Thanh Tâm Tuyền là khuôn mặt lớn của Văn Học Miền Nam, từng trải qua những biến chuyển khốc liệt của lịch sử và thời đại. Năm 1990, ông bỏ nước ra đi rũ bỏ mọi ký ức, sống những năm tháng lưu vong nơi xứ tuyết, mất ngày 22 tháng 03 năm 2006 tại Minnesota. Phần trích dẫn sau đây ghi lại những khúc phim cuối của cuộc đời Thanh Tâm Tuyền qua những trang thư ông viết cho bạn văn là Ngô Thế Vinh.

Thanh Tâm Tuyền – tranh Đinh Cường
Ngoài những năm tháng tù đày của TTT, trước và sau 1975, thỉnh thoảng tôi có dịp gặp TTT. Sang Mỹ, phương tiện đi lại dễ dàng nhưng TTT rất ít di chuyển và đi xa. Liên lạc với anh thường bằng thư, có lần qua điện thoại, đôi khi TTT gửi cho tôi cuốn sách mà anh đã đọc và thấy tâm đắc. Cũng để bạn đọc hiểu hơn về cuộc sống nơi xứ tuyết của TTT – như một nhà văn lưu đày/ writer in exile từ một đất nước Việt Nam mà “tâm thái” anh thì không bao giờ muốn xa rời, sau đây là trích đoạn đôi ba bức thư trao đổi với Thanh Tâm Tuyền, như để chia sẻ với bạn đọc một chút riêng tư.
…
St Paul 31-12-92
Anh Ngô Thế Vinh thân,
Ở đây trận bão lạnh từ bên ấy đang lùa sang, nhiệt độ xuống thấp hơn hai năm trước nhiều, âm độ F là sự thường, gió lạnh thổi có hôm xuống tới 40 – 50 độ âm, phố xá ướt át trắng xoá. Trước kia tôi cũng tưởng mùa đông chim chóc trốn tuyết hết, nhưng đã ở đây qua ba mùa đông, tôi ngạc nhiên thấy mình lầm. Chim chóc vẫn ở lại: quạ, bồ câu, chim sẻ… Bồ câu, chim sẻ đợi lúc có nắng tìm mồi quanh quẩn tại các công viên. Có lẽ chúng ở lại được với mùa đông nhờ trú ẩn trên những nóc mái của các nhà đều có hơi sưởi.
Riêng có một loại cây ở đây không biết tên là gì, mùa đông lá héo chết nhưng bám chặt cành. Anh hãy tưởng tượng cả một lũng rừng khô úa trơ trơ giữa tuyết trắng. Tôi đã hỏi nhiều người và tra cứu nhưng vẫn chưa biết tên loại cây ấy. Khi lá của cây này rụng ấy là lúc mùa Xuân đã tới…
Nhận được thư anh năm đó 1992 và cho cả tới bây giờ, tôi vẫn cứ bị ám ảnh mãi về một loại cây không biết tên, mùa đông lá héo chết nhưng bám chặt cành. Cũng là hình ảnh một TTT héo chết, nhưng tâm thái của anh thì vẫn bám chặt với một quê hương Việt Nam mà TTT không muốn xa rời.
St Paul 12-14-93
Anh Ngô Thế Vinh thân,
Gửi anh bài dịch của anh Phan Lạc Phúc đăng ở Úc để đọc. Tờ tạp chí Impressions du Sud đăng bài gốc tôi chưa nhận được. Khi có tôi cũng sẽ copy đầy đủ gửi anh xem… Anh cho gửi lời thăm và chúc lành của tôi cho hai người bạn thơ tôi. Nhân dịp đầu năm…
Ký giả Lô-Răng Phan Lạc Phúc, nguyên chủ bút báo Tiền Tuyến, là bạn văn trước 75 và cả bạn tù đày lâu năm của TTT nơi các trại giam ngoài Bắc. Phan Lạc Phúc định cư ở Sydney, Úc Châu từ 1991. Tác giả hai cuốn sách Bạn Bè Gần Xa (2000) và Tuyển Tập Tạp Ghi (2002) như một hồi ức về những thảm cảnh mà bản thân Phan Lạc Phúc và các bạn văn của anh đã trải qua. Với bút hiệu Huy Quân, Phan Lạc Phúc đã dịch “Thanh Tâm Tuyền, Thơ trong chiến tranh và trong trại cải tạo”, có xen thêm ý kiến của người dịch [ghi chú của người viết]
St Paul 11-12-94
Anh Ngô Thế Vinh thân,
Cám ơn anh về quyển sách anh gửi tặng “để đọc trên xa lộ”. Có lẽ phải chạy “xa lộ xuyên bang” mới thấy cái hữu dụng của loại sách này… Tôi tính sáng nay Thứ Bảy, sẽ chạy xe ra bờ hồ gần nhà và mở nghe…
Gửi tặng lại anh quyển tiểu thuyết đầu tay của Heny Roth: Call It Sleep. Lâu lắm, có đến mấy chục năm là ít, mới có cuốn tiểu thuyết bắt tôi phải đọc một “hơi”, nói là một “hơi” vậy, chứ cũng phải mất cả tuần lễ, vào những sáng sớm khi thức khoảng 3,4 giờ và những chiều tối… Hồi còn ở Sài Gòn, tôi có đọc trong Express hoặc Nouvel Observateur nói về Henry Roth và quyển sách của ông được tái bản sau 30 năm không được chú ý. Tôi vẫn nhớ lúc bấy giờ ông đang sống bằng nghề “lái vịt” và đối với tôi ông là nhà văn bẻ bút đi chăn vịt. Bấy giờ là đầu những năm 60, Salinger đã bỏ đi đâu biệt tích… Chỉ mong anh đọc và thấy thú vị.
Tiểu thuyết “Call It Sleep” của Henry Roth xuất bản 1934, viết về kinh nghiệm một bé trai lớn lên trong một ghetto cộng đồng di dân Do Thái vào đầu thế kỷ 20 ở New York. Cuốn sách ế ẩm phải 30 năm sau mới bán hết. Nhưng khi sách tái bản 1964, đã trở thành một best seller với hơn một triệu ấn bản, được tuần báo Times 2005 sắp hạng là trong số 100 cuốn sách tiếng Anh hay nhất kể từ 1923 [ghi chú của người viết].
Ðây là một bức thư viết tay khá dài, phản ảnh nỗi thao thức của TTT và ngưỡng tuổi cầm bút. Năm 1994, TTT mới 58 tuổi.
Anh viết:
”Hồi trước khi biết phải ngoài 50 tuổi Stendhal mới viết nổi Le Rouge et Le Noir, tôi phục quá. Bây giờ thấy Henry Roth ngoài 70 mới viết trở lại, càng phục hơn, tuy nhiên cứ khoa học mà nói 50 tuổi thời Stendhal thì cũng bằng 70 tuổi thời này, anh có nghĩ vậy không?”
Rồi TTT say sưa kể về cuốn sách mới của Roth: “Trong quyển sách mới, xen giữa những đoạn kể là những mẩu ‘độc thoại tự kiểm’ của nhân vật – người kể, dưới hình thức ‘cuộc đối thoại một chiều’ giữa người viết và cái ‘computer’… Vẫn bị ám ảnh bởi Call It Sleep hơn là chính tác phẩm mới – có lẽ bởi đề tài không khác.”
Sang Mỹ, TTT vẫn đọc thật nhiều và tích lũy, anh cũng tiếp tục “lao động vinh quang” nhưng là trong tự do và tự nguyện, anh đi học và đi làm trở lại. TTT viết tiếp:
“Cuối tháng này tôi sẽ bỏ chỗ làm xa về làm việc tại cái trường dạy nghề ở gần nhà, đỡ lo lái xe trong mùa đông và không khí trường ốc cũng hợp với tôi hơn. Nói để anh mừng cho tôi.”
St Paul 7-18-95
Anh Ngô Thế Vinh thân,
Lâu lắm không được tin anh. Gửi anh toàn bài trả lời phỏng vấn năm 93… thân, tâm
Như vậy là cách đây cũng đã 20 năm [ngày 18 tháng 7, 1995], TTT gửi cho tôi toàn bài phỏng vấn anh bằng tiếng Pháp. Thanh Tâm Tuyền giỏi ngoại ngữ tiếng Pháp và cả tiếng Anh. Rất sớm qua tiếng Pháp, anh đã tiếp cận rộng rãi với nền văn học thế giới nhưng có lẽ nguyên bản cuộc phỏng vấn này là bằng tiếng Việt do Lê Hữu Khóa, Université de Provence [Aix-en- Provence] thực hiện và dịch sang tiếng Pháp, sau đó bài được in trong tập La part d’exil: littérature vietnamienne / textes réunis et traduits par Le Huu Khoa; Publication de l’Université de Provence, 1995. (*)
Không có bản tiếng Việt gốc, qua Ðinh Cường, tôi liên lạc được với tác giả bài phỏng vấn TTT, Lê Hữu Khóa nay đã chuyển sang dạy tại Université de Lille. Qua email 3/14/2015, anh Khóa cho biết anh đang đi công vụ đại học, không có mặt ở Âu Châu; bài phỏng vấn tiếng Việt của Thanh Tâm Tuyền nằm trong thư viện của anh tại Nice, rất tiếc là anh không có mặt tại Nice.
Trong khi chờ có được bản tiếng Việt gốc trọn vẹn của TTT, do vẫn muốn có một bài viết đúng vào ngày giỗ chín năm TTT, sau đây là trích đoạn bản lược dịch buổi nói chuyện trao đổi ấy – nhưng lại đi theo một đường vòng: từ bản gốc tiếng Việt của TTT dịch sang tiếng Pháp, nay dịch lại từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, tuy văn phong không phải của Thanh Tâm Tuyền nhưng hy vọng nội dung chuyển tải được những điều mà Thanh Tâm Tuyền thực sự muốn phát biểu, và có lẽ giúp người đọc hiểu tại sao và trong hoàn cảnh nào đã đưa tới sự chuyển đổi của TTT từ một nhà thơ tự do khai phá và cách tân của thập niên 1950-1960 nay cuối đời lại trở về với những thể thơ truyền thống. (*)
(trích từ bài viết ‘THÁNG BA THANH TÂM TUYỀN. RŨ BỎ KÝ ỨC KHÔNG THỂ KHÁC.)
*003708225 : La part d’exil [Texte imprimé] : littérature vietnamienne / textes réunis et traduits par Le Huu Khoa ; préface de Geneviève Mouillaud-Fraisse ; posface de Trinh Van Thao / Aix-en-Provence: Publication de l’Université de Provence, 1995