Menu Close

Tôi qua. Tôi nay. Và tôi mai…

Chẳng có thứ định nghĩa bệnh lý nào dành riêng cho nỗi buồn. Sẽ có những buổi sáng, chỉ một vạt cỏ úa, một mảng trời xám đủ khiến lòng rưng rưng. Tôi chưa già mà tim bất chợt đổ đồi mồi. Buồn dâng từ gốc cây. Buồn trào lên chiếc lá. Tôi nóng lạnh theo từng đợt, ơn thay là mưa nắng vẫn giao hòa.

Mùa Ðông Dallas chẳng lê thê, thê thiết. Những ngày cuối tuần, nỗi ngủ cứ vùi tôi như một con gấu Ðông. Tôi chợt dưng ưng riêng một góc đời tĩnh lặng. Ðời cũng chẳng trăm nỗi chi, thơ văn cũng chẳng có nụ cười mông lung xa thẳm nào về cái tôi. Tôi là tôi để tôi suy gẫm. Tôi qua, tôi nay và tôi mai. Tôi thả xuống một dấu chấm hỏi, những ngờ vực đương nhiên của đời. Vậy mà, có đôi lời trong cổ họng vẫn chưa thể nói được một điều gì trên trang giấy. Người viết, chẳng tiên đoán mà cũng chẳng phỏng đoán cái quái gì (?!) Có lúc hắn đợi, như ta thường nói- đợi cảm hứng. Cái Ðợi này chẳng giống như chờ đợi (cụ thể) một người. Hắn chưa biết (ý tưởng) nào sẽ xảy ra cho nhân vật của hắn. Tương lai còn là giấy trắng. Văn chương giống như một con quay, nó chỉ hiện hữu khi chuyển động. Văn chương, chỉ hiện diện khi người ta đọc nó; nếu không, nó chỉ là những vết ngoằn ngoèo trên giấy…

Triết gia Aristotle là người đầu tiên khai sinh môn sinh vật học theo phương pháp khoa học cho dù còn thô sơ. Ông và các môn đồ theo dõi hành trình cái trứng nở thành gà. Việc làm này thuộc về khoa học nhưng trước đó vẫn là câu hỏi: Trứng có trước hay con gà có trước?

Thầy của Aristotle là triết gia Planton khẳng định rằng ý tưởng con gà có trước cái trứng. Ngược lại, ông Aristotle thì cho rằng, người ta đã thấy con gà và trứng nhiều lần rồi mới có ý tưởng về con gà. Vậy thì, ý tưởng con gà và cái trứng có trước hay cái trứng và con gà có trước?

“ – Con có phân biệt được trứng có lộn và trứng không lộn không?

– Ðể con mở ra coi. Thưa Thầy, trứng có lộn.

– Ðể biết có lộn hay không, con đã phạm giới sát sanh rồi!…”

Biết bao con gà, con vịt đã trở thành những cái hột gà, hột vịt… lộn, chỉ vì nhiều người thích ăn trứng lộn. Những sinh linh nhỏ bé này đã không còn cơ hội bơi ngược về xuôi. Cũng như biết bao (ý tưởng) của tác phẩm thơ/văn… lộn không có cơ hội đến với văn chương nghệ thuật.

Ngày ỡm ờ, tôi đong đưa giữa trạng thái chẳng viết gì mà cái gì cũng muốn viết. Trong thiên đường giả tạo hay trong đời sống tưởng tượng. Người viết, chỉ vặn nhỏ bấc đèn, họ có thể (trừ khử) mọi giá trị sống bằng cách nhìn chúng dưới khía cạnh… chết. Và cũng cùng lúc, họ lại “kinh tởm” cái chết bằng cách trốn chạy vào những nhàm chán của cuộc sống thường ngày…

Cầm viết là cô đơn. Nếu không chịu nỗi sự cô đơn này, lập tức cây viết sẽ rơi xuống. Nhà văn (thơ) sẽ đứng dậy, bước đi và làm những chuyện khác. Cho dù thành công cũng không phải là văn thơ. Sáng tác là một hành trình lặng lẽ.

Cuốn sách giở ra rồi khép lại. Tôi ngáp dài trên cái màn hình laptop rồi khoác áo ra xe, đề máy xuống phố trưa nay. Gã láng giềng đội mũ dạ, gương mặt như tảng băng trôi, vẩy tay hello.

Văn lộn hay Hột vịt lộn? Tôi chợt dưng bật cười khi nghĩ đến vài “tác phẩm dăng chương” của mình vẫn còn đang… úp mề!

Cơn mưa bất chợt rớt, rộng rinh con đường… Một con ốc sên lười biếng phải bò ra khỏi nhà.

2.

Tôi tự vẽ cái vòng tròn chính tôi. Một nửa chạm buồn – một nửa chạm đau. Chẳng có gì ngoài mưa, giọt mưa giống nước mắt mà không có nỗi đau. Mùa Ðông xỏ vào một chiếc vớ, và rồi “phát hiện” là đêm qua ấm áp chỉ một bàn chân. Tôi nhìn mình trong gương, dung nhan đổ dài như hình hài một buổi sớm Ðông. Tôi bỗng chợt thèm một ổ bánh mì nóng, mùi bột phồng nướng hít lên mũi. Nhớ vị muối sả ớt của mẹ tôi vào những ngày Ðông thơ ấu.

Mùa Ðông Dallas, mưa hoài. Có những cơn mưa vô cùng mong đợi, gội rửa cuộc đời.

Cuối tuần, cô bạn “khổ chủ” đãi một bữa lẩu cá, xanh rờn đủ loại “rau đắng mọc sau hè”. Mấy loại rau “nghèo” (rớt) mồng tơi, khổ qua (quá) chẳng lạ chi nhưng với cái khẩu vị lẩu me chua thì quả là tuyệt. Ở quê nhà, hoa sua đũa thường được nấu với canh chua, còn đọt non ăn như rau với mắm sống, món kho. Nghe đâu, hoa và lá cây giã nát, vắt lấy nhỏ mũi chữa cảm cúm.

Cuộc đời, tôi lần đầu thử qua loại bông sua đũa, thấy mình “nhà quê” một cục. Thấy tôi cứ “so đũa” gắp lia lịa những cái bông trắng bỏ vào chén, anh bạn đồng nghiệp góp chuyện vặt về cái bông sua đũa. Ngày xưa, các cung nữ hay dùng lá sua đũa để nhử xe dê của mấy ông vua (bên Tàu), vì dê rất thích ăn lá sua đũa. Mỗi tối, vua dùng xe dê kéo đi qua các phòng của cung nữ, vì cung nữ nhiều quá, vua không biết chọn ai qua đêm; nên hễ dê nhào tới ăn bó lá sua đũa của phòng nào thì vua ghé vào phòng đó.

“Mấy cha nội dê nào lảng vảng, mấy cô hay chọc, ‘sua đũa nè dê’! Hiểu chưa?!”

Hiểu rồi, ăn cũng vẫn không thấy ngon, chỉ lạ miệng. Rau đắng sau hè cùng lẩu cá Orange Roughy. Cô bạn là người chọn ẩm thực rất kỹ lưỡng, “cá ăn trị cholesterol”, bỏ cá vào nồi lẩu lục sục sôi. Ðầy một bụng… rau xong, tôi vắt vẻo trên chiếc bàn vuông chuyện trò lảng bảng. Ly rượu xoay tư lự, rượu vào giữa cơn đói làm tôi choáng váng. Cái thói quen “cúp cua” những bữa ăn cuối tuần luôn bị chồng cự nự.

Cái tổ ấm của cô bạn dễ mến, có hai con chim đủ lông cánh vừa rời tổ. Nỗi buồn hanh hao, lặng lẽ của người mẹ xa con, chẳng ngôn từ nào có thể diễn đạt được. Cô bạn, tuần đầu con vào Ðại học đã chẳng chịu nổi cú “sốc”. Căn phòng của con, đồ đạc của con. Những gì thuộc về con còn đọng đầy ký ức mẹ.

Bạn rưng rưng khi nhắc về con, nỗi buồn như cái chết chưa chôn. Tôi từng cảm nỗi đau của những ngày xa con. Lẫn lộn giữa hư và thực, tôi thường chợt thức giữa đêm. Nước mắt tịch lặng, nuốt trôi trong khuya. Những ngày đầu con mới vào Ðại học. Cái text message của con, ngọng nghịu tiếng Việt không dấu trở thành niềm vui thầm lặng của mẹ. Tôi chẳng biết nói chi, chỉ ôm siết và vỗ về cô bạn, “Hãy cố lên T. Mọi chuyện rồi sẽ dần quen!”

Có thực dần quen chưa, tôi tự hỏi? Con vừa về nhà dịp nghỉ lễ qua, chưa kịp đi đã muốn con về trở lại. Lòng mẹ yêu con như cái túi tham không đáy.

Ðêm. Mấy con chữ cứ ọp èo vướng nhau. Thêm chút nụ cười, nụ khóc. Thêm một chút của tôi, và chút điều vương vấn tơ đời.

2 giờ khuya. Tôi đánh cái text message gửi con, “Con ra sao rồi? Rảnh nhớ gọi mẹ. Nhớ con nhiều.”

alt

Đinh Cường

ĐMH