1. Hoa trong Văn chương
Trong cuộc sống của nhân loại từ Đông sang Tây, hoa không chỉ giữ vai trò trang điểm làm đẹp cuộc sống mà quan trọng hơn, vượt trên cả mọi ý niệm lộng lẫy về mùa Xuân; tình yêu; sự thánh thiện; hiện thân của mỹ nhân; v.v… hoa luôn là một nguồn cảm hứng vô tận cho sự sáng tạo của con người.

Một trong những họa phẩm “Hoa Đào” của danh họa Wang Mian
Wang Mian
Nói đến sáng tạo văn học và mỹ thuật, hoa là nguồn cảm hứng dạt dào có lẽ chỉ… đứng sau đàn bà. Có những khi nhà văn, họa sĩ viết hay vẽ về hoa nhưng kỳ thực là viết, vẽ về người đàn bà nào đó đã ám ảnh tâm trí họ. Với hoa, các nhà văn, nhà thơ đã tạo nên rất nhiều tác phẩm có giá trị kinh điển xuyên thế kỷ như bài thơ “Hoa Đào” của Komachi – nữ thi sĩ lớn và xinh đẹp bậc nhất xứ hoa đào – làm từ thế kỷ thứ 9 hay những bài Haiku kỳ tình về hoa của Baso. Ở phương Tây, nói đến những tuyệt tác về hoa, chúng ta nhớ ngay đến tiểu thuyết “Trà Hoa Nữ” (la Dame aux Camelias) của văn hào Alexandre Dumas (con/fils) hay tập thơ “Hoa Tội Lỗi” (les Fleurs du mal) của Baudelaire. Và dù không được nhiều thơ Pháp, nhưng rất nhiều người Việt đã không thể quên: “Ta ngắt đi một cụm hoa Thạch Thảo, em nhớ cho mùa Thu đã chết rồi” trong tình khúc “Mùa Thu chết” của Phạm Duy, được chuyển ngữ bởi Bùi Giáng từ bài thơ “Giã từ” (L’adieu) của Apollinaire. Ở Nga có “Bông Hồng Vàng” của nhà văn nổi tiếng Paustopsky “…Mỗi sáng sớm sương long lanh triệu cành hồng khoe sắc thắm…” trong nhạc khúc “Triệu đoá hoa hồng” – nguyên là bài thơ của A.Voznhesensky được R. Pauls phổ nhạc. Trong văn chương Việt Nam, đối với hoa, chúng ta nhớ ngay đến hoa Cúc trong “Thơ Tình Cuối Mùa Thu” và “Hoa Cỏ May” của Xuân Quỳnh, bà là nhà thơ trữ tình có một vị trí lớn trong văn học hiện đại Việt Nam. Và một tản văn nổi tiếng ở trong Nam trước 1975 của Nhất Hạnh, “Bông Hồng Cài Áo” đã đi vào lòng người và đã trở thành một tập tục văn hoá Phật giáo khi đến ngày lễ Vu Lan, những người trẻ thường hát, “…Một bông hồng cho em/ một bông hồng cho anh/ và một bông hồng cho những ai/ cho những ai đang còn mẹ…” (Phạm Thế Mỹ phổ nhạc) để tỏ lòng biết ơn người mẹ hiền. Và còn rất nhiều tác phẩm khác trên khắp châu lục đã mượn hoa để nói đến người phụ nữ mà ai cũng có thể dễ dàng kể thêm ra đây, riêng trong bài viết này, người viết xin được đề cập nhiều đến hoa trong lãnh vực hội họa.
2. Hoa trong Hội Họa Phương Ðông
Trong hội họa, hoa hiển nhiên là một đề tài lớn cho cả họa sĩ phương Đông lẫn phương Tây, hai đại diện cho nền mỹ thuật về hoa là Trung Quốc và Nhật Bản. Chỉ riêng Trung Quốc và chỉ đề cập từ nhà Đường đến nhà Thanh, chúng ta cũng đã không thể liệt kê được hết đã có bao nhiêu tranh vẽ về hoa tuy nó không nhiều bằng tranh về tre trúc và sơn thủy. Tùy vào từng triều đại, các khuynh hướng và đề tài phát triển theo thị hiếu của vua chúa và giới quý tộc. Ở đời Đường, tranh vẽ về hoa không mạnh bằng tranh vẽ ngựa, tranh hoa rực rỡ hơn trong đời nhà Tống (960 – 1279), nổi bật có Qian Xuan với tác phẩm “Hoa Lan” và Wang Mian với “Hoa Đào”, đã để lại dấu ấn tài hoa của họ trong nền hội họa độc đáo Trung Hoa. Sang đời Minh, nổi tiếng nhất trong vẽ hoa có Zhao Zhillan với “Hoa Đào và Trăng” và Chen Jiayan với “Hoa Thủy Tiên”. Sau cùng là nhà Thanh từ 1644 – 1840, Chen Zhuo và Hun Shouping là 2 họa sĩ để lại nhiều tác phẩm tuyệt vời về hoa nhất. Tuy nhiên, hội họa truyền thống Trung Quốc bắt đầu có sự ảnh hưởng của kỹ thuật tạo hình phương Tây vào đầu thế kỷ 18 sau khi người da trắng có mặt ở đây. Giuseppe Costigliore, một họa sĩ người Ý đến Trung Quốc năm 1715, đã cải danh thành Lang Shining, và mang vào tranh vẽ hoa của ông sự pha trộn hai nền hội họa Trung quốc và Roman.

Họa phẩm “Trà Hoa Nữ” (la Dame aux Camelias) dựa theo ý của tác phẩm của văn hào Alexandre Dumas
Nhật Bản không có một nền hội họa thủy mạc trên giấy vĩ đại như Trung Quốc, nhưng lại có nhiều ý niệm về vẻ đẹp của hoa, nhất là hoa Anh Đào, biểu trưng cho tâm hồn người Nhật, cho vẻ đẹp muôn đời Nhật Bản. Đại diện cho thế kỷ 18 có Keibun Matsumura, thế kỷ 19 có Shônen Suzuky và Imao Keinen, tất cả họ đều vẽ hoa Anh Đào.
Riêng hội họa non trẻ của Việt Nam, hoa cũng là nguồn cảm hứng lớn cho các họa sĩ và không ai trong chúng ta lại không nghĩ ngay tới “Thiếu Nữ Bên Hoa Huệ” – tác phẩm quý giá của nhà danh họa Tô Ngọc Vân, nhưng họa sĩ Việt Nam duy nhất thành danh trên thị trường mỹ thuật thế giới Lê Phổ (đã chết) mới là người thường xuyên đưa hoa vào trong tranh. Ông được giới phê bình mỹ thuật Pháp kính nể và xưng tụng là một “Bonnard của Việt Nam” (Pierre Bonnard, một danh họa Pháp thời Ấn Tượng).

Tranh của Giuseppe Costigliore
3. Trong Hội Họa hiện đại Phương Tây
Nhưng nói đến hoa trong hội họa thế kỷ 20 thì Phương Tây đã là nổi bật nhất của thế giới. Riêng Van Gogh đã ngự trị về mặt giá thị trường đối với tác phẩm hội họa vẽ về hoa cho đến hôm nay với hai bức tranh sơn dầu “Hoa Hướng Dương” và “Hoa Diên Vĩ”. Riêng bức “Hoa Diên Vĩ” với giá đã bán ra 53.900.000 USD cho nhà tỉ phú người Nhật Ryoei Sato, hiện đứng thứ 10 trong 10 bức tranh đắt giá nhất thế giới. Ngoài là chủ nhân của 2 bức vẽ hoa vào hạng đắt nhất thế giới, Ryoei Sato còn là sở hữu chủ bức “Bác sĩ Gachet” đang đứng ở vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng nói trên. May mà các bức tranh quý giá này đã được cứu thoát khỏi cuộc hỏa thiêu cùng với xác chủ nhân của chúng theo ý nguyện của Ryoei Sato khi ông qua đời cách nay gần 20 năm.

Tranh hoa của nữ danh họa Georgia O’Keeffe
Ngoài Van Gogh, Marc Chagall (họa sĩ Nga gốc Do Thái), Viera Diego (Mexico), O’ Keeffe (Mỹ), đều là những họa sĩ có những tác phẩm bất hủ vẽ hoa. Hoa trong tranh của Marc Chagall mang vẻ đẹp huyền thọai, bay bổng, mộng mơ – một phong cách hội họa siêu thực trữ tình chỉ có ở Marc Chagall. Ngược lại, hoa của Viera Diego là hoa Loa Kèn trắng đặc trưng Mễ. Còn hoa của Georgia O’ Keeffe, ôi một thế giới đẹp của đàn bà.
Georgia O’ Keeffe, nữ danh họa hiện đại tầm thế giới, bà sinh ra ở tiểu bang Wisconsin năm 1887 và chết năm 1986 tại tiểu bang New Mexico, Hoa Kỳ. Bà là họa sĩ tiền phong suốt đời chỉ vẽ hoa, – điều mà cả lịch sử mỹ thuật thế giới cho đến bây giờ chỉ có một – và cũng chỉ muốn vẽ về hoa Phong Lan (Orchid) với cái nhìn cận cảnh. Đây là một ý niệm táo bạo về thẩm mỹ tính dục và nữ quyền được ẩn dụ dưới hình ảnh đặc thù của một loài hoa – hoa Phong Lan. Ở đây, O’ Keeffe không dừng lại ở cảm xúc, bà đẩy lên một ý niệm cao hơn, vượt qua khỏi vẻ đẹp vật thể, để gửi đi một thông điệp vào những năm 30 của thế kỷ 20 về quyền phụ nữ bằng thứ ngôn ngữ sang trọng nhất, ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình. Con đường sáng tạo của Georgia O’Keeffe chỉ toàn là hoa và hoa đã mang lại cho sáng tạo những giá trị thẩm mỹ bất hủ cho nhân loại. Riêng đối với bà, hoa đã làm bung nổ một thiên tài.

“Hoa Hướng Dương” của Van Gogh
4. Văn Chương – Nghệ thuật, nơi tỏa sáng vĩnh cửu của cái đẹp
Tất nhiên còn nhiều lý do khác để làm cho công cuộc sáng tạo của con người ngày càng tuyệt vời, nhưng trong văn chương và nghệ thuật, hoa và phụ nữ vẫn là nguồn mỹ cảm vô tận, phi thời gian, phi địa lý, phi chủng tộc,… cho những nhà sáng tạo.
Trong cuộc sống, dẫu cái đẹp có ở mọi nơi, chìm ẩn hay bộc lộ, dù đêm hay ngày, gần gũi hay xa xôi, không phải ai trong chúng ta cũng dễ bắt gặp và nắm bắt được cái đẹp, khi sự hiện diện của nó thường chỉ là khoảnh khắc; nên nghệ thuật được coi như là nơi hội tụ, nơi cư trú dài lâu của cái đẹp. Nếu đúng như vậy thì hội họa và văn chương với khả năng sáng tạo vô lường của người vẽ, người viết, là nơi hoa và phụ nữ vĩnh cửu được thể hiện và còn tỏa sáng muôn vẻ muôn mầu. Có lẽ vì thế mà có ai đó đã nói: “Mọi vẻ đẹp ngoài đời đều sẽ tàn phai, không có gì cưỡng lại cái chết, chỉ có văn chương và nghệ thuật mới giữ nó sống mãi với thời gian.”

“Thiếu Nữ Bên Hoa Huệ” của Tô Ngọc Vân