Ngoài các dịch vụ y tế chuyên về chữa trị và phòng ngừa bệnh tật, tiêu chuẩn “An toàn y tế” cũng bao gồm các yếu tố khác như phẩm chất của môi sinh, (không khí trong lành, nước sạch, thực phẩm không bị tạp nhiễm), sự an toàn giao thông (đường sá không đầy những ổ voi, ổ gà, chật chội quá mức). Ở những thành phố đông cư dân và ô nhiễm như Rio de Janeiro, Bắc Kinh chịu ôm đèn đỏ vì các yếu tố này. Sinh sống trong môi trường chật chội và ô nhiễm, tất nhiên tuổi thọ con người sút giảm vì bệnh tật và tai nạn.
Tokyo là một ngoại lệ, thuộc nhóm “thành phố vĩ đại”, nhưng vẫn duy trì được sự an toàn về y tế trong khi các megacities khác đội sổ, Thượng Hải, Sao Paulo, Delhi, Mumbai và Mexico City đều ô nhiễm trầm trọng chưa kể tỷ lệ tội ác khá cao. Quá đông nên chính phủ sở tại khó lòng bảo vệ cư dân thành phố một cách hữu hiệu nên theo sau là những vùng “bất khả xâm phạm” nơi băng đảng chiếm lãnh, kiểm soát, và tội ác lan tràn.
Một ngoại lệ khác, khó hiểu và khó giải thích, là thứ hạng của Riyadh, thủ đô Saudi Arabia. Thành phố này có khoảng 5-10 triệu cư dân (thành phố lớn), giàu nứt đố đổ vách nhờ dầu hỏa, lâu lâu nhà vua lại cao hứng tặng con dân vài triệu chiếc Mercedes chạy cho vui, đổ xăng không tính tiền… Nôm na là tiền đầy túi mua chi cũng được, chưa kể phép vua luật nước khắt khe nên tội ác ở tỷ lệ khá thấp, nhưng mức an toàn sức khỏe lại làng nhàng gần hạng bét thì tại sao thế nhỉ?
Tiêu chuẩn thứ ba về an toàn nhắm đến hạ tầng cơ sở của thành phố. Ðường sá rộng rãi, đầy đủ các phương tiên di chuyển công cộng (xe bus, xe lửa, xe điện ngầm…) giúp bá tánh qua lại dễ dàng. Giao thông là một điều tốt đẹp vì cư dân có thể buôn bán làm ăn chưa kể các chuyến cấp cứu khi cần thiết.
Những yếu tố hạ tầng cơ sở khác không kém quan trọng trong đời sống cư dân thành phố là nguồn nước sạch, điện lực, hệ thống truyền thông và cống rãnh lưu chuyển chất phế thải, đổ rác. Sự gián đoạn trong bất cứ hoạt động nào cũng gây rối loạn sinh hoạt hàng ngày. Khi số cư dân leo thang cấp kỳ, thành phố không thể định lượng và cập nhật hạ tầng cơ sở đủ để cung cấp các dịch vụ cần thiết, sự trì trệ rối loạn xảy ra là điều thường thấy. Tại các thành phố xưa cũ, điển hình là Thượng Hải, Bắc Kinh, không còn đất đai để xây cất đường sá, bệnh viện, đào cống rãnh… nhà chức trách địa phương đành… chắp nối, vá víu hạ tầng cơ sở có sẵn hầu cưu mang lượng người đổ về sinh sống và hậu quả là ô nhiễm, kẹt xe, thiếu nước, thiếu điện, nghẹt cống rãnh xảy ra thường xuyên. Ðây là một trong những nhược điểm của các thành phố lớn tại Á Châu.
Con người có thể tính toán và xây cất hạ tầng cơ sở để đáp ứng nhu cầu hàng ngày và đôi khi liệu định cả các biến cố do thiên tai, như trận bão Katrina năm 2005, bão Sandy năm 2012, lụt lội tại Bangkok năm 2011… Sự thiệt hại lên đến 68 tỷ Mỹ kim khi hạ tầng cơ sở không đáp ứng nổi với sự tàn phá từ thiên nhiên.
Ngược lại, để phòng ngừa lụt lội, London (thủ đô của Anh Quốc) được bảo vệ bởi hệ thống Thames Barrier, “cửa sông” được đóng chặt khi mưa lớn, nước sông dâng cao hơn bình thường. Hệ thống này được điều khiển bởi ba nguồn điện lực khác nhau, nếu một nguồn điện tắt thì sẽ có hai nguồn điện khác thay thế cấp kỳ.
Ðứng đầu sổ về an toàn hạ tầng cơ sở là Zurich, kế đến là Melbourne, Sydney (thủ đô của Úc), Amsterdam (thủ đô Hòa Lan) và Tokyo hạng năm. Ðội sổ là Thành Hồ (Saigon của ta chẳng bao giờ đội sổ cả?!), trên hạng bét là Mexico City (thủ đô của Mexico), rồi Jakarta (thủ đô Nam Dương), Mumbai và Delhi (thủ đô Ấn Ðộ).
Tiêu chuẩn thứ tư sự an toàn cá nhân, người thành phố có an toàn không trước các tội ác và số cảnh sát tuần phòng giữ an ninh bảo vệ cư dân? Người thế giới trong một cuộc trưng cầu ý kiến, thảy đều cho rằng sự an toàn cá nhân, tự do đi lại, làm ăn buôn bán sinh sống mà không phải lo âu về chuyện bị cướp bóc, hành hung là yếu tố quan trọng thứ nhì sau công ăn việc làm. Hiểu như thế nên chính phủ địa phương tìm cách tiết giảm những yếu tố dẫn đến tội ác như kiểm soát vũ khí và kiểm soát việc sử dụng ma túy. Những chương trình này đòi hỏi một sự đầu tư lớn, đầu tư vào việc thu dụng và đào tạo cảnh sát hay “bạn dân” đúng nghĩa. Ðiển hình là Barcelona, sau ba năm nỗ lực không ngừng qua việc gia tăng số cảnh sát tuần hành trên đường phố, tỷ lệ tội ác tại đó đã giảm đến 32%. Thân thiện hơn là Hán Thành (Seoul, thủ đô Nam Hàn), thành phố không chỉ bảo vệ cư dân mà còn đi xa thêm một bước nữa để bảo vệ du khách. Họ có đội ngũ “Cảnh sát [bảo vệ] du khách”, tourist police, là những người nói được tiếng Anh, tiếng Nhật và cả tiếng Quan Thoại. Nhóm cảnh sát đặc biệt này tuần hành trên các đường phố đông khách thăm viếng, và sẵn sàng can thiệp khi du khách than phiền việc bị lừa gạt, quấy nhiễu. Du khách có cả một đường dây điện thoại riêng để gọi cảnh sát!
Tăng cường đội ngũ “bạn dân” chỉ là một trong những phương cách bảo vệ cư dân, nhiều thành phố đã sử dụng cả hệ thống máy móc giúp việc trị an, thu hình chụp ảnh và phân tích các dữ kiện thu thập được để ước tính xác suất của tội ác. Chicago, xếp hạng thứ 25 về “an ninh cá nhân”, sử dụng một hệ thống tính toán (của Illinois Institute of Technology) để nhận diện những người dễ trở thành nạn nhân hoặc kẻ có khuynh hướng phạm tội ác mà…thăm viếng thường xuyên. Mấy tay anh chị hẳn chùn ý muốn cướp bóc phá phách vì cứ được bạn dân thủng thỉnh hỏi thăm hoài?
Glasgow đã đặt thêm hệ thống đèn đường, qua chương trình Future City Glasgow, tự động bật sáng, thu hình chụp ảnh khi môi trường thay đổi… Tiếng chân bước một mình khác với tiếng chạy đuổi, tiếng la… Hệ thống đèn đường phản ứng khi có âm thanh, hình ảnh khác thường xảy ra trên đường phố.
Những thành phố “mới” hơn thường đặt các trụ đèn ngay tại các bãi đậu xe, trạm chỉ đường, ghế nghỉ chân, trạm trú mưa… Chung quanh các tòa công thự, thường đặt hồ nước thay cho hàng rào song sắt. Hồ nước vừa đẹp mắt vừa cản trở xe cộ chạy bừa, chạy đại vào công thự.
Với nhà riêng, các chuyên viên phát triển thành phố [mới] cũng chú trọng đến các yếu tố như tòa nhà đối diện mặt đường đèn sáng trước ngõ ra vào, tránh đặt đường hẻm tại cửa sau tòa nhà (kẻ trộm cướp dễ xâm nhập mà không ai thấy…). Tạm hiểu là họ đặt các tiêu chuẩn về an ninh cho cư dân trước khi cho phép xây cất!
Chăm sóc cư dân kỹ lưỡng như thế nên Singapore đoạt giải nhất, Osaka, Tokyo theo sát phía sau, và Stockholm (thủ đô Thụy Ðiển) xếp hạng tư, Taipei (thủ đô Ðài Loan) đứng thứ năm trong khi Bắc Kinh (thủ đô Hoa Lục) gần đội sổ, hạng 48!
Sau khi tính toán cẩn thận dựa trên số điểm từ mỗi tiêu chuẩn về an ninh, nhóm nghiên cứu từ the Economist Intelligence Unit đưa ra kết luận rằng gom chung, Tokyo là thành phố đứng đầu, với tổng số điểm 85.63/100, Singapore thứ nhì (84.61/100), Osaka hạng ba (82.36/100), Stockholm hạng tư (80.02/100) và Amsterdam hạng năm (79.19/100).
Ngoại trừ Osaka, bốn thành phố kể trên là thủ đô của quốc gia sở tại. Tokyo và Osaka thuộc nhóm “megacities” trong khi Singapore là thành phố lớn (cư dân 5-10 triệu người); Stockholm và Amsterdam trong nhóm thành phố trung bình (cư dân dưới 5 triệu người). Châu Á và châu Âu góp mặt trên bảng vàng về an ninh.
Ngược lại danh sách đội sổ hạng bét là Jakarta (53.51/100), Tehran hạng 49 (53.78/100), Thành Hồ hạng 48 (54.93/100), Johannesburg hạng 47 (56.26/100), Riyadh hạng 46 (57.09/100) và Mexico City hạng 45 (59.46/100).
Kê khai rành rẽ như thế xong rồi thì nhóm the Economist Intelligence Unit đưa ra một bảng phong thần khác, biểu rằng thành phố an toàn nhất chưa hẳn là nơi thu hút nhất để bá tánh muốn đến sinh sống. Con người chọn nơi sinh sống qua một số yếu tố khác ngoài sự an toàn như nếp sống thoải mái (dễ sinh sống, buôn bán, không khí tự do, vật giá không quá đắt đỏ) và đủ phương tiện giải trí.
Theo các tiêu chuẩn này thì Toronto đứng đầu, Montreal theo sát phía sau, Stockholm đứng hạng ba, Amsterdam đứng hạng tư và San Francisco đứng hạng năm trong khi Tokyo sụt xuống thứ 16! Hai thành phố khác của Huê Kỳ, Washington DC (hạng tám) và Chicago (hạng mười) cũng được yêu chuộng trong khi Melbourne (hạng sáu), và Sydney (hạng chín) của Úc cũng được xem là nơi dễ sống.
Sự kiện Zurich của Thụy Sĩ đứng hạng bảy về sự “yêu chuộng” thì ta phải giải thích ra sao? Zurich an toàn lắm, trong lành lắm nhưng kỷ luật cứng như sắt thép ở quốc gia ấy khiến bá tánh rùn vai mà rằng ta thà lè phè bên trời Bắc Mỹ?
Ðọc hết bản tường trình dài thòong nọ thì Dế Mèn nghiệm ra rằng chẳng có chi tuyệt đối, sự an toàn cá nhân và môi trường chung quanh tuy cần thiết, mang lại sự an tâm nhưng không nhất thiết đem lại nguồn vui cho con người. Cuộc sống hạnh phúc hơn khi chung quanh ta là bầu không khí tươi vui và thoải mái?

Cảnh sát bảo vệ du khách (tourist police) của thành phố Seoul – NGUỒN KOREAJOONGANGDAILY.JOINS.COM