Menu Close

Nhập cư Hoa Kỳ

Trên phương diện thủ tục pháp lý, sinh viên ngoại quốc sau khi tốt nghiệp đại học được phép tiếp tục ở lại Hoa Kỳ làm việc 12 tháng trong chương trình thực tập gọi là Optional Practical Training (hay OPT). Các sinh viên với bằng cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ trong các ngành STEM (Science/khoa học, Technology/kỹ thuật, Engineering/kỹ sư và Math/Toán) còn được gia hạn thời gian làm việc sau khi ra trường thêm 17 tháng. Như vậy, trên thực tế có thể có rất nhiều sinh viên ngoại quốc sống và làm việc tại Hoa Kỳ đến 29 tháng sau khi ra trường là hoàn toàn hợp pháp.

alt

Các thủ tục xin gia hạn thời gian lưu trú được Sở Di Trú Hoa Kỳ (U.S. Citizen and Immigration Services, thuộc Bộ Nội An/Department of Homeland Security) cứu xét và chấp thuận. Thường thường, có đến 99.9% sinh viên ngại quốc sau khi tốt nghiệp đại học được chấp thuận cho làm việc trong chương trình OPT. Khi đang ở diện này, các sinh viên có thể thỉnh cầu sở làm bảo lãnh trong chương trình làm việc gọi là H-1B. VISA H-1B thường có hiệu lực 6 năm, đôi khi lâu hơn nữa. Trong những năm tháng cư ngụ tại Hoa Kỳ trong diện H-1B này, các sinh viên thường đã tích lũy đủ kinh nghiệm lẫn các mối quen biết để thiết lập hồ sơ nhập cư chánh thức vào Hoa Kỳ qua diện đi làm việc. Năm 2015, Sở Di Trú dự trù chấp thuận 85,000 hồ sơ H1-B trong số khoảng 175,000 người ghi danh. Khoảng 2/3 dành cho sinh viên có bằng cử nhân và 1/3 dành cho sinh viên bậc cao học và tiến sĩ.

alt

Nhu cầu của sinh viên Hoa Lục lớn đến nỗi trường Đại Học New York University mở luôn một chi nhánh tại Thượng Hải (Shanghai).

Một trong những sắc dân đang tìm cách rời bỏ xứ sở của họ, nhập cư vào Hoa Kỳ đông đảo nhất là người Trung Hoa từ Hoa Lục cộng sản. Có vài phương cách phổ biến mà người Hoa Lục tận dụng để nhập cảnh Hoa Kỳ, mà con đường khá phổ biến là thông qua du học. Trong tình trạng sinh viên Trung Hoa tại Hoa Lục khi ra trường bị thất nghiệp, ngày càng có nhiều học trò xuất ngoại lúc còn trung học hoặc sớm hơn nữa. Ngày càng có nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt với những người có của cải, tìm cách bằng mọi giá đưa con cái họ vào học các trường đại học Hoa Kỳ.

Phong trào du học Hoa Kỳ ào ạt kéo theo sự cạnh tranh hết sức bạo liệt, và tạo ra một kỹ nghệ du học béo bở với doanh số hằng tỉ Mỹ kim. Đã có hằng ngàn thiếu niên Hoa Lục tình nguyện sang Phi Châu chỉ để lấy thành tích ghi vào sơ yếu lý lịch khi xin vào trường đại học Mỹ Quốc. Trên khắp Trung Hoa Lục Địa ngày nay, có hằng triệu học trò người Hoa đang chạy đua học ôn thi trong đó có test TOEFL khét tiếng). Rồi họ ghi danh các bài thi trắc nghiệm khả năng này nhiều lần, lặp đi lặp lại, hòng lấy điểm cao. Chỉ riêng nhu cầu này đã tạo ra một thị trường vé chợ đen khổng lồ, với những kẻ đầu cơ mua chỗ ngồi trong phòng thi, rồi bán lại cho sĩ tử với giá cắt cổ. Nạn vé chợ đen này không khác lắm với vé chợ đen trước các sự kiện thể thao lớn.

alt

Cựu Đệ Nhất Phu Nhân tiểu bang Oregon, Cylvia Hayes, nhận lỗi từng kết hôn giả lấy tiền.

Theo số liệu của tổ chức giáo dục International Education, sinh viên Trung Hoa đang chiếm 31% tổng số sinh viên ngoại quốc đang du học tại Hoa Kỳ, đông đảo hơn bất cứ quốc gia nào khác. Và mỗi năm họ sang Hoa Kỳ càng đông hơn. Năm 2012, có gần 270,000 sinh viên Trung Hoa sang Hoa Kỳ. Đến niên khóa 2013/14, đã có 300,000 sinh viên Hoa Lục góp mặt trên các giảng đường trên khắp Hoa Kỳ. Không chỉ riêng cộng đồng người Việt, ước lượng ít nhất 70% sinh viên Hoa Lục có kế hoạch ở lại Hoa Kỳ dài hạn. Họ cũng tìm mọi cách kiếm người kết hôn để ở lại luôn. Trên thực tế, khi các sinh viên Hoa Lục cặp bồ, hò hẹn, thì đối phương lý tưởng phải là công dân Hoa Kỳ hoặc chí ít là thường trú nhân (có thẻ xanh).

Ngoài sự hấp dẫn của hệ thống giáo dục và đại học, Hoa Kỳ còn có một chương trình đầu tư thương mại đặc biệt mang tên là EB-5. Năm 1990, Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành chiếu khán EB-5 nhằm kích thích kinh tế phát triển thông qua kiến tạo công ăn việc làm và thu hút nguồn vốn tư bản từ giới đầu tư ngoại quốc. Chương trình EB-5 yêu cầu người nhập cư phải đầu tư $1 triệu (hoặc $500,000 tại các vùng có tỉ lệ thất nghiệp cao), tạo ra ít nhất 10 công ăn việc làm cho cư dân Hoa Kỳ. Đổi lại, nhà đầu tư ngoại quốc được cấp thẻ xanh thường trú nhân. Các hồ sơ của người đầu tư cũng do Sở Di Trú Hoa Kỳ cứu xét và chấp thuận.

alt

Một quảng cáo chương trình đầu tư-di cư EB-5 với thành phố Los Angeles.

Thực tế cho thấy chương trình EB-5 rất hiệu quả, thu hút nhiều tỉ Mỹ kim. Và không hiếm gặp cảnh các địa phương trên khắp Hoa Kỳ cạnh tranh nhau để thu hút nguồn tài chánh đầu tư từ chương trình này. Nhiều người bảo thủ chỉ trích đây là chuyện buôn bán thẻ xanh, thậm chí buôn bán cả quyền công dân Hoa Kỳ. Song thực tế cho thấy Sở Di Trú làm công việc thanh lọc và cứu xét các dự án và cá nhân người đầu tư rất kỹ. Kết quả là người đầu tư không chỉ đưa gia đình sang Hoa Kỳ mà cả nguồn vốn lớn, và chính họ cũng phải chịu thọ thuế. Đã có không ít người gọi chương trình EB-5 là cách dùng tiền của người ngoại quốc để tạo ra công ăn việc làm, mở mang thương mại, thậm chí cả cải thiện cơ sở hạ tầng, đường sá…

Mặc dù vậy, tại chính Hoa Kỳ, cũng có thể nói không mấy người để tâm đến chương trình đầu tư ngoại quốc EB-5. Trong khi đó, EB-5 là thuật ngữ rất thông dụng tại Hoa Lục, ai ai đều biết (khá tương tự như các thuật ngữ “O.D.P” hay “H.O” quen thuộc đối với nhiều người Việt vào các thập niên 1980-90). Ngày nay, các buổi hội thảo hay giới thiệu chương trình EB-5 tại Hoa Lục thường thu hút hằng trăm, thậm chí hằng ngàn người tham dự. Công dân Hoa Lục đang đóng góp nguồn tài chánh lớn nhất vào chương trình EB-5. Trong 5 năm qua, có 85% số thẻ xanh diện EB-5 được cấp cho công dân Hoa  Lục. Riêng năm 2013, Bộ Ngoại Giao cấp VISA cho 8,564 hồ sơ EB-5, và trên 80% mang tên nhà đầu tư Trung Hoa.

Một con đường cho người Hoa thâm nhập Hoa Kỳ phổ biến khác là mua nhà ở. Năm ngoái, theo hiệp hội bất động sản National Association of Realtors, người Trung Hoa đã mua nhà cửa tại Hoa Kỳ với tổng số tài sản lên chừng $22 tỉ. Có 51% số vụ mua bán nhà diễn ra tại các tiểu bang California, Washington và New York, và đến 76% chung tiền mặt một lần. Những vùng được khách hàng Hoa Kỳ ưa chuộng nhất gồm vùng vịnh San Francisco Bay (tiểu bang California, 34%), New York City (tiểu bang New York, 22%), Los Angeles (tiểu bang California, 17%) và San Diego (tiểu bang California, 13%). Nhưng vài thành phố lớn khác cũng bắt đầu thu hút chú ý, như Houston (tiểu bang Texas), Philadelphia (tiểu bang Pennsylvania), Cleveland (tiểu bang Ohio), Chicago (tiểu bang Illinois), hay Memphis (tiểu bang Tennessee)…

alt

Sinh viên Trung Hoa.

Tuy nhiên, con đường dễ nhất và mau nhất nhập cư vào Hoa Kỳ vẫn là thông qua hôn nhân, một thực tế tạo ra hẳn thuật ngữ mới gọi là “Green Card Marriage”. Nó có thể làm nhạt nhòa ranh giới giữa tình yêu và sự thực dụng, thậm chí lạm dụng dẫn đến phi pháp. Mỗi năm, khoảng 1 triệu người ngoại quốc được ân hưởng quyền nhập cư Hoa Kỳ, và 1/4 thông qua hôn nhân. Riêng năm 2011, có 7,000 trong số trên 270,000 hồ sơ thẻ xanh hôn nhân bị Sở Di Trú từ chối, trong đó chỉ 3,924 trường hợp được xác định là có gian dối.

Đây cũng không phải chuyện riêng hay mới xảy ra tại Hoa Kỳ. Bên Anh Quốc, mấy tháng vừa qua dư luận xôn xao không ít với tin một phụ nữ tàn tật tên Patricia, 64 tuổi, đi… kết hôn với một người  26 tuổi quốc tịch Tunisia, bảo lãnh chồng thanh niên sang Anh Quốc, rồi anh chàng trốn biệt. Đầu năm nay, Đệ Nhất Phu Nhân tiểu bang Oregon, Cylvia Hayes, sau khi bị báo chí phanh phui, cũng phải rơi nước mắt thừa nhận 17 năm trước đã nhận $5,000, làm hôn thú giả với một di dân Ethiopia, để người này ở lại Hoa Kỳ. Vụ này là một trong những lý do khiến Thống Đốc Oregon, John Kitzhaber, phải từ nhiệm hôm 18-2-2015. Nhân viên Sở Di Trú ngày càng… tinh mắt hơn trong công việc thanh lọc, xác định hồ sơ hôn nhân giả hoặc chánh đáng. Bộ Nội An có hẳn một số điện thoại riêng, 866-347-2423, để dân chúng Hoa Kỳ có thể báo khi nghi ngờ có dấu hiệu gian dối trong “Green Card Marriage”.

TD