Mùa Xuân từ ý thức lãng quên. Mỗi năm trở về một bận, cái bí vẫn đặc quánh quanh đề tài Xuân, Tết. Ký ức – vừa là vạch ngang, vạch dọc, vừa ra đi, vừa trở lại. Ðôi khi tôi cảm giác, nó chẳng có khởi đầu và không kết thúc. Hàng giờ gõ phím, ngửa mặt tìm ý tưởng trên mây. Tư duy rỗng từ, rỗng ngữ. Chẳng ra cái quái gì, câu chuyện cứ như một bó hoa khô của chữ.
Những ngày cuối năm, tôi luôn cưu mang một nỗi buồn không địa chỉ. Trí nhớ chậm, thời gian qua mau. Mọi thứ đều nhạt, từ trong đầu. Tôi thiết thân với “con chuột” của bàn phím đến mức dám sợ mang tiếng “đạo… ý tưởng” của Kafka, Camus- những nhà văn thường lấy con chuột làm nhân vật.
Tôi ngắm những cánh lan bên cửa sổ, thật lâu. Cảm giác bình yên đầy ắp tâm tư, nhưng tôi chẳng thể đào ra một ý tưởng “độc sáng” hay “lạ thường”. Cũng những đoạn, những mảnh và những câu viết vội. Chẳng một giấc mơ ngọt ngào bất ngờ gõ vào đầu. Cảm giác bên trong tôi, trống rỗng, đơn điệu. Gắng tạo một tâm trạng vui tươi, tôi nằm trên giường và tập mỉm cười. Mươi phút mỗi lần, nhưng nụ cười biến thành một …cái ngáp. Tôi vất vả lục tìm những chữ bắt đầu bằng cái mẫu tự “X”: Xuân? Xôn xao? Hay Lầm lẫn? Linh hồn? Hoặc: Ðam mê ? Ðau khổ? …
Ý tưởng vẫn chưa xanh nổi. Ký ức- một điều hoàn toàn lạ lùng. Thật khó khăn để nhớ, và thật dễ dàng để quên. Tôi cảm giác mình đang nhớ đến một điều gì đó… có chút hơi hướm hoài niệm hương hoa…

ReNew- Tác phẩm của anh tôi – Hải Đặng
“Nghĩ về anh tôi – là nghĩ về hoa…”
Cái thế giới của anh tôi- là vẽ hoa bằng ánh sáng. Nhiếp ảnh nghệ thuật là tìm một khoảnh khắc thật- là -mình. Như linh hồn của những con chữ, đam mê có khả năng quy kết và giải thoát. Danh họa Harry Zelenko đã chẳng cất công xây cho mình một giang sơn nuôi trồng hàng ngàn loài lan, và chỉ để trung dung sáng tạo cho cả ngàn họa phẩm về lan của mình.
Anh tôi yêu hoa hơn cả người tình. Xuân Hè, vườn nhà anh ngâm nắng với đủ sắc hoa chen chúc tự anh vun vén. Những ngày Ðông khắc nghiệt nơi xứ tuyết. Không cùng café đuổi rét, anh tôi co cụm trong một thế giới no đầy sự đam mê. Chẳng về cuốn chăn ngủ hết mùa Ðông, anh đổ hồn nhiên vào sáng tạo. Ðọt hứng chiết từ những nụ hoa.
Ðể thời gian- không gian là tất cả cho nghệ thuật. Anh tiêu hao hàng giờ cho một tác phẩm. Họa phông, phối hợp màu sắc, chọn lọ bình, kiểu hoa… Một cái softbox “tự biên”, vuông vức như cái thùng gỗ nhỏ. Một dàn đèn studio. Vài tấm phông nền tự họa. Một chiếc lọ bình. Dăm cánh hoa… Tất cả màu sắc cộng lại. Tất cả hình thể rướn lên. Tất cả ngôn ngữ đều tan biến… Chỉ còn âm thanh của những tiếng click máy.
Lẩn quẩn giữa sự vật. Loay hoay trong một thế giới riêng. Nhiếp ảnh nghệ thuật – Hoa- một sức hút trong cuộc đời anh tôi.
Khi gió Ðông về ngang cửa. Còn lại trong tôi và những nỗi nhớ cằn cỗi. Hớp rượu giữa đêm luôn cảm giác lạ lùng như chạm vào sương khuya hư huyễn. Trong góc tâm tư tôi có những màu hoa của dĩ vãng. Có tiếng anh tôi đổ vào đêm, tươm tất nỗi buồn bên chiếc tàn gạt đầy nhóc khói.
Bấc đã khêu, dầu đã chêm, lửa đã châm và dĩ vãng đã được sưởi ấm. Kỷ niệm chạm vào tôi, lặng lẽ nhớ như một ngày đã rơi theo gió…

Tác phẩm Hoa từ những cánh bông sau vườn nhà anh tôi.
Như lũ ve cần thay xác mới, Năm Mới của tôi là gì? Giảm cân? Trau dồi bí quyết chống lão hóa hay yoga thiền tịnh? Ðối mặt với chiếc gương. Săm soi tì vết, nhịn nhẫn sự thật! Hẳn nhiên, tôi chẳng thể mặc sơ mi sặc sỡ và thêm vài lớp mỡ. Ðặt cơ thể lên cái cân, tự mãn với trọng lượng chừng mực. Tự mãn với năng lượng cần thiết. Ðời là thế!
Ðằng sau chiếc đồng hồ là thời gian thức dậy hối hả ra khỏi nhà, làm việc. Mỗi ngày, bớt đi một ít căng thẳng thường có trong tôi. Eliot Weinberger- nhà văn đương đại Mỹ thì cho rằng, ” Bạn có biết clue là gì? Một cuộn chỉ len mà Theseus -vị anh hùng sáng lập Athens đã dùng để thoát khỏi mê cung. Vì thế, bất kỳ điều gì vẫn có thể có điều hướng để giải quyết một vấn đề.” Tôi tập treo trả những phập phồng bằng sự bình thản. Việc gì đến sẽ đến. Lý lẽ cuộc đời- cũng như bụi và rác!
Năm Mới của tôi sẽ một ngày Chủ Nhật nằm dài trên gường, ngao du đến tận trang cuối một cuốn sách. Nghiền ngẫm một cuốn phim. Sự bình yên là bãi đất êm cỏ, mỗi khi đau, tôi nằm xuống.

Một trong những tác phẩm “tự biên”: tự trồng- tự cắm- tự chụp! Photo Hải Đặng
Ðề tài- Một cái gì mới, một cái gì cũ, một cái gì vay mượn. Hay chỉ là một hình thức cũ đang hồi sinh?
Văn chương cũng là sự chạm mặt của người đọc với cuốn sách. Không có óc tưởng tượng thì không có ký ức, không cảm giác, không ý nguyện, khát vọng…
“ Viết mà không tham vọng là yếm thế: Một người thợ sửa ống nước xoàng có thể có ích cho mọi người, nhưng một nhà tiểu thuyết xoàng có chủ ý viết ra những cuốn sách phù du, tầm thường, theo quy ước thì rất…vô ích”. Câu nói của nhà tiểu thuyết Pháp Milan Kundera luôn làm tôi suy ngẫm. Làm sao tôi có thể lầm bầm về sự phù du của tiểu thuyết khi trên kệ sách của tôi là cuốn Trăm Năm Cô Ðơn của Gabriel García marquéz?
Chữ nghĩa đủ vực dậy trong tôi nỗi buồn vui cần thiết. Viết mọi thứ nhộn nhạo trong đời. Cảm xúc như thời tiết động kinh. Chữ nghĩa đôi khi rớt vào dòng cảm lạnh. Ngôn ngữ có vị đắng của Tylenol nhức đầu, vị ngọt drycough ho cảm. Và rồi, tôi lại sợ rơi vào cái cảm giác vẽ lại chân dung của chính mình. Hay không có sự khoái hoạt trong lối viết, không có những tiếng kêu bất ngờ từ sâu thẳm trái tim; hay phải thâm canh triền miên trên một mảnh đất văn chương đã cỗi cằn.
Gabriel García Márquez tự sự về thú đam mê viết lách, “ Tôi đã nói thế một lần, và vẫn một mực tin như thế: tôi viết để được yêu mến hơn nữa. Tôi tin rằng đó là một trong những ước vọng căn bản của một nhà văn.”
Khám phá ra mùi vị của cuộc sống, cả trong một vũng nước đục. Tôi là người thiếu mơ mộng, và không coi viết lách là điều đáng kể duy nhất, nhưng tôi sẽ không bao giờ quyết định thôi viết. Vì sao tôi viết? Vì mối giao kết giữa tôi và độc giả, giúp tôi hiểu linh hồn mình vẫn còn có một bóng râm. Và tôi đang tìm kiếm cho mình một chất văn xuôi trong cuộc sống…

Một năm được… mùa xui. Hết cái xui này đến cái xui khác xâu như xâu chuỗi. Cuộc sống rơi vào những cái ổ gà bất trắc sâu hoắm. Thời hạnh phúc thặng dư hay nỗi sầu khủng hoảng? Tự than [mình] là kích mục của những sinh linh bị cuộc đời đày ải. Ðể lý giải nguồn cơn, để phản ảnh, để bảo vệ “thân phận” với đủ lý do để oán trách ông Trời, và thậm chí còn căm thù cả Thượng đế!
Hậu quả của cơn “khủng hoảng dài hạn” là bộ nhớ thường xuyên đi nghỉ mát. Là một ngày không mở được “meo” vì quên khuấy cái password. Là rối loạn tâm tư khi uống quá đô vài viên thuốc an thần…
Cuối năm, tôi khâu sầu thành mảnh vui chắp vá, đắp chung một nỗi niềm đàn bà: chưa kịp trẻ đã …đành già. Xuân chẳng mãi kéo dài mái tóc!
