Menu Close

Đi dạo trên mây

Nằm cheo leo ở độ cao gần 4000 ft phía trên một cao nguyên đá, cây cầu Skywalk Grand Canyon tại Nevada được làm toàn bằng kính có thể khiến du khách phải nín thở khi đi dạo trên đó. Nhưng bạn hãy yên tâm về độ an toàn. Sàn kính có đến 8 lớp, mỗi lớp dày 1cm, dán chặt với nhau bằng chất dẻo đặc biệt. Cầu được thiết kế có thể chịu được sức gió 100 MPH, chịu được sức nặng của 71 chiếc Boeing 747 chở đầy khách, và đứng vững trước động đất 8 độ richter. Sàn kính dưới chân trong đến nỗi có cảm giác như đi dạo… trên mây.

alt

Hẻm núi Grand Canyon là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới ở Arizona. Để đến nơi này, du khách phải trải qua hành trình gian khổ trong cát bụi mịt mờ của sa mạc… Hàng triệu năm trước, con sông Colorado từ phía bắc, rẽ nhánh xuống phía tây, bào mòn cao nguyên Colorado tạo ra một hẻm núi lớn đầu tiên ở nơi này. Một thời gian sau, con sông này lại “lấn sân” tạo ra một hẻm núi khác ở phía đông. Hai hẻm núi này bị vỡ, gặp nhau và tạo thành quần thể núi đá trùng trùng điệp điệp. Grand Canyon dài 446km, rộng từ 6.4km đến 29km và sâu hơn 1.6km. Có thể nói, nhờ con sông Colorado mà du khách có dịp chiêm ngưỡng Grand Canyon ở bờ đông và bờ tây theo hai cách khác nhau, cách nào cũng có điểm hút hồn riêng của nó.

alt

Mô hình cầu tạo móng của chiếc cầu hình móng ngựa Skywalk

Với vẻ đẹp hoang dã của hẻm núi Grand Canyon như thế nhưng người ta chỉ có thể đứng từ dưới mặt đất nhìn lên, hay thỉnh thoảng thuê trực thăng bay một vòng để từ trên cao nhìn xuống vùng đất hoang vu chập chùng núi và con sông Colorado uốn lượn. Phải làm một cái gì đó khác hơn, thu hút du khách nhiều hơn và mang lại hiệu quả du lịch cho bộ tộc Hualapai hiện chỉ có duy nhất nguồn thu từ việc chèo thuyền hoặc đưa du khách thăm Grand Canyon bằng ca-nô đơn điệu. Mọi chuyện xuất phát từ ý tưởng của David Jin – một nhà kinh doanh tại Las Vegas. Ông nghĩ, thành phố Las Vegas có các sòng bài, các show ca nhạc, nhà hàng, hay cửa hàng thời trang danh tiếng, lại còn có những thắng cảnh rất gần kề như Lake Mead, Hoover Dam, Red Rocks Canyon, Spring Mountains, Valley of Fire, v.v… Du khách thực sự đã quá quen thuộc và nhàm chán. Tại sao không xây một cái gì đó thực sự ngoạn mục trên đỉnh của những hẻm núi Grand Canyon thu hút khách du lịch tìm cảm giác mạnh từ trên cao. Một chiếc cầu thủy tinh chẳng hạn.

David Jin đi tìm Mark Johnson – một kiến trúc sư cảnh quan nổi tiếng có nhiều kinh nghiệm từ những công trình cảnh quan công viên lớn tại Denver và Los Angeles. Sau khi nghe ý tưởng của David Jin, Mark thực sự thích thú cho một dự án nhỏ nhưng đầy tính thử thách trên đỉnh Grand Canyon. Mark Johnson tìm một kỹ sư xây dựng chuyên thiết kế nhà kính. Bill Karren là người có khả năng thực hiện công trình này. Cả hai lao vào bàn bạc, tính toán, miệt mài với những bản vẽ và cuối cùng đưa ra giải pháp thực hiện một Skywalk bằng thép và kính trong suốt hình móng ngựa nhô ra hẻm núi 20 mét để du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ từ trên cao cả ngàn mét. Nhưng để có Skywalk không hề dễ chút nào. Chiếc cầu chịu áp lực nặng nề không phải từ vốn đầu tư mà từ những người dân trong bộ tộc Hualapai. Bởi địa điểm được chọn xây dựng Skywalk lại là nơi linh thiêng với tín ngưỡng của bộ tộc. Điểm Đại Bàng. Đứng tại địa điểm này, người Hualapai nhìn ra những hẻm núi thiên nhiên tạo dáng trông giống như cánh chim đại bàng sải cánh và bên dưới hẻm núi, lúc nào cũng có nhiều đại bàng chao lượn. Sau nhiều tháng thương lượng, cuối cùng dự án hợp tác giữa David Jin và bộ tộc cũng được chấp thuận, đổi lại lợi ích kinh tế cho bộ tộc và không được làm thay đổi cảnh quan môi trường quá nhiều. Đơn giản chỉ là một chiếc cầu hình móng ngựa và ngôi nhà phục vụ khách du lịch

alt

Cầu được ghép bằng những khối thép hình khối

“Tuy nhiên hình thức đơn giản của Skywalk đánh lừa chúng ta”, kiến trúc sư Mark  Johnson và Bill Karren nhận định sau khi nhận kết quả khảo sát địa chất tại Điểm Đại Bàng. Một vết nứt bên sườn núi chạy từ trong ra ngoài ngay Điểm Đại Bàng. Với công trình nặng 500 tấn, cho dù gia cố móng sâu, vẫn làm cho đá trượt rời khỏi vị trí, không thể thực hiện chiếc cầu hình móng ngựa ngay tại nơi ưng ý nhất. Karren tiếp tục yêu cầu toán khảo sát địa chất tìm một nơi khác, không cách xa Điểm Đại Bàng. Cách đó một trăm mét, vị trí bằng phẳng, có tầm quan sát rộng không thua Điểm Đại Bàng nhưng nhóm xây dựng lại vấp phải một khó khăn khác là phải chuyển máy phát điện và nguồn nước sinh hoạt từ dưới đất lên đỉnh núi. Địa hình gồ ghề, đưa được máy phát điện công suất lớn đến công trường đã là điều vất vả chưa nói đến vấn đề vận chuyển vật dụng sắt thép. Nói chung trên đỉnh Grand Canyon không có gì, không có điện, không có nước. Nhà thầu Manuel Mojica xây dựng công trình nói: “Một nơi hoang vu, chỉ có rắn chuông, đá, bụi bẩn và gió”. Phải mất nhiều giờ để chuyển vật liệu từ một thị trấn gần nhất đến chân núi.

Những mũi khoan kế tiếp và khảo sát sóng âm tại địa điểm thứ hai cũng cho thấy một vết nứt khác từ sườn núi. May thay, vết nứt lại đi từ ngoài vào trong. Hàng ngàn tảng đá nhỏ từ bên vách do sự rung chuyển của gió làm rơi xuống chân núi là minh chứng cho điều này. Nhưng khi công trình được đặt tại đây nó sẽ giải quyết được một công hai chuyện. Chiếc cầu hình móng ngựa không mất đi vẻ oai phong của nó trên đỉnh Canyon mà còn giữ chặt vết nứt không cho gió bào mòn gây xói lở. Công trình bắt đầu được khởi công sau một thời gian kéo dài cả năm cho việc khảo sát và vận chuyển vật liệu lên đỉnh núi.

alt

Công trường xây dựng Skywalk trên hẻm Grand Canyon

“Có rất nhiều dịch vụ cung cấp phải xem xét”, kỹ sư Bill Karren của Công ty Lochsa Engineering nhớ lại. “Phải mất rất nhiều suy nghĩ để xác định nơi đặt nền móng kiên cố, đủ sức chịu đựng hàng trăm tấn và sức gió lên đến 100 dặm/giờ. Cuối cùng bạn phải tự hỏi mình, làm thế nào để bạn xây dựng nó? Có nên xây dựng tại chỗ, hoặc xây dựng chiếc cầu trên mặt đất và di chuyển nó vào vị trí? Và một điều quan trọng nhất trong thỏa thuận với bộ tộc, bạn làm thế nào mà không ảnh hưởng đến các hẻm núi hoang sơ. Theo yêu cầu của các chủ đất thuộc bộ tộc Hualapai là không được đào xới nhiều những con đường đi lên đỉnh núi. Lại thêm một trở ngại khác khó làm vui lòng những chủ đất của bộ tộc”.

Không có nguyên mẫu cho các hình thức cấu tạo và thiết kế, đội ngũ xây dựng kiên trì này thiết lập các tiêu chuẩn mở đường phụ trợ để du khách có thể đi xe lên đỉnh Grand Canyon. Các nhóm xây dựng phải đối mặt với những trở ngại của việc mở đường mà khi hoàn thành không ảnh hưởng đến vẻ đẹp vốn có của hẻm núi. Nhưng mọi việc không suôn sẻ ngay sau khi chiếc cầu hình móng ngựa hoàn tất. David Jin chủ sở hữu công trình đã phải vướng vào vòng tranh chấp pháp lý với bộ tộc Hualapai về con đường đưa du khách lên đỉnh Canyon không phải về xáo trộn môi trường mà là tranh chấp quyền lợi về kinh tế trong việc vận chuyển du khách qua con đường. Cuộc tranh chấp pháp lý kéo dài kể từ công trình đưa vào khai thác đến tháng 7/2013 thì David Jin qua đời sau một trận chiến chống lại căn bệnh ung thư. Thế nhưng hiện nay cuộc chiến pháp lý vẫn tiếp tục với gia đình vợ con của người chủ công trình chiếc cầu thủy tinh hình móng ngựa trên đỉnh Grand Canyon. Vợ và con của David Jin sẽ thừa kế sở hữu Grand Canyon Skywalk”. Một thành viên bộ lạc Hualapai Ted Quasula, đơn vị liên kết kinh doanh lâu năm của Jin cho biết, sẽ tiếp tục quản lý phát triển Grand Canyon Skywalk. Grand Canyon Skywalk sẽ là di sản của David mãi mãi.

alt

Chiếc cầu hình móng ngựa cao so với mặt đất 4,000ft khiến du khách bước chân lên đó có cảm giác như đi dạo… trên mây

Hãy nghe lời mô tả của Bích Xuân – cộng tác viên báo Trẻ từ Pháp sang thăm Skywalk: “Tôi đứng trên tấm kính nhìn xuống dưới độ sâu chân núi 1,200 mét, nghe lòng hơi run, muốn chóng mặt, mặc dù được bảo đảm của lan can và sàn kính Skywalk nặng 74 tấn, có sức chứa được 800 người, nhưng được hạn chế chỉ chứa 120 người thôi. Khách du lịch phải có đôi giày đặc biệt của Skywalk mang vào khi ra Skywalk, tránh bị trượt và trầy xước sàn kính”. Một du khách người Việt khác thăm Grand Canyon cho biết cảm nghĩ: “Chuyến đi của chúng tôi bắt đầu từ Las Vegas đến bờ tây Grand Canyon, mất khoảng 2.5 giờ ngồi xe buýt. Đây là con đường đau khổ. Hành khách bị nhồi như… nhồi bột trên con đường toàn ổ voi! Nhìn hai bên đường, chỉ thấy bóng xương rồng và cát vàng lóa mắt. Du lịch mà khổ như đi… đày! Thế nhưng, khi tới đích, ai cũng choáng ngợp trước thiên nhiên hùng vĩ và quên hết con đường đau khổ vừa qua. Những dãy núi đá già kéo dài vô tận trông rất lạ. Grand Canyon đưa du khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Còn đứng trên chiếc cầu thủy tinh nhìn xuống vực sâu, thật không dám nhìn lần thứ hai vì quá sợ. Một công trình thật kỳ diệu như đi dạo… trên mây”.

Công trình này là sự kết hợp giữa một công trình nghệ thuật với những kỹ thuật xây dựng có từ thời xưa để giới thiệu vẻ đẹp vĩnh cửu của Đại vực. Nhắc đến Skywalk, người ta lại liên tưởng đến một điều gì đó chưa từng có tiền lệ. Đó là một dự án xây dựng đầy tham vọng, được tạo ra sau khi vượt qua rất nhiều trở ngại, từ những tranh cãi xoay quanh địa điểm đặt Skywalk, cho đến những điều kiện khắt khe về bảo vệ môi trường và cảnh quan kiến trúc cổ của Đại vực.

NL