Phan Quỳnh Trâm sống và làm việc tại Sydney, Australia, là một trong những cây bút trẻ nhất trong số các cộng tác viên của trang Tiền Vệ ở Úc. Bắt đầu làm thơ, viết truyện ngắn từ năm 2008, rồi vài năm sau đó cô say mê dịch thuật. Ngoài những tác phẩm và dịch phẩm phổ biến trên Tiền Vệ, đã có thơ (song ngữ Việt-Anh) đăng trên tập san Kunapipi: Journal of Postcolonial Writing & Culture (University of Wollongong, 2011).
Chúng tôi xin giới thiệu những bài thơ tiêu biểu của Phan Quỳnh Trâm (những bài thơ này đều được viết bằng hai ngôn ngữ, tiếng Anh và tiếng Việt, nhưng chúng tôi chỉ chọn bản tiếng Việt vì không gian của bài viết có hạn).

Phan Quỳnh Trâm
Cái chết của một cái vỏ chôm chôm
Chiều đi làm về, vất giỏ xách trên sàn nhà
tôi ngồi phịch xuống giường
mặt chống trên hai tay
thở từng khúc
ngó lung dưới gầm bàn
một vỏ chôm chôm từ mấy ngày trước
nhìn tôi đăm đăm
da quắt lại, mỗi ngày một đen đúa
chòm tóc mềm oặt
con mắt đầy lông tối ám
nó nằm đó, lặng im
lặng im
lặng im
nhìn tôi
ngày này qua ngày khác
chẳng buồn nhặt tôi lên
chẳng buồn quăng tôi vào thùng rác
nó nằm đó, không đọc sách, không chơi đàn, không nghĩ ngợi
không đọc tin, không vào facebook
chỉ nhìn tôi với con mắt tối ám
rồi nó lặng lẽ buông mình
xuống
đất
từ tầng 13
không để lại địa chỉ
Và cũng không có bản tin nào trên báo chí
Những nhà thơ cho những lúc thật cần
Khi tôi yêu và cảm thấy hạnh phúc, tôi đọc e. e. cumming
Khi tôi yêu và cảm thấy buồn buồn, tôi đọc Neruda
Khi tôi không biết mình có yêu hay không, chỉ thấy ngập tràn cay đắng, tôi đọc Bukowski
Khi tôi muốn nhớ lại những ngày thơ ấu, tôi đọc Gibran
Khi tôi cô đơn, tôi đọc Pessoa
Khi tôi thích mơ màng, tôi đọc De Chazal
Khi tôi nghĩ mình thông minh, tôi đọc Borges
Khi tôi thấy mình phức tạp, tôi đọc Octavio Paz
Khi tôi muốn chửi thề, tôi đọc Nicanor Parra
Khi tôi thấy chán nản, tôi đọc Collins (hay Strand cũng được)
Khi tôi không biết tôi muốn đọc ai, tôi vớ tay lấy các tuyển tập thơ của
nhiều tác giả
Dĩ nhiên có những lúc tôi chỉ nằm ươn trên giường, chẳng đọc gì cả, chỉ nghĩ về cái-không-gì-cả
Khi tôi muốn sống và nghĩ về hiện hữu, tôi đọc Bodet
Khi tôi muốn sống và nghĩ về cái chết, tôi đọc Merwin
Khi tôi muốn chết và nghĩ về cái sống, tôi đọc Langston Hughes
Khi tôi muốn chết và nghĩ về cái chết, tôi đọc Villaurrutia
Khi tôi không muốn thức dậy nữa, không bao giờ thức dậy nữa, tôi đọc Sylvia Plath
Khi tôi đếch biết mình muốn gì và cũng đếch biết mình chán hay yêu hay buồn hay hạnh phúc
Tôi làm thơ.
Trầm tưởng trong một tình trạng khẩn cấp
Tối hôm qua tôi dính vào một vụ đụng xe
hôm nay lại thêm một vụ nữa
vụ thứ nhất tôi đụng bên trái đuôi xe
và vụ thứ hai, đụng bên phải mũi xe
lúc đó chiếc xe đàng trước đang lùi lại
(hay ít nhất tôi đã nghĩ vậy – tôi cũng không chắc lắm)
tôi ngồi trong xe mình, đang nói chuyện qua phone với Mỹ Lệ Thi
và đang đợi sau một chiếc xe ở ngay cổng vào bãi đậu
rồi vụ đụng xe xảy ra
thằng nhóc đang chở bốn đứa con gái
nó ráng thuyết phục rằng đó là lỗi của tôi
(ở một điểm nào đó tôi quả thực cũng nghĩ vậy – tôi cũng chẳng tin mình)
sau khi trao đổi số bằng lái, số điện thoại
tôi lái xe về nhà
Ðây không phải là lần đầu tiên tôi dính vào một vụ đụng xe
tôi cũng đã khá quen với điều đó
nhưng cảm giác vẫn không vui
Tôi đi tắm, chải tóc,
và nghĩ về tất cả những bi kịch trong đời tôi
hay ít nhất trong những năm gần đây
Vụ này chẳng nhằm nhò gì – tôi nghĩ
ngay cả nếu tôi có lỗi, thì đã sao đâu nào?
Vụ này chẳng nhằm nhò gì so với những gì tôi đã làm cho đời tôi
những gì tôi đã làm cho sự liêm sỉ của tôi, sự chân thật của tôi – đức hạnh là một món xa xỉ tôi không kham nổi
những gì đã xảy ra, tháng đó, ngày đó, buổi sáng đó, giờ đó
những gì sẽ xảy ra, chỉ có Trời mới biết khi nào
Tôi nhìn ra ngoài ban-công xuyên qua khung cửa sổ ẩm ướt
Ðời tôi, cũng giống như chiếc xe của tôi,
là một mớ xà bần
Ai dư hơi mà dính vào một mớ xà bần nhỉ!
Mỹ học của sự im lặng
Thơ,
là sự im lặng bên ngoài tầng 13 lúc 3 giờ chiều
như bản nhạc John Cage bốn phút ba mươi ba giây
mà tôi là đồng tác giả
với những nốt quạ chấm đen trên những dòng kẻ điện
những đám mây nằm ườn trên cao
những tàn cây nứng gió phía dưới
hay sự im lặng của tiếng quạt máy rù rù trong phòng ngủ
của tiếng nước nhỏ giọt trong phòng tắm
của những cuốn sách trên bàn đang tự chuyện trò
hay của những giọt mồ hôi đồng lõa trên hai thân thể nhễ nhại
Sự im lặng lúc 3 giờ chiều không giống sự im lặng lúc 5 giờ sáng
Càng không giống sự im lặng lúc 12 giờ khuya
Sự im lặng lúc 3 giờ chiều là một sự im lặng ngắn ngủi giả vờ, trước khi bùng nổ
của bà mẹ ở nhà chờ những đứa con đi học về
của phút lắng tâm trước giờ đọc kinh cầu an
của những vở kịch một màn không-có-gì-ngoài-im-lặng của Beckett
của đoạn chuyển tiếp giữa hai chương trong một concerto
của phòng triển lãm nơi chỉ bày những trống không
và trống không
của người đàn ông đứng bên cạnh chiếc cassette đang mở trước ngôi mộ mới
ở một nghĩa trang một buổi chiều muộn
của vết thương ngỡ đã lành
của nỗi thống khổ ngỡ đã nguôi
của tiếng khóc ngỡ đã tắt…
Sự im lặng của nhà thơ đang dự cảm về một bài thơ mới
hay của cảm giác trắng tay khi bị bài thơ mới làm tước sạch
của tất cả những gì có thể được nói ra, gọi tên, mà không cần nữa
bởi âm thanh của lời nói phát ra là sự im lặng.
Ghi chú:
Tựa đề của bài thơ “Trầm tưởng trong một tình trạng khẩn cấp” – nguyên tác bằng tiếng Anh, được Hoàng Ngọc Tuấn dịch ra Việt ngữ – được “mượn” từ tựa đề “Meditation in an emergency” của nhà thơ Frank O’Hara.
Trích từ nguồn website tienve.org