Menu Close

Việt tính trong thế hệ ngoại biên

Trong những ngày Tháng Ba 2015 này, người Việt hải ngoại ở khắp nơi trên thế giới đang chuẩn bị tưởng niệm bốn thập niên mất miền Nam và bốn mươi năm xa xứ. Trong bài viết này, tôi liên tưởng đến nền văn học miền Nam – cũng chịu cảnh thất thủ bốn mươi năm trước, nhưng như một hạt giống tốt, đã bừng nở những mùa văn chương mới ở những quê hương thứ hai.

Mặc dù có những rào cản ngôn ngữ và những khoảng cách thế hệ, tôi cho rằng tuy chúng ta chưa có những nghiên cứu để đưa ra mối liên hệ giữa nền văn học miền Nam 1954-1975 và giới sáng tác thuộc thế hệ hậu chiến, nhưng chắc chắn có những sợi tơ vô hình nối kết một nền văn học thất thủ đã đặt nền tảng cho đời sống chữ nghĩa của người Việt hải ngoại, với những mùa văn chương mới đang vươn mình ở xứ người. Một trong những điểm giúp chúng ta nhận diện mối liên hệ này, là đề tài và tâm thức di dân mà một số người trẻ chọn cho công việc sáng tạo của mình. Hơn nữa, không chỉ những người cầm bút trẻ mới truy nhận căn tính sắc tộc và di dân/tỵ nạn, mà cả những nghệ sĩ trẻ gốc Việt trong nhiều lãnh vực nghệ thuật khác nhau.

Tôi xin lạm bàn đến những vùng nghệ thuật khác ngoài văn chương, để thấy rằng những thế hệ hậu chiến sinh trưởng hay chào đời tại hải ngoại cũng tìm về với di sản sắc tộc của mình – không chỉ qua những sáng tạo hướng theo các đề tài nổi bật của người Việt hải ngoại, mà còn bằng việc dùng tiếng Việt trong tác phẩm của mình. Từ những họa sĩ như Laura Nguyễn với bức tranh chì than “Nấp,” họa sĩ Jerry Trương với tác phẩm “Lớp/Vỏ,” hay họa sĩ Danh Võ với tác phẩm “Go Mo Ni Ma Da,” thì những họa sĩ trẻ này không chỉ sử dụng tiếng Việt cho tựa đề họa phẩm, mà còn đưa kinh nghiệm lịch sử của Việt Nam vào những vùng diễn đạt mới.

alt

John Vietnam đang nói chuyện với sinh viên Việt Nam về 30-4.

Ði sâu hơn việc đặt tên cho tác phẩm của mình bằng tiếng Việt là chọn lựa sử dụng tiếng Việt trong sáng tạo. Ðây là một thử thách lớn đối với những ai sinh trưởng ở hải ngoại, vì họ vẫn sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh hay một ngôn ngữ địa phương khác. Trong một cuộc phỏng vấn bằng tiếng Việt với Tiến sĩ Việt Hồ Lê, vốn là một thi sĩ và họa sĩ ở tầm vóc quốc tế, chào đời ở Sài Gòn và cùng gia đình vượt biên năm hai tuổi, tôi đã hỏi liệu anh có muốn thay đổi gì trong sự nghiệp của mình, Việt đã trả lời, “Nếu có thể đi ngược thời gian, Việt sẽ cố gắng học tiếng mẹ đẻ chăm chỉ hơn để có thể trả lời phỏng vấn hấp dẫn hơn!”

Ngược lại, cũng có những thi sĩ trẻ khác không dám dùng tiếng Việt, vì sợ xúc phạm đến ngôn ngữ được dùng riêng trong gia đình – một ngôn ngữ mà đối với họ rất thiêng liêng. Nhà thơ Ocean Vương (giải Pushcart năm 2013) bắt đầu làm thơ khi Bà Ngoại của anh qua đời. Trong một cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh năm 2013, tôi đã hỏi, nếu có thể viết bằng tiếng Việt, liệu Ocean có cảm thấy có một cách hoàn toàn khác để ở bên Bà Ngoại và tưởng nhớ Bà không? Anh trả lời (tôi dịch sang tiếng Việt), “Không. Tiếng Việt rất quý giá đối với tôi vì nó là ngôn ngữ tôi sử dụng trong bếp, với gia đình. Ðó là ngôn ngữ mà tôi học từ những cái chết và sự ra đời của người thân. Qua đó, tiếng Việt hoàn toàn độc lập với nghệ thuật và những gì phức tạp. Khi tôi nói tiếng Việt, tôi nói trong mạch nước trong. Tôi thoải mái nhất. Tôi có thể nói tất cả và không nói gì cùng một lúc. Nên tôi không muốn sáng tác bằng tiếng Việt. Tôi không muốn dùng ngôn ngữ đó cho thơ ca. Tôi không muốn làm hoen ố nó. Hơn nữa, âm nhạc, âm điệu trong tiếng Việt thì đã thơ đủ rồi.”

Bên cạnh lý do tình cảm khiến cho một số người cầm bút trẻ không sử dụng tiếng Việt trong sáng tác, thì cũng có những lý do rất thực tế khiến cho họ chọn viết bằng tiếng Anh. Trong những buổi nói chuyện về kỹ thuật viết và nghiệp viết cho các lớp tiếng Việt tại Westminster High School ở Quận Cam, California, đầu năm 2014, tôi đã đưa ra một cuộc thăm dò ngắn với gần 100 em học sinh trung học. Ða số các học sinh trong những lớp này giỏi tiếng Việt hơn tiếng Anh vì mới định cư ở Mỹ. Các em được yêu cầu tự nhận định về khả năng tiếng Việt của mình, bên cạnh một loạt câu hỏi về chọn lựa viết tiếng Việt hay tiếng Anh. Câu hỏi như thế này: Em sẽ chọn công việc nào? Viết 800 chữ, nhuận bút $500; hay Viết 1,200 chữ, nhuận bút $50? Tiếp theo, cũng câu hỏi đó, nhưng có thêm hai yếu tố khác cho câu trả lời. Chọn lựa thứ nhất: Viết 800 chữ, nhuận bút $500, tiếng Anh, đề tài được định sẵn. Chọn lựa thứ hai: Viết 1,200 chữ, nhuận bút $50, tiếng Việt, đề tài do chính em chọn. Em sẽ chọn công việc nào: thứ nhất, hay là thứ hai? Và đây là câu hỏi sau cùng: Khi biết thêm về chọn lựa và ngôn ngữ cho mỗi công việc, em có thay đổi quyết định của mình không? Tại sao?

Có lẽ quý vị cũng đoán được, tất cả các em đã chọn viết 800 chữ, nhuận bút $500, vì như đa số các em nói, “Nhiều tiền, ít chữ, đỡ cực.” Sau khi biết thêm hai yếu tố về ngôn ngữ và đề tài thì đa số vẫn không thay đổi quyết định. Một em đã viết, “Không, vì bây giờ thứ em cần là tiền, sau này thì có thể suy nghĩ lại!” 14% đổi quyết định và chọn viết tiếng Việt, theo đề tài mình chọn, dù với nhuận bút thấp, vì như một em nói, “Em sẽ biết cái topic em cần viết;” và một em khác, “Tôi muốn được viết cái gì tôi thích;” hoặc vì một lý do rất thực tế, “Em chưa giỏi tiếng Anh;” hay là vì không muốn “Mất công đi lấy thêm lớp tiếng Anh tốn tiền!”

Có một em hỏi ngược lại tôi: “Cô ơi, có việc nào viết 100 chữ được $100,000 không Cô?” Tôi chưa bao giờ thấy nơi nào rao việc như vậy, nên nếu quý vị biết thì xin cho tôi thông tin để chuyển đến em sinh viên này. Thưa quý vị, tôi nhắc đến cuộc thăm dò này, vì nó phản ảnh cái thực tế là nghề cầm bút bằng tiếng Việt ở hải ngoại không phải là một chọn lựa kinh tế khả thi. Trong cuộc phỏng vấn do Lê Quỳnh Mai thực hiện trên Hợp Lưu, Nhà văn Trần Vũ đã nói, “Tôi chỉ mong muốn, các tập san văn chương VN trên giấy cũng như trên mạng, cùng nhà xuất bản ngoài nước trả tác quyền và nhuận bút cho các tác giả, ký kết văn kiện hợp đồng đàng hoàng y như Tây phương… Dương Thu Hương có lần tuyên bố: Cái nhục lạc hậu nghèo đói, cũng nhục như cái nhục mất nước. Tôi muốn thêm: Cái nhục không trả tiền nhuận bút, cũng nhục như cái nhục mất nước. Muốn vậy, nhưng tôi biết rõ các tạp chí không có lợi tức. Không nhuận bút ở ngoài nước đã thành một thông lệ. Một truyền thống. Và hơn một truyền thống, một định mệnh.”

alt

Tác phẩm “Lớp/Vỏ” của Hoạ sĩ Jerry Huy Trương tại cuộc triển lãm GLAMFA.

Cho nên, tự bản thân việc sử dụng tiếng Việt trong sáng tác ở hải ngoại đã là một chọn lựa đắt đỏ, chưa kể đến những yếu tố về số lượng độc giả, và những giới hạn ngôn ngữ tất yếu cho các bạn sinh trưởng ở hải ngoại. Ðây cũng là một trong những lý do cần phải trao di sản văn học miền Nam 1954-1975 cho những thế hệ hậu chiến, để giúp họ có một nguồn vốn dồi dào cho một con đường khá cam go. Ðiều đáng quý, là dù những thế hệ sinh ở Mỹ không thông thạo tiếng Việt, họ vẫn cố gắng dùng tiếng Việt như một phần của căn tính văn hoá gốc. Qua nhiều Dự án nghiên cứu khác nhau về người Việt hải ngoại tại Bắc Mỹ, Úc Châu, và Âu Châu trong 21 năm qua, tôi có vinh hạnh gặp và phỏng vấn rất nhiều bạn trẻ sinh tại hải ngoại nhưng thông thạo tiếng mẹ đẻ. Họ sử dụng tiếng Việt lưu loát ở cả các mặt: nghe, nói, đọc, viết. Mà không chỉ những người trong giới cầm bút, mà trong nhiều ngành khác như dược, luật, thương mại, vv. Bên cạnh đó, còn có những bạn trẻ không phải người Việt ở khắp nơi trên thế giới chọn theo học những ngành về văn hoá, ngôn ngữ, văn chương Việt Nam. Nếu chúng ta có một văn khố chính thức về văn học miền Nam trong giai đoạn này, thì sẽ giúp tất cả giới trẻ hải ngoại – dù gốc Việt hay không – dễ dàng tìm hiểu về văn học Việt Nam trong giai đoạn cận đại. Nếu không, họ sẽ tìm thấy một ngõ cụt, và có thể chuyển hướng tìm hiểu về những đề tài khác với tài liệu có sẵn.

Kinh nghiệm của người di dân ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng thường bị mai một và lấp đi bởi rào cản ngôn ngữ, vật lộn mưu sinh, và sự nín lặng của quá khứ tang thương. Người Việt ở hải ngoại đã may mắn có điều kiện thuận lợi để mở một bước ngoặt mới. Năm 2004, tôi có thực hiện một dự án về truyền thông Việt ngữ tại Little Saigon, và phỏng vấn một số vị trong báo giới về việc sử dụng tiếng Việt trong cộng đồng Việt Nam trong vài chục năm tới. Ða số đều cho rằng, có lẽ cũng giống như các cộng đồng di dân gốc Á khác, cộng đồng Việt Nam của chúng ta sẽ duy trì được tiếng Việt chỉ trong một hai thế hệ đầu. Những thế hệ sau sẽ đi vào dòng chính, và tiếng Việt không còn quan trọng đối với họ. Ở năm 2014 này, chúng ta có ngót bốn mươi năm duy trì văn hoá, lịch sử, và tiếng Việt qua các sinh hoạt văn học, văn hoá, Việt ngữ, và truyền thông tại hải ngoại. Trong những năm gần đây, với phong trào giáo dục song ngữ (Anh Việt) nở rộ trong hệ thống giáo dục công lập ở Hoa Kỳ, chúng ta đã có những vận hội mới, từ những chương trình song ngữ Anh Việt từ bậc tiểu học, đến các lớp tiếng Việt ở bậc trung học, chương trình cử nhân hoàn toàn bằng tiếng Việt ở bậc đại học, và nhiều chương trình về văn hoá và ngôn ngữ Việt khác.

Mời quý độc giả nghe một bài nhạc rap của John Vietnam Nguyễn, một nhạc sĩ trẻ quá cố. Mẹ anh là một phụ nữ Việt tỵ nạn, và cha anh là một cựu quân nhân Mỹ. Anh chào đời tại Chicago năm 1993, và mất cũng tại đây khi cứu một người bạn khỏi chết đuối Tháng Chín năm 2012. John Vietnam đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng nghệ thuật, sinh viên, và địa phương, và người ta đã vẽ một mural cũng như dành một con đường tại Chicago để vinh danh anh. Anh sáng tác bằng tiếng Anh, nhưng có một bài với nhan đề ‘a hapa rap in Vietnamese’ – tựa thì tiếng Anh, nhưng ca từ hoàn toàn bằng tiếng Việt (https://www.youtube.com/watch?v=V3U-hqQ3kGo). Ở đây, tôi chú trọng vào việc John Vietnam dùng hoàn toàn tiếng Việt trong bài nhạc rap của mình – và đưa cả phụ đề song ngữ, dù phần tiếng Việt có sai chính tả. Ðiều tôi muốn nhấn mạnh là có thể đây là tác phẩm táo bạo nhất của người nhạc sĩ trẻ này, vì chọn lựa ngôn ngữ. Những chữ sai chính tả trong phần phụ đề cho thấy có lẽ John cũng rất vất vả để soạn phần phụ đề. John Vietnam chọn dùng tiếng Việt, tuy anh nói tiếng Việt với âm hưởng của những người Việt gốc ‘hải ngoại.’ Qua tác phẩm này, John Vietnam đã đưa tiếng Việt ‘hội nhập’ vào dòng chính, qua một bộ môn nghệ thuật trình diễn rất phổ biến đối với người trẻ. Như vậy, anh đã giúp đưa tiếng Việt gần hơn với những thế hệ mới, và với cả những người hâm mộ anh không phải là người Việt hoặc không biết tiếng Việt. Qua đó, anh cũng giúp phản bác một lý thuyết trong khoa học xã hội về kinh nghiệm di dân, đó là những cộng đồng di dân thường bị ‘frozen’ hay đóng băng trong quá khứ, và sống trong quá khứ. Qua những mạng xã hội của mình, John Vietnam mời gọi mọi người tưởng niệm Tháng Tư như một cách giữ gìn và công nhận gốc gác của mình. Anh tìm hiểu và gắn bó với lịch sử di dân của mình, nhưng đồng thời, anh cũng dùng chính lịch sử đó để định hướng cho hiện tại và tương lai một cách sống động. Và tác phẩm ‘a hapa rap in Vietnamese’ là một thí dụ cụ thể.

TGT