Menu Close

Đổi tiền

Mẹ biểu tôi đi mua nước mắm ở tiệm Bà Chín Dư. Tiệm nằm cách nhà tôi một con đường lớn dẫn ra Chợ Gò Công.

Tôi ôm cái chai không, không có nút, đi ra khỏi nhà. Ánh đèn vàng ngoé lập loè từ cái đèn đường như ma trơi. Tôi không sợ ma.

Ngày mai đổi tiền. Mười đồng đổi một. Mẹ nói, cơm canh sẽ eo hẹp hơn. Mỗi đứa phải phụ Mẹ một tay, ráng rau cháo với nhau. Chưa biết sẽ sống chết thế nào, vì sau khi đổi tiền, vật giá sẽ leo thang như lần trước, nhu yếu phẩm lại càng khan hiếm hơn. Sau khi đổi tiền, ai cũng khư khư giữ tiền giữ của. Hàng hoá cũng theo đồng tiền của người dân, đi về một nơi bí mật nào đó. Mẹ còn nói, đổi tiền lần này chắc còn khổ hơn lần trước. Giọng nói của Mẹ trống không, như đồng chiều sau mùa gặt, lơ thơ chân rạ.

Cả xóm vắng như đưa đám. Người ta đang tẩn liệm những bữa cơm mà gia đình họ sẽ mất trong mấy tháng tới, có thể cả năm. Có nhiều nhà im lìm, vắng tiếng trẻ con nói cười mọi khi. Chẳng lẽ người ta cũng đổi luôn cả nụ cười trẻ thơ sao, mười tiếng cười đổi một?

Tôi bước đi chậm chạp. Chiều tối mà ra đường, hay thấy người ta đạp xe đi công chuyện, thấy con nít chạy giỡn trước sân. Cũng là một cái thú. Tối nay là quốc tang bất thành văn. Sự im ắng này, có ai đổi không, mười đổi một, để nó bớt im đi?

Tôi băng qua ngã tư, vừa đi vừa lắc lư cả người, cái chai không nằm sát ngực. Nó mà bể, thì cả nhà tôi không biết lấy gì đựng nước mắm. Thời buổi ve chai lông vịt, cái chai bể người ta còn mua từng miếng vụn để chế tạo lại. Cái chai nguyên như vầy là một tài sản. Không có nó, không có nước mắm, nấu gì cũng không ra.

Tôi chợt hỏi mình, nếu người ta đổi đất, thì làm sao? Mười tấc đất đổi một? Mẹ con tôi chắc sẽ co cúm trong khoảng đất hẹp mười gang. Chỉ được đứng, không nằm ngồi chi hết.

Ðổi tuổi xuân. Mười năm đổi một. Lớn gấp, già vội. Tôi không muốn. Sống giữa thời buổi này, không ai đổi tuổi xuân, vì tuổi xuân không có gì đáng giá, ngoài sự mơn mởn lớn và sự thờ ơ lạnh của thời đại đối với những căng tròn mộng ước và thao thức vươn lên. Nhưng tôi cũng không muốn ai đổi tuổi xuân của mình. Nó có vô dụng, thì cũng là của tôi. Cứ để nó chông chênh bên dốc cuộc đời.

Mà cần chi đổi cười, đổi đất, đổi xuân? Chỉ cần đổi tiền thôi, thì ngày đã thành đêm triền miên, cười đã ra khóc.

Tôi đứng giữa ngã tư, nhìn xuôi, nhìn ngược. Con lộ thông suốt thị xã nằm im, phập phồng. Chắc nó cũng muốn, mười ổ gà đổi một. Nhưng ai đổi cho?

Tôi đi tiếp. Tiệm Bà Chín Dư chỉ cách nhà tôi đúng năm căn nhà. Bữa nay, tôi thấy xa xôi, như cách năm cây số. Nhà Cô giáo Linh ở ngay đầu đường vắng hoe. Thường Cô hay có học trò đến thăm, nhà rất ấm áp. Nhà ông Hùng Xe Ðò cũng vậy. Ðêm nào người ta cũng lũ lượt kéo tới coi ké TV. Ðêm nay không có ai tụ tập như mọi bữa. Lâu lâu, có cải lương hay, Mẹ cũng cho tụi tôi đi coi. Cái TV màu duy nhất trong xóm được đặt sát vách trong của phòng khách. Vợ chồng con cái ông Hùng thì nằm ngồi thoải mái trên ghế xa-lông hay divan. Hàng xóm tới coi ké thì ngồi trên sàn gạch bông, phía ngoài cửa. Con Hằng, con ông Hùng, học chung lớp với tôi. Nhà có tiền, nên nó uốn tóc quăn, mặc đồ đẹp, cặp sách lúc nào cũng hàng xịn. Kế bên nhà tôi, nhà Bà Ba Nghĩa cũng có TV trắng đen, nhưng nhà Bà đất rộng, đường vô nhà qua một cái sân rậm rạp, chỉ người quen mới vô coi.

Nhà ông Hùng là chỗ làm ăn, họ mở cửa thoải mái, tuy có bữa có chuyện riêng, họ đóng cửa im ru, trong nhà có đèn sáng, thấy màn hình TV chớp nháy liên hồi, tiếng người ăn nói chuyện trò rôm rả, nhưng cổng rào khoá. Người đi coi TV ké kéo tới từng nhóm, nhưng không ai dám kêu, nhiều người tới rồi tiu nghỉu đi về. Có người cả tuần chỉ được một bữa tối coi cải lương cọp, cũng chưa chắc được coi. Chạy hụt hơi tới nơi rồi phải lết ngược trở về. Thời buổi khan hiếm. Những mất mát nhỏ như vậy có là gì. Mà vẫn buồn.

Bữa nay, nhà ông Hùng cửa đóng then cài, đèn sáng phía buồng trong, tiếng xì xầm lúc to lúc nhỏ. Ðổi tiền có luật, dù luật rừng. Mười đổi một, mỗi hộ chỉ được 500. Nhà Nước mưu tính tất cả một cách mờ ám và tàn độc. Thông báo đổi tiền và việc đổi tiền không cách nhau mấy ngày. Người dân bị sốc và không kịp trở tay để cứu đồng tiền của họ. Những nhà làm ăn trong xóm kháo nhau, đem tiền ra chùi đít, để ông Hồ xuống cống rãnh với tiền của họ, còn hơn giao nộp cho Nhà Nước. Nhưng làm gì, thì họ cũng lỗ, Nhà Nước cũng lời. Nhà chúng tôi còn tám kiếp nữa mới đủ tiền để đổi hết mức cho phép. Nhưng tụi tôi nghèo kiết xác, chuyện đó không nói ra, ai cũng biết. Thằng Tuân, con Ông Lãng vịt lộn, cũng học chung với tôi. Mấy tuần sau khi đổi tiền, người ta thấy tiền cũ đổ đống trong cái mương sau nhà nó.

Bà Chín Dư làm cái tiệm ở trước nhà để bán quán. Tiệm Bà cũng nghèo như Bà, loe hoe vài bịch bánh treo tòng teng từ trên nóc chòi. Phía trước, Bà lấy dây kẽm gai rào ngang rào dọc, ai mua gì có thể thấy bên trong, nhưng không thò tay vào lấy đồ được, phải nhón chân trả tiền phía trên, và nhận đồ cũng trên đó.

Tôi còn thấp, không với tới được, nên lần nào, sau khi tôi tới phía trước chào Bà và nói muốn mua gì, Bà Chín cũng biểu tôi đi vòng qua phía bên hông, đưa tiền cho Bà, rồi đứng đó chờ. Sau ít phút, Bà đem đồ ra cho tôi.

Lần nào mua đồ, Bà cũng vui vẻ. Lần này, Bà ngần ngừ như không muốn bán. Một xị nước mắm này, ngày mai, sẽ thành mười cho Bà. Tiền của tôi mười thành một, nhưng hàng của bà một thành mười. Thấy Bà cầm chai cầm tiền rồi đứng đó, không nói gì, tôi cũng đứng yên chờ đợi. Bà suy nghĩ một hồi, rồi quay đi. Chắc Bà không muốn làm khó một đứa con nít. Hổng chừng Bà cũng sợ mất khách hàng ruột như tôi. Cách nhà tôi ba căn, đi hướng kia, là sạp Bà Tư Thị. Bà Chín Dư biết tôi có nhiều chỗ để mua, nhưng trong cả xóm, Bà chỉ có chừng ấy người để bán, mà bán chung với mấy sạp khác.

Bà Chín đem chai nước mắm trở ra. Mẹ tôi chỉ đủ tiền để mua nửa chai. Nhưng lần này, Bà không cho tôi miếng ny lông và cọng thun để bịt nắp chai lại như mọi lần. Chẳng lẽ người ta đã đổi ny lông của Bà luôn rồi sao, mười miếng đổi một? Vậy từ rày về sau, mười lần mua nước mắm mới có ny lông đậy một lần thôi à? Tôi phải cẩn thận thêm.

Tôi đi ngược về nhà. Sự vắng lặng làm chân tôi chậm chạp, nhưng Mẹ đang chờ ở nhà để nêm nồi canh đại dương, anh chị em chờ cơm. Tôi rảo bước.

Tôi nghe tiếng cãi vã trong nhà bà Tốt. Bà Tốt, tên ngược với người. Có lẽ vì bà Tốt ‘nổi loạn,’ muốn làm khác với ước nguyện của cha mẹ khi đặt tên cho bà như vậy. Hàng xóm kêu nhà bà là “Bắc Kỳ 75,” vì bà dắt ba thằng con trai khó tính và đứa cháu gái dở hơi vào Nam lập nghiệp. Không thấy chồng đâu. Có lẽ ngoài Bắc, bà cũng là một cái bến không chồng. Bà không tiếp xúc với ai, chỉ bim bỉm giữ nhà, giữ của. Nhiều người gọi bà là “Bà Bắc” vì họ không thích vẻ mặt vênh váo và miệt thị của bà. Hai nhà bên cạnh đều bị bà lấn rào. Sáng nào ngủ dậy, họ cũng thấy bà cắm lại hàng rào sau nhà, nhích qua đất của họ. Hỏi bà, thì bà tỉnh bơ chẳng trả lời. Họ có tức, có chửi rủa, thì bà lì ra, như không nghe thấy. Cứ vài bữa là khóm trưởng phải xuống, giải quyết vụ lấn đất của bà Tốt. May mà bà không nhổ vách nhà người ta lên được. Nếu không, chắc bây giờ, đất của bà đã rộng như cái ruộng cả.

Bà Tốt cũng có TV, nhưng không ai biết nó là TV màu hay trắng đen, vì bà chưa bao giờ mở cửa cho ai vô coi. Mà chắc cũng không ai muốn vô coi với bà. Ba thằng con của bà, thằng Út thì dở hơi mát mát, thằng giữa thì đăm đăm như quan tuần, thằng lớn thì thô lỗ, kiết lỵ. Phải chi người ta đổi người trong nhà bà Tốt: mười đổi một. Hay cho không luôn. Cả xóm sẽ đỡ những phiền phức, khó chịu mà nhà bà gây ra.

Không phải ai vô Nam 75 cũng dễ ghét như bà Tốt. Nhà ông Lãng bán hột vịt cũng ở ngoài Bắc vô một lượt, nhưng họ vui vẻ, thân thiện. Cả hai nhà bà Tốt và Ông Lãng có nhiều điều giống nhau, nhưng lại khác nhau như lửa và nước. Giống, là từ Bắc vô năm 75, cùng buôn bán, cùng là Công Giáo, cùng nói giọng Bắc. Khác, là Ông Lãng hài hoà, làm ăn vui vẻ, còn bà Tốt bán sạp quần áo may sẵn ngoài chợ, khách hàng đi ngang, con bà cũng chẳng mở miệng chào. Không hiểu sao họ giữ sạp được.

Thằng con lớn của bà Tốt đang lớn tiếng. Giọng rất hậm hực. Bà Tốt đớp lại nó, tiếng lớn hơn, giọng chì chiết. Tôi đi tiếp.

Về tới nhà, Mẹ đã nấu canh xong, dụi lửa, cây củi còn bốc khói. Tôi đưa chai nước mắm cho Mẹ. Mẹ rót hai muỗng, cho vô nồi canh, khuấy đều lên. Cả nhà quây quanh cái bàn gỗ đã mục, mối đã ăn gần hết mặt trên. Cái bàn này là kỷ vật duy nhất Ba để lại cho chúng tôi trong những ngày ngắn ngủi nhưng căng thẳng bị công an canh chừng, sau khi đi cải tạo và trước khi đi vượt biên. Nhiều bữa đang ăn cơm, tụi tôi nghe tiếng mọt nhai gỗ kèn kẹt ở trong. Những con mọt còn cao hơn chúng tôi trên bậc thang sống còn. Nó muốn ăn thì cứ ăn, ăn ngay trước mặt chủ nhân của vật mà nó ăn, dù đó là cái bàn duy nhất trong nhà để chúng tôi ăn cơm, học bài. Chúng tôi ăn thì phải đong đo thắt bụng. Con mọt này, sao số của mày sướng vậy?

Nhìn lên, thấy mặt Mẹ chất chứa lo âu. Tôi nghĩ bụng, phải chi ai đổi mười nỗi khổ của Mẹ lấy một, tôi đổi liền. Còn cho thêm.

TGT