Nguyễn là người mê cà phê (và mê trà, mê vang đỏ… nghĩa là mê đủ thứ).
Nhưng trong các thức uống vừa kể có lẽ cà phê là thứ thích nhất vì nó đậm chất đam mê, gợi nhiều cảm xúc suy tưởng, vừa trong sáng cao khiết vừa gần với bản năng dung tục. Chính vì lẽ đó mà cột mục này mang tên Tản Mạn BênTách Cà Phê.
Trong bài viết trước lấy cảm hứng từ cuốn sách “Ngón Tay Mình Còn Thơm Mùi Oải Hương”, Nguyễn tôi có hứa là sẽ trích đọc giới thiệu một số khúc đoạn trong tác phẩm này. Hôm nay xin bắt đầu với “Đi Uống Cà Phê Ở Trời Tây”
Nguyễn cũng bắt đầu thích uống cà phê từ lúc còn nhỏ như Ngô Thị Giáng Uyên. Nhớ thời đi học thỉnh thoảng được bạn Nguyễn Đức Đồng (bây giờ không biết Đồng về đâu?) dẫn qua chợ Đông Ba ăn chè ăn cháo rồi kéo qua kiosk của chú Phấn làm cà phê –cà phê bít tất thôi nhưng thiệt là đã. Thế nhưng hình như chuyện đi uống cà phê của Nguyễn lúc còn bé xíu không có gì là lạ bởi Nguyễn là thằng cu. Còn Ngô Thị Giáng Uyên là con gái mà cũng uống cà phê hồi còn đi học thì mới là điều lạ. Hãy nghe Giáng Uyên kể: “Những ngày học cấp hai, tôi thường rất khoái được mẹ chở đi chợ cách nhà bốn cây số để hí hửng cầm tờ tiền mới được cho, chạy một mạch tới quầy nước đối diện hàng vải, gọi một ly cà phê sữa mịn màng. Rồi tôi thích thú dùng muỗng khuấy đá bào (thường chiếm tỉ lệ áp đảo trong ly) cho cà phê trộn sữa Ông Thọ sủi bọt lên, nhấm nháp thứ thức uống vừa đắng, vừa ngọt, vừa béo ngậy thơm lừng. Ai thấy cũng bảo mẹ tôi “Sao nó còn nhỏ mà cho nó uống cà phê dữ vậy?”, nhưng mẹ tôi cười “Kệ, nó thích cứ để nó uống” Có lẽ cũng vì những ngày “nó thích cứ để nó uống” đó mà bây giờ đi đâu tôi cũng lân la muốn biết cà phê xứ đó ra sao, có khi sợ mất ngủ không dám uống cà phê cũng vào quán gọi món khác, nhìn không khí quán và người qua lại.”
Rồi Giáng Uyên kể chuyện đi uống cà phê lúc đi học ở Anh. Nguyễn thì chưa uống cà phê Ăng-lê chỉ mới uống cà phê Pháp và cà phê ở Mỹ. Cà phê Pháp thì uống ở trong nước, còn khi sang Mỹ thì uống cà phê La Madeleine và Café du Monde. Đây Giáng Uyên kể chuyện cà phê ở Anh:
“Khi còn đi học ở Anh, nhà tôi ở có một anh bạn người Ailen tên Paddy. Anh chàng này khá luộm thuộm và hay làm hai đứa con gái trong nhà là Janette và tôi cằn nhằn, nhưng thỉnh thoảng anh lại chịu khó làm cà phê kiểu Ailen (Irish coffee) cho cả nhà uống nên chúng tôi ít khi giận anh được lâu, nhất là từ khi biết được Irish coffee là món cà phê rất mắc tiền mà chỉ những quán tương đối sang mới có.
“Tờ Telegraph gọi đây là “thức uống mịn như nhung và dễ chịu, làm ta hồi phục cả sức khỏe lẫn tinh thần”. Làm Irish coffee rất công phu, phải dùng nước nóng rửa ly thủy tinh có chân, lau khô, rót rượu whiskey vào, phải là những loại whiskey “chân chính” của Ailen như Bushmills hay Tyrconnell, thêm một muỗng đường nâu, khuấy đều cho tan đường, lấy diêm châm lửa đốt rượu vài giây để giảm độ cồn trong rượu và cân bằng hương vị giữa cồn và caffeine, đúng là “nghề chơi cũng lắm công phu.
Rót đầy cà phê thật nóng và đậm đặc cách miệng ly đúng 1 cm, chờ một lúc để hỗn hợp rượu và cà phê hòa lẫn vào nhau mới cho kem tươi (whipped cream) trắng muốt lên trên, không khuấy nữa vì bí quyết uống Irish coffee là nhấm nháp cà phê nóng xuyên qua lớp kem lạnh.
Tuyệt vời nhất là chui vào chăn vừa đọc báo vừa uống món cà phê làm ta chếnh choáng này vào những ngày mưa lạnh và sương mù giăng kín khắp nơi. Bởi vậy lâu lâu tìm hoài không thấy cái dĩa yêu thích nhất trong bếp và biết ngay “thủ phạm” Paddy ăn xong chưa rửa, Jannette và tôi cũng vui vẻ đi kiếm dĩa khác, không càu nhàu chút nào.”
Nghe thật thú vị, phải không các bạn. Quan sát và mô tả của Giáng Uyên quả là tinh tế và gợi cảm, nó sẽ khiến nhiều cô nhiều bà ưa thích kem lấy làm thích thú. Ở Mỹ, Nguyễn cũng đã được uống những loại cà phê pha chế cầu kỳ như vậy như cà phê cappuccino, espresso, latte coffee, frappuccino… Ngon, rất thơm và béo nữa. Nhưng với người đam mê chất uống này thì chỉ có cà phê nguyên chất, uống không, hoặc chỉ với chút đường chút sữa là tuyệt lắm rồi.
Chuyện uống cà phê ở trời Tây sẽ còn tiếp tục với tác giả “Ngón Tay Mình Còn Thơm Mùi Oải Hương”.
TN