Menu Close

Các loại Insulin

Thưa bác sĩ Ý Đức, Tôi bị bệnh tiểu đường loại 1, trước đây bác sĩ gia đình cho tôi uống thuốc viên để hạ đường. Tuy nhiên từ hơn một năm nay, thuốc viên không công hiệu và bác sĩ đổi tôi sang thuốc chích là Insulin sau mỗi bữa ăn. Bác sĩ dặn tôi là nếu không kiểm soát được thì sẽ chuyển sang loại insulin có tác dụng kéo dài hơn. Tôi hơi bối rối và không hiểu tại sao lại có nhiều loại insulin như vậy. Xin bác sĩ vui lòng giải thích. Vân Nga

Đáp

Thưa bà Vân Nga, Insulin là nội tiết tố do tuyến tụy tạng sản xuất. Tuỵ tạng lớn khoảng bàn tay của ta và nằm trong bụng,  phía sau bao tử.  Tuyến có hai nhiệm vụ chính:

1. Giữ vai trò quan trọng trong sự tiêu hoá các chất dinh dưỡng ở ruột bằng nhiều loại enzym.

2. Kiểm soát năng lượng mà cơ thể cần dùng bằng cách điều hòa đường glucose trong máu với chất insulin đi thẳng vào máu..

Insulin được tiết ra khi glucose máu lên cao, chẳng hạn sau khi ta ăn. Các tế bào được insulin kích thích, hấp thụ glucose để chuyển ra năng lượng cho sinh hoạt cơ thể. Glucose dư sẽ được insulin đưa vào dự trữ ở gan dưới hình thức glycogen. Khi cơ thể cần glucose thì glucagon chuyển glycogen ra glucose.

Insulin giúp cơ thể chuyển đường thành năng lượng và đưa đường không dùng đến vào gan và bắp thịt để dự trữ. Khi insulin thiếu, không có hoặc không công hiệu, thì đường sẽ tràn ngập trong máu, một số sẽ được thải  ra ngoài theo nước tiểu.

Insulin có nguồn gốc động vật như từ tụy tạng của bò và heo.

Tại Hoa Kỳ, insulin từ bò/ heo không còn được dùng. Thay vào đó là insulin được sản xuất từ vi khuẩn, nấm  qua kỹ thuật biến chế DNA.

Có khoảng hơn 20 loại insulin, tùy theo tác dụng nhanh hay chậm, kéo dài hay tức thì. Năm loại thường dùng là:

1. Tác dụng mau (rapid onset-fast acting): Đây là dung dịch trong, có tác dụng 15 phút sau khi chích, do đó phải ăn ngay sau khi dùng. Công hiệu kéo dài khoảng từ 3 đến 4 giờ. Thí dụ Humalog, insulin glulisine

2. Loại tác dụng ngắn hạn (Short acting): thuốc trong, có công hiệu độ nửa giờ sau khi chích, kéo dài từ 6 đến 8 giờ, cao nhất  là giữa 2 và 4 giờ. Thường chích ½ giờ trước khi ăn. Thí dụ Actrapid, Humilin.

3.  Tác dụng trung bình (intermediate-acting) mầu đục, có tác dụng từ 1 đến 3 giờ sau khi chích và kéo dài tới 10-14 giờ. Thuốc thường được cho thêm kẽm (zinc) hoặc Protamine để kéo dài công dụng. Thí dụ Humilin NPH, Protaphane Humulin I, Insulatard.

4. Tác dụng dài hạn (Long-acting). Sau khi chích, phải đợi tới 4- 6 giờ mới bắt đầu có tác dụng nhưng công hiệu kéo dài từ  20 tới 24 giờ. Công hiệu tối đa là lúc 6 tới 8 giờ sau khi chích. Thí dụ insulin zinc suspension, protamine zinc insulin

5. Hỗn hợp của insulin có tác dụng ngắn hạn hoặc tác dụng mau cộng với insulin có tác dụng  trung bình theo tỷ lệ 30/70 hoặc 50/50. Thí dụ NovoMix 30, Humulin M3. Khi dùng, nhớ lắc chai cho insulin hòa đều với nhau.

Xin bà để ý dùng đúng loại insulin mà bác sĩ gia đình biên toa đồng thời để ý thời gian chích.

Cũng xin nói thêm là hiện nay có loại insulin pump tự động bơm insulin khi đường huyết lên cao. Loại pump này rất tiện dụng vì giúp bệnh nhân không cần chích. Bà thử hỏi bác sĩ gia đình coi có dùng được không nhé. Vừa đỡ mất công chích mỗi ngày đồng thời cũng tránh được sự lầm lẫn loại này sang loại kia.

Lựa và cất giữ cà rốt

Chào bác sĩ. Tôi nghe nói cà rốt có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe vì có nhiều vitamin. Xin bác sĩ hướng dẫn cách mua và cất giữ cà rốt để có thể dùng lâu trong vài tháng. Cảm ơn bác sĩ. Liên Nga

Đáp

Thưa bà, Có người đã ví cà rốt là một loại nhân sâm của người nghèo vì nó có nhiều chất dinh dưỡng. Một củ cà rốt cỡ trung bình có 19 mg calci, 32 mg phospho, 233 mg kali, 7 mg sinh tố C, 7 gr carbohydrat, 5 gr đường, 2gr chất xơ, 1gr chất đạm, 6.000mcg sinh tố A, 40 calori, không có chất béo hoặc cholesterol.

Một ly (240ml) nước cà rốt lạnh nguyên chất cung cấp khoảng 59 mg calci, 103 mg phospho, 718 mg kali, 21 mg sinh tố C, 23 g carbohydrat và 18.000mcg sinh tố A. Thật là một món giải khát vừa ngon vừa bổ dưỡng.

Nhà dinh dưỡng uy tín Hoa Kỳ Roberta Roberti đã liệt kê một số công dụng của cà rốt đối với cơ thể như: làm tăng tính miễn dịch, nhất là ở người cao tuổi, giảm cháy nắng, giảm các triệu chứng khó chịu khi cai rượu, chống nhiễm trùng, chống viêm phổi, giảm bớt mụn trứng cá, tăng hồng huyết cầu, làm vết thương mau lành, giảm nguy cơ bệnh tim mạch
Bản hướng dẫn về dinh dưỡng của Bộ Canh Nông Hoa Kỳ vào năm 1995 có ghi nhận rằng ‘Các chất dinh dưỡng chống oxy hóa trong thực phẩm thực vật như sinh tố C, carotene, sinh tố A và khoáng selenium đều được các nhà  khoa học thích thú nghiên cứu và  mọi người ưa dùng vì chúng có khả năng giảm thiểu rủi ro gây ra ung thư và các bệnh mãn tính khác’
Từ thời xa xưa ở Ấn Độ, Hy Lạp và La Mã, cà rốt, nước ép cà rốt, trà cà rốt đã được dùng để trị bệnh.

Các chất dinh dưỡng này chỉ duy trì được giá trị nếu ta biết lựa và cất giữ cà rốt.

Mua cà rốt, nên lựa những củ còn lá xanh tươi, củ phải chắc nịch, mầu tươi bóng và hình dáng gọn gàng, nhẵn nhụi. Cà rốt càng có đậm mầu cam là càng có nhiều beta carotene. Không nên mua cà rốt bị nứt, khô teo. Nếu cà rốt không còn lá, nhìn cuống coi có đen không. Nếu cuống đen là cà rốt quá già. Vì đa số đường của cà rốt nằm trong lõi, nên củ càng to thì lõi cũng lớn hơn và ngọt hơn.

Cà rốt là loại rau khỏe mạnh, chịu đựng được điều kiện thời tiết khó khăn nên có thể để dành lâu hơn nếu biết cách cất giữ.

Trước hết là đừng để thất thoát độ ẩm của rau. Muốn vậy, cất cà rốt ở ngăn lạnh nhất của tủ lạnh, trong túi nhựa hoặc bọc bằng giấy lau tay. Ðừng rửa trước khi cất tủ lạnh, vì cà rốt quá ướt trong túi sẽ mau bị hư. Chỉ rửa trước khi ăn. Cất như vậy có thể để dành được hơn hai tuần lễ. Ðừng để cà rốt gần táo, lê, khoai tây vì các trái này tiết ra hơi ethylene làm cà rốt trở nên đắng, mau hư. Nếu cà rốt còn lá, nên cắt bỏ lá trước khi cất trong tủ lạnh, để tránh lá hút hết nước của củ  và mau hư. Trước khi ăn, rửa củ cà rốt với một bàn chải hơi cứng. Ngoại trừ khi cà rốt quá già hoặc e ngại nhiễm thuốc trừ sâu bọ, không cần gọt bỏ vỏ.

Cà rốt có thể làm đông lạnh để dành mà vẫn ngon.

Trước hết, phải trần cà rốt trong nước sôi. Ðây là cách để dành đông lạnh cho tất cả các loại rau. Trần như vậy sẽ ngăn cản tác dụng làm mất hương vị, cấu tạo của thực phẩm do các enzym có sẵn trong rau. Sau khi trần trong nước sôi độ mươi phút, lấy cà rốt ra, cho vào bao nhựa rồi cất ngay vào ngăn đông đá.

NYD – www.bsnguyenyduc.com