Tôi cố tìm lại những gì tôi chưa đánh mất giữa sự hỗn độn của con sóng ký ức. Với sự kiên nhẫn của người đang lột vỏ lụa của từng hạt đậu phọng, tôi gắng gom góp những mảnh nhớ để kể lại một câu chuyện thật – Một thời “đóng tàu vượt biên” của gia đình tôi.
Túp lều tranh
1.
Chuyến xe đò từ Sài Gòn nhồi nhét những người và hơi vừa đổ bến. Cái nắng Hải Sơn hừng hực trên đôi má đỏ. Tôi hòa giải nỗi bực bội bằng những nhát guốc hằn học xuống mặt đường đất. Anh tôi, tay gồng tay xách mấy cái túi xách lỉnh kỉnh. Mồ hôi nhỏ giọt theo từng nhịp dép. Con đường mòn từ đường cái lớn vào nhà, xa đến oai oải. Hải Sơn không xa Bà Rịa, Vũng Tàu mấy. Ðất ở đây lẫn cát nên trông sạch như cát biển. Mặt trời đổ nắng trên đầu, đôi bàn chân chẳng nõn da cũng ngại chai sạn. Con gái Sài Gòn, có chết cũng còn điệu.
“Ðến nhà rồi, Bé!” Anh Hải thả cơn mệt bằng cái thở phào.
Tôi khựng người. Lần đầu trong đời, tôi tận mắt ngắm một gian “nhà tranh vách đất” mộc mạc mở ra một ngõ đợi bằng hai hàng bông oải hương tím ngắt hai bên lối đi. Cái mái hiên tranh lá che chắn bởi một giàn dưa gang trĩu trái.
“Tưởng nhà quê mà không đến nỗi… nhà quê!” Tôi thở phào, nghe đời còn có chút màu xanh mộng mị.
Cái thuở tôi là kẻ đang khâm liệm nụ cười – một cô gái Sài Gòn bồi hồi bỏ lại sách vở và một thoáng yêu bên bờ thành thị. Tôi mang theo nỗi buồn con gái, và nỗi yêu còn níu lại.
Mùi hương mít dẫn theo con gió trưa nồng. Tôi vào nhà, bỏ cái xách đồ xuống nền đất.
“Nhà mình có 18 cây mít cả thảy, ở đây vườn nhà mình là nhiều mít nhất.” Anh Hải háo hức khoe.
Mít đeo trái từ gốc lên giữa thân. Mấy trái mít anh tôi chặt để dưới gốc, mấy ngày đã rệu rạo mùi. Vừa hít hà hương mít, vừa đưa tay nựng những trái dưa gang lịm vàng. Tôi thấy mình giống nhà… tỉnh về quê! Anh Hải, tác giả của giàn dưa gang sai quả và hàng hoa tím tê tái. Chẳng cần hỏi thêm, tôi thừa biết anh tôi là người yêu hoa, kén trái. Ở đâu anh cũng trồng cây, không hoa thì trái.
Bầy gà trống tre, cộng thêm vài khứa gà ác nhập đàn, chào mừng tôi bằng những tràng gáy râm ran. Sao chỉ toàn là sắc lông sặc sỡ của một bầy “đực rựa” không nhỉ?! Cái dấu hỏi đang giữa hư không thì một con chó lác của hàng xóm chạy qua ăn chực cơm cháy của lũ gà nhà. Anh Hải giở chiếc dép quăng một cái vèo; tiếng ăng ẳng kèm theo cái ngoảnh đầu, cong đuôi chạy nhè cả nước bọt. Anh Hải khoái trá, “Lần nào cũng vậy, nó vừa chạy vừa quay đầu lại ‘liếc háy’ anh!” Tôi ngơ ngáo, “Chó mà cũng biết liếc háy nữa hả?”
Tôi lê guốc theo anh Hải “tham quan” nhà. Hai gian phòng nhỏ tẹo, cái bên tả, cái bên hữu chia đều như hai miếng lá phổi. Mỗi “phòng” được ngăn bởi tấm liếp vách, vừa đủ kê một cái giường tre nhỏ. Ý nghĩ tôi đóng khung trong cái ô cửa tò vò nhìn ra giếng nước. Cái thuở trăng nở trong lòng bàn tay, trên trang nhật ký đầu đời là cả bầu trời mơ tưởng. Là thế, nên khi vừa nhìn thấy cái bàn con giữa “phòng khách” là tôi chỉ muốn hét lên vui sướng. Cũng may, tôi tưởng mình chỉ có thể tự tình với mười tám cái gốc mít hay giàn dưa gan.
“Giường của bé đó,” Anh Hải chỉ tôi cái phản nhỏ sát vách đất ở phòng khách.
“Ít nhất là em không phải ngủ giường tre như anh và Xì”. Tôi hóm hỉnh liếc qua gương mặt đầy ân cần trước sau của người anh ruột thương yêu. Trong nhà, chỉ mỗi tôi là gái, trên tôi là anh Hải rồi đến “út của mẹ” là Xì. Tình thương của mẹ dành cho ba đứa tôi, cứ như bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Từ lúc cha rời bỏ đứa con gái cưng của ông mà đi, tôi như chiếc lá vàng khiếu nại tình thương mà chẳng bao giờ còn nghe thấy tiếng Thu.
“Bé chắc sẽ buồn nhiều lúc đầu. Anh và Xì lúc mới về đây cũng nhớ Sài Gòn đứt ruột, nhưng rồi ‘đi cào’ mỗi ngày cũng bận rộn. Mình xuống bếp ăn cơm!” Anh Hải chắc đói bụng, nói như giục.
Gian bếp tách rời gian nhà lá cũng chỉ vài sải chân. Mẹ tôi là người quán xuyến với nấu nướng. Ở “nhà quê”, mẹ vẫn giữ thói quen ngăn nắp, sạch sẽ. Gian bếp nhỏ như cái hốc mũi. Mấy con kiến cưu mang định mệnh bò quanh miệng bốn cái chén nước kê dưới bốn góc chân của cái tủ Gạc – măng- rê. Một bàn gỗ sần sùi nằm sát cái ô cửa tò vò, nó cũng được phép ngóng ra cái giếng nước.
“Rau ngót nấu canh là của nhà mình trồng đó,” anh Hải chỉ ra mấy đám cây ngót mọc xum xuê mọc gần cái giếng. Tôi nghe vui, vậy là tiết kiệm được tiền chợ.
Trưa đổ nhào cơn đói, bát canh rau ngót mẹ nấu với mớ tôm tươi anh Hải “đi cào” mang về, ngon không thể tưởng. Bát canh chỉ toàn rau là rau, tôi vọc cái muỗng múc canh tìm vài con tôm, rồi vờ ngớ ngẩn, “Anh Hải, tôm đâu hết rồi, bộ biển động hả?”
“Thằng Xì dứt sạch rồi, nó sợ mấy con tôm bị lạc đàn.” Anh Hải hứa hẹn, “Bé ăn đỡ đi, mai anh đi cào về tha hồ mà ăn tôm.” Nói vậy, tôi chẳng bao giờ hảo tôm và cá. Cả ba anh em tôi đều “sợ” cá. Mẹ tôi nấu ăn ngon, chẳng hiểu sao mà cái món “cá giằm mèo” của mẹ luôn trở thành khẩu vị ám ảnh của anh em tôi. Cái tên món cá kho của mẹ, lúc bỏ vào chén giằm giằm cho cá nát, cứ như cơm trộn cho mèo. Cả ba đứa tôi, vừa ăn vào đã muốn nhả khỏi miệng. Thằng Xì thà nhịn đói hay còn có thể ăn được cá chiên, còn anh Hải thì “thề độc” không bao giờ chạm đũa đến con cá; đến cả nước mắm anh cũng không ăn. Chỉ xì dầu muôn năm! (Cho mãi đến giờ đây, anh tôi cũng chưa từng nếm lại mùi vị cá trong cuộc đời.)
Anh Hải kéo gàu múc nước ra thau cho tôi rửa mặt. Cặp mắt nếm vị đỏ của gió cát, nghe xốn xang. Vốc từng ngụm nước giếng thanh mát, tôi gắng thả đi những nỗi nhớ về Sài Gòn. Anh Hải nói, Xì chở mẹ đi công chuyện, chiều tối mới về.
2.
Nắng nhạt thếch trên mái tranh. Mẹ và em Xì cũng vừa về tới. Mấy tháng đôn đảo với chuyện đóng tàu bè “tìm đường cứu nước”, mẹ trông như trái chanh tươi kiệt nước. Mẹ tôi mặn mà, da ngăm trầm, dong dỏng. Mẹ kể, “Lúc mới về đây, mấy chú nhà mình dẫn mẹ đi gặp trưởng ấp, trưởng xã để chào hỏi, làm giấy tờ hộ khẩu nhà. Khi nghe nói đến ‘chủ tàu’ là họ chỉ hình dung một bà già bệ vệ, nhăn nhó khó tính. Lúc gặp mẹ họ thì họ mới hết hồn bảo Mẹ còn trẻ quá, chưa đầy 40 tuổi.”
Bếp củi tanh tách, mẹ nấu một nồi cháo gà đãi cô con gái. Mít nhà, gà vườn! Anh Hải trước kia mua thứ gì mắc cũng than, “Bà bán cắt cổ… gà quá đi bà!” Vậy mà tự dưng ông anh trở thành tay chuyên cứa cổ gà. Tôi đùa, “Kiếp sau, số phận của anh sẽ phải nằm trong cái nồi cà ri gà. Ráng mà tụng kinh sám hối sớm đi!”
“Cái nhà tranh vách đất này mà mẹ phải mua hai chỉ rưỡi vàng. Bà chủ nhà đòi ba chỉ, mẹ trả hai chỉ rưỡi. Bả chịu bán, mẹ lấy con dao phay chặt đôi nửa chỉ để giao đủ cho bả,” mẹ kể, và dường như khá đắc ý với cái chi tiết lấy con dao phay “chặt chặt” nửa cái chỉ vàng.
“Một mái nhà tranh, hai… chỉ rưỡi vàng!” Tôi chọc mẹ, cười muốn rớt xuống cái ghế.
Xì trổ giò lênh kênh, tâm tính như con gà tre háu đá. Hắn ngồi húp cháo, cái mặt ngựa dài ngoằng. Tôi liếc gã em út, râu mép lún phún như đám mạ non , tóc tai bờm xờm. Mẹ nói về đây Xì trở nên “có thớ” lắm vì là “lơ ghe” của tàu nhà. Mẹ tôi cưng Xì nhất nhà, cái nguyên do chính bởi gã em trai tôi là khuôn đúc của cha tôi thời trẻ. Tôi liếc qua, cái bóng Xì in trên vách đất. Sao tôi thấy nó nhìn còn “cũ” hơn cả anh Hải.
Chẳng hiểu chuyện tàu bè khổ ải ra sao. Tôi vừa thương, vừa tội những người thân của mình.
3.
Cơm xong, Anh Hải đạp xe đi lấy cái bình ắc – qui vừa sạc về. cái máy cát – sét JVC giờ là cả một “tài sản” tinh thần của gia đình. Anh Hải vừa bỏ cái băng nhạc vào, vừa rống theo bản nhạc Hotel California. Ở Sài Gòn học thêm Anh Văn, anh là người có khiếu Anh ngữ nhất nhà. Xì, so với chiều cao thì óc của hắn hơi… ngắn; tiếng Anh bì bõm như lội ruộng, chỉ có cái khiếu cua gái thì anh Hải phải chào thua cả dặm trường.
Tiếng mẹ vọng từ phòng trong, “Hải, con bỏ vô cái băng Thanh Tuyền cho mẹ nghe!”
Trời! Tôi đến điên tiết lục tung cái phòng của mẹ ở SG để kiếm cái băng nhạc Thanh Tuyền. Chắc mẹ đã “lỡ quên” mang theo nó. Chỉ khổ nỗi, mỗi lần chạy xe ngang nhà gã bạn là tôi phải è cổ phóng như tên. Chỉ sợ hắn níu áo đòi nợ. Lúc mới mượn về cái băng nhạc sến, mẹ tôi “nấu cháo” nhão cả cuốn băng. Trời SG buổi trưa nóng ngột ngạt. Cái đầu từ kéo cuốn băng cát – set co dãn. Giọng ca thần tượng của mẹ nghe cứ như nồi cơm nhão.
Ðêm nhớ về Sài Gòn, tôi nằm nghe tiếng rỉ rả của côn trùng. Lũ chó láng giềng đang thi thố từng tràng sủa. Nỗi buồn đang mặc cả với nỗi nhớ Sài Gòn. Bè bạn. Và một bóng hình yêu dấu…
Chẳng hiểu “nhiễm” nhạc sến của mẹ từ lúc nào. Tôi bất ngờ thở ra cơn điên giữa khuya, rống lên như rền rĩ, “Ðời là vạn ngày sầu, biết tìm vui chốn nào…”