Menu Close

Những áng mây bay lên

Số liệu của tổ chức American Transplant Foundation cho biết, nước Mỹ hiện nay có khoảng gần 130,000 người nằm trong danh sách chờ đợi được người hiến bộ phận nội tạng phù hợp với cơ thể của mình để có thể tiếp tục sự sống của mình và cứ mỗi 12 phút, lại có thêm một bịnh nhân thêm vào danh sách này. Cơ may sống sót của những người trong danh sách chờ đợi này cao hơn so với những bịnh nhân vướng phải những căn bịnh quái ác, bất trị, một khi họ có được một ân nhân nào đó tặng cho bộ phận nội tạng như tim, gan, thận, phổi, tủy sống… mà họ đang chờ.  Khắc khoải, sợ hãi và hy vọng, để rồi nhiều người trong số họ được tái sinh cùng với đời sống tươi đẹp này nhờ vào những nghĩa cử hiến tặng cao đẹp của những ân nhân còn sống hay đã qua đời, dù ra đi nhưng đã cứu được mạng sống cho hàng chục người khác.

Để tưởng niệm cô Bùi Thị Trinh, 1952-2015

Hay kể chuyện trường lớp cho tôi nghe, giữa một bữa cơm tối gia đình vài tuần trước, cô con gái tôi kể câu chuyện về một học sinh lớp Bốn chung trường tiểu học vừa mới bị chẩn đoán là bị ung thư máu. Cô bé còn nói thêm rằng, hồi năm ngoái trường cũng có một học sinh bị leukemia – ung thư máu, như vậy. Thật ra qua những bản tin trường học thông tin, liên lạc với phụ huynh qua điện thư trước đó, tôi cũng đã biết chuyện cậu bé Andrew hồi cuối năm bỗng dưng bất tỉnh và khi được chở vào cấp cứu, các bác sĩ phát hiện ra rằng em bị ung thư máu. Trường học cũng phối hợp với tổ chức chuyên tìm kiếm người có tủy phù hợp là About Be The Match để mời gọi phụ huynh đến thử nghiệm để xem có tủy phù hợp và từ tâm hiến tặng. Tôi cũng tham dự đêm thử DNA, biết đâu cứu được mạng sống cậu bé Andrew tội nghiệp. Rất tiếc, khi điền đơn thì mới thấy mình đã quá tuổi hiến tủy, bởi những người hiến trong độ tuổi từ 18 đến 44 mới được xem là tốt nhất cho bịnh nhân lẫn người tặng về lâu dài. Nhận lời cảm ơn từ các nhân viên y tế và những cô giáo, tôi chẳng biết nên buồn hay vui về chuyện tuổi tác, vì khi nhìn chung quanh thì nhiều phụ huynh đang điền đơn xem dáng vẻ còn … trộng tuổi hơn tôi nhưng vẫn còn trong độ tuổi yêu cầu ấy. (Dù so với người Á Châu, tôi xem ra đã… trộng lắm so với tuổi tác của mình)

Có những người hiến tặng ẩn danh, họ cho đi một phần cơ thể của mình mà không cần biết người nhận là ai và cũng không để người nhận biết đến tông tích họ, ngoại trừ hồ sơ y tế giới hữu trách quản trị. Nhưng có những chuyện tặng tủy hay các cơ quan nội tạng của một ân nhân nào đó cho một bịnh nhân chẳng quen biết hay cùng huyết thống với mình, đã trở thành những câu chuyện rất đẹp và cảm động. Hồi lễ Tình Nhân tháng trước, tôi đọc được câu chuyện tình của Ashley McIntyre và Danny Robinson cũng vậy. Danny bị viêm thận từ năm 16 tuổi và hai năm trước, thận anh bị hư, Danny phải lọc thận mỗi tuần ba lần để kéo dài mạng sống của mình cho đến khi tìm được một ân nhân hiến thận. Một ngày đầu năm 2014, chuẩn bị bước vào tuổi 25 trong ngày hôm sau, Ashley tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của Danny và mẹ trên đài radio địa phương rằng, không ai trong gia đình Danny có thận thích hợp để có thể hiến cho anh. Khi làm bằng lái, Ashley từng ký vào giấy cam kết hiến tặng nội tạng của mình một khi qua đời nhưng chưa bao giờ cô nghĩ rằng mình sẽ hiến tặng một phần nội tạng đương khi còn sống. Nhưng rồi cô quyết định đón sinh nhật của mình bằng một hành động cao cả là, cứu một mạng người. Cô đi thử nghiệm và rất trùng hợp, nhóm máu và các yếu tố khác của cô phù hợp để hiến cho Danny một quả thận của mình. Thoạt đầu, Ashley cũng không nghĩ cô sẽ chẳng cần gặp Danny và gia đình anh, nhưng mẹ anh vẫn khăng khăng muốn gặp cô để cảm tạ  ân nhân cứu mạng con trai mình. Vậy là duyên ngộ bắt đầu, cho đến trước ngày Danny lên bàn mổ, anh đã tặng cô hộp phát nhạc với hàng chữ, “Ashley, em là một thiên thần của đời anh”. Câu chuyện còn lại là ca ghép thận thành công, cả hai trở nên một, theo nghĩa nào cũng đúng và họ đang chờ đợi đứa con gái đầu lòng vào giữa năm nay. Ở câu chuyện khác,  tôi cũng đọc được tâm sự của một người tên Lisa vừa kỷ niệm 20 năm tình bạn của bà với Pam, một người xa lạ mà bà đã hiến tủy, để rồi cả hai trở thành bạn thân từ đó.     

alt

Danny Robinson và Ashaley McIntyre – nguồn usatoday.net

Mỗi năm có khoảng 6,000 người sống hiến tặng nội tạng mình, trong đó khoảng một phần tư số này là như Ashley và Lisa, tức hiến tặng cho một người hoàn toàn xa lạ, thay vì thường xảy ra giữa những người cùng huyết thống hay thân thiết với nhau. Quả đây là một quyết định khó khăn, đầy can đảm và cao thượng với những người hiến nội tạng đang còn sống khoẻ mạnh, nhất là không phải để cứu mạng cho người ruột thịt của mình. Tôi đã từng nghe hơn một lần rằng, đã có những trường hợp những anh chị em cùng trong gia đình từng từ chối hiến một phần cơ quan nội tạng của mình cho nhau, vì sợ hãi hay vì nỗi  lo an nguy đến gia đình riêng của họ khi có mệnh hệ nào. Đó cũng là một điều dễ hiểu. Nên phần lớn những người trong danh sách chờ được thay thế nội tạng chỉ trông chờ vào những người qua đời mà họ hay gia đình có ý hiến tặng cơ thể mình.

Cũng theo số liệu của American Transplant Foundation nói trên, mỗi ngày có khoảng 21 người bị chết vì không kịp chờ đến lúc được thay thế bộ phận bị hư nào đó của mình. Trong khi một người qua đời, nếu đồng ý hiến tặng hết các nội tạng của mình thì tùy theo tình trạng thể trạng trước khi mất, họ có thể cứu sống đến tám mạng người cùng hàng trăm người khác được kéo dài thời gian cầm cự nhờ vào xương tủy người mất. Không kể đôi mắt của họ có thể đem lại ánh sáng cho một người bất hạnh nào đó. Ngay cả những bộ phận còn khả năng thay thế cho người khác vẫn rất hữu dụng để thực hành hay nghiên cứu y khoa, đem lại những thành tựu chung cho nhân loại.    

alt

Cô Bùi Thị Trinh

Câu chuyện của cậu bé Andrew bị ung thư máu và sự qua đời của mẹ một người bạn đã làm tôi suy nghĩ và viết về câu chuyện của những người hiến tặng nội tạng này. Cô đột ngột lên máu và qua đời rất bất ngờ vào một ngày băng tuyết Dallas sau Tết Âm lịch vừa qua, dù trước đó còn vui với những bông tuyết hiếm hoi của xứ Texas này. Ngoài tuổi 60, chưa thể gọi là lớn tuổi, cô còn đi chơi chung chuyến du ngoạn với cả nhóm chúng tôi năm trước và còn náo nức hẹn lại dịp nữa vào mùa Hè này. Cả gia đình cô bàng hoàng và nhóm bạn bè chúng tôi cũng ngỡ ngàng không kém trước sự bất lường. Gia đình làm theo ước nguyện của cô, cũng giống như người chị hay em cô khi qua đời trước đó : hiến tặng hết các nội tạng của mình cho những người bịnh đang cần được thay thế nội tạng. Bạn tôi kể rằng, bịnh viện báo tin, những cơ quan nội tạng của cô đã thích hợp và cứu sống được bảy mạng người một khi cấy ghép cho họ. Đôi mắt còn tinh anh của cô cũng được hiến cho một ai đó. Không kể cả những van tim, mạch máu, da, xương… đều có thể sử dụng để cứu chữa thêm cho những bịnh nhân khác. Bạn tôi bảo rằng, cả gia đình buồn nhưng dường như sự hiến tặng của cô đã phần nào giúp họ khuây khoả khi nghĩ đến sự ra đi của cô.  Một sự ra đi bội phần ý nghĩa hơn. Tôi chẳng nhớ ca dao hay một câu kinh nào đó viết rằng, “dù xây chín bậc phù đồ, sao bằng làm phước cứu cho một người”. Cứu một mạng người, cứu năm bảy mạng người, tặng vật và công đức để lại cho đời xem ra cao cả làm sao. Biết đâu cuộc đời của cậu bé Andrew sẽ thay đổi, biết đâu một người cha hay người mẹ nào đó còn có thể tiếp tục cuộc sống để lo cho các con thơ bé dại của mình, một khi được thay thế cơ quan nội tạng bị hư nào đó của họ.

Cái ước nguyện hiến tặng cơ thể mình cho tha nhân, cho y học của cô tạo sự cảm phục và bơm vào tiềm thức mỗi người chúng tôi một ý nghĩ nào đó, nếu chưa hề nghĩ đến hay quyết định trước kia. Rượt đuổi hay vật lộn cùng đời sống, đôi khi chúng ta quên rằng khi sinh ra thì mỗi người đã được tặng cho một tấm vé một chiều đi về cõi vô thường nào đó.  Cái trương mục mỗi người đã được ứng vào sẵn sự chết, sự khởi đầu hành trình của một đời sống vĩnh cửu khác theo ý nghĩa tâm linh. “Đi đến chốn tận cùng, nơi con suối đã cạn, ngồi xuống và chờ những áng mây bay lên” (Vương Duy).  Vui sống, trân trọng đời sống cho đến lúc khởi hành, thay vì cứ  vật lộn để tích lũy những thứ chẳng mang theo được. Chiếc vé một chiều kia nghe bảo chẳng cho mang theo gì. Quả thật, chẳng mang theo được gì, kể cả xác thân. Vậy thì nghĩa cử trao tặng cuối cùng quả cũng là điều có ý nghĩa.  Lấy cái chết để trao tặng sự sống, không biết những linh hồn như vậy bước qua bức tường bên kia có được đón chào nồng hậu hơn hay không, nhưng chắc chắn họ được những người còn sống như tôi kính cẩn nghiêng mình và ngả mũ. Và hiểu hơn về hành trình cùng ý nghĩa của một đời người.

ĐYT