Menu Close

Nỗi buồn tháng bảy – Đặng Phú Phong

Mở đầu tuyển tập Nỗi Buồn Tháng Bảy của Ðặng Phú Phong là lời đề tựa của nhà thơ Du Tử Lê:

Ðặng Phú Phong chọn Nỗi Buồn Tháng Bảy để dựng thêm một cột mốc mới, cho cuộc trường chinh chữ, nghĩa của mình. Cột mốc đánh dấu lộ trình lao tác tinh thần của họ Ðặng, lần này là thi ca và truyện cực ngắn. Tôi không muốn che giấu rằng, cánh rừng thi ca Ðặng Phú Phong, mang tên Nỗi Buồn Tháng Bảy, đã mang lại cho tôi, nhiều câu thơ đẹp. Những câu thơ, tự thân, mang được trong nó, nhiều âm vọng, riêng: ‘Góc phố bỗng dưng như góc núi. Chút mây rẽ xuống tóc ai xinh.’ Hay, những âm vọng như tiếng hắt, dội những lỡ làng nhân thế: ‘Tránh dấu hỏi lại rơi vào dấu ngã. Con chữ buồn, lạnh cả một vầng trăng.’ [Tựa – Trang 4]

Lời đề tựa có con chữ buồn lạnh cả một vầng trăng dẫn đưa người đọc vào thế giới thi ca và truyện ngắn của tác giả, cùng thinh lặng cảm nghiệm những hình ảnh có từ hoài niệm ẩn hiện trong từng cảm nhận được gửi gắm trong mấy vần thơ. Những cảm nhận… Vết không sâu, tích chẳng thâm. Vẫn thấy đời ta tím dấu bầm. Bàn tay ấm trong bàn tay ấm. Nhàu nát lòng ai để suối ngân. [Vết Tích – Trang 26] Tháng Bảy nào được nhắc đến trong thơ? Tháng Bảy của… Ðêm sặc mùi nhớ. Nhớ sặc mùi cải lương. Tôi đến nhà em. Ði qua cây cầu khỉ. [ Cây Cầu Khỉ,Trang 35] Hay Tháng Bảy của luân hồi nhân ảnh xa xưa…Ta từ tiền kiếp mông lung, đưa tim ra hứng, đưa lòng ra che. Ðây bình an chốn ta về, em ơi dạo bước sơn khê êm đềm. [Chốn Bình An, Trang 34] Cảm nhận của tác giả có thể là cảm nhận chung có trong cõi người ta, khi gợi nhớ tiền thân hậu kiếp, khi đi trong cuộc lữ hành từ hôm qua đến hôm nay rồi đến một ngày mai nào đó…Ðể tô màu xanh trên bờ đá cản mặt trời, bãi tha ma rực nở hoa vàng, đường ngàn dặm chưa thấy đâu sỏi cát, con suối hôm nay, chảy về ngàn năm trước, lỗ hổng tình yêu khó lấp bằng nước mắt hay nụ cười, xin hãy chìa tay ra bắt, từng nếp gấp đời người lởn vởn trước sau. [Họa Sĩ. Trang 85]

Ðêm. Lắng nghe Ðặng Phú Phong trình bày tâm sự của người làm thơ, viết báo, viết văn, từng bị giam cầm và suýt chết trong nhà tù cộng sản trong Nỗi Buồn Tháng Bảy. Năm 1982 ông được phóng thích, cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư vào thập niên 1990. Ông là tổng thư ký của VietTimes Magazine USA, chủ bút Thế Giới Văn, hiện đang cộng tác với trang văn học damau.org. Ngoài Nỗi Buồn Tháng Bảy do Vô Tâm phát hành tại Hoa Kỳ năm 2014, Ðặng Phú Phong còn có những tác phẩm khác, như Cây Nghiêng Bóng Xế, Những Ðóa Mẫu Ðơn...

Tâm trạng buồn của Ðặng Phú Phong không chỉ có trong Tháng Bảy. Nỗi buồn đi suốt mười hai tháng của cuộc đời. Nỗi buồn hiển hiện giữa giòng sống sinh động của tuổi thanh niên. Nỗi buồn mênh mông thấm đậm vào lúc chiều tà, khi cái tôi hoán chuyển từ nhiệt tình thời trai trẻ sang thế giới bình lặng của tuổi trung niên, để so sánh với thời gian, nếu trăng không thể ở với mặt trời, thì hãy chờ đêm nguyệt thực, một chút thôi hơn cả trăm năm[Những Điều Không Thể. Trang 128].

Bài hát nói về một cuộc tình thật vui, thật thơ mộng. Nhưng lạ thay, khi những âm thanh trong trẻo, nồng ấm và đầy ắp tươi hồng ấy vượt khỏi núi ngàn về đến chốn trần gian, thì trở thành buồn bã vô ngần. Bài hát cũng thành ra một bản nhạc buồn thống thiết. Tiếng hát cùng điệu nhạc hòa tan lẫn vào nhau biến thành những hạt sầu, đẹp tinh khôi thấm sâu vào tim của mọi người. Kể từ đấy hình như chỉ có nhạc buồn mới…hay. [Nhạc Hay. Trang 253]

Hãy nghe khúc nhạc sầu của Ðặng Phú Phong khi đọc Nỗi Buồn Tháng Bảy.

alt

HNP
4:15am Chủ Nhật ngày 1 tháng 3 năm 2015