Ông nhìn ra cửa sổ, cội thân cây già nua như vừa trỗi dậy, từ các hốc xương khô đã thấp thoáng nhú mầm non xanh biếc. Sự sống nhen nhúm trên từng cành lá, bừng bừng trên từng ngọn cỏ. Khung cảnh bên ngoài như được khoác một tấm áo mới, tinh khôi. Mặt trời lên dần, nắng chấp chới trên đỉnh cây, sợi nắng rọi vào khung kính khiến ông lóa mắt. Sức sống ngoài khung cửa hòa nhập với ông, nguồn sinh lực bỗng chảy dồn dập trong huyết quản. Lâu lắm rồi ông mới bắt gặp cảm giác hứng khởi ấy. Sự sống tưởng như xa rời bỗng dưng rộn ràng. Ông nhìn xuống hai bàn tay xương xẩu khô héo, chiếc vòng nhựa dẻo ghi rõ tên tuổi, ngày sanh cuộn tròn cổ tay phải. Chiếc vòng đặc biệt của nhà thương nhà nhớ. Thì ra ông đang ở bệnh viện, vừa thức giấc sau cơn đau mê mệt.
…Đang đứng ông quỵ xuống, hai cẳng chân xem ra không còn chút sức lực để chống đỡ thân mình. Cơn đau đến rất nhanh, lồng ngực ông bị bàn tay khổng lồ vô hình bóp nghẹt, xoắn chặt khiến ông ngạt thở. Ông cố đưa tay lên trời cố níu lấy chút không khí ngoài kia nhưng hai cánh tay tê bại, xụi lơ. Đất trời quay cuồng, tím đen, ông chỉ kịp gọi vợ, em ơi …
Ông mơ màng nghe ngóng, những tiếng bíp bíp của máy móc chung quanh, tiếng người xì xào từ cõi xa xăm nào vẳng lại. Ông gọi vợ, em ơi nhưng hình như tiếng kêu không thoát ra khỏi cổ họng. Đôi mắt ông mở lớn, bóng người chập chờn. Ánh đèn xanh đỏ nhấp nháy liên hồi… Có tiếng gọi tên ông ngọng nghịu… Một khuôn mặt xa lạ rõ dần trong tầm mắt, khuôn mặt phụ nữ tóc vàng mắt xanh… Ta đang ở đâu? Không phải khung cảnh quen thuộc từ căn nhà êm ấm, bỗng dưng ông hốt hoảng, không biết bà đang ở đâu. Thân thể ê ẩm rã rời, âm ỉ một cơn đau từ mỗi khớp xương, từng thớ thịt. Hai dòng nước mắt sống cay sè từ khóe mắt, chảy ngang gối nằm ứa theo nỗi lo âu, sợ hãi, ta làm sao thế này? Rồi ông đi vào cơn mê đồng thiếp.
Ai đó vừa nắm tay ông, bàn tay ấm áp gầy guộc. Tiếng bà gọi khẽ bên tai:
– Ông ơi! Mình ơi! Khuôn mặt bà rất gần, ánh mắt hoảng hốt.
Đôi môi ông dãn ra méo mó, cố nắn tròn nụ cười trấn an:
– Tôi không sao mình à!
Thấy ông mở mắt, bà thì thào như sợ ma quỷ rình mò, nghe ngóng:
– Ông mê man mấy hôm nay tôi sợ quá!
Bốn con mắt họ gặp nhau, bà kể tiếp:
– Hôm nọ tự nhiên ông quỵ xuống rồi mê man đến giờ, bác sĩ bảo ông bị trụy tim, heart attack.
Khúc phim ngắn chiếu lại rất nhanh trong đầu, ông nhớ đến cơn đau thắt lồng ngực hôm ấy mà rùng mình. Ý nghĩ nhảy múa trong đầu, không biết bà xoay trở ra sao mấy hôm nay? Làm sao bà đến được nơi này? Ai đưa bà đi? Chưa kịp hỏi, vợ ông đã kê khai tên những người bạn hàng xóm tốt bụng thay phiên đưa đón bà mấy ngày nay. Họ đi với bà, đứng bên ông trong giờ phút sinh tử…
Ông dõi mắt theo tảng mây trắng nõn ngoài trời, những ngọn lá mỏng run rẩy đong đưa trong gió. Ông vẫn còn đây, đất trời đang nở thêm một ngày mới tinh khôi. Ông thở ra một hơi ngắn, lẩm nhẩm tính trong đầu… Hôm nay đã là 29 Tết, liệu có kịp về nhà quây quần không nhỉ, lòng ông hoang mang… Gốc mai tứ quý ông chăm chút mấy tháng trường chắc sắp nở hoa… Chỉ còn ít hôm nữa là đến Tết rồi nhưng ông chưa biết mình sẽ đón Tết ở đâu? Trí óc ông lan man nhớ… Saigon vào cuối Tháng Chạp ngày đêm hối hả như những đợt sóng cuồn cuộn người xe qua lại tấp nập nhộn nhịp. Mọi người bươn chải tất bật với bao công việc dồn dập cho cái Tết, cho cơm áo, nhưng mỗi người đều có một chốn để trở về nhất là vào dịp cuối năm để đón chờ năm mới cho dù là một túp lều tranh dột nát, dù ở gầm cầu, vỉa hè, góc chợ hay công viên, ai cũng có một mái “gia đình”! Những ngôi nhà ấm áp ánh đèn, hoa chưng rực rỡ hay ròn rã tiếng nói cười trẻ thơ.
Suốt cuộc đời thơ ấu, ông đơn độc một mình từ khi mẹ cha mất sớm. Ông thèm lắm một chốn đoàn tụ cho đời mình và mơ hồ nhìn thấy nỗi bất hạnh của một kẻ không có nơi sum họp. Ông trơ trọi giữa đời, khao khát được người mẹ yêu thương che chở, một mái gia đình để quay về mỗi lần sa cơ, lỡ bước. Đã nhiều lần ông nhận ra rằng ngoài tình yêu thương biển trời của mẹ cha, ông không thể hy vọng nương tựa vào một nơi nào khác!
Rồi ông gặp bà. Ông không còn cô độc nữa, ông có người đồng hành. Họ chung đường gần hết cuộc đời, bốn mươi năm dài nhưng xem chừng vẫn ngắn, chưa đủ để quấn quýt bên nhau. Căn bệnh đổ xuống bất ngờ, và ông tưởng rằng giờ chia tay đã đến…
Mùa xuân này là mùa xuân thứ bốn mươi mốt, ông còn loanh quanh ở đây, trong bệnh viện. Không biết bà sẽ làm, đón Tết một mình, đơn độc như ông trong tuổi hoa niên? Ý nghĩ ấy khiến ông bồn chồn, bất an.
…
Cô y tá da màu cười thân thiện với ông già nhỏ thó gầy còm:
– Chào buổi sáng ông Nuyen, ông cảm thấy ra sao?
– Tôi khỏe lắm, cô cho tôi về nhà!
Hai con mắt nhiều tròng trắng mở lớn:
– Về nhà? Đôi môi dày mấp máy định nói thêm nhưng kịp ngưng:
– Để tôi hỏi bác sĩ.
Ông thở ra, nhìn vợ:
– Tôi muốn về nhà ăn Tết!
Bà lo âu:
– Bác sĩ có cho về không ông?
…
Người đàn ông trẻ, đeo kính cận ôn tồn giải thích:
– Ông đang trải qua cơn bệnh nặng, chưa biết sẽ diễn tiến ra sao, chúng tôi cần theo dõi cẩn thận nên sẽ giữ ông lại bệnh viện ít ngày nữa. Ông chưa về được đâu.
Ông gật nhẹ, bần thần, vớt vát:
– Thế à? Hôm nay chưa về được chắc mai thì được?
Người bác sĩ trẻ lắc đầu:
– Ít nhất ba ngày nữa thì may ra. Rồi ông ta quay mình chào:
– Sẽ gặp ông ngày mai!
Ông nhìn bà lẩm bẩm:
– Không cho về thì gặp làm gì?
Bà gắt nhẹ:
– Ông lẩn thẩn quá, bác sĩ cần khám bệnh chứ gì nữa…
– Thế chừng nào các con mới về?
– Vợ chồng Khánh về chiều nay, vợ chồng Duy về mùng một Tết.
Ông nghĩ đến mấy đứa cháu nội ngoại lòng khấp khởi vui mừng:
– Người ta có cho trẻ con vào đây không?
– Để tôi hỏi.
—
Mẹ con bà loanh quanh trên khoảng vườn nhỏ, mảnh đất mà ông vẫn gọi âu yếm là “chiếc chiếu”, khoanh đất nhỏ đủ để bà gầy một ít rau thơm, ngò, húng, bạc hà, đủ để ông đặt một chậu mai tứ quý và mấy bụi cúc vàng. Từ cửa sổ ông và bà có thể nhìn ra khoảnh vườn xanh mướt mỗi sáng và xách nước tưới cây mỗi chiều hè. Ông chăm chút từ ngọn húng, cọng ngò mỗi khi nhẹ tay tưới nước. Bà trò chuyện với ông và với cây cỏ ngày ngày… Ông à, dúm ngò hơi vàng vàng, nắng quá phải không?… Cây húng vừa chia thêm một nhánh, mình để cây mẹ ra hoa mà giữ giống… Mỗi gốc cây gần gũi như thân thể đôi vợ chồng có tuổi.
Bà bảo người con:
– Bố chăm chút cội mai mấy tháng ròng, bây giờ hoa sắp nở… rồi bỏ lửng câu nói lưng chừng.
Khánh tần ngần rồi quả quyết:
– Mẹ để con tính!
– Ừ, anh xem xem?
—
Ông thức giấc, nghiêng mình nhìn ra ngoài trời. Buổi mai tinh khôi từ khung cửa sổ. Nắng óng ả màu mật ong. Hôm nay mùng một Tết. Ông ngủ ngon quá, nắng lên cao thế kia thì chắc phải hơn 9 giờ sáng… Có tiếng gọi từ sau lưng:
– Chào ông Nuyen!
Ông quay mình nhìn lui, cô y tá tươi cười bước vào phòng, tay đẩy chiếc xe lăn:
– Hôm nay ta dạo ngoài trời, ông đồng ý chứ? Không đợi câu trả lời, người đàn bà tiếp tục mời mọc:
– Tôi sẽ giúp ông rửa mặt, cạo râu… làm đẹp một chút để “mùng Tít”. Ông cười nhẹ trước câu nói ngọng nghịu…
—
Chiếc xe được đẩy ra ngoài vườn… Ở góc vườn con cháu ông đã quây quần, chờ đợi. Mấy đứa trẻ đuổi nhau trên cỏ. Thấy bóng người, chúng dừng chân. Đứa cháu nội mặc chiếc áo thụng xanh, tay cầm sẵn một phong bì đỏ tiến về phía ông:
– Mừng ông nội mạnh khỏe!
Ôm đứa cháu vào lòng, ông dân dấn nước mắt, tưởng không còn thấy chúng nữa… Ông xoa đầu thằng bé:
– Ông nội chúc con hay ăn chóng lớn!
Mấy đứa khác lần lượt sà vào lòng ông, đứa sờ tay, đứa ôm cổ ríu rít:
– Mừng tuổi ông nội…
Ông nhìn quanh con cái, dâu rể đủ mặt. Khánh đốt mấy nén nhang trao cho người cha, đẩy xe lăn đến gần chiếc bàn nhỏ ở một góc khuất gió:
– Bố cúng ông bà!
Trên bàn bày mâm ngũ quả và bình nhang. Trong chiếc độc bình cành mai tứ quý mơn mởn, giữa những cánh mãn khai là mấy nụ hoa còn hàm tiếu, e ấp. Bà đứng bên ông kính cẩn lạy vái đất trời. Mùi nhang trầm nhẹ nhàng tan loãng trong không gian.
Ông nắm bàn tay bà bóp nhẹ:
-Cám ơn các con về đông đủ. Bố mừng lắm!
Cội mai già nhưng vẫn đơm bông, và một phần thân thể nó mừng xuân với ông trong bệnh viện. Năm nay, ông vẫn có một cái Tết gia đình sum họp quây quần.
Tranh: Thắm Nguyễn
TLL