Tại sao tuyết màu trắng?
Để trả lời câu hỏi này, có hai điều cần xét tới: lý thuyết về màu sắc và sự khúc xạ.
Khúc xạ là sự thay đổi hướng đi của ánh sáng khi nó đi từ vật thể này sang vật thể khác. Khúc xạ xảy ra là vì có sự thay đổi đôi chút trong tốc độ của ánh sáng, như ta thấy chiếc ống hút cắm vào ly thủy tinh trông như bị gãy cong đi.
Khi ánh sáng chiếu vào tuyết, nó bị khúc xạ. Điều này xảy ra vì tuyết là do rất nhiều tinh thể nước đá gắn kết chặt chẽ với nhau, mà điều quan trọng ở đây là những tinh thể đó trong mờ (translucent), ánh sáng có thể đi qua nhưng không theo đường thẳng – mà đổi chiều.
Như chúng ta biết, ghép tất cả các tần số của màu sắc lại chúng ta có màu trắng. Khi ánh sáng chiếu vào tuyết, nó gồm nhiều tần số khác nhau pha trộn lại, mà tất cả đều khúc xạ khác biệt nhau đôi chút khi chúng đi vào trong các tinh thể nước đá. Cuối cùng, do ở phản xạ, ánh sáng rời bỏ bề mặt tuyết theo mọi chiều hướng và tới mắt chúng ta. Ánh sáng này gồm có sự pha trộn các tần số mà mắt chúng ta thấy được là ánh sáng trắng.
Tuyết là gì?
Mấy tuần lễ qua nhiều nơi trên nước Mỹ ngập tràn tuyết, ngay cả Dallas vùng nắng ấm cũng không thoát cảnh tuyết đá làm trở ngại lưu thông.
Tuyết thực ra chỉ là nước đóng băng. Nhưng tại sao trông chẳng giống như nước đá?
Trong mỗi bông tuyết (snowflake) có nhiều tinh thể nước đá, và sự phản chiếu của ánh sáng từ khắp mặt của các tinh thể này làm cho tuyết có màu trắng.
Tuyết hình thành khi hơi nước trong khí quyển đông đặc lại. Các tinh thể li ti tạo ra đều trong suốt. Vì có sự chuyển động trong không khí, những tinh thể nhỏ bé này trôi nổi lên xuống trong khí quyển.
Trong lúc nổi trôi như vậy, các tinh thể bắt đầu quy tụ lại chung quanh một cái nhân (nucleus) rồi với thời gian có cả hàng trăm hàng ngàn tụ lại như thế. Khi nhóm các tinh thể nước đá này lớn đủ, nó trôi là là xuống đất. Chúng ta gọi sự quy tụ các tinh thể nước đá này là một “snowflake.” (bông tuyết, hoa tuyết).
Một số tinh thể phẳng dẹt, nhưng số khác lại như chiếc cột có nhiều kim. Nhưng dù hình thể ra sao, các tinh thể nước đá đều có 6 cạnh hoặc 6 góc. Nhánh của bất cứ snowflake nào cũng y hệt như nhau, nhưng sự sắp xếp các nhánh đều khác nhau, do đó không có 2 snowflake nào giống hệt nhau.
Ở một số nơi trên thế giới người ta đã thấy có tuyết màu đỏ, xanh lục, xanh dương và ngay cả màu đen nữa. Lý do là vì đôi khi có những nấm mốc (fungi) li ti trong không khí, hoặc bụi đất, mà khi tuyết rơi xuống đã dính phải.
Tuyết chứa nhiều không khí nên là chất dẫn nhiệt kém. Vì thế mà một tấm mền tuyết (blanket) có thể che chở cho rau cỏ bên dưới không bị hư, hoặc các igloos và lều tuyết có thể được làm bằng các khối tuyết và giữ cho người bên trong ấm áp.
Ngựa vằn màu trắng sọc đen hay ngược lại?
Mấy tuần lễ qua cư dân mạng phải một phen bận rộn cãi nhau vì màu sắc của một chiếc áo được một người đưa hình lên và hỏi nó màu gì, trắng và vàng, hay xanh và đen? Một số người cũng thắc mắc về màu sắc lông ngựa vằn, không biết nó màu trắng sọc đen hay màu đen sọc trắng… Câu trả lời đúng là: màu đen sọc trắng.
Vì một số ngựa vằn có lông trắng ở bụng nên người ta tưởng trắng là màu chính, còn các sọc đen là thứ mô hình thêm vào. Nhưng nếu chúng ta cạo lông một con ngựa vằn, ta sẽ thấy lớp da màu đen bên dưới. Khi còn là phôi đang phát triển trong tử cung, nó tuyền một màu đen. Các sọc trắng sau này mới nổi lên, giúp ngựa vằn đánh lạc hướng các loài thú dữ khiến chúng không dám tới gần. Khi những con ngựa vằn đứng tập hợp lại với nhau, các nhà khoa học cho rằng với số lượng các sọc đen trắng lớn có thể đánh lừa các loài ăn thịt khác. Như một dạng ảo ảnh quang học, 10 con ngựa vằn đứng gần nhau trông giống như một khối khổng lồ.