Menu Close

Mảnh bằng

Nông thôn mình hồi xưa ở ngoài Bắc hễ ai có ruộng vườn bát ngát (nói bát ngát cho ‘le’ chơi… chớ chừng 5, 7 mẫu là cùng!), nhiều ao cá liền bờ là giàu, là địa chủ (Dân Lục Tỉnh Nam Kỳ không kêu là địa chủ (chủ đất) mà kêu là điền chủ (chủ ruộng)!)

Miền Tây, đồng bằng sông Cửu Long, phì nhiêu bát ngát (thứ thiệt), đất rộng người thưa, ai được cái danh ‘điền chủ’ là phải có ít nhứt vài trăm mẫu ruộng, có khi tới chục, trăm ngàn mẫu! Và có giai thoại nầy (hổng biết thiệt hay không?) là quý Hắc công tử Bạc Liêu, Trần Trinh Huy, tức Ba Huy, đi thăm ruộng phải bằng máy bay, bay mới giáp?! Sao giống chủ ‘farm’ Úc bên nầy hết sức vậy ta?!)

Cái ngộ là mấy em thôn nữ miền Bắc quê mình ‘Chẳng tham ruộng cả ao liền, Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ?’ Giữa tiền và chữ, em khoái chữ hơn khoái tiền? Tiếng rằng ‘danh lợi’, em chọn chữ, chọn danh trước… còn lợi thủng thẳng nó tới mà… thì việc gì phải lo chớ!

Nói một cách dễ hiểu là mấy em theo tam đoạn luận: có chữ, có danh, (được bổ làm quan, là mình ‘quằm’) tất có lợi! Tuy nhiên cái tam đoạn luận chắc ăn như bắp nói trên đôi khi cũng trật lất!

Sao vậy? Thưa Tú tài hồi xưa là le lói lắm như ông Trần Tế Xương đậu Tú tài nên mới gọi là Tú Xương. Nhưng cái Tú tài của ổng là Tú tài Hán học. Mà Hán học đang suy tàn trước Tây học, ổng có chữ, có danh (nhưng Tú tài chưa được bổ làm quan!) nên nghèo sặc máu, nghèo mạt rệp, nghèo rớt mồng tơi. Ðành ‘Cao lâu thường ăn quỵt/thổ đĩ lại chơi lường’ (Nhà thơ Tú Xương gan hết biết… chơi lường mà hổng sợ ‘ma cô’ nó quánh cho lòi bản họng!)

Nhà thơ nổi tiếng đất Vị Xuyên nầy còn có một bài thơ mà con vợ tui đọc xong nó cảm động quá chừng chừng. ‘Quanh năm buôn bán ở mom sông/nuôi đủ năm con với một chồng/Lặn lội thân cò khi quãng vắng/eo sèo mặt nước buổi đò đông!’ Ðọc xong, em thổn thức: “Sao đau khổ… giống đời em quá vậy? Hu hu!”

Nhưng nhà thơ Tú Xương của chúng ta đã ơn đền nghĩa trả (còn hơn là đầy đủ) công khó của vợ hiền; ông Tú dắt tay bà Tú thong dong đi guốc vông vào văn học sử dù chỉ bằng một bài thơ thôi… Rồi trăm năm sau, hay ngàn năm nữa, tình nghĩa, vợ hy sinh cho chồng nên danh phận vẫn lóng lánh như ngọc lưu ly!

(Bài thơ đó người viết ‘chôm’ để dành trong bụng hầu làm ‘biện minh trạng’ cho mình, một ông chồng hư quá là hư! Tui cũng biểu em yêu nên học tập, làm theo gương của Bà Tú… để đừng cằn nhằn, cửi nhửi lúc tui hư nữa nhe em!)

Thưa! Rồi cũng chuyện hồi xưa, đầu thập niên 60, tại rạp Hưng Ðạo (dĩ nhiên là nó nằm trên đường Trần Hưng Ðạo rồi) thường chiều Thứ Bảy có Ðại nhạc hội hay sáng Chủ Nhựt có tổ chức cuộc thi Tuyển lựa ca sĩ, được trực tiếp truyền thanh trên làn sóng điện đài Sài Gòn cho bà con cả nước nghe.

Trong chương trình phụ diễn văn nghệ nầy, ban Tam ca Trào phúng AVT hay trình diễn. Ra sân khấu, ba ông diện khăn đóng, áo gấm thụng ba màu khác nhau. Mỗi người sử dụng một nhạc cụ dân tộc: đàn sến (Tuấn Ðăng), đàn cò (Lữ Liên) và trống (Vân Sơn), hát những bài đa phần là lời thanh nhưng ý tục, hết sức ý nhị, thâm thúy… kiểu nữ sĩ Hồ Xuân Hương vậy. Khi có những câu thoại thì mỗi người nói rặt giọng của mỗi miền Trung, Nam, Bắc.

Cái bài mà tui khoái và nhớ tới bây giờ là bài ‘Mảnh bằng’ vì nó trúng ý tui ghê nha!

‘Mảnh’ là tiếng Bắc, là mạo từ, chỉ đồ vật nên hổng có giống đực, giống cái gì ráo. Nhưng tiếng Nam Kỳ Lục Tỉnh thì gọi là cái bằng, nghĩa là giống cái… Giống cái mà sao con gái lại mê quá trời?

Té ra em mê cái công danh! Như chồng làm Bác sĩ thì vợ tự động lên bà Bác sĩ vậy. Bên Mỹ cũng vậy thôi! Chồng làm Tổng thống thì vợ tự động leo lên làm Ðệ nhứt Phu nhân (The First Lady).

Năm tới, năm 2016, nếu Hillary đắc cử Tổng thống thì cựu Tổng thống Bill Clinton sẽ thôi làm cựu (cựu hổng có oai vì về ‘hưu’ rồi sao bằng ‘đương kim’ cho được chớ?) Ngài Bill Clinton sẽ là Ðệ nhứt Phu quân ‘The First Gent’ (chức nầy xưa giờ Mỹ chưa có nghe bà con!).

Nữ Tổng thống Mỹ Hillary Cliton là số 1; nhưng Bill là chồng của Tổng thống… còn ngon hơn số 1 nữa, Bill là số một La Mã… vì tui nói bả phải nghe! Sướng nhé!)

Thưa rằng xưa thì thiệt là xưa, ban AVT hát rằng: ‘Ngày xưa, lúc tuổi còn ấu thơ/Bố tôi thường nói con ráng học cho chuyên cần/Học nhiều thì ấm vào thân/Biếng lười sau chỉ vác chân đàn bà/Vợ con nó bắt coi nhà/Ðuổi gà mà biết nhục, thì ráng học mà làm to… Cái bằng nó chỉ một gang thôi/Mà sao con gái họ mê quá trời…?’

Mà tại sao con gái họ lại mê ‘cái bằng chỉ một gang thôi’ là vì: ‘Võng anh đi trước võng nàng theo sau’… ké! Anh lều chõng đi thi Hương, thi Hội rồi thi Ðình mà đỗ đầu thì được làm Trạng nguyên! (Nhớ đừng lấy công chúa con vua, rồi thành Phò mã nghe huynh. Hãy bắt chước Trần Minh (Thanh Sang) không phụ nghĩa tào khang với vợ hiền Quỳnh Nga (Thanh Nga) trong tuồng cải lương Bên cầu dệt lụa của soạn giả Thế Châu mới là thủy chung như nhứt, không tham phú phụ bần!)

Xui cái là Tây tới, cái bằng Hán học dẹp, treo giàn bếp. Giờ là cái bằng Thành chung, Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ dù tên mảnh bằng cũng na ná như xưa, nhưng không có Tứ thư, Ngũ kinh gì ráo mà sĩ tử thời nầy nói tiếng Tây như bẻ mía vậy!

Thời thế đổi thay! Tây nó dọt, miền Nam mình hết làm thuộc địa cho Tây, thì tiếng Tây, tiếng U nó de lại làm sinh ngữ… chớ hổng dám đòi làm ‘cha’, làm quốc ngữ vì tổ tiên chúng ta là người Gaulois (Nos ancêtres sont des Gaulois) như trước nữa… Thầy cô dạy mình bằng tiếng Việt cho nó độc lập nước nhà phải hông?

Rồi cái miền Nam trù phú của mình lại bị cái miền Bắc cộng sản nó xâm lăng nên đa phần nhân tài, vật lực phải dồn vô guồng máy chiến tranh để chống trả lại. Tuy vậy chánh phủ cũng ráng xây dựng trường lớp, đào tạo thầy cô. Nên những năm năm 50, 60 quận đã có trường Tiểu học, Trung học tới lớp Ðệ Tứ… Học trò học hết chữ ở quận nhà, nếu Tía Má khá giả thì cụ bị quần áo, sách vở, gạo muối cho thằng ‘cu’ lên tỉnh, ở trọ nhà người ta, học lên nữa… hầu theo đuổi cái mộng công hầu!

Thưa thân phận người viết thì khác. Bà con mình hồi xưa có nói ‘ăn học’. Nghĩa là ăn trước rồi học sau. Nhà nghèo không đủ ăn thì nói chi tới cái chuyện học hành cho nó viển vông chớ!

Nên Tía Má của người viết ráng hết sức cho tui hết cái bậc sơ học, tức cái lớp Ðồng ấu (Cours Enfantin), lớp Dự bị (Cours Préparatoire), lớp Sơ đẳng (Cours Élémentaire) tổng cộng 3 năm. Tía Má nói ‘oải’ quá rồi con! Bình dân học vụ vậy là đủ!

Phần người ta lấy bồ đựng lúa chớ hổng ai lấy bồ đựng chữ đâu con. (Ðừng có nghe ông Cao Bá Quát nói: Thế gian có 4 bồ chữ; mình ổng hết 3 bồ mà chi!) Cho dù có 3 bồ chữ cũng hổng làm được gì đâu… Học biết đọc, biết viết, biết làm tính cộng, tính trừ là đã đủ. Ở nhà tiếp Tía Má làm ruộng, mới có gạo mà nấu cơm! Kẻo chết đói cả đám bây giờ!

Sau nầy vì ít chữ, đi hỏi vợ… Tới đâu, thiên hạ cũng lắc đầu quầy quậy, nhà gái nào cũng đòi ‘cái bằng chỉ một gang’ thôi… làm thằng nhỏ mang mối hận lòng năm cũ biết bao giờ nguôi! Hu hu!

Thưa mãi sau nầy, trôi dạt tới Úc Châu, mối hận lòng năm cũ mới trả được! Niềm ao ước của đời ta mới trở thành hiện thực! Người viết đã cầm trong tay được cái bằng rồi! Dạ! Ðó là cái bằng lái xe của Nha Lộ vận tiểu bang Victoria, nước Australia cấp! Vẻ vang thay cho dân Việt!

Ôi mảnh bằng, cái bằng niềm ao ước của đời ta suốt bốn chục năm ròng! Mà hổng phải mình tui có, con vợ tui nó cũng có nữa bà con ơi!

Cái bằng lái xe nầy Úc nó không có sắp hạng ‘Thứ, Bình thứ, Bình, Ưu’ như cái bằng Tú tài quê mình năm cũ đâu… mà là cá mè một lứa. Chính vì vậy mới có chuyện so nạnh nhau. ‘Bằng mầy giỏi; Bằng mầy cao! Sao bằng Bằng tao?!’ Ai lái xe cũng hay hết trơn, hết trọi hà!

alt

Bảo Huân

DXT – Melbourne