nói xong, anh đổi giọng – “Không biết me Diệu Khoa có qua méc với ba me mình không hỉ?”
Tôi cười thầm trong bụng. Thì ra anh cũng biết sợ. Tôi làm ra vẻ người lớn, trấn an anh:
“Không răng mô. Mụ nớ chỉ dọa anh thôi.”
Anh Kha thở dài:
“Mi giấu giùm tau chuyện ni nghe. Người ta biết được, ốt dột chết.”
Tôi ưỡn ngực:
“Anh là đàn ông con trai. Sợ chi?”
Tôi vừa nói vừa vung tay tuốt những bông lúa đang trổ cờ, đưa lên miệng cắn. Sữa lúa ngọt trên môi. Nhìn nét mặt băn khoăn của anh Kha, tôi thấy làm người lớn khổ chi lạ.
***
Đó là những nhân vật phụ chung quanh o Khuyên. Điều tôi muốn nói sau đây là sự việc xảy ra trên mình o.
Như tôi đã trình bày lúc ban đầu. O Khuyên đẹp lắm, và rất kín đáo. Có người đến dạm hỏi cách đây hai năm, o bưng quà lễ trả lại. Không một lời giải thích. Ông nội tôi tức lắm. Vì theo ông đó cũng là chỗ “môn đăng hộ đối”. O bảo o có ưng mô mà lại mạo muội đem quà lễ đến dạm. Ba tôi vì thương em nên đã nhiều lần binh vực cho o trước mặt ông nội.
Cũng nhờ cây bồ quân mà tôi biết được chuyện “động trời” của o.
Rõ ràng tôi thấy o Khuyên đang nắm tay anh Hạo ở góc vườn. Trời sáng trăng. Tôi thấy o dựa đầu vào vai anh Hạo. Tôi có nhìn lầm không? Nói có ánh trăng treo trên cao chứng giám. Tôi không lầm. Anh Hạo. Phải! Người tá điền lực lưỡng, rất thâm trầm trong đám tá điền của ông tôi. Hèn chi o Khuyên không thèm để ý đến ai. O đã có người ưng ý từ lâu. Như vậy mẩu đối thoại của ba tôi và ông nội đêm đó là nói đến anh Hạo. “Hay là mình đuổi hắn đi cho khuất?” Lời ông nội tôi nói đêm nào nay vọng lại trong tôi. Tôi thấy mặt mày anh cũng khôi ngô, có chi mô mà người lớn làm ra vẻ quan trọng? Có lẽ anh chỉ là người ăn kẻ ở trong nhà, không xứng đáng với o Khuyên? Tôi biết anh Hạo là người cũng có chút chữ nghĩa. Anh không dốt đặc cán mai như những người tá điền khác. Chỉ tội gia đình anh bần cùng và em út đông đúc quá, anh phải hy sinh bỏ dở việc học hành.
Trăng thượng tuần lên cao chiếu sáng khu vườn. Hai bóng người đang yêu ngồi dựa đầu vào nhau tạo ra bức tranh thật đẹp. Tôi nằm im, nín thở, sợ lá cành lay động sẽ làm tan đi hình ảnh đẹp trước mặt. Bỗng nhiên tôi lại nghe mâu thuẫn với chính mình – thèm được lớn lên bất ngờ, có cánh tay dài cuồn cuộn bắp thịt như anh Hạo, để ôm ấp người tình đẹp như o Khuyên dưới ánh trăng vàng đêm nay … Tôi nhẹ nhàng trở mình, gối đầu lên đôi bàn tay, nhìn ánh trăng huyễn hoặc sau tàn cây mà nghĩ tới chị Hằng. Chị Hằng ơi! Không biết chị có đẹp như o Khuyên của tôi không? Tôi nằm im, đến lúc giật mình nhìn xuống, thì o Khuyên và anh Hạo đã chia tay nhau tự lúc nào. Tôi âm thầm leo xuống cây, rón rén trở về phòng mình. Lúc ngang qua phòng o Khuyên, tôi thấy đèn phòng o vẫn còn sáng. Chắc o đang chúi đầu nắn nót viết nhật ký.
Sáng hôm sau, cũng cái tính “nhiều chuyện” của mình, tôi lén theo o ra vườn thăm gốc mai. Thấy o bâng khuâng nhìn những cánh mai nở sớm, tôi ngần ngại đến gần:
“Tối hôm qua cháu thấy o với anh Hạo.”
O Khuyên quay lại tròn mắt nhìn tôi. Tôi nhìn đôi mắt bồ câu đen lay láy của o nở ra một thoáng hốt hoảng. O kín đáo nhìn quanh. Xong, o hạ giọng:
“Cháu thấy chi? Con nít đừng nói tầm bậy nghe không?”
Tôi cãi:
“Cháu thấy rõ ràng.”
O cau mày:
“Chuyện người lớn, con nít đừng xen vô. Cháu hiểu không?”
Nghe o Khuyên cứ một hai gọi tôi là “con nít”. Tôi nói lẫy:
“Cháu có nói với ai mô nờ?”
O Khuyên dựa lưng vào gốc mai. Dáng tiểu thư con nhà quan. Giọng o nhẹ như gió:
“Tết ni cháu muốn chi? O mua cho.”
Tôi cười hiểu ý, nịnh o:
“Cháu thấy anh Hạo xứng đôi với o lắm đó.”
O Khuyên cười buồn, mắt o long lanh ướt. Tôi thấy thương o chi lạ. O nhỏ giọng:
“O lo lắm Du ơi. Ôn biết là ôn sẽ giết o.”
Tôi định nói với o là ông nội đã biết chuyện, nhưng nghĩ sao tôi lại thôi. Tôi không nỡ thấy đôi mắt đẹp kia lại tràn ra những giọt lệ. Buổi sáng đẹp như thế này. Cây mai uốn lượn những cành lộc biếc và những nụ hoa đang chờ mãn khai chào mừng năm mới sắp đến. Không hiểu vì tôi thương o Khuyên mà dám đại ngôn. Rằng, o Khuyên đứng bên gốc mai làm tăng thêm phần lộng lẫy của cây mai. Đúng là một bức tranh tuyệt đẹp.
Tôi thấy o lo lắng, đổi đề tài:
“Tết năm ni, đổ xâm hường, o phải nhường cho cháu ăn nghe.”
O Khuyên cười khoe hàm răng trắng, đều đặn như những hột bắp:
“Răng mà cháu khôn rứa?’
Tôi cười, đưa tay lên môi làm dấu:
“Cháu còn biết vá cái miệng của cháu lại nữa đó.”
Tiếng o Khuyên cười trong như pha lê:
“Ừ! nhớ đó nghe.”
***
Không cần tôi phải vá miệng. Chuyện gì đến rồi cũng phải đến. Đêm Ba Mươi. Không hiểu sao ông nội tôi lại kêu cả gia đình đến gian nhà thờ tự. Ông ngồi uy nghi trên chiếc ghế cẩn xà cừ bóng loáng. Ông quét mắt nhìn mọi người rồi cất giọng nghiêm nghị:
“Hôm nay là ngày vui của mọi người. Đáng lẽ không nên nói những điều này ra. Nhưng trước mặt tổ tiên, ông bà. Tau muốn nói với tụi bay một chuyện mà tau cứ thấy không vui trong bụng”.
Ông nội ngừng nói. Ông đưa tay bưng tách nước trà lên, chiêu một ngụm rồi từ tốn đặt xuống bàn. Tim ai cũng đập mạnh. Trong gian phòng im lặng nghe rõ cả tiếng thạch sùng chắc lưỡi trên nóc nhà, não ruột. Ông tiếp:
“Đúng là một chuyện làm mất mặt gia phong”. Đột nhiên ông đổi giọng quát lớn. “Con Khuyên. Bước tới đây!”
O Khuyên giật bắn người, mặt xanh như tàu lá chuối, rón rén bước lên một bước. Cơn giận, khiến mặt ông đỏ lên như mặt Quan Công:
“Một là bỏ hắn. Còn không thì cuốn gói theo hắn cho khuất mặt khuất mày tau.”
Ba tôi xen vào:
“Ba…”
Ông nội quát lớn:
“Mi im đi! Làm anh cả mà chẳng biết dạy dỗ em út chi hết. Tụi bay đều là một lũ ăn hại.”
Me tôi níu áo ba tôi. Ba nín khe. Ông nội tiếp:
“Tau nói đây là nói trước ông bà tổ tiên, nói trước mặt con cháu. Nếu con Khuyên không bỏ thằng nớ là tau từ. Tau không có đứa con gái hư thân mất nết như rứa.”
O Khuyên bật khóc. O nói trong giọng sũng nước:
“Con lạy ba…”
“Mi muốn tau tổn thọ răng hỉ? Tau chưa chết mô. Không lạy lục chi hết. Tau đã đích thân đuổi thằng Hạo đi rồi. Đồ đỉa mà đòi đeo chân hạc.”
O Khuyên nấc lên một tiếng, đau đớn ôm mặt vùng chạy ra khỏi nhà. Ông nội chửi theo:
“Đồ thứ con gái hư, mất dạy.”
***
Tôi nói với chị Bê:
“Hồi tối em thấy o Khuyên về.”
Chị Bê suỵt nhỏ:
“Noái tầm bậy.”
“Thiệt đó, em thấy rõ ràng o đứng dưới gốc mai.”
“Đừng noái nữa, ôn la chết.”
Tôi ngồi im, giúp chị lùa củi vào bếp. Rõ ràng tôi thấy o Khuyên. O run run đứng dưới gốc mai. Hình như o đang lạnh. O không dám vào nhà vì sợ nội. Tôi âm thầm trách nội. Nội làm o mất mặt quá. Không biết o phải cắt mặt giấu đi mô. Tôi bước xuống giường, ra ngoài mở cửa. Chắc là đợi lâu quá không thấy ai, o Khuyên đi mất rồi. Tôi gọi nhỏ. O ơi. O ơi. Chỉ nghe tiếng gió đáp lại lời tôi.
Tôi chạy vào phòng chị Huyền, kéo mền chị:
“Em thấy o Khuyên trở về.”
Chị Huyền trùm mền lại, chỉ lòi cái đầu ra ngoài, xua tay đuổi tôi như đuổi tà:
“Đừng nói bậy. Về phòng ngủ đi. O Khuyên đã theo anh Hạo đi xa rồi.”
Tôi níu tay chị Huyền:
“Không tin, chị theo em. O đang đứng dưới cây mai.”
Chị Huyền giật tay ra, quay lưng:
“Đừng ồn, ôn biết được thì chết. Có đi thì mi đi một mình. Tau ngủ.”
“Răng chị vô tình rứa. Là o của mình mà?”
Tôi trách. Chị Huyền kéo mền kín đầu làm bộ không nghe. Tôi lần ra ngoài sân kêu khẽ. O Khuyên. O Khuyên.
***
Sau đó Du bị bệnh. Luôn miệng gọi o Khuyên. Me Du cho mời thầy thuốc lại nhà. Bệnh Du vẫn không thuyên giảm. Một đêm, Du nghe tiếng o Khuyên gọi rất khẽ khàng. Du ơi. Du ơi. Mở cửa cho o vô. O lạnh quá. Du bước xuống giường. O Khuyên đang đứng dưới cây mai, người ướt sũng. O nhìn Du với đôi mắt cá ươn. Du tung cửa chạy ra sân, la lớn. O Khuyên. O Khuyên. Cả nhà thức giấc. O Khuyên mới đó mô rồi. Du bật khóc bước tới cây mai. Du cầm dải tang trắng ba Du quấn lên cành mai sáng mồng Một Tết đang đong đưa trong gió. Du úp mặt vào khăn. O Khuyên. Du gào lên. O về đi, nội nhớ o lắm đó.
Me Du đứng bên Du chắp tay vái dài:
“Khuyên ơi. Em sống khôn chết thiêng, đừng làm cháu sợ. Em ơi.”
Du cãi:
“O Khuyên chưa chết. Con mới thấy o rõ ràng đây nì.”
“O đã nhảy sông hồi đêm Ba Mươi. Con không nhớ răng?”
“Không có. O Khuyên không dại rứa mô.”
Ông nội bước ra giữa sân. Dạo này ông đã phải chống gậy rồi. Ông cất giọng cố chấp nhưng không che giấu được nỗi nghẹn ngào:
“Ngày mai, tau cho người đốn cây mai.”
Nói thế, chứ ông không nỡ lòng. Không bao giờ. Vì o Khuyên vẫn thường về đứng đó. Trong đêm.

Tranh: Thắm Nguyễn
May 20-2004_Jan 4-2014
_________
(*) Mượn câu mở đầu Sông Đông Êm Đềm.