Sinh 1960 và tốt nghiệp ngành Văn khố tại Đông Đức, Phạm Thị Hoài là một trong những gương mặt chính của Phong trào Văn chương Phản kháng giai đoạn 1986-1989. Sau Thiên Sứ đoạt giải “Tiểu thuyết nước ngoài hay nhất” tại Đức năm 1993 và Thực Đơn Chủ Nhật quay thành phim trên truyền hình Đức, Phạm Thị Hoài thiên về thể tiểu luận mà trí tuệ và cú pháp làm nên đặc điểm. Từ 2001, Phạm Thị Hoài làm chủ biên trang Talawas rồi Pro&Contra, cùng lúc dịch các tác phẩm của Franz Kafka, Bertolt Brecht và Friedrich Durrenmatt.

Phạm Thị Hoài
Trần Vũ: Từng sống dưới tầng hầm của Viện Sử học Hà Nội nhiều năm tháng, Phạm Thị Hoài thời sinh viên đã đón mùa Xuân dưới nền xi-măng lịch sử này ra sao? Có phải trong căn hầm này Phạm Thị Hoài quan sát và thâu nạp chất liệu cho tiểu thuyết Marie Sến? Những mùa Xuân tự do đầu tiên tại Bá Linh, khám phá Thomas Mann và tiểu thuyết Bác Sĩ Faustus, Phạm Thị Hoài tin như Thomas Mann từng viết: “Chúng tôi là một dân tộc ưa chuộng định mệnh và mang linh hồn thảm khốc mãnh liệt.”? Thomas Mann khi lưu vong tại Hoa Kỳ cũng từng trả lời Dr Joseph Goebbels: “Tôi ở đâu, đó là nước Đức. Tôi mang theo mình nền văn hóa Đức của tôi.”… Còn Phạm Thị Hoài?
Phạm Thị Hoài: Các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam thường là những thành trì tư tưởng bảo thủ. Người ta có thể trú trọn cuộc đời công chức hàn lâm ở đó mà không hề trải qua một biến động nào lớn hơn sự lần hồi lão hóa của chính mình. Tuy vậy, đối với tôi, Viện Sử học thời gian ấy là một cơ quan hào phóng. Nó không đòi hỏi gì ở tôi ngoài việc ngày nào cũng có mặt, còn lại thì gần như tuyệt đối tự do. Thủ trưởng trực tiếp của tôi, ông Dương Trung Quốc, và Viện trưởng, ông Văn Tạo, cũng như chuyên gia cao cấp, ông Hồng Phong, đều không hề phản đối việc tôi ăn biên chế của Viện mà lại ngồi cả ngày ở đó để dịch truyện và viết văn chứ không đóng góp gì vào công cuộc nghiên cứu lịch sử nước nhà. Có lẽ vì lịch sử nước nhà đã được viết xong, đâu vào đấy cả rồi, để những người như tôi đụng vào không có lợi gì, mà bản thân tôi cũng không có một tham vọng nào về hướng đó. Tôi còn được Viện cấp giấy giới thiệu đi học một khóa Hán-Nôm.
Giữa những năm tám mươi, học tiếng Tàu là việc bị kiểm soát khắt khe, lớp tôi học gồm toàn các nhà sư và vài người mà tôi nghe các vị nhà chùa rỉ tai là mật vụ. Rồi khi lâm vào cảnh vô gia cư, tôi lại được cấp ngay chỗ ở tạm dưới tầng hầm. Đấy là một tòa biệt thự kiểu Pháp, tầng hầm cũng kiên cố và khá khô ráo, ra vào thì phải lom khom chui qua một khung vuông, mỗi bề chừng tám mươi phân, nhưng bên trong thì người nhỏ bé như tôi có thể đứng thẳng, trần vẫn cách đầu vài phân. Dĩ nhiên là tôi chung sống với tất cả những cư dân thường gặp ở tầng hầm, bây giờ nghĩ lại thì ghê, nhưng quả thật khi đó tôi không thấy bất bình khi phải mời mấy bác chuột sang một góc xa hơn, hay xua các em gián, các em thằn lằn đi chơi chỗ khác. Tuổi trẻ đúng là kỳ diệu, mùa nào cũng là mùa Xuân, ngày nào mặt trời cũng ghé xuống cả nơi thấp nhất. Marie Sến là một hommage cho thời gian ấy. Sống ngay tại trụ sở 38 Hàng Chuối của Viện, tôi lại được cái thú là chiều tối thỉnh thoảng ngồi hàng nước góc phố Phạm Đình Hổ xem ông Đỗ Mười mặc pyjama kẻ sọc như quần áo tù ra trước cửa hóng mát và chuyện gẫu với lính gác, lời lẽ thô sơ hơn cả mặt mũi, tăm ngậm miệng, tác phong rất là nhân dân.
Với các tác phẩm của Thomas Mann, phải nói ngay là tôi không thấy gắn bó nhiều lắm. Có thể vì ông ấy là một tác giả bắt buộc, là hiện thân của văn học Đức, như Goethe, và cả hai đều theo đuổi chủ đề nghệ sĩ bán linh hồn cho quỷ, như thể nó cũng là bắt buộc trong văn học Đức. Điều tuyệt đối giống nhau giữa văn chương và tình yêu là cả hai dựa trên sự tự nguyện. Dĩ nhiên chẳng có tình yêu nào là thuần túy, rất nhiều khi cái mà chúng ta tưởng là cảm xúc lãng mạn bay bổng của trái tim thực chất lại là cảm giác sung sướng tột đỉnh trước kết quả mỹ mãn của một phép tính đầy lý trí trên thị trường tình cảm. Nhưng cơ sở vẫn phải là sự lựa chọn tự nguyện. Trong các tác giả của dòng họ văn chương Mann danh tiếng, tôi chỉ tự nguyện đọc Klaus Mann, mà lại đọc đúng vào Mephisto, cũng một tác phẩm về nghệ sĩ bán linh hồn cho quỷ. Một vấn đề nữa của Doktor Faustus là nó ôm rất nhiều câu hỏi lớn của văn hóa, chính trị và lịch sử Đức tính đến khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc, vì thế bạn không cần tự đọc một dòng nào trong cuốn tiểu thuyết rất dày, rất khó đọc trọn vẹn này, nhưng vẫn có thể có cảm giác đã biết về nó. Nó được trích dẫn, phân tích, được nhắc đến trong vô số ngữ cảnh. Tôi không được học hành gì và hoàn toàn không có thiên hướng về âm nhạc, nhưng vẫn cứ tự động biết đến những suy tư, lập thuyết, thậm chí cả những chi tiết nhầm lẫn về âm nhạc rất thú vị trong tác phẩm này. Nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết, một nhà soạn nhạc, cuối cùng sẽ sáng tạo một tác phẩm âm nhạc 12 cung, trước khi mất trí. Cả Arnold , cha đẻ của lý thuyết âm nhạc này lẫn Theodor Adorno, tác giả của chuyên luận Philosophie der neuen Musik (Triết học của tân nhạc) bàn về hai trường phái sáng tác, và Strawinsky, mà Thomas Mann sẽ trích dẫn nguyên văn nhiều đoạn trong Doktor Faustus, cũng như ông, đều lưu vong, là láng giềng của nhau, gặp gỡ nhau trong ngôi biệt thự khang trang của Thomas Mann tại San Remo Drive, California, do hai kiến trúc sư từ Berlin sang tỵ nạn thiết kế, theo phong cách Bauhaus. Quan hệ phức tạp và đầy xung đột của bộ ba này là đề tài màu mỡ cho cả truyền thông lẫn giới nghiên cứu.
Chính phần đời lưu vong này của Thomas Mann, người được coi là tiếng nói của nước Đức dân chủ ở hải ngoại, khiến tôi quan tâm đặc biệt, nhất là cuộc tranh luận về “lưu vong tại nội” (innere Emigration), bùng lên ngay sau khi chính quyền Hitler sụp đổ. Một nhà báo Đức, Frank Thiess, chỉ trích Thomas Mann rằng ông đã bỏ rơi đất nước và ngôn ngữ Đức để ung dung tranh đấu từ chốn lưu vong sang trọng đầy ánh nắng bên bờ Thái Bình Dương, ông chẳng biết gì về thực trạng nước Đức dưới chế độ Quốc xã và chẳng đóng góp được điều gì, trong khi chính các nhà văn, nghệ sĩ, trí thức tuy đối lập với chế độ nhưng vẫn bám trụ ở trong nước để thầm lặng tác động và tìm cách thay đổi chế độ, những người “lưu vong tại nội” ấy, lưu vong trên chính quê hương mình hay lưu vong trong tâm tưởng, đối lập với “lưu vong xuất ngoại” (), mới thực sự là những nhân tố mà một nước Đức mới đang cần. Về phần mình, Thomas Mann nổi giận với những người tự mệnh danh là “lưu vong tại nội” đó, gọi họ là “những kẻ rúc xó lò sưởi của bất hạnh” (). Nếu quả có một trường phái “lưu vong tại nội” thì đại diện của nó khá thưa thớt và ảnh hưởng của nó còn ít hơn cả thầm lặng. Cuối cùng Thomas Mann đã quyết định không trở về quê hương, mà chọn ,Thụy Sĩ, cho phần đời còn lại. Ông phải ghi nhận là nước Đức đã trở nên lạ lẫm với mình.
Dù có một số tương đồng, nhưng hoàn cảnh hiện tại của các nhà văn viết tiếng Việt tại hải ngoại khác với các nhà văn Đức lưu vong hơn ba phần tư thế kỷ trước. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà những khái niệm “quê hương”, “đất nước” đã thay đổi cả về nghĩa và ý nghĩa. Cá nhân tôi thấy dễ sống hơn khi không bị ràng buộc vào một quê hương nào. Nếu phải có Tổ quốc, tôi thích được nhiều Tổ quốc hơn duy nhất chỉ có một. Và chừng nào còn viết tiếng Việt, hiển nhiên là tôi mang theo mình một phần nền văn hóa Việt. Nền văn hóa Việt của tôi, vì đó là tiếng Việt của tôi, kết quả của sự cọ xát thường trực với ngôn ngữ thứ hai mà tôi làm chủ, tiếng Đức.
————————–
Sinh 1967, tốt nghiệp cử nhân Văn chương rồi cao học Thư viện-Thông tin tại California, Phan Nhiên Hạo làm việc tại thư viện Northern Illinois University và chủ biên trang web Litviet. Được biết đến qua hai thi tập Chế Tạo Thơ Ca cùng Thiên Đường Chuông Giấy, Phan Nhiên Hạo còn là một người viết tiểu luận và bút ký luôn ghi lại các suy nghĩ thẳng thắn của mình mà không tránh né vấn đề. Thơ Trẻ Không Nhất Thiết Phải Là “Làn Gió Thổi”, Nhà Văn Thế Hệ Sau Chiến Tranh và Ông Vua Cởi Truồng, Hành Trình Đông Nam Á, Buổi Sáng Angkor… là những văn phẩm tiêu biểu.

Phan Nhiên Hạo
Trần Vũ: Tác giả Năm Này Tôi Bằng Tuổi Ba Tôi đi về Á châu liên tục như lên những chuyến tàu tốc hành mà mỗi bến đỗ là một kiểm nghiệm. Phan Nhiên Hạo kiểm được gì và nghiệm được gì, trong chuyến đi sau cùng này? Có phải anh thường xuyên về Việt Nam là để tìm lại những mùa xuân tuổi trẻ của mình?
Phan Nhiên Hạo: Hơn mười năm nay tôi đi Đông Nam Á khá thường xuyên, mỗi năm hai ba chuyến, mỗi chuyến vài nước, kéo dài từ ba đến sáu tuần. Tất cả những chuyến đi này đều là đi công việc, liên quan đến ngành thư viện Đông Nam Á trong đại học nơi tôi làm việc. Chỉ khoảng một phần tư trong số những chuyến đi là có ghé về Việt Nam. Nói rõ vậy để thấy những chuyến đi này mục đích chính không phải là để về Việt Nam. Những chuyến đi dĩ nhiên rất thú vị.
Thỉnh thoảng tôi có gặp một hai người không thích đi đây đó, nhưng số này rất ít. Đa số ai cũng khoái du lịch, giới văn nghệ lại càng thích xê dịch. Đối với tôi, đi đến những nước càng ít phát triển, càng khác cuộc sống của mình ở Mỹ thì càng thích. Những người sống ở Việt Nam chắc chẳng mấy hứng thú với một chuyến đi đến Indonesia, nhưng với tôi, nếu phải chọn giữa một chuyến đi đến Sulawesi và một chuyến đi đến Berlin, tôi sẽ chọn ngay chuyến đi đến Sulawesi. Có lần tôi đã bỏ dịp đi Hawaii để đi Á Châu. Tôi cũng có đi Âu Châu vài lần, nhưng chỉ thích Đông Âu, đây là vùng tôi mong có dịp đi nhiều hơn. Còn Nam Mỹ và Phi Châu nữa. Giấc mơ du hành là giấc mơ ám ảnh nhất đối với nhiều người viết, tôi nghĩ vậy.
Khi đi các nước Đông Nam Á, tôi có cảm nhận của một người vừa là du khách vừa như người địa phương. Một mặt mình mang hộ chiếu Mỹ, sinh hoạt như du khách phương Tây, một mặt mình là người Đông Nam Á. Cái cách mà người địa phương đối xử với mình cũng không hoàn toàn như đối xử với một du khách phương Tây, đôi khi thân mật hơn, đôi khi dò hỏi, thắc mắc. Ở những nước Đông Nam Á, trong tất cả sự tiện nghi của du khách, tôi vẫn thường đặt mình vào vị trí của người địa phương và tự hỏi nếu mình không đi Mỹ thì cuộc sống của mình bây giờ ở Việt Nam ra sao, mình sẽ nhìn những du khách phương Tây như thế nào, có e dè và nể trọng quá mức không, hay sẽ vừa kiêu hãnh vừa mặc cảm. Tôi cũng hiểu những du khách phương Tây đến các nước Đông Nam Á là ai, với những cái hay lẫn cái không hay của họ. Tôi có học ngành Nhân Học Văn Hóa (Cultural Anthropology), nên thường chú ý đến tương quan văn hóa Đông-Tây giữa những du khách và người địa phương, mà tôi nghĩ tôi có khả năng trải nghiệm từ cả hai phía. Tương quan này rắc rối và tế nhị nhiều hơn là cái không khí dễ dãi của những khu du lịch ba-lô hay vẻ ngoài bóng bẩy của những khách sạn mắc tiền.
Thật ra bây giờ đi các nước Đông Nam Á khác tôi thấy dễ chịu hơn về Việt Nam. Ở Việt Nam tôi luôn có cảm giác bất an. Về tới phi trường là thấy mệt rồi. Ở Việt Nam thì có bạn bè, nhưng thời gian sau này những người bạn văn nghệ mà tôi quen biết không còn tụ tập như trước nữa. Vì nhiều lý do, không khí văn nghệ ở Việt Nam hiện nay, ít nhất trong giới “văn nghệ ngoài lề” mà tôi biết, không còn gắn kết và hào hứng như xưa. Về Việt Nam bây giờ tôi chỉ gặp một hai người bạn văn nghệ. Có những buổi tối tôi ngồi uống bia một mình trong khu Tây ba-lô Phạm Ngũ Lão đơn độc chẳng khác gì bên Bangkok hay Kuala Lumpur, mà lại còn ít vui hơn, ít thoải mái hơn. Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận Việt Nam là nơi mà mình có những liên hệ tinh thần sâu đậm hơn bất cứ nơi nào khác, làm cho mình suy nghĩ nhiều hơn bất cứ nơi nào khác.
Tôi không tìm kiếm điều gì cụ thể trong những chuyến đi, hay về, Việt Nam vào lúc này. Tôi chỉ muốn tiếp tục được đi, đi đâu cũng được, đến những nước càng khác Mỹ càng hay. Đi, dĩ nhiên có ích cho sáng tạo văn chương, nhưng bản thân việc du hành đã là một tuyệt diệu. Có cơ hội để đi và có khả năng quan sát với cái nhìn đa chiều, tôi nghĩ đó là một đặc điểm quan trọng của nhà văn hải ngoại.
————————–
Sinh 1962 và là cháu ngoại nhà văn Hoàng Đạo, Đặng Thơ Thơ từ vị trí kế thừa Tự lực Văn đoàn đã luôn cách tân và khai phá. Tác giả của Ở Khoảng Giữa Một Gang Tay định nghĩa thể truyện Chớp: “..là một thế giới trong đêm đen, bất chợt một luồng chớp xẹt lửa và toàn cảnh hiện hình rõ như ban ngày, rồi lập tức tan lại vào bóng tối, để lại một kinh ngạc không lời.” Đến Đi Tìm Bản Kinh Thánh Cuối, Đặng Thơ Thơ truy tìm dằn vặt của một thầy tu phải chép lại bản kinh chính thức của nhà thờ, cùng lúc ước muốn tìm lại bản gốc, với ý thức phải chọn giữa lương tri và giáo điều. Sức đột phá đột ngột của một nhà văn, thường xuyên song hành với một dấn thân. Mạo hiểm và chuyển hóa bút pháp, là dấn thân của Đặng Thơ Thơ.

Đặng Thơ Thơ
Trần Vũ: Các nhà văn đồng hành nhìn thấy Đặng Thơ Thơ trải nghiệm hai mùa Xuân: Mùa Xuân văn chương khi cô quyết định thay đổi bút pháp hiện thực của Phòng Triển Lãm Tranh Mùa Đông sang bút pháp huyễn ảo trong Đi Tìm Bản Kinh Thánh Cuối. Ngay sau đó là mùa Xuân tình yêu: Tác giả của Phong Linh Vỡ đoạn tuyệt với đời sống gia đình truyền thống để dấn bước vào một hành trình mới… Orhan Pamuk, trong diễn từ nhận giải Nobel Văn chương 2006 từng phát biểu: “Tiểu thuyết hay, phải tiết lộ cho nhân loại những gì bị che khuất trong ánh mắt thường nhật […] Nhà văn, là kẻ dành nhiều năm dài để thử khám phá con người thứ nhì sinh sống trong mình hắn…” Có phải chính là kinh nghiệm của Đặng Thơ Thơ, trong sáng tác cũng như trong đời sống?
Đặng Thơ Thơ: Nếu hiểu theo nghĩa thông thường về phong cách hiện thực, tôi không nghĩ rằng Phòng Triển Lãm Mùa Đông (PTLMĐ) được viết bằng bút pháp hoàn toàn hiện thực. Có những truyện là sự khuếch tán hiện thực qua những lăng kính dị biệt của một chủ đề đặc thù. Những truyện Lời Chia Tay Cuối, hay Phòng Triển Lãm Mùa Đông là một hiện thực “ảo,” xét về mặt bối cảnh, nhân vật, không khí, chủ đề… Một Nơi Để Viết là một truyện về truyện, một siêu hư cấu, khi một người viết đi theo một tia nắng và gặp lại một bản sao cũ của chính mình mà mình đã tìm cách từ bỏ. Độ Đau của Máy và Vườn Lan là một dạng hiện thực giả tưởng hay phóng tưởng, như cách viết của Ray Bradbury. Mùa Xuân Trắng và Mùa Hè… Từng Đoạn Ngắn là một dạng montage của ngôn ngữ điện ảnh, đặt để nhiều hình ảnh nối tiếp nhau, và hiệu quả là các mảng tự sự mang tính thị giác và thi ca. Các truyện bây giờ đọc lại vẫn thấy xúc động được viết theo phong cách hiện thực đúng nghĩa: Cụ và Chắt và Nhà Trẻ. Sau hơn mười năm, một khoảng thời gian đủ dài để có sự khách quan, truyện vẫn có sức mạnh của chúng trên người viết, thể hiện sự áp chế của quyền lực và sự tha hóa lương tri bằng một bút pháp hiện thực rất giản dị và thẳng băng. So với tập đầu tay PTLMĐ, các truyện của tập Khả Thể có bút pháp huyễn ảo được sử dụng tinh tế hơn, đặc biệt là Đi Tìm Bản Kinh Thánh Cuối. Thay đổi cách tường thuật, thay đổi một phong cách tự sự như thế phản ảnh sự thay đổi trong cách nhân vật và người viết nhìn nhận thế giới. Các truyện trong Khả Thể là những sáng tác theo phong cách hủy cấu trúc, trong nghĩa chúng chất vấn vai trò của ngôn ngữ (Lý Lịch Hoang Tưởng của Tôi, hay Bản Nháp cho Một Tình Yêu, một siêu hư cấu) hoặc chúng là một cái nhìn xét lại về những giá trị đã được minh xác (Người Vợ Khổng Tử và Cô Giáo Nữ Quyền, Đi Tìm Bản Kinh Thánh Cuối…). Nói chung, chúng là những truyện có thể được tháo gỡ ra theo hơn-một-cách để bảo đảm tính đa nghĩa và đa tầng trong diễn dịch.
Orhan Pamuk nói đúng phần nào về những hiện diện kép trong cùng một bản thể, tuy nhiên điều này không chỉ áp dụng riêng cho trường hợp nhà văn. Theo tôi thì ai cũng có một, hoặc nhiều “kẻ thứ nhì sinh sống trong mình hắn.” Và cái mà hắn tưởng là nguyên thể, là kẻ thứ nhất, tạm gọi như thế, cũng đáng hồ nghi không kém. Tôi được tạo ra như một chủ thể như thế nào? Không phải tự nhiên mà tôi là tôi như bây giờ, mà không phải là một con người khác với một cách sống khác. Bây giờ tôi hiểu vì sao tôi viết Khi Phong Linh Vỡ vào thời gian đó, khi mọi thứ trong đời sống nhìn bề ngoài rất ổn định nhưng thực chất thì chẳng ra đâu vào đâu: tôi hoàn toàn không hài lòng với đời sống, với chính mình, với những lựa chọn của mình, với sự đóng khung trong các quy ước truyền thống xã hội. Nhân vật Ly chờ đúng giao thừa để ném ly rượu từ tầng thượng xuống vườn, một hành động mang tính biểu tượng dứt khoát. Cô ta muốn là một thể lỏng, trôi chảy, không bị đóng khung trong bất cứ hình dạng nào, như rượu từ chối mang hình thể của cái bình chứa đựng nó. Một dòng chảy không ngừng là sự chuyển đổi liên tục, để tránh việc đóng băng trong một khuôn thước. Vào thời điểm viết những dòng đó mọi thứ vẫn rất mơ hồ, bây giờ kiểm nghiệm lại thì dường như điều tôi viết ra rất linh ứng. Hoặc giả hành động (viết/ đập vỡ) xảy ra trước để mở đường cho bản chất định hình, như phát biểu “l’Existence précède l’essence” của Jean Paul Sartre. Hoặc giả đây là hành trình loại trừ dần những tác động của truyền thống, xã hội, văn hóa, môi trường… và chất vấn những nguyên tắc liên quan đến bản chất, giới tính, và khuynh hướng cá nhân đã bám cứng vào tâm thức. Nếu một đứa bé được mặc một chiếc áo khi chào đời, và qua năm tháng chiếc áo tăng trưởng cùng với cơ thể nó, thì nó sẽ tưởng chiếc áo ấy chính là nó. Những điều mà nó tưởng là tự nhiên như màu da, dục tính, và giới tính, thật ra là một chiếc áo đã được mã hóa bằng truyền thống, quy ước, văn hóa và lịch sử. … Judith Butler, triết gia Pháp, đã nói rằng giới tính chỉ là sự trình diễn, và đa số chúng ta vẫn trình diễn giới tính, một cách vô thức, trên sân khấu lớn của đời sống. Và chính sự trình diễn ấy trở thành “bản thể” của chúng ta (Sartre), quay trở lại khống chế chúng ta trong mọi sinh hoạt, trong một thế giới bị “giới tính hóa” thành hai đối cực nam và nữ, thẳng và “gay.” Thế giới chúng ta sống ưu tiên cho sự đồng dạng, gọi sự đồng dạng là sự thật, và gọi những thứ khác biệt- dựa vào những kiến thức đồng dạng- là bất thường, sai lệch, tội lỗi… Ở giữa những lưỡng cực Nam-Nữ, Chân-Giả, Dị Tính-Đồng Tính là một lỗ đen chứa những thứ không có, hay chưa có, tên gọi đúng nghĩa. Kinh nghiệm của cá nhân tôi là kẻ nằm trong lỗ đen, tìm cách hủy cấu trúc nó, để thấy giới tính và dục tính là mọi sắc độ qua lại giữa trắng và đen, và thấy thế giới của những màu xám dị biệt thì luôn đa dạng và gần với sự thực hơn thế giới lưỡng cực. Kinh nghiệm của tôi là chống lại việc áp chế bản thể vào những khuôn mẫu có sẵn, khởi đi bằng đời sống mình và bằng điều mình viết. Tất nhiên là có cái giá phải trả cho khoản chênh lệch giữa việc tự tạo một bản thể cho riêng mình và việc nhận không một cái áo may sẵn miễn phí.
Bản thể của tôi bắt nguồn ở đâu? Bản thể ấy có phải là một điều hiển nhiên không? Còn bao nhiêu lớp áo chồng chất tôi vẫn đang mang trên mình? Có lẽ không nên trả lời phỏng vấn bằng những câu hỏi, nhưng mọi hành trình đi tìm kiếm đều là diễn tiến của những câu hỏi nối tiếp nhau. Tôi phải tiếp tục cởi bỏ những lớp áo này, cởi lần hồi cho đến khi cảm thấy cái đau của thịt da trần trụi tiếp xúc với đất đá, với cái lạnh, với sự khắc nghiệt của thế giới. Bản thể của tôi là cái đau của tôi khi va chạm với bên ngoài. Sau khi trừ hết những điểm chung với mọi người, bản thể tôi của tôi là điều khác biệt còn sót lại.
————————–
Sinh 1962 và là một trong vài nhà văn hải ngoại đầu tiên quay về sinh sống tại quê hương, Thận Nhiên trải nghiệm trong 12 năm những lời thơ Mallarmé: quê hương như một “Cơn lốc vui nhộn và kinh dị/ Dòng suối cạn chịu sàm báng này là thần chết.” Tác giả của Tháo Đầu Đặt Lên Tủ thử nghiệm mọi hình thái lưu đày: Một Nhúm Mắt Trời Tan Trên Lưỡi, Giả Thiết Về Cánh Tay Phải Của Chúa Giê-su, Ngủ Truồng, Buổi Chiều Trong Lon Cá Hộp, Làm Thế Nào Để Sống Sót Trong Một Thế Giới Có Quá Nhiều Thơ… Tuy nhiên, thử nghiệm quay về, vẫn còn là một câu hỏi: Lưu đày nào? Phong cách “bất cần một cách mất ngủ” là tính chất chủ yếu trong sáng tác của Thận Nhiên.

Thận Nhiên
Trần Vũ: Với một nhà văn ly khai, thường là đời sống lưu đày duy nhất trên vùng đất lạ. Với Thận Nhiên, chừng như anh mang trong mình cùng một lúc hai mùa xuân lưu vong. Linda Lê định nghĩa chính mình: “Tôi là một bào thai đôi.” vì cô đã sinh ra tại Đà Lạt rồi trưởng thành trên đất Pháp. Trường hợp Thận Nhiên khác, anh lưu vong sang Hoa Kỳ rồi quay về Sài Gòn sinh sống nhưng vẫn phải xin tạm trú trên chính quê hương mình. Có phải Thận Nhiên đang sống một cuộc lưu vong kép?
Thận Nhiên: Đây là một câu hỏi thú vị. Linda Lê ví cố quốc (VN) như là một cái bào thai mà cô phải luôn mang theo trong đời sống và thân phận của mình khi rời xa nó. Cô muốn từ chối, cắt bỏ nó đi nhưng không được. Cố quốc với những hệ luỵ của nó đeo dính theo cô như một phần của phận mệnh.
Với riêng mình, tôi có tâm trạng lưu vong khi tôi vừa sang Mỹ trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Khi đó, tôi nghĩ rời VN là rời hẳn, là cắt lìa cuống rún, là không mong gì ngày trở lại. Khác ngôn ngữ, khác văn hoá, khác lịch sử, khác chủng tộc là những yếu tố, những chất xúc tác, làm cho tình trạng tinh thần lưu vong có cơ hội bùng phát và ám ảnh mạnh hơn.
Theo định nghĩa của Đại từ điển tiếng Việt thì lưu vong: sống ở nước ngoài do bị phế truất hoặc bỏ trốn. Theo định nghĩa ấy thì lưu vong không có nghĩa tốt đẹp gì cả, tôi tin là nó không hoàn toàn đúng. Nhìn lại lịch sử đương đại, cuộc rời bỏ đất nước của hàng triệu người Việt bằng đường biển, đường bộ, và mọi cách khác, để sống đời lưu vong thì ta thấy họ không bỏ trốn đất nước, mà họ cố liều mạng sống để thoát khỏi cái chính thể đang cầm quyền trên đất nước.
Tôi nghĩ rằng lưu vong còn là một khái niệm trừu tượng, nó hiện hữu trong tâm thức con người, hơn là trong cái không gian mà con người sống. Có vô số người mẫn cảm đang sống trên đất nước của họ cũng cho rằng họ là kẻ lưu vong, chứ không cứ gì phải ra khỏi cái không gian mà họ ra đời và lớn lên.
Đời sống đưa đẩy, năm 2003 tôi về VN rồi quyết định thử sống lại ở đó xem sao. Vậy mà tôi sống được. 1 năm rồi 3 năm, rồi 5 năm, rồi 10 năm, rồi 12 năm. Thời gian trôi vèo lúc nào không hay. Bây giờ nghĩ lại rằng mình có lưu vong hay không, cái căn cước (identity) của mình là nhà văn hải ngoại hay nhà văn trong nước, thì thú thật tôi không xác quyết.
Trên mặt hành chánh, tôi là công dân Mỹ. Ở VN, tôi chỉ được ngụ mỗi lần là 90 ngày rồi phải ra khỏi nước hoặc phải xin sở Xuất nhập cảnh triển hạn để tiếp tục sống thêm 90 ngày tới.
Passport của tôi đóng đầy con dấu của mỗi lần gia hạn tạm trú và visa nhập cảnh.
Thật tình, ở VN tôi không thấy tôi là một người Mỹ lưu vong trên nước Việt, tuy rằng người ta không xem, không đối xử với tôi như một người Việt bình thường. Tôi không thấy mình khác với mọi người mấy.
Như mọi người dân, tôi ăn uống cơm đường cháo chợ, ngộ độc thực phẩm. Tôi kẹt xe. Tôi bì bõm lội nước ngập triều cường. Tôi có nguy cơ ung thư vì môi trường sống tệ hại đầy tiếng ồn và bụi bặm. Tôi sống cùng mọi thứ tệ nạn xã hội. Tôi bị cướp giật điện thoại di động. Tôi bị trộm bẻ khoá dọn nhà. Chó tôi nuôi bị đánh bã độc mà qua đời. Tôi bị xin đểu. Tôi bị cúp điện, bị cắt internet. Tôi chạy xe gắn máy bị sụp ổ gà, ngã, rạn xương sườn. Tôi bị xét hộ khẩu nửa đêm, bị phạt vạ vì không kịp đăng ký tạm trú. Tôi làm mọi thứ cùng nhân dân, như nhân dân, như tôi đang kể khổ. Tôi chỉ nhớ mình khác nhân dân khi bị đối xử bất công quá đáng, như những khi mua cùng một món hàng, dùng cùng một dịch vụ, mà bị tính tiền cao hơn người Việt bình thường vì người ta cho rằng tôi là Việt kiều; và nhất là khi phải lo lắng vì sắp hết hạn tạm trú, hết hạn visa, rằng liệu mình có được tiếp tục sống trên đất nước của mình thêm 3 tháng tới nữa không, hay phải xách gói về Mỹ. Một số không ít bạn bè của tôi đã bị trục xuất hay không được cấp visa để về nước chỉ vì họ nói lên những điều họ nghĩ, chắc gì mình mãi là ngoại lệ. Tôi lo rằng không chừng có ngày mình cũng phải gia nhập cái câu lạc bộ ấy.
Những năm đầu, tôi cho rằng mình “về VN” và “đi Mỹ”. Nhưng sau đó tôi thấy không phải vậy, mà ngược lại, là tôi “đi VN” và “về Mỹ”. Rồi sau cùng, tôi thấy mình chẳng những “đi VN” mà cũng “đi Mỹ” luôn, chứ không về đâu cả.
Chỗ về chung cuộc của con người trên mặt đất này, hẳn là Nước Chúa, hay là một nơi chốn nào đó mà họ đặt niềm tin tín ngưỡng vào.
Mà này, không chỉ con người mới lưu vong đâu nhé. Quần đảo Hoàng Sa là một phần của VN, vậy mà nó bị cắt rời ra khỏi thân thể đất nước mà không do bị phế truất hoặc bỏ trốn. Liệu rằng ta có nên gọi phần xương máu của cha ông đó cũng là linh hồn lưu vong hay chăng?