Chuyện kể hồi xưa Trang Tử dẫn mấy đệ tử đi chơi rừng, thấy một người thợ đốn gỗ đứng chống rìu cạnh một cây to mà không chịu chặt, mới hỏi tại sao. Người thợ giải thích: “Cây này to nhưng gỗ nó xấu, không dùng được việc gì.” Trên đường về, thầy trò ghé thăm nhà một người quen. Chủ nhà sai con làm gà đãi khách. Ðứa con hỏi cha làm thịt con nào (vì nhà có hai con gà trống). Chủ nhà bảo làm thịt con không biết gáy. Về đến nhà, các đệ tử băn khoăn hỏi thầy: “Cái cây kia trên rừng vô dụng mà sống còn con gà nọ không gáy được mà chết. Vậy ở đời nên xử thế ra sao?” Trang Tử giảng giải: “Chuyện không phải tài hay bất tài. Cái chính là phải biết khi nào nên hay không mà thôi. Khôn chết, dại cũng chết, chỉ có biết mới sống!” Lời dạy ấy có lẽ đến thời nay vẫn còn giá trị, nhất là ở Việt Nam, cụ thể như chuyện chặt hàng loạt cây cối ở Hà Nội mới đây.
Nói chính xác, không phải chuyện chặt cây, mà là người dân đi biểu tình phản đối chuyện chặt cây. Nhớ lại cách đây không lâu khi người dân Hà Nội biểu tình phản đối các vụ xâm phạm của Trung Quốc ở biển Ðông, chính quyền đã ra tay đàn áp… dã man. Hôm Chủ Nhật vừa qua, người dân cũng đi biểu tình thì chính quyền không làm gì cả; nghĩa là không đàn áp như những lần biểu tình trước đây. Thậm chí ngay sau đó, chính quyền vội cho đình chỉ việc đốn hạ cây cối. Giải quyết nhanh trong vòng vài tiếng, chứ đừng nói là 24 tiếng đồng hồ! Cả hai cuộc biểu tình, lần này và những lần chống Trung Quốc, người dân đều có thái độ ôn hòa bất bạo động (ngoại trừ những kẻ được ra lệnh chen vào phá rối thì không tính). Giả sử mấy cây đó bị chặt hết rồi trồng lại, dù mất cả trăm năm, cho chúng lớn như cũ thì vẫn… làm được. Còn đất đai tổ tiên, bị Trung Quốc chiếm đoạt, biết đời nào lấy lại được? Những hàng cây ấy tuy có giá trị về nhiều mặt nhưng vẫn không là gì khi so với đất đai Tổ quốc! Thế mà những người biểu tình vì đất đai của Tổ quốc bị đối xử trái ngược với những người biểu tình vì cây cối. Dĩ nhiên không cần phải chờ tới vụ chặt cây mới thấy vô lý. Ngay khi thấy người biểu tình chống Trung Quốc bị chính quyền đàn áp, nhiều người đã đặt câu hỏi, như nhạc sĩ Việt Khang: “Xin hỏi anh là ai? Sao bắt tôi, tôi làm điều gì sai? Xin hỏi anh là ai? Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay? Xin hỏi anh là ai? Không cho tôi xuống đường để tỏ bày. Tình yêu quê hương này, dân tộc này đã quá nhiều đắng cay! Xin hỏi anh ở đâu? Ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm. Xin hỏi anh ở đâu? Sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi…” Rồi cũng sau đó, chính nhạc sĩ Việt Khang bị bỏ tù vì những câu hỏi ấy!
Có phải chính quyền để những người biểu tình về chuyện cây cối được yên thân vì họ… “bất tài, vô dụng”? Thật sự nguyên do có lẽ vì chính quyền sợ người dân… biểu tình. Khi thấy dân chúng biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn, chính quyền Hà Nội không thể và không dám làm gì với chính quyền Bắc Kinh. Nếu để như thế thì dân cứ biểu tình hoài nên phải đàn áp thẳng tay. Còn chuyện cây cối, nếu đàn áp như mấy lần trước thì xấu mặt với thế giới. Dĩ nhiên những lần trước cũng xấu hổ nhưng chính quyền không còn cách nào khác để chấm dứt biểu tình. Lần này chính quyền Hà Nội có thể ngưng chặt cây mà không phải xin phép… Trung Quốc. Tóm lại là làm sao dẹp được biểu tình càng sớm càng tốt. Chứ để lâu sẽ tạo cho người dân có thói quen rồi trở thành văn hóa… biểu tình. Nguy hiểm cho sự tồn vong của chế độ hiện nay vô cùng! Chính vì vậy mà cái luật về biểu tình cứ hẹn rày hẹn mai hoài…
Nghe nói cây cối trong danh sách bị đốn, chừng 6700 cây, toàn là gỗ quý. Có ai biết Bộ chính trị ở ngay Hà Nội “nắm rõ thông tin” này không? Chắc chết… liền.

Biểu tình phản đối Trung Cộng chiếm và thảm sát tại Gạc Ma bị cản trở – NGUỒN VOATIENGVIET.COM
Cuộc biểu tình phản đối chính quyền Hà Nội chặt hạ 6.700 cây. NGUỒN RFA.ORG