Menu Close

Di sản của giòng họ Tiffany

Viện bảo tàng Metropolitan tại thành phố New York đã dành riêng một khu vực triển lãm để tạo dựng lại sân thượng của tòa nhà do ông cụ Louis Comfort Tiffany kiến tạo lúc sinh tiền, The Daffodil Terrace. Hẳn bạn đã rõ, ông cụ Louis Tiffany là một nghệ sĩ nổi tiếng lẫy lừng trên thế giới với những ngọn đèn bằng kính màu, Tiffany’s lamps. Giòng họ này từ thế kỷ thứ 19 (Tiffany & Company) đã nổi tiếng trong kỹ nghệ chế tạo xa xỉ phẩm (luxury goods) với những món nữ trang, những vật trang trí đắt giá tại New York và nhiều thành phố lớn khác trên thế giới.

alt

Viện bảo tàng Metropolitan tại thành phố New YorkNGUỒN SMARTLAYOVER.COM

Một chút về Tiffany hay Tiffany’s: Ðây là một thương hiệu Hoa Kỳ nổi tiếng khắp thế giới, trụ sở chính đặt tại New York City. Tiffany chuyên về nữ trang nhất là món kim cương và đá quý, những món gia dụng đắt tiền chế tạo bằng bạc, bằng sứ, bằng pha lê và cả đồng hồ và những món trang trí khác. Thủa trước, hàng hóa chỉ bán riêng tại cửa tiệm trong các thành phố lớn. Ngày nay, công ty nọ đã theo thời mà buôn bán trên mạng, qua thư từ. Tiffany được xem như người “đề xướng” các kiểu cách về thời trang và lối sống sang trọng, quý phái!

Năm 1837, hai ông Charles Lewis Tiffany và John B. Young thành lập công ty “Tiffany, Young and Ellis” tại New York City để bán giấy bút và các món xa xỉ phẩm (Thủa ấy, giấy bút [hay chữ nghĩa] cũng là xa xỉ phẩm chăng?). Năm 1853, khi ông Tiffany thu tóm công ty về một mối rồi đổi tên thành “Tiffany & Company”, chuyên buôn bán nữ trang.

Khác hẳn với các cửa hàng trong thập niên 30 của thế kỷ XIX, Tiffany đề rõ bảng giá trên mỗi món hàng để tránh việc cò cưa mặc cả của người mua. Nôm na là ông Charles Tiffany đã nghĩ ra cách “bán đúng giá” không cò kè. Chưa hết, ông cụ còn đặt ra lối buôn bán bằng tiền mặt, trả tiền mặt chứ không nhận tín dụng hay trả góp. Ðây là một cách buôn bán vô cùng mới mẻ trong thời đại ấy. Hẳn là chủ nhân vô cùng tự tin về sản phẩm của mình, thích [lắm] thì mua, không thì thôi, nên mới xông pha nhường ấy?

Công ty Tiffany bắt đầu buôn bán qua “thư từ” từ năm 1845 bằng cách gửi bản liệt kê hàng hóa, catalog, đến thân chủ. Tập liệt kê hàng hóa kia có tên là “Blue Book” lẫy lừng một thời, và công ty tiếp tục cách buôn bán ấy đến ngày nay.

Làm ăn cả trăm năm có lẻ, tất nhiên Tiffany thay đổi mặt hàng hóa, khi thì chế tạo kiếm bạc kiếm vàng để bán cho tướng công lắm tiền; lúc thì chế tạo dụng cụ giải phẫu, chế tạo huy chương… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là nghề chế tạo vật dụng bằng bạc.

Năm 1867, Tiffany & Co., một công ty Huê Kỳ đầu tiên, đoạt giải thưởng về vật dụng bằng bạc trong kỳ Hội Chợ Quốc Tế, the Exposition Universelle, tổ chức tại Paris, Pháp.

alt

Một trong những bình hoa được trưng bày tại đây, bình thủy tinh có sắc óng ánh (iridescent) như vỏ ốc.

Năm 1878, Tiffany lại đoạt huy chương vàng về kiểu nữ trang, và đoạt giải nhất về đồ bạc tại the Paris Exposition. Thế là tên tuổi công ty nổi như cồn từ ngày ấy.

Ông cụ Charles Lewis Tiffany mất năm 1902; người con trai, Louis Comfort Tiffany lên kế nghiệp và trở thành nhà thiết kế chính danh của công ty.

Vào Tháng Mười Một năm 1978, Tiffany & Co. đổi chủ, công ty được bán cho Avon Products Inc. với giá 104 triệu Mỹ kim. Chẳng được bao lâu thì thân chủ bắt đầu bỏ chạy, chê hàng hóa của công ty vì phẩm chất tuột dốc. Ðến năm 1984 thì công ty nọ đổi tay lần nữa và việc làm ăn buôn bán ngày nay, hàng hóa vẫn đắt tiền, chiếc áo bên ngoài vẫn mang dấu hiệu Tiffany nhưng cái hồn bên trong thì chẳng còn dấu vết chi của một thời sang cả lừng lẫy của giòng họ ấy.

Trở lại với Sân Thượng Daffodil, sân thượng này khá lớn so với diện tích của những căn chung cư tại New York, một thành phố nơi mỗi tấc đất là một tấc vàng, những cột chống bằng cẩm thạch khổng lồ và những tấm kính màu với những chùm hoa Thủy Tiên vàng bằng thủy tinh màu.

The Daffodil Terrace (bên trong viện bảo tàng Metropolitan) (hình)

Ông cụ Louis Tiffany sinh năm 1848, con trai nhà tài phiệt Charles Tiffany với giòng máu nghệ sĩ nhiều hơn là thương mại. Ông cụ say mê hội họa từ thủa niên thiếu, và muốn trở thành họa sĩ. Những năm đầu đời, ông Louis đã lang thang qua Âu châu, Ðịa Trung Hải để học về hội họa và trở nên mê mệt với nét đẹp của Á châu và Trung Ðông. Từ năm 1875, ông Tiffany trở lại Brooklyn để học nghề chế tạo thủy tinh, chỉ trong vòng 10 năm, ông cụ đã tạo cho mình một hướng đi riêng, chế tạo những tấm kính màu có đường nét Á châu, Ai Cập và Ba Tư… đóng góp vào sự thành hình của trường phái Art Nouveau của Hoa Kỳ. Từ việc kiến tạo kính màu lót cửa sổ, chụp đèn đến những vật dụng như bát đĩa, vải, bàn ghế, cho đến thảm… và ông cụ trở thành một nhà thiết kế lẫy lừng của thời đại.

Lịch sử của tòa nhà do ông Louis Tiffany kiến tạo và trang trí cũng lẫy lừng không kém, xây từ năm 1902 -1905 trên 580 mẫu đất mênh mông tại Long Island Sound, hầu như hết cả sự say mê, gia tài từ tim và óc của nhà nghệ sĩ được trưng bày ở đây trong một thủa vàng son. Sách vở kể lại rằng những tòa nhà rất rộng trang trí bằng kính màu, những bụi dây leo từ ngoài vườn dẫn đến phòng ăn, cho đến những vật trang trí như bình hoa, tranh ảnh từ Á châu, Ai Cập và Ba Tư… Daffodil Terrace, xây theo hình thể của đền Dendur (Temple of Dendur), nằm giữa phòng ăn và khu vườn của tòa nhà có tên Laurelton Hall. Thủa vàng son ấy chấm dứt sau khi ông Tiffany mất, gia tộc tặng tòa nhà cho Tiffany Foundation để làm nơi tụ họp của các nghệ sĩ, và hình như nghệ sĩ thì thường mơ mộng, ít chịu tính toán nên chỉ ít lâu sau, Tiffany Foundation lâm vào cảnh túng quẫn nên đành… bán đấu giá tòa nhà và những vật dụng bên trong. Thế là di sản của ông cụ Tiffany chia năm sẻ bảy vào năm 1946, mỗi thứ đi một ngả. Khu đất rộng cũng bị cắt làm nhiều mảnh và bán xới. Năm 1957, tòa nhà bị thần hỏa thăm viếng và người ta bới ra những vật dụng còn lại từ tro tàn. Những gì ta thấy ngày nay là những vật dụng tìm lại từ tro than thủa ấy.

Tại viện bảo tàng, người ta dùng đèn để tạo ra ánh sáng tương tự như ánh nắng mặt trời trong thiên nhiên, và màu sắc của những đóa hoa Mộc Lan trắng phớt hồng gần như màu sắc của hoa thật, Dế Mèn tiếc lắm vì không thể chia sẻ với bạn cái màu phơn phớt hồng ấy, máy hình “chụp” không được bạn ơi!

Cánh cửa này khi được đặt trong tòa nhà năm xưa hẳn là đẹp vô cùng?

Dế Mèn vừa xem vừa le lưỡi rồi ngả mình thán phục, dùng cái nhìn từ hội họa với hình thể và màu sắc chuyển qua một môi trường (medium) khác thần tình như ông cụ này quả là hiếm có…

Những vật dụng được trưng bày tại đây bao gồm nhiều thể loại và đã được sáng tạo qua những thời gian khác nhau, nhưng mỗi thứ hình như là một thế giới và mang theo một câu chuyện rất riêng tư?

alt

Cánh cửa với hoa Mộc Lan (Magnolia) bằng kính màu tại Laurelton Hall

TLL