Mỹ học nghiên cứu về triết lý của nghệ thuật và mô hình lý tưởng về Cái đẹp, vốn là một trong năm nhánh nghiên cứu chuyên biệt của triết học (bốn nhánh còn lại là logic học, đạo đức học, chính trị học và siêu hình học). Đối với người bình thường, quan tâm đến cái đẹp và theo đuổi tìm kiếm cái đẹp vốn là điều rất tự nhiên. Nó làm ta thoát khỏi cái tẻ nhạt thường ngày và sâu xa hơn là ban cho đời ta một ý nghĩa sống. Đối với nhà văn, quan niệm về cái đẹp và cuộc ra đi tìm kiếm cái đẹp được đẩy đến tận cùng. Khái niệm cái đẹp được minh định và tát cạn ý nghĩa qua những hình tượng tác phẩm. Tùy thuộc vào quan niệm của nhà văn mà cái đẹp có thể mang ý nghĩa này hay ý nghĩa khác. Trong bài viết này chúng tôi sẽ thử điểm sơ lược về mỹ học Nhật Bản và quan niệm về Cái đẹp của một số nhà văn tiêu biểu như Akutagawa, Kawabata Yasunari, Tanizaki Junichiro, Mishima Yukio và Fujino Kaori nhằm có một vài điều gợi ý cho những nghiên cứu sâu xa hơn về mỹ học Nhật Bản thể hiện trong tác phẩm văn học.
Mỹ học Nhật Bản vốn đạt đến trình độ sâu xa và tinh tế. Tác giả Suzuki Setsuko nhận xét như sau “Đặc trưng lớn trong mỹ học truyền thống Nhật Bản là xem trọng lối biểu hiện tượng trưng hơn là lối miêu tả tả thực. Một đặc trưng khác của nghệ thuật chân chính là sự biểu hiện có chọn lọc những cái gì đẹp đẽ và loại bỏ những cái gì thô mạt và hạ phẩm như là chuyện đương nhiên. Vì vậy mà các họa sĩ thường lựa chọn chủ đề tự nhiên, hơn là miêu tả cuộc sống sinh hoạt đời thường của chúng dân. Sự ưu nhã của tầng lớp quý tộc thời Heian cùng với những thú vui tinh tế đã ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa của những đời sau. Và “ưu nhã” đã trở thành một trong những quy định quan trọng của mỹ học. Tất cả những khái niệm quan trọng khác như “Okashi” , phong lưu “furyu” u huyền “Yugen” và “iki” đều bao hàm trong mình ý nghĩa của từ “ưu nhã”. Một khái niệm khác là “sự ngắn ngủi, phù du” hakanasa) vốn cho rằng cái đẹp tuyệt đỉnh là cái mong manh, ngắn ngủi cũng là một biến thể của từ “ưu nhã” này. Phật giáo nhấn mạnh đến sự vô thường của cuộc đời đã hấp thu tư tưởng “phù du” này để ban cho nó một chiều sâu triết học. Những khái niệm như “Aware” (sau này phát triển thành mononoaware ), “Yugen”, “Wabi”, “sabi” đều chứa đựng ý nghĩa “diệt vong” ( horobi)”
Trong nhận định này ta thấy có hai ý chính về mỹ học Nhật Bản đó là sự “ưu nhã” và “ngắn ngủi phù du”. Theo người Nhật cái đẹp phải chứa đựng sự tinh tế ưu nhã và tuyệt đỉnh mong manh phù du. Vì mong manh dễ vỡ và mau chóng tàn phai nên cái đẹp ấy mới xứng đáng được quý trọng gìn giữ. Người Nhật còn theo chủ nghĩa tuyệt đối, đã làm điều gì là đẩy đến tận cùng cho nên không chỉ riêng văn hóa mà những sản phẩm kỹ thuật cũng được thăng hoa đến mức nghệ thuật. Một chiếc quạt giấy, một hộp cơm bento, một bìa sách, một chiếc điện thoại smartphone đều mang trong mình ít nhiều cảm thức của người Nhật Bản về cái đẹp. Với các nhà văn thì còn tận cùng hơn nữa. Họ có thể chấm dứt đời mình để tựu thành một thứ mỹ học đẹp đẽ về cái chết. Nhưng cái đẹp là gì?
Từ điển Quảng Từ Uyển định nghĩa về Cái đẹp (Mỹ) như sau:
“Cái đẹp là cái kích thích tình cảm, cảm giác, tri giác; gợi lên cho ta những khoái cảm bên trong. Đối lập với “khoái lạc” là những thứ mang tính chủ quan, ngẫu nhiên, cá nhân, sinh lý thì cái đẹp là những thứ được giải thoát khỏi mối quan tâm lợi hại của cá nhân, mang tính xã hội, khách quan, tất nhiên, phổ biến hơn”
Một bức tranh cổ Nhật Bản. nguồn tripwow.tripadvisor.com
Cái đẹp hiện thân ra trong cuộc đời này với nhiều dạng thức khác nhau. Một cơ thể phụ nữ khỏa thân tuyệt mỹ, một cảnh sắc tàn thu, một nỗi niềm u uẩn của người già hoài niệm trong chiều mưa gió, đôi khi chỉ là đóa hoa bay trong gió vô thường…Chúng ta đều ít nhiều mang trong mình quan niệm về cái đẹp và thường tìm kiếm cái đẹp một cách vô thức, bản năng. Tìm kiếm cái đẹp làm cho chúng ta vượt thoát khỏi sự tẻ nhạt hàng ngày, khiến sinh mệnh chúng ta vượt lên trên sự thuần túy sinh tồn.
Theo như nhận xét của Fabienne Brugere thì bước vào thế giới của Cái đẹp là con đường trở về chính bản thân mình. Cái đẹp trong ý nghĩa đó là một cuộc hạnh ngộ kép, hạnh ngộ song trùng: hạnh ngộ với tác phẩm và hạnh ngộ với chính bản thân ta. Trong sự gặp gỡ sâu kín đó, cái đẹp vĩnh viễn là một niềm bí ẩn. Vì thế yêu cái đẹp là tự quăng ném mình vào một trò chơi không bao giờ có chỗ tận cùng, như trò ghép hình không bao giờ toàn vẹn vì luôn có những mảnh ghép bị thiếu hụt không thể nào tìm ra.
Nhà văn Yasunari Kawabata và tác phẩm “The Old Capital”
Kawabata Yasunari (Xuyên Đoan Khang Thành) không chỉ là một nhà văn lớn của Nhật Bản mà còn là nhà văn tiêu biểu của thế giới. Ông là nhà văn Nhật Bản đầu tiên và là nhà văn thứ ba của Châu Á đạt được giải Nobel văn chương danh giá năm 1968. Sự nghiệp văn chương của Kawabata trải dài hơn nửa thế kỷ và để lại những tác phẩm tiêu biểu miêu tả cái đẹp tinh tế về cái đẹp Nhật Bản. Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã vinh danh Kawabata là “người tôn vinh vẻ đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người”.
Kawabata viết nhiều, ngoài những tác phẩm đại chúng như “Người Tokyo”, “Cố đô”… thì còn những kiệt tác “Xứ tuyết”, “Ngàn cánh hạc”, “Người đẹp say ngủ”, “Tiếng rền của núi”, “Cánh tay”…
Trong những tác phẩm tiêu biểu của Kawabata như “Xứ tuyết”, “Ngàn cánh hạc”, “Người đẹp say ngủ” và “Cánh tay” chúng ta sẽ thấy rõ quan điểm thẩm mỹ của Kawabata thể hiện qua ba từ khóa then chốt (key words) mà ông thường xuyên dùng trong tác phẩm của mình là “thanh khiết” (seiketsu), “mộng huyễn” (mugen) và “hoài công” (toro). Cái đẹp theo quan niệm của Kawabata là cái tinh khiết, không bị vẩn đục của đời thường, mang lại cho ta niềm an ủi dù nhiều khi cuộc tìm kiếm đó chỉ là mộng huyễn và hoài công. Như lời một câu hát bay bổng “đời là vạn ngày sầu, biết tìm vui chốn nào, ta yêu nhau bao lâu nhưng tình ta có gì đâu…”
Chiến binh Nhật
Trong tác phẩm đầu tiên mang lại danh tiếng cho Kawabata “Cô vũ nữ xứ Izu” ta thấy rõ quan niệm của ông về cái đẹp. Câu truyện nói về một chàng sinh viên mười chín tuổi trên đường đi du lịch Izu, tình cờ tìm thấy một vẻ đẹp trong trắng nơi một cô vũ nữ. Nàng tên Kaoru, tưởng mười sáu nhưng thực ra mới chỉ mười ba tuổi. Lần đầu hai người gặp nhau ở cây cầu dài khi ấy “nàng đang đeo một chiếc trống to. Tôi ngoái nhìn lại và cứ ngoái nhìn mãi, tự tán dương mình đã đến đây, cuối cùng tôi đã bắt được hương vị của chuyến du lịch”. Lần hai gặp nhau khi nàng đang múa trong nhà trọ. Đến lần thứ ba khi gặp ở quán trà, chàng quyết định lên đường đuổi theo đoàn vũ nữ về phía nam Izu. Trong đêm ngủ lại nhà nghỉ, chàng thao thức vì sợ rằng “có ai làm nàng vấy bẩn trong suốt thời gian còn lại của đêm?”. Nhưng đến sáng hôm sau khi đi tắm chàng bất chợt thấy cô vũ nữ “đấy là cô vũ nữ, cơ thể nàng trần truồng, thậm chí không quấn cả khăn tắm. Tôi nhìn nàng, nhìn đôi chân non trẻ nhìn thân hình trắng muốt như tạc và bỗng nhiên như thể có một suối nước tinh khiết rửa sạch tim tôi. Tôi cười vang, hạnh phúc. Nàng hãy còn bé bỏng, chỉ là một cô bé, trẻ con thì mới có thể trần truồng chạy ra ngoài nắng và nhón chân đứng đó, thoải mái nhìn bạn bè. Tôi buông tiếng cười khẽ, đầy hạnh phúc”. Chàng vui vì nàng vẫn còn tinh khiết, ngây thơ, tức là nàng vẫn còn là một Cái đẹp để chàng tôn thờ. Sau đó giữa hai người phát sinh tình cảm nhưng chỉ thuần túy tinh thần. Chàng bắt gặp cái đẹp nơi dáng nằm, mái tóc, khuôn mặt. “Cô vũ nữ gần như nằm ngay sát chân tôi, chung đệm trải giường với cô thiếu nữ trẻ nhất. Nàng đỏ bừng mặt và vội đưa tay lên che. Vết son phấn trang điểm đậm từ tối qua vẫn còn vương lại, màu hồng trên môi và các chấm hồng quanh đuôi mắt. Dáng điệu nằm ngả người ấy như thể tuôn tràn về phía tôi cả làn sóng sắc màu và ánh sáng”. Rồi thì “mái tóc của nàng, dày đến nỗi gần như không thực”. Chàng mới nhận ra rằng “phải đến mười chín tuổi tôi mới nghĩ bản thân mình là kẻ lạc lõng, một kẻ mồ côi từ trong bản chất và nỗi muộn phiền ấy đã xui tôi thu xếp làm chuyến du ngoạn Izu này”. Cuối cùng hai người chia tay. Chàng lên tàu quay trở về. “Trong bóng tối, được sưởi ấm bởi cậu bé nằm bên cạnh, tôi thỏa thuê khóc. Như thể đầu tôi đã hòa thành dòng nước tinh khiết. Nó đang thanh thản rời đi, từng giọt một. Chẳng mấy chốc, sẽ chẳng còn lại gì nữa”. Cái đẹp cuối cùng cũng chỉ còn lại mộng huyễn và hoài công.
Trong một tác phẩm nổi tiếng khác “Tiếng rền của núi”, ta cũng có thể thấy sự tôn sùng cái đẹp tươi trẻ tinh khiết của Kawabata qua mối tình mơ hồ giữa ông già Shingo và cô con dâu Kikuko. Ngày trẻ, Shingo yêu chị gái của Yasuko, Yasuko yêu anh rể. Sau khi người chị mất, Yasuko, đến phụ anh rể chăm sóc cháu. Khi hiểu ra, Shingo lấy Yasuko. Kikuko con dâu làm gợi nhớ đến hình ảnh người chị gái của Yasuko. “Kể từ ngày Kikuko về làm dâu trong nhà này, những kỷ niệm cũ của Shingo lại bùng cháy, song nỗi đau thì không còn dữ dội như trước nữa”. Và “đối với ông, Kikuko như một khung cửa sổ mà qua đó ông nhìn ra ngoài cuộc đời từ trong ngôi nhà buồn tẻ của mình”.
Shingo có những trải nghiệm và những giấc mơ kỳ lạ. Giấc mơ đầu tiên ôm một cô gái trẻ không biết là ai. Giấc mơ tiếp theo đưa tay chạm ngực một cô gái không nhìn rõ mặt. Trong khi đó, Shuuji, con trai ông lại chê Kikuko là non nớt và cặp với nhân tình Kinu đến mức có con với cô ta. Kikuko có thai nhưng lén đi phá vì không muốn sinh con với một người chồng như vậy.
Tranh của họa sĩ Yumiko Kayukawa (Pop art)
Đoạn kết lững lờ. Shuuji ám chỉ Kikuko có thể tự do.
“- Con có ý định bỏ nó không?
– Nếu con quyết định như vậy, con có thể chăm sóc ba được nhiều hơn. Một cách đúng như con muốn. Kikuko trang trọng đáp
– Đó là nỗi bất hạnh của con.
– Làm điều trái tim mình mong muốn không phải là bất hạnh.
Shingo sững sờ. Những lời của con dâu ông đang vang lên như một niềm say mê đang dâng trào mà trong đó cũng ẩn giấu cả một mối nguy hiểm nhất định”
Buổi tối cả gia đình ăn cơm bàn chuyện đi Shinshu chơi. Truyện kết thúc ở đó. Và một nỗi niềm không thể nói. Phải chăng cái đẹp là cái đẹp vì vĩnh viễn người ta không thể nào vươn tới được. “Phàm sự nan cầu giai tuyệt mỹ, cập năng như nguyện hựu thường tình”?
Trong một tác phẩm gây choáng váng người đọc “Người đẹp ngủ mê”, Kawabata cho một ông già Eguchi 67 tuổi tìm đến ngôi nhà có người đẹp say ngủ để tìm lại tuổi xuân, dĩ vãng và kỷ niệm. “Có lẽ để mình đắm chìm trong hồi tưởng đến những người đàn bà không bao giờ trở lại từ quá khứ xa xăm là niềm an ủi u buồn cho một ông già, ngay khi ông đang vuốt ve mơn trớn cô gái đẹp không thể nào tỉnh thức”. Với cô gái đầu tiên, Eguchi ngửi thấy mùi sữa khiến ông nhớ đến đứa cháu ngoại và ba người con gái của mình, nhớ đến người tình làm geisha ngày xưa “cái đẹp tuyệt vời mà bộ ngực phụ nữ đạt tới phải chăng là một vinh quang của nhân loại”. Với cô gái thứ hai, Eguchi nhận ra “Lòng ham muốn tình dục thì rộng vô hạn và sâu không đáy – và ông đã biết đến đâu trong sáu mươi bảy năm sống ở đời? Thế rồi, chung quanh các ông già, những cô gái trẻ đẹp không ngừng ra đời, thịt mát, da tươi. Nơi các ông già buồn rầu đó, niềm khao khát khôn nguôi về những giấc mộng không thành, nỗi nhớ tiếc xót xa những ngày tháng chưa sống mà đã qua đi, có phải tất cả đã hội tụ trong cái bí ẩn của ngôi nhà?”
“Kim Các tự” Mishima Yukio
“Dù đây chỉ là một trò chơi lăng nhăng của các ông già, là một cách thế dễ dãi tìm về tuổi trẻ, tận cùng đáy lòng lại giấu kín một cái gì đó mà những niềm hối tiếc không thể làm sống lại, những cố gắng vất vả đến đâu cũng không thể hồi phục, chữa lành?”
“Hơi ấm chuyển từ cánh tay cô gái vào sâu sau mi mắt ông là dòng chảy của cuộc sống, là giai điệu của cuộc sống, là vẻ quyến rũ của cuộc sống, và cho một người già là sự phục hồi trong cuộc sống”
Lần thứ ba cô gái trẻ khiến Eguchi nhớ đến chuyện tình của mình với người đàn bà đã có chồng.
“Khi đến ngôi nhà này Eguchi tin rằng không có gì đẹp hơn khuôn mặt một cô gái trẻ đang chìm trong giấc ngủ không mộng mị. Có thể gọi đó là niềm an ủi dịu ngọt nhất người ta có thể tìm được trên thế gian này không?”
Trước người con gái đẹp ngủ say, Eguchi tỏ ra sám hối “có phải theo các truyện xưa, các cô gái giang hồ và các cô chuyên dụ dỗ đàn ông của các yêu tinh?”
Lần thứ năm Eguchi tìm đến sau khi có một ông già Fukura, ngủ chung với hai cô gái và ông chợt nhận ra “người đàn bà đầu tiên “mẹ”. Ý nghĩ này bất ngờ xẹt qua đầu ông như tia chớp… Nhưng ta có thể nói được mẹ là người đàn bà của ta không?”
Cô gái da ngăm chết, để lại Eguchi một mình với cô gái còn lại. Cái nỗi niềm của ông già Eguchi phải chăng cũng là nỗi niềm của tất cả chúng ta? Khi già đi ta chỉ còn biết bám víu và tìm về kỷ niệm “còn nhớ tiếng nói yêu anh và yêu em, nếu hình dung kỷ niệm, lòng tuổi trẻ đôi lần muốn tìm”.
“Xăm mình” của Tanizaki
Cái đẹp theo quan niệm của Kawabata phải gồm ba yếu tố “thanh khiết”, “mộng huyễn” và “hoài công”. Thế nên chúng ta thấy Kawabata trong tác phẩm của mình thường cho nhân vật chính đi tìm kiếm cái đẹp qua hình ảnh người phụ nữ ngây thơ, trong trắng. Tình yêu đứng từ xa mà ngắm, tôn thờ như Bồ Tát và xem người phụ nữ là một kỳ quan. Về điểm này thì Kawabata giống với Tanizaki Junichiro. Trong tác phẩm “Tình si”, Tanizaki viết “Đến thời điểm đó thì thân hình của Naomi đã hoàn toàn là một tác phẩm nghệ thuật, dưới mắt tôi quả thật nó còn phải toàn hảo hơn cả tượng tuyệt hảo. Càng ngắm kỹ nàng, tự đáy lòng tôi bỗng dậy một niềm cảm kích như thể tình cảm tôn giáo” (Tanizaki- Tình si Chijin no ai)
Cũng vì hoài công mà Kawabata đã lặng lẽ tự sát bằng hơi ga vào năm 72 tuổi trong một căn nhà bên bờ biển, không để lại “từ thế chi ca”. Chúng ta có thể tìm ra lời di chúc mơ hồ của Kawabata trong “Tiếng rền của núi” rằng “…không muốn đạt đến cái tình trạng đáng ghét của tuổi già, khi mà người ta chỉ còn sống đếm từng ngày, bị thế giới và mọi người quên lãng… Con người cần phải ra đi, trong lúc còn được yêu mến”. Nhưng liệu rằng đó có phải là tất cả nỗi niềm của Kawabata?
Đối với Mishima Yukio thì cái đẹp gắn liền với sự tàn bạo và hủy diệt. Kiệt tác “Kim Các tự” của ông nói về một chú bé tên Mizoguchi vì không thể nào chịu đựng nổi cái đẹp rực rỡ của Kim Các tự nên đã phóng hỏa thiêu rụi ngôi chùa vàng. Đối với Mizoguchi, Kim Các tự là hiện thân cho cái đẹp tuyệt đối và chi phối tất cả cuộc sống của chàng. Nhìn đâu Mizoguchi cũng thấy cái đẹp ấy:
“Sau cùng tôi lùa tay dần dà vén váy nàng lên.
Vào lúc đó, Kim Các tự hiển hiện trước mặt tôi… Nó lấp đầy thế giới như một thứ âm nhạc mệnh mang nào đó, và chính âm nhạc này đã đủ để chiếm hết tất cả những ý vị của thế giới. Kim Các tự có những lúc dường như quá ư xa lạ với tôi và vươn lên không gian vượt khỏi tầm tay tôi, đến lúc này lại hoàn toàn bao trùm lấy tôi và cho tôi một vị trí trong nội bộ cấu tạo của nó”
Và một lần khác nữa:
“Một lần nữa Kim Các tự lại hiện ra trước mắt tôi. Hoặc hơn thế, tôi cần nói rằng bầu vú ấy đã biến dạng thành Kim Các tự”
Cuối cùng Mizoguchi để thoát khỏi sự giam hãm của cái đẹp tuyệt đối đã quyết định hỏa thiêu ngôi chùa. Cái đẹp cuối cùng chỉ còn lại ảo ảnh. Như chính lời nhân vật Kashiwagi trong chính tác phẩm đã nói lên: “Hiểu biết là biển cả của nhân gian, cánh động của nhân gian, dạng thức tồn tại của tất cả cuộc sống nhân gian…
Vì cái đẹp gắn liền với sự tự hủy nên Mishima rất chú trọng miêu tả đến “mỹ học về cái chết”. Trong truyện ngắn “Ưu quốc”, Mishima đã miêu tả chi tiết hình ảnh Trung úy Shinji, ba mươi mốt tuổi, tự sát bằng cách mổ bụng seppuku để tránh nhìn thấy cảnh quân đội Hoàng Gia phải tấn công lẫn nhau. Người vợ Reiko, mới hai mươi ba tuổi, cũng dùng dao đâm vào cổ họng mình tự sát theo chồng, tròn một lòng trung trinh tiết liệt. Cái đẹp được hoàn thành trong sự tự hủy, bạo tàn không cách gì tránh khỏi. Đó là cách nhìn của Mishima. Truyện này đã được dựng thành một bộ phim ngắn và do chính Mishima thủ vai chính. Và rồi tác gia này cũng chọn cho mình cái chết mổ bụng tự sát vào năm 1970, khi mới 45 tuổi, gây một cơn choáng váng kinh hoàng cho cả giới văn học Nhật Bản và thế giới.
Cái đẹp của Akutagawa Ryunosuke là cái đẹp siêu vượt thiện ác, vì cái đẹp mà có thể hy sinh cái thiện. Trong tác phẩm tiêu biểu “bức bình phong địa ngục” (jigokuhen), Akutagawa đã để cho tay họa sư Yoshihide lập dị hoàn thành được bức bình phong vẽ cảnh địa ngục trong khi người con gái yêu đang bị chết cháy. Mỉa mai thay chính nỗi thương đau và uất hận ấy đã làm cho Yoshihide tạo được một tác phẩm để đời với người mẫu chính là cô con gái đang kêu gào thảm thiết trong cơn lửa cháy. Cái đẹp ở đây đã ra khỏi nhân tính con người. Và đó là một điều chúng ta cần suy xét thật cẩn thận để có thể tái lập được sự cân bằng giữa Chân, Thiện, Mỹ. Nhưng có lẽ như thế mới là Nhật Bản, một đất nước tôn thờ chủ nghĩa tuyệt đối. Trên đỉnh cao bát ngát của cái đẹp, liệu cái chân, cái thiện và cả cuộc đời này nữa có ý nghĩa gì không? Chính Akutagawa tuyên bố thẳng thừng “đời người không đẹp bằng một câu thơ của Baudelaire”. Và cuối cùng chính Akutagawa đã tự kết liễu đời mình năm 35 tuổi bằng hai liều thuốc độc cực mạnh, để lại một sự nghiệp còn dang dở.
Trong một bộ phim vốn được chuyển thể từ quyển tiểu thuyết trinh thám của tác giả David Gordon là “Tiểu thuyết gia hạng hai và tên sát nhân hàng loạt” mang đầy màu sắc Nhật Bản nói về tên sát nhân Daigo Kurei, chúng ta cũng thấy rõ quan niệm về cái đẹp của Nhật Bản mà đạo diễn Nobuaki Izaki đã gửi vào phim. Tên sát nhân Kurei không bao giờ nhận mình là kẻ giết người mà luôn cho rằng mình là một nghệ sĩ đi tìm cái đẹp. Cái đẹp tuyệt đỉnh theo hắn là thân hình phụ nữ khỏa thân đang bị chảy máu. Và hắn đã giết bốn người để thỏa mãn cơn tìm kiếm của mình. Cuối cùng Kurei chấp nhận án tử hình một cách thản nhiên như cái giá phải trả cho công cuộc đi tìm cái đẹp. Có lẽ đối với hắn, đi tìm cái đẹp (dù là cái đẹp biến thái, bệnh hoạn) cũng là ý nghĩa của cuộc sống chăng?
Chúng ta thử tìm hiểu về quan niệm cái đẹp Nhật Bản nơi một tác giả nữ còn rất trẻ là Fujino Kaori ( Đằng Dã Khả Chức). Cô sinh năm 1980 tại Doshisha, Kyoto, đã có bằng thạc sĩ và mới in được ba tác phẩm. Tác phẩm đầu tiên “Con chim ti tiện” (yashii tori) nhận được giải thưởng văn học mới năm 2006, tác phẩm thứ hai “Kẻ hiến tế” ( nie) lọt vào chung khảo giải Akutagawa năm 2009 và “Mắt và móng tay” Tsume to me) là tên tác phẩm được giải thưởng Akutagawa năm 2013.
Tuy là một tác giả trẻ và hiện đại nhưng quan niệm của Fujino Kaori về cái đẹp hẳn nhiên bắt nguồn sâu xa từ truyền thống văn hóa Nhật Bản. Cô cho rằng từ “đẹp đẽ” có một phạm vi lớn hơn các hiểu thông thường của thế gian. Những cái thực sự đẹp đẽ hay những cái dễ thương đều là “đẹp” cả, và ngược lại ngay cả cái xấu và cái đáng sợ cũng đẹp nữa. Tôi nghĩ rằng những thứ gây ấn tượng mạnh mẽ cho con người hay gây một loại kích thích nào đó với cảm xúc con người thì tất cả đều là đẹp đẽ cả” và chúng tôi cho rằng đây là từ khóa then chốt để hiểu được văn hóa và văn học Nhật Bản. Đó là cái đẹp được đẩy đến tận cùng bằng hình ảnh, ngôn từ hay một phương tiện nào đó để gây một ấn tượng hay một kích thích mạnh mẽ cho người khác. Như thế, “cái chân” và “cái thiện” đôi khi phải mờ nhạt đi để ưu tiên cho “cái mỹ”. Hay hiểu theo một cách khác tận cùng cái mỹ đã vượt lên những quan niệm về “cái chân”, “cái thiện” bình thường để tựu thành một cái gì siêu đẳng, gần với sức sáng tạo của các thần linh. Có hiểu được điều này thì ta mới không bị choáng váng khi đọc những tác phẩm “Bức bình phong địa ngục” của Akutagawa hay “Xâm mình” của Tanizaki hay xem những bộ phim kinh dị của Nhật Bản. Cái ý thức về mỹ học của người Nhật Bản luôn thường trực từ trong cả cuộc sống hàng ngày đến tất cả mọi lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Danh thủ cờ shogi nổi tiếng Habu Yoshiharu luôn tâm niệm phải để lại một kỳ phổ đẹp. Hay chưa đủ, còn phải đẹp nữa. Đẹp trên tuyệt đỉnh mong manh, đẹp cao sang quý phái, đẹp lạnh lùng tàn nhẫn, đẹp kinh hoàng đẫm máu. Đẩy đến tận cùng là ý thức mỹ học về cái chết. Chết thế nào để đẹp đẽ, để gây tiếc nuối như hoa anh đào đã đi vào tâm khảm người Nhật để ta có những cái chết đẹp đẽ bi tráng cả trong đời thực lẫn trong văn học. Như cái chết mổ bụng tự sát về lý tưởng của Mishima Yukio, tự sát bằng hơi ga của Kawabata hay như nhân vật bác sĩ trầm mình xuống hồ trong “Đèn không hắt bóng” của Watanabe.
Điểm qua một số quan niệm về cái đẹp của một vài tác gia Nhật Bản hiện đại chúng ta có thể hiểu vì sao một đất nước nhỏ bé đầy thiên tai lại có một nền văn học xuất chúng, hàng đầu châu Á. Trước hết đó là ý thức mỹ học truyền thống Nhật Bản luôn coi trọng cái đẹp ưu nhã, vươn đến đỉnh cao, loại bỏ đi những gì thô mạt và đê hạ đã làm nền tảng cho tinh thần chủ nghĩa tuyệt đối của người Nhật về sau này. Thứ đến nữa là sự tu dưỡng văn hóa cao tột bậc của tầng lớp sáng tác văn học, dám sống và dám chết với tư tưởng và quan niệm của mình. Cuộc đời, khi cần dứt bỏ là phải dứt bỏ trong đẹp đẽ, cao sang. Ngay cả một người Nhật bình thường cũng luôn muốn vươn đến cái đẹp đỉnh cao thì tầng lớp văn nghệ sĩ phải là ưu tú của ưu tú. So sánh với các tác gia Nhật Bản, giới cầm bút Việt Nam đầu tiên cần phải biết hổ thẹn để học hỏi cho đàng hoàng. Một mùa xuân mới nữa lại đến, mong rằng chúng ta đều cố gắng hơn nữa để cuộc sống mình vượt lên ý nghĩa sinh tồn thuần túy để chạm vào cái đẹp của thiên nhiên và tâm hồn thanh khiết; đừng để thẹn lòng mình khi nhìn một cánh hoa đào bay lượn trong gió đi hết chu trình tử sinh. Nếu mỗi người chúng ta đều là một bông hoa đẹp đẽ thì cả thế giới này sẽ là thiên đường của Cái đẹp tuyệt đỉnh mong manh. Lúc đó, chúng ta không cần đi tìm cái đẹp trong cuộc đời vô thường này nữa mà bản thân cuộc đời này chính là cái đẹp và cái đẹp cũng chính là cuộc đời thanh tân.›‹
Sài Gòn, ngày 9/10/2014