Menu Close

Người Việt & thế hệ “Thiên niên kỷ”

alt

Xin chào 2015, một cột mốc đánh dấu 40 năm phát triển của cộng đồng người Việt hải ngoại tại Hoa Kỳ và trên thế giới nói chung. Chặng đường 40 năm xem ra vẫn còn khá non trẻ so với các cộng đồng sắc tộc khác tại Hoa Kỳ nhưng đã đủ dài để các thành viên trong cộng đồng người Việt nhanh chóng thành công trong nhiều lãnh vực như hôm nay. Dù vậy việc phát triển của cả cộng đồng như một khối hợp nhất và đoàn kết xem ra vẫn còn là điều được nhắc đến nhiều trong thời gian qua và là mục tiêu chung của các thành viên trong cộng đồng. Nếu chân dung của cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ đã từng được phác họa khá đầy đủ trong các báo cáo về đặc tính nhân chủng các sắc tộc qua các thống kê dân số của chính phủ, thì có thêm một yếu tố mà có lẽ chúng ta cũng nên nhìn qua khi nhìn đến thế hệ gốc Việt thứ hai, thuộc lớp trẻ được gọi chung là “Thế hệ thiên niên kỷ” (Millennial Generation) tại Hoa Kỳ hiện nay, đang và sẽ trở thành thế hệ tiếp nối, đại diện cho cả cộng đồng. Đặc thù nhóm trẻ này ra sao, họ nghĩ gì và nhìn nhận đời sống ra sao? Khảo sát chung về “Thế hệ thiên niên kỷ” này ít nhiều cũng cho chúng ta hiểu thêm đôi điều về thế hệ gốc Việt thứ hai tại hải ngoại, mà có thể nhiều gia đình gốc Việt đang có hơn một thành viên để song hành và tiếp sức họ trong việc phát triển chung của cả cộng đồng.

alt

Elizabeth Phạm, phi công F-18 trong Quân lực Hoa Kỳ

Không chính xác về khoảng thời gian, cũng như dao động đôi ba năm về độ tuổi được xem là thế hệ thiên niên kỷ (TNK) nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu và giới truyền thông cùng thừa nhận lớp trẻ sinh vào những năm đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000, tức hiện nay ở vào độ tuổi khoảng 15-35 được xem là thuộc thế hệ TNK. Một số tờ báo còn sử dụng dăm tên gọi khác nhau cho thế hệ này bằng những cái tên như “Thế Hệ Y”, hay “Thế Hệ 9/11” (Newsweek) để chỉ những lớp thanh thiếu niên đã có mặt khi biến cố 911 xảy ra, trước khi gom lại đồng thuận cuối cùng về tên gọi “Thế Hệ Thiên Niên Kỷ” này để chỉ nhóm thanh niên sinh ra trước khi nhân loại bước vào thiên niên kỷ thứ ba. Nhưng điều quan trọng không phải ở danh xưng, mà các nhà nhân chủng và xã hội học cùng giới truyền thông đưa ra những khái niệm và phân tích về các thế hệ tại Hoa Kỳ nhằm tìm hiểu tính chất đặc thù, những hành vi và suy nghĩ qua các biến cố lịch sử, những phát triển và xu hướng xã hội, để từ đó có những chính sách và giải pháp cho sự phát triển xã hội nói chung. Chưa có danh xưng đồng nhất cho những trẻ em sinh sau thế hệ TNK Millennial cho đến nay, dù đó đây đã xuất hiện những đề nghị hay sử dụng như Thế Hệ Z, Thế Hệ Digitals, iGen, Selfies, Tweenials…, ngầm chỉ một thế hệ sinh ra đồng lúc với thời kỳ cực thịnh của thời đại thông tin và điện toán hóa cùng sự phát triển các trang mạng xã hội và điện thoại đa năng với nhóm này.

alt

Lê Viết Quốc, giải thưởng toàn cầu TR35 dành cho 35 nhà sáng tạo trẻ dưới 35 tuổi

Tựu trung cộng đồng người Việt hải ngoại cũng nằm trong những phân loại  thế hệ này, khi bao gồm những người đã hay đang chuẩn bị về hưu thuộc thế hệ bùng nổ dân số Baby Boomer sinh ra từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến đầu thập niên 60, thế hệ X chỉ những người ra đời từ đầu thập niên 60 đến đầu thập niên 80, tức khoảng 35-55 tuổi hiện nay, cho đến Thế Hệ Y tức Millennial và Thế Hệ Z nói trên. Nếu hầu hết những thế hệ  Baby Boomer và X sinh ra và trưởng thành tại Việt Nam, thì thế hệ TNK gốc Việt này phần lớn sinh ra tại Mỹ hoặc theo cha mẹ đến Mỹ từ rất nhỏ, ảnh hưởng văn hóa bản xứ nhiều hơn văn hóa Việt như lẽ  tất nhiên. Những giá trị và nền tảng văn hóa mà thế hệ Y và Z này hấp thụ đương nhiên có nhiều khác biệt, không kể những xung đột văn hóa Đông-Tây có thể xảy ra, nên hiểu về họ cũng là điều rất cần thiết cho các thế hệ đi trước và đặc biệt cho những bậc phụ huynh. Cách riêng, khi cộng thêm những khác biệt nền tảng văn hóa này vào tính khí định hình đầy bướng bỉnh ở tuổi dậy thì (teenage rebellion) theo độ tuổi nói chung, có thể đã gây khó khăn hơn cho các phụ huynh gốc Việt khi đối diện cùng nó. Vì trải nghiệm của những phụ huynh trung niên này không hề giống với bối cảnh văn hóa và xã hội mà con cái và chính họ đã và đang đối diện. Nhưng có lẽ cũng nên nhìn vào tính chất đặc thù của thế hệ TNK này ra sao trước khi đi sâu vào các khác biệt này.

alt

Nguyễn Bảo, Thị trưởng Garden Grove, California

Ước tính chiếm khoảng một phần tư dân số Hoa Kỳ hiện nay, tức khoảng 80 triệu người thuộc thế hệ TNK, thế hệ này được thừa hưởng một trong những nền giáo dục tốt nhất thế giới, cộng thêm những chính sách đầu tư và khuyến khích giáo dục vài thập niên qua, nên tỉ lệ tốt nghiệp trung và đại học cao kỷ lục so với các thế hệ trước nhưng lại kém hẳn các thế hệ cha ông về kỹ năng căn bản đời sống như nội trợ, may vá, chăm sóc nhà cửa, bảo quản xe cộ… bởi vì nhóm này phụ thuộc vào các tiện nghi có sẵn và sự cưng chiều của cha mẹ (điều này khá rõ ràng trong các gia đình gốc Việt). Tính chất đa chủng tộc của thế hệ này cũng cao hơn, họ tự tin, dấn thân và phóng khoáng, dễ dàng chấp nhận các xu hướng xã hội trước các vấn đề chính trị, tôn giáo, sắc tộc, di dân, đồng tính, cần sa… Dù công bằng và ít định kiến nhưng lại thiên về chủ nghĩa cá nhân và vật chất, nên suy giảm những hoạt động dân sự, các hoạt động mang ích lợi cộng đồng và thiện nguyện như các thế hệ trước, đồng thời tinh thần ái quốc thấp nhất so với các thế hệ đi trước. Nếu những thế hệ đi trước coi sự ổn định của đời sống và trung thành với việc làm là nguyên tắc, thì thế hệ TNK có thể bỏ việc chỉ sau đôi ba tuần bắt đầu nếu họ không thích, cũng như thiếu đi sự cần cù nhẫn nại. Họ dễ hứng thú, mạo hiểm với những nghề nghiệp, công việc mới lạ, cho dù mang nợ tiền học và tỉ lệ thất nghiệp sau khi ra trường cao hơn các thế hệ trước. Không theo nền tảng “có công mài sắt, có ngày nên kim”, họ bị ảnh hưởng và ngưỡng mộ những thành công rất sớm của những tên tuổi cùng thế hệ của mình trong các lãnh vực thương mại, kỹ thuật, thể thao, âm nhạc… nên ý hướng lập nghiệp của họ khác với thế hệ đi trước như lẽ tất yếu. Sinh ra có tỉ lệ cha mẹ ly dị cao, nhóm này trì hoãn việc hôn nhân của mình và có các cuộc hôn nhân đa chủng nhiều hơn. Về mặt cá nhân, vì tính cách “tôi” cao nên họ độc lập, thích làm theo ý mình trong trang phục, trang điểm, đến sở thích cá nhân nên việc có một mái tóc khác người, mang bộ đồ lập dị cho đến những hình xăm trên người đôi khi chỉ thể hiện sự riêng biệt và tự tin của họ, không thể dùng để đánh giá phẩm cách như các thế hệ trước thường đặt ra với người khác. Có những mặt tích cực, có những điều khiếm khuyết, thậm chí mâu thuẫn, nhưng đó  là những gì thuộc về tính chất đặc thù của thế hệ TNK để hình thành nên những niềm tin, giá trị cùng hành vi, thái độ của nhóm thiên niên kỷ này. 

alt

Cung Hoàng Kim, thành viên Asian American Journalists Association – AAJA,  đăng quang Miss Nebraska USA 2015 (ảnh chụp tại Hội Chợ Tết Cộng Đồng NCQG Austin 2012)

Không riêng các nhà tâm lý, xã hội học nghiên cứu về các nhóm thế hệ khác nhau mà chính phủ, hãng xưởng, các nhà sản xuất và các công ty thương mại đều phân tích và theo dõi những đặc tính này như những thước đo quan trọng nhằm thay đổi chính sách, chiến lược, cách tiếp cận hữu hiệu nhất. Ví dụ các hãng xưởng cần hiểu về nhóm nhân công thuộc thế hệ TNK này có những mong muốn về một công việc uyển chuyển, không bị gò bó, họ thông minh và năng động, nôn nóng được tăng lương, thăng chức nếu họ làm được việc cũng như sẵn sàng thay đổi nghề nghiệp khi bất mãn hoặc có cơ hội tốt hơn… để vạch ra chiến lược điều hành nhân sự và tuyển dụng thích hợp. Nhóm TNK này trở thành “sếp” cũng sớm hơn,  hay trong nhiều trường hợp, họ trở thành các nhân viên quản trị chủ chốt dù còn khá trẻ, điều mà các thế hệ trước phải dày thâm niên mới đạt được. Kết quả là, cho dù tuổi tác bao nhiêu thì cuối cùng nhiều người vẫn dưới quyền những “sếp” trẻ hoặc rất trẻ, và họ cần hiểu những đặc thù “sếp Millennial” ra sao để biết cách ứng xử. Ví dụ “sếp Millennial” lớn lên trong thời đại thông tin và kết nối nên cần những phản hồi tức thời, thích tin nhắn hơn là những cuộc trao đổi mặt đối mặt cùng các email qua lại. Họ không cần nhân viên phải “khuôn mẫu” theo kiểu sáng chiều đúng giờ, nhưng họ cần thuộc cấp phúc hồi cấp thời dù là buổi tối hay cuối tuần, một khi cần thiết. Chẳng ngạc nhiên nếu cuộc phỏng vấn nhận nhân viên xảy ra ở cafeteria hay tiệm ăn, và người phỏng vấn là một thanh niên mang dép lê và quần soọc, trò chuyện rất cởi mở và thân thiện nhưng có đòi hỏi cao các kỹ năng nơi người xin việc. Hoặc giả với bạn, những thuộc cấp thuộc thế hệ trước, bạn không cần đến điện thoại đa năng tân tiến và chẳng có nhu cầu sử dụng tweeter hay LinkedIn nhưng những sếp trẻ này có thể xem đó là dấu hiệu tụt hậu về kỹ thuật để có thể cất nhắc vào các vị trí mà họ thấy cần những người năng động, nhanh chóng tiếp nhận các xu hướng phát triển giống như họ. Về các nhà sản xuất, các tập đoàn bán lẻ, cung cấp dịch vụ thì ắt họ có đủ những số liệu thống kê như hơn 90% nhóm thế hệ TNK này mua hàng hóa hay sử dụng dịch vụ qua lời giới thiệu của gia đình và bạn bè, họ tin tưởng vào mức độ đánh giá (review) hơn thương hiệu, đồng thời lan truyền những kinh nghiệm tốt-xấu của mình về thương phẩm cùng dịch vụ mình sử dụng trên các trang mạng xã hội. Điều này giúp các đại tập đoàn cho đến những tiểu thương hiểu được đặc tính khách hàng hay thân chủ, mà có các quảng cáo và tiếp thị hiệu quả, biết đặt phẩm chất và uy tín cùng cung cách phục vụ khách hàng lên trên, nếu không muốn bị lan truyền những điều tai tiếng một khi làm ăn mang tính ngắn hạn và cẩu thả của mình. Họ có sự hỗ trợ của một mạng truyền thông xã hội để có thể giúp một thương vụ đứng đắn nào đó được biết đến, cũng như tạo hiệu ứng xấu cho các cách làm ăn tắc trách.      

Với cộng đồng gốc Việt, hiểu được tính chất của thế hệ TNK này có lẽ ít nhiều cũng giúp các thành viên cộng đồng và trong gia đình điều chỉnh lại suy nghĩ và hành xử của mình, để đạt đến sự cảm thông và hợp tác hơn trong các mối quan hệ xã hội và gia đình. Họ được huấn luyện trong một xã hội kính vì, nhường nhịn người già, phụ nữ, trẻ em trong cư xử và hành động nhưng lại bình đẳng trong tư tưởng và suy nghĩ, nên những thái độ áp đặt, gia trưởng hay tự phân định vai vế, đúng-sai qua tuổi tác, xem ra không phải điều thích hợp với nhóm trẻ này, nếu không nói là không có giá trị thật sự với họ – những người có suy nghĩ độc lập nhưng lại có ý thức dân chủ và tinh thần đồng đội cao. Hiểu về những thế hệ Y, Z này để cộng đồng cùng hợp nhất và hợp tác, gia đình được thuận hòa và thương yêu là điều cùng nên làm để chúng ta có thể chứng kiến được sự vươn mình của một cộng đồng gốc Việt thật sự có khả năng và phồn thịnh trong tương lai.

alt

Christine Hà, 33 tuổi khi đoạt giải “Vua đầu bếp”

ĐYT