Lâu nay, “Hồ chủ tịch” cứ được tuyên truyền là đã tài tình vận dụng (thành công) chủ nghĩa Mác Lê-nin vào hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam: nửa thuộc địa, nửa phong kiến! Thực sự ai cũng biết “cách mạng vô sản” chỉ thắng lợi ở hai nước đại… phong kiến (và đại lạc hậu) là Nga và Tàu. Còn những nước đại tư bản như Anh và Ðức (theo lời dự báo của ông tổ Karl Marx) cuối cùng chẳng có chi trơn. Thành ra, cái “nửa phong kiến, nửa thuộc địa” của Việt Nam thời bấy giờ lại mà hay cho “cách mạng vô sản”: vừa thiên thời, vừa địa lợi! Còn yếu tố nhân hòa thì “Hồ chủ tịch” thực ra không biết nói sao để dụ dỗ dân chúng theo Việt Minh cướp chính quyền. Mác với Lê là thứ chi chi chẳng ai thèm để ý! Khi ấy “bác” mới nghĩ ra một kế, quả là rất tài tình, xúi dân chúng (đang chết đói) khắp miền Bắc đi phá kho thóc của Nhật. Vậy là “Cách mạng Tháng Tám” thành công!
Mớ lý luận (nghe rất hay) từ bên Nga bên Tàu đem về chỉ để “lộng kiếng”. Thậm chí, sau khi có chính quyền trong tay, “Hồ chủ tịch” tự động giải tán cái đảng Cộng sản của mình mà núp dưới danh nghĩa “Hội nghiên cứu Mác Lê”. Rút kinh nghiệm từ sau thắng lợi “Cách mạng Tháng Tám”, “bác” và Ðảng không bao giờ để dân chết đói (mà chỉ để dân đói cho tới chết); hết gạo thì có bo bo! Sở dĩ dân chúng sống đói khổ thời thực dân mà ít người phản kháng là vì chính sách cai trị khôn ngoan của Pháp. Một trong những cách cai trị của chính quyền thực dân là làm cho dân… ngu. Sau khi cướp được chính quyền, “bác” đã tiếp tục chính sách ngu dân ấy của họ cho dễ trị. Thật sự mà nói, “bác” đã vận dụng tài tình chính sách ấy vào hoàn cảnh đất nước: vừa toàn trị, vừa… phong kiến (kiểu Cộng sản). Thực dân Pháp chỉ để người dân mù chữ chứ Ðảng và “bác” thì cho người dân biết chữ mà không biết nghĩa. Người dân (đi học) chỉ được dạy chữ mà thôi; đúng y chang khẩu hiệu “xóa nạn mù chữ”. Hồi trước bác sĩ Phạm Hồng Sơn bị bỏ tù vì dịch bài viết “Thế nào là dân chủ” cho người Việt trong nước hiểu nghĩa. Có những người dân biết chữ nhưng thấy ai cố (giúp) phá sợi xích mà Ðảng buộc vào cổ thì cứ ngỡ người ta tấn công mình; hung dữ tấn công lại! Chính sách ngu dân của Ðảng đã khiến dân tộc Việt Nam đến nay vẫn không khá gì hơn Mùa Thu năm 1945.
Ðã hơn nửa thế kỷ bị Ðảng cai trị man rợ (hơn cả thời Pháp thuộc), dân chúng chưa hề có một cuộc biểu tình rộng lớn phản đối chính sách nào của Ðảng. Những vụ bạo động lớn như ở Thái Bình chỉ là phản ứng nhất thời của người dân đối với cán bộ chính quyền địa phương. Chúng không phải là sự phản kháng của người dân đối với chính sách từ trung ương, của Ðảng. Mãi cho đến tuần qua mới có một cuộc biểu tình khá lớn của công nhân ở Sài Gòn, theo báo trong nước có khoảng 90 ngàn người, phản đối Luật bảo hiểm xã hội sắp được áp dụng. Luật mới này không cho công nhân lãnh tiền ngay sau khi bị nghỉ việc mà bắt họ đợi tới… già (hết tuổi lao động). Nghe nói Quỹ bảo hiểm xã hội bị đem… xài bậy sắp cạn nên Ðảng quýnh quá, xài đỡ luật mới này rồi (vài chục năm nữa?) tính. Nhiều công nhân cần một số vốn nhỏ để làm ăn buôn bán, khỏi đi làm thuê. Nếu không buôn bán gì thì đổi lấy… đô-la mà giữ còn đỡ hơn đợi lãnh tiền của “bác”; một thứ mà ai cũng biết là mất giá không thua gì… Ðảng! Ðấy là chưa nói khi ấy Ðảng không cần ra luật mới, chỉ in thêm tiền với vài con số không nữa đằng sau… Tiền bảo hiểm xã hội là đóng góp từ mồ hôi và nước mắt (xuất lệ nội tâm) làm thuê cho Tàu (Ðài Loan) nên tiếc từng khúc ruột! Nếu không có sự kềm chặt canh chừng của công an thì số người biểu tình có thể lớn hơn và lan rộng nhiều nơi. Trên trang BBC, luật sư Hà Huy Sơn ở Việt Nam (được phỏng vấn) nói rằng “người lao động đã có ý thức về quyền lợi của mình”. Vậy là mấy chục năm qua người lao động không có ý thức gì về quyền lợi của mình sao? Hóa ra trước đây người lao động chỉ biết từ Quyền Lợi mà không thực sự hiểu rõ nghĩa của nó.
Ðến bao giờ người lao động mới hiểu QUYỀN LỢI không chỉ là quyền được lựa chọn thời điểm rút tiền bảo hiểm xã hội mà còn là quyền được lựa chọn người hoặc đảng phái mình muốn lên lãnh đạo đất nước? Quyền nào… lợi hơn?

Khoảng 90 ngàn người, phản đối Luật bảo hiểm xã hội sắp được áp dụng – NGUỒN DANLAMBAO