Tôi đến Kobe House USA ở góc đường Westminster / Taft tham dự buổi họp mặt với những người bạn mới quen, cùng chia sẻ và thưởng thức hương vị thơm ngon của thịt bò Wagyu [Kobe American Style], cùng nói về nghệ thuật ẩm thực của người Nhật qua cách chế biến Sushi. Vừa bước vào tôi đã thích không khí nhẹ nhàng thân thiện ở đây. Ánh đèn màu xanh nước biển hòa nhập với ánh đèn vàng hắt ra từ những bức tranh treo trên tường tạo cảm giác tín cẩn nhiệt thành, khiến tôi muốn nhanh chóng được nếm thử những món ăn do Chef Cook Trần Lâm chuẩn bị rất công phu. Chỉ rắc nhẹ hạt tiêu, bỏ nhẹ nước sốt, một cọng ngò, một ít rong biển…Tự nhiên những miếng Sushi xếp thứ tự trên mặt thuyền bỗng dưng ảo biến sinh động lạ thường. Một anh bạn có mặt trong bữa ăn thân tình chỉ có chín người ví von rằng: Ðây là chiếc ghe Kiên Giang… Hình ảnh từ hoài niệm gợi nhớ một thời sóng gió bi thương của những thuyền nhân vượt biên, đi vào cõi chết để tìm tự do… Bữa ăn có hào tươi, cá sống, Sushi, thịt bò Kobe nướng bỗng nhiên trở thành bằng chứng của tình yêu thương của sự bẻ bánh chia sẻ, khiến chúng tôi – những người xa xứ chợt nhớ một thời gian khổ đã qua, thinh lặng tri ân những gì được Thiên Chúa ban tặng ngay tại quê hương thứ hai này.
Câu chuyện trên bàn ăn từ nghệ thuật ẩm thực độc đáo của người Nhật đến món bánh Macaron đặc biệt của người Pháp mà chị Hương – chủ nhân của quán – giới thiệu, làm tôi liên tưởng đến phần vỏ giòn thơm, phần nhân béo ngậy của chiếc bánh tôi từng thưởng thức giữa thủ đô Paris vào dịp Lễ Giáng Sinh năm 2013. Anh Phong – chồng chị Hương – khiến câu chuyện thêm thú vị khi nói về Sushi. Qua lời anh kể, tôi được biết Sushi là món cơm trộn giấm, ăn với cá sống, trứng cá, hay rau quả, được cuốn bằng lá rong biển. Còn Sashimi là món ăn mà thành phần chính là các loại hải sản tươi sống, ăn kèm với lá tía tô hoặc củ cải bào. Sự nhầm lẫn giữa Sashimi và Sushi là điều khó tránh, bởi vì cả hai món ăn đều rất đa dạng về hình thức cũng như cách bài trí. Chỉ riêng Sushi đã có sáu loại căn bản, gồm Nigirizushi, Chirashizushi, Makimono, Gunkan, Oshizushi, Temaki.
–Nigirizushi là loại Sushi nắm gồm cơm trộn giấm, kèm theo miếng hải sản, phía trên có một chút gừng xay nhuyễn hoặc vài cọng hành xanh thái nhỏ.
– Chirashizushi là một tô xới đầy cơm với các loại thịt, cá, rong biển…
– Makimono là loại Sushi phổ biến nhất: Thức ăn sẽ nằm giữa phần cơm, cuộn tròn dài trong một lớp rong biển, được cắt thành từng khoanh tròn nhỏ.
– Gunkan là loại Sushi mà phần cơm được bao quanh bởi lá rong biển, thức ăn xếp lên trên mặt, thường là trứng cua, trứng cá tuyết, trứng cá hồi…
– Oshizushi là Sushi được ép trong khuôn gỗ dùng dao cắt thành những miếng nhỏ hơn, cứ hai lớp cơm kẹp một lớp nhân.
– Cuối cùng là Temaki – loại Sushi được nặn theo hình nón, bên trong là cơm, các loại hải sản và rau.
Sushi xuất hiện từ rất lâu, có hàng trăm cách thức chế biến cầu kỳ khác nhau. Là biểu tượng trong văn hóa ẩm thực của Nhật, món Sushi đầu tiên xuất hiện cách đây khoảng 1,300 năm. Cho đến nay “họ hàng” của Sushi đã lên đến hàng trăm món. Người Nhật dùng Sushi trong bữa ăn chính, như người Việt ăn cơm. Sushi vượt biên giới của xứ hoa anh đào, trở thành thực phẩm phổ biến và nổi tiếng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Kobe House USA là một trong những quán ăn tại Hoa Kỳ, truyền đạt phong cách ẩm thực tao nhã của người Nhật. Quán Kobe House USA của anh chị Phong Hương không chỉ phục vụ thực khách đến dùng bữa tại nhà hàng, mà còn có những sản phẩm chế biến từ thịt bò Wagyu như Smoked Kobe [thịt bò Kobe hun khói] được đóng gói rất vệ sinh và an toàn. Kobe House USA đặc biệt có món Phở Kobe được nấu rất công phu và kỹ lưỡng từ xương, thịt, cho đến gân, hoàn toàn pha chế từ thịt bò Wagyu nguyên chất [USA Approved]. Kobe House USA chuyên cung cấp đủ loại thịt bò Kobe tươi sống sỉ và lẻ cho gia đình, nhà hàng, trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ và ở hải ngoại.
Vừa bắt đầu bước vào, tôi đã thích không khí nhẹ nhàng thân thiện của nhà hàng Kobe House USA. Tôi càng thích hơn nữa khi ngắm nhìn mặt bàn thủy tinh trong suốt kê bằng những thùng rượu – một kết hợp lạ lùng giữa công nghiệp thủy tinh và công nghiệp chiết xuất, ủ men làm rượu. Chiếc bàn thủy tinh kê bằng thùng rượu vừa gợi nhớ hình ảnh những thương thuyền bềnh bồng trên sóng nước Ðịa Trung Hải đầy bí ẩn thuở xưa, vừa thật rõ ràng hiện đại như thủy tinh trong suốt.
Từng bức tranh bằng giấy xếp hình Origami làm thành những cành hoa, những hình vuông đơn giản tự nhiên, khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện tạo thành Trời và Ðất cùng muôn loài thụ tạo của Ðức Chúa Trời. Chắc là khi uốn lượn đường cong tuyệt mỹ của núi đồi, khi khai phá hang động thâm sâu của ghềnh thác, Ðức Chúa Trời cũng đang làm công việc của một nghệ nhân bậc thầy xếp hình Origami.
Cảm ơn anh chị Phong Hương và Chef Cook Trần Lâm đã mời tôi tham dự bữa ăn thấm đậm tình cảm. Tôi không chỉ nếm bằng miệng mà thật sự cảm nhận khí vị ngọt ngào của món hào tươi sống, của thịt bò Kobe nướng, của rượu Sake cay nồng, của rượu vang đỏ thơm ngon. Cảm ơn các anh chị em cùng hiện diện trong bữa ăn gia đình tại quán Kobe House USA, đã chia sẻ với tôi những kinh nghiệm sống thực tế – những điều chỉ có thể nói ra trong bữa ăn đầy lòng mến của những người gọi nhau là bạn hữu chân tình.
3:27am Thứ Hai ngày 2 tháng 3 năm 2015