
Hồ Lắc cạn kiệt
Đầu Tháng Ba, Tây nguyên đang giữa mùa khô. Gió đại ngàn rú rít, rỗng trời. Nắng lóa mắt, bụi đỏ mù mịt. Nguy cơ cháy rừng luôn chực chờ, ám ảnh. Tại Ban Mê Thuột, thủ phủ tỉnh Đắc Lắc, hiện có hơn 500,000ha cà phê, tiêu khô khát, vật vờ. Chuyện thiếu nước tưới năm nào sau Tết cũng xảy ra nhưng năm nay nghiêm trọng nhất.
Trên đường đi Bản Ðôn, người viết bài thấy sông Sê Rê Pốc thu hẹp dòng chảy, bề ngang bằng con mương thủy lợi. Nhiều nhà dài của người Ê Ðê cất dọc theo sông. Người già trẻ con ngồi phơi nắng, vẻ đói nghèo không che đậy. Huyện Krông Bông, huyện Lắc cũng vậy. Ðứng trên biệt điện Bảo Ðại nhìn xuống, hồ Lắc không còn mênh mông tráng lệ trong màn sương sớm mà đục lờ, nhỏ cạn cỡ ao làng. Những con voi chở nặng, đi từng bước chậm chạp. Nhịp đi của voi như nhịp sống uể oải của thành phố khô hạn. Vậy nhưng trong bài diễn văn “chào mừng kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh”, “40 năm mở màn chiến dịch Tây Nguyên”, các giới chức lãnh đạo tỉnh Ðắc Lắc đều khẳng định, góp phần làm nên sự giàu có của Ban Mê Thuột là cà phê, với 1,5 triệu tấn cà phê xuất khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hiện xuống dưới 13%, thu nhập bình quân đầu người là 31triệu đồng/ năm, thuộc hàng cao nhất trong sáu tỉnh Tây nguyên…

Đưa gia súc đi tìm nguồn nước
Trong số các lễ hội của nhà cầm quyền được tổ chức tại Ban Mê Thuột chào mừng hai mốc thời gian 110 và 40, ngoài màn bắn pháo hoa tối ngày 10 tháng 3, còn có Lễ hội cà phê, diễn ra từ ngày 9 tới ngày 12/3 (hai năm tổ chức một lần, năm nay là lần thứ V), thu hút 200 doanh nghiệp tham dự, với 750 gian hàng.
Ngoài lễ hội cà phê, Ban Mê Thuột còn đua voi Tháng Ba. Chung quanh sân đua voi, dài chừng 400 mét, rộng đủ chỗ cho 30 con voi sắp hàng. Sau hồi tù và rúc lên, các voi nối nhau, quỳ chào Ban giám khảo và khán giả. Sau đó, từng tốp vào vị trí. Sau hiệu lệnh xuất phát, các chú voi bật dậy, lao đi. Nhìn những quản tượng trong trang phục dân tộc thiểu số ngồi trên mình voi, điều khiển voi khéo léo, nhiều du khách hò reo thán phục. Không mấy người biết sự hùng mạnh, đông đúc của đàn voi dự thi năm nay, chỉ là âm bản mờ nhòe của đàn voi Tây Nguyên một thời chưa xa, thuở Ban Mê Thuột còn rừng đại ngàn hùng vĩ, còn nhiều đàn bò rừng, đàn voi rừng hoang dã, còn các tay săn voi nổi tiếng như tù trưởng N’Thu Knul- từng săn bắt hàng trăm con voi (năm 1861 tặng vua Thái Lan một voi trắng, được vua Thái phong danh hiệu Khunjunob- vua săn voi). Khunjunob mất năm 1938, người cháu R’Leo Knul nối nghiệp lãnh đạo buôn làng, săn bắt và thuần dưỡng voi rừng rất giỏi (từng tặng vua Bảo Ðại voi trắng, giúp vua lập đội săn voi ‘Hoàng Gia Bảo Ðại’). R’Leo Knul mất năm 1947, ba năm sau, được vua Bảo Ðại làm lễ bỏ mả và xây mộ cho…

Voi nhà, huyện Lắc (cách Ban Mê Thuột 55 cây số)
Quá khứ hào hùng là thế, nhưng hiện tại, chỉ sau 65 năm, nghề săn voi đã mai một. Ðàn voi Tây Nguyên – chủ yếu là voi Bản Ðôn của Ban Mê Thuột – chỉ còn vài chục con và hầu hết đều già yếu, không sinh sản được. Voi ngoài thiên nhiên do bị săn trộm và không còn rừng để kiếm ăn, sinh sống nên cũng hầu như tuyệt tích giang hồ. Dịch vụ cho thuê voi để cưỡi chỉ bó hẹp tại khu du lịch buôn Ðôn- nơi người Mơ Nông và người Lào cộng cư nhiều đời. Tại đây, hàng ngày, voi nhà xếp hàng đợi ‘xuất bến’. Ngoài chủ voi, mỗi voi chở tối đa hai khách. Ngồi ngất ngưởng trên bành voi, qua đoạn đường dài chừng cây số, quanh thôn Trí A xơ xác, rồi rẽ xuống sông Sê rê Pốc, con sông chảy ngược theo hướng Ðông Tây, từ Việt qua Lào. Voi xuống sông, thò vòi cuốn nước, đứng yên cho quản tượng tắm rửa (khách vẫn ngồi trên bành voi). Một con voi có thể sống tới 60, 70 năm nếu được chăm sóc, bảo vệ tốt. Mỗi ngày ăn 300 ký cỏ lá, củ rễ cây… Ðể có tiền nuôi voi, nhiều chủ voi phải cộng tác với công ty du lịch, bắt voi đưa khách. Kết quả là voi do bị khai thác quá mức, kiệt sức, lăn ra ốm chết.
Tháng Ba đã qua, lễ hội đua voi và những bài diễn văn chào mừng 110 năm này, 40 năm nọ cũng phôi pha, người Ban Mê Thuột lại trở về đời sống hàng ngày, chật vật đối mặt với nạn hạn hán nghiêm trọng. Còn viễn cảnh mất voi, mất tượng nhà mồ, mất trang phục, mất tín ngưỡng, mất văn hóa dân tộc bản địa… những cái ấy không quan trọng, không phải chuyện của “nhà nước”!

Ban Mê Thuột, đang mùa khô khát