Menu Close

Phóng viên chiến trường – Người lính không súng

Một trong những ký giả từng tham dự và tường trình về cuộc chiếnViệt Nam là phóng viên chiến trường trẻ tuổi Joe Galloway của hãng thông tấn UPI, người tham dự và tường trình về trận đánh khốc liệt và đẫm máu đầu tiên giữa quân lực Hoa Kỳ và quân cộng sản Bắc Việt vào tháng 11 năm 1965 tại thung lũng tử thần Ia Drang, nằm phía Tây Bắc Pleime và cách Pleiku khoảng 60 cây số về hướng Tây Nam. Theo chân các tiểu đoàn không kỵ Mỹ đến tận nơi giao tranh, giữa những mịt mù súng đạn và  xác người, ông chứng kiến và cảm nhận những người lính Mỹ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh như thế nào nơi một vùng núi đồi xa xôi bên kia bờ đại dương nước Mỹ. Để rồi cùng với tướng hồi hưu Harold Moore – một trong những Tiểu Đoàn Trưởng tham dự trận đánh, ông đã viết lại cuốn hồi ký We Were Soldiers Once… and Young từng được dựng thành bộ phim We Were Soldiers, do tài tử Mel Gibson và Đơn Dương thủ diễn. Chuyên mục tuần này xin lược dịch và giới thiệu đến các bạn cuộc trả lời phỏng vấn của Joe Galloway với History Net, liên quan đến công việc và những trải nghiệm của một phóng viên chiến trường trong buổi đầu của cuộc chiến Việt Nam như  thế nào. Bài dịch do chuyên mục đề tựa.


alt

Phóng viên chiến trường Nick Út 1966, Trảng Bàng – nguồn leicaphilia.com

History Net (HN): Ông sinh ngay trước trận Trân Châu Cảng. Vậy thì Đệ Nhị Thế Chiến có ấn tượng gì trong ông không?

Joe Galloway (JG): Tôi không gặp mặt cha tôi cho đến cuối năm 1945. Ông ra mặt trận, như năm anh em của ông cùng với bốn anh em của mẹ tôi. Nên những ký ức đầu tiên của tôi là sống trong những ngôi nhà có những người phụ nữ nhìn ra cửa kính, ngong ngóng hoảng sợ sự xuất hiện của người đi phát điện tín báo tử. Nó làm mình nhạy cảm với kiểu vậy. Lúc đó tôi còn trẻ, nhưng tôi cũng theo dõi về chiến tranh Triều Tiên. Tôi còn nhớ khá rõ một thanh niên địa phương, là một lính thủy quân lục chiến tử nạn ở chiến trường Triều Tiên và trở về nhà trong một đám tang của một người hùng.

alt

Henri Huet – nguồn -photographe.lemonde.fr

HN: Con đường nào đưa ông trở thành một phóng viên chiến trường?

JG: Tôi đọc các cột báo của Ernie Pyle (Chú KTT: một ký giả chiến trường về Đệ Nhị Thế Chiến và tử nạn ngay mặt trận Okinawa) và các bài thu thập của ông nên tôi nghĩ nếu thế hệ tôi mà có chiến tranh thì tôi cũng muốn tường thuật về nó, như kiểu Pyle đã tường thuật. Tôi đã không nghĩ mình sẽ theo đuổi nó suốt đời hay chọn làm sự nghiệp.

HN: Bấy giờ ông có tiên liệu về cuộc chiến Việt Nam không?

JG: Tôi đọc các tường thuật của David Halberstam, Neil Sheehan, Malcolm Browne và tôi biết thế nào cuộc chiến cũng xảy ra và nó sẽ là cuộc chiến của thế hệ chúng tôi. Lúc bấy giờ tôi đang làm việc cho UPI tại Topeka, Kansas, chủ yếu là tường thuật về các vấn đề chính trị tiểu bang cùng các phiên tòa hình án giết người và các vụ đại loại vậy.

HN: Cách nào mà một ký giả non choẹt lại tường trình về cuộc chiến Việt Nam?

JG: Tôi nghĩ nó là một cuộc chiến lớn, cuộc chiến của thế hệ chúng tôi và tôi phải chứng kiến, tường thuật về nó. Thật ra tôi đã nhắm sang Việt Nam từ năm 1963. Tôi bắt đầu gởi thư đến sếp mình mỗi tuần, giải thích tại sao họ nên gởi tôi sang VN. Sau cuộc bầu cử 1964, tôi được điều sang Tokyo, tổng hành dinh của UPI tại Á Châu và ít ra cũng là tiền trạm để sang VN. Điều đầu tiên tôi làm khi đến Nhật là xin chuyển sang văn phòng đại diện tại Sài Gòn. Sếp tôi cười bảo, “Tao vừa gởi thêm một ký giả thứ hai sang Sài Gòn, vậy là quá dư rồi”. Tôi đáp, “Để mà xem”.

HN: Ông có biết gì về vùng đất ấy không?

JG:  Tôi đọc như điên để biết về lịch sử cùng vùng đất và con người bên đó. Nhiều lần tôi cứ mong sao những người ra lịnh và những người đang chỉ huy cuộc chiến VN cũng đồng ý kiến như nhau.

HN: Điều ước cũng ông đâu lâu gì để thành sự thật.

JG: Thủy Quân Lục Chiến đổ bộ Tháng Ba năm 1965 thì chỉ vài tuần sau tôi được gởi theo sang. Tôi ở Sài Gòn được hai ngày và sau đó, bắt đầu theo chân những người lính, học theo họ và thậm chí theo các cuộc đổ bộ xuống vùng hỏa lực. Lúc đó tôi 23 tuổi, làm việc cho UPI từ năm 1961 và thêm đôi năm với các tờ báo trước đó.

HN: Ông có chuẩn bị gì trước cho những điều này không?

JG: Tôi phải nói rằng khi đến đây thì tôi chẳng biết gì về chiến tranh cả. Tôi coi những phim John Wayne và kiểu đại loại vậy, nên tôi nghĩ mình cần phải nhanh chân trước khi cuộc chiến kết thúc một khi lính Thủy Quân Lục Chiến đổ bộ vào VN.  

HN: Bao lâu sau thì ông bắt đầu nhận diện thực tế?

JG: Tôi tỉnh ngộ khá sớm khi đến với những lính Thủy Quân Lục Chiến. Tôi chưa kịp mua đồ lính và giày sô, còn mang quần kha-ki và giày Tây thì Henri Huet, ký giả ảnh của UPI tại Đà Nẵng đã kéo tôi lên một chiếc C-130 bay đến đâu tôi không biết. Chúng tôi đáp xuống Quảng Trị. Ra khỏi máy bay, Henri chạy đến một chiếc UH-34 nói chuyện với người phi công trưởng, rồi vẫy tay cho tôi chạy tới leo  lên trực thăng. Tôi cũng chưa biết mình sẽ đi đâu thì trực thăng cất cánh, và chẳng bao lâu đã quần trên một cánh đồng lúa. Tôi có thể thấy được những hố công sự chiến đấu và người trong đó. Nhưng khi phi công giảm tốc độ, hạ cánh và tắt máy, cả một sự im lặng chết chóc bao trùm cả cánh đồng, là một bãi chiến trường với những xác lính VNCH. Chúng tôi đến đó để bốc xác của hai cố vấn Mỹ. Đêm đó chúng tôi trú lại căn cứ của Phái Bộ Cố Vấn Quân Sự HK, nghe tiếng đại bác nã vào căn cứ này và căn cứ của quân lực VNCH bên kia đường. Đó là lúc tôi bắt đầu nghĩ ngợi rằng cuộc chiến này sẽ kéo dài bao lâu. Nó không phải đi theo cách chúng ta muốn. (Chú KTT: Henri Huet là ký giả ảnh người Pháp gốc Việt nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam và bị tử nạn khi theo chân quân lực Việt Nam Cộng Hòa làm phóng sự trong chiến dịch Lam Sơn 719)

alt

Joe Galloway – nguồn pixgood.com

HN: Vậy trước trận Ia Drang ông đã có sự nghi ngờ?

JG: Không cần đợi đến trận Ia Drang mới thuyết phục tôi rằng chúng ta không đủ quân để tiêu diệt đám du kích Việt Cộng, không kể quân Bắc Việt chính quy. Nếu anh từng đọc sách của Clausewitz (Chú: Vị tướng và lý thuyết gia quân sự người Đức) thì sẽ thấy cần đến mười lính chính quy để đối đầu với một du kích quân và chắc chắn chúng ta không đủ quân số đó.

HN: Vậy là quan điểm về chiến tranh của ông rõ ràng ngay lập tức?

JG: Ngay sau khi tôi đến Đà Nẵng, Ray Herndon, một cánh tay đắc lực cũ của UPI đưa tôi đến gặp một vị chỉ huy quân lực VNCH trực tính. Ông hỏi, “Người Mỹ các anh có coi đây là chuyện hệ trọng không? Các anh có ở lại lâu dài không? Chúng tôi đã chiến đấu 20 năm nay và bây giờ các anh đến nhập cuộc. Nếu các anh bỏ ngang và chạy thì chính tôi và binh sĩ của tôi sẽ bắn hạ máy bay chở các anh bỏ chạy”. Tôi thầm nghĩ, “Đó là những câu hỏi dành cho tướng Westmoreland chứ đâu phải cho tôi”.

HN: Nhưng lúc ấy thì ông tự tin là chúng ta có thể tiêu diệt Việt Cộng?

JG: Lúc đó tôi biết bọn họ là những tên du kích quân nguy hiểm, họ biết rõ địa hình và ngõ ngách chui nấp, còn chúng ta thì không. Họ khá thiện nghệ với chuyện họ làm và làm được điều đó dù không có gì nhiều trong tay.

HN: Trận Ia Drang ảnh hưởng tới ông như thế nào?

JG: Cái cảm giác lạnh sống lưng khi quân Bắc Việt tấn công chúng ta ở cấp sư đoàn. Họ dùng chiến thuật biển người để xông vào chúng tôi. Hal Moore có ngó qua tôi một lần và nói, “Chúng ta chẳng cần đi đâu để gặp bọn chúng”. Đó là lúc tôi nhận ra chúng ta có hơi lầm khi dính vào chuyện khó nuốt này, và tôi đã không chắc kết quả cuối cùng sẽ tốt đẹp.

HN: Ông nghĩ vậy nhưng không thể đưa những suy nghĩ đó vào trong tường thuật của mình?

JG: – Tôi làm việc cho UPI. Chúng tôi không phải được trả lương để nêu ý kiến riêng mình, nếu có thì giữ lại cho riêng mình. Với tôi thì có thêm điều khác. Tôi nhủ, “Cuộc chiến này không thắng thì tôi cũng chẳng nói ra vì tôi không muốn làm thương tổn những người bạn, những chiến sĩ đang chiến đấu trong cuộc chiến này”. Anh biết những người lính đang chiến đấu và họ bị mất đi những đồng ngũ, những người bạn thân của mình, anh không thể gây vết thương, làm tổn thương và  xúc phạm đến sự hy sinh đó”.

HN: Ông được mệnh danh là một “ký giả lính”. Tại sao vậy?

JG: Đó là kiểu của Ernie Pyle. Tôi không qua đó để tường trình vấn đề chính trị tại Sài Gòn mà qua đó để tường trình về người lính trên chiến trường, điều mà tôi coi là công việc của mình. Có lẽ có cũng khoảng 500 phóng viên chính thức sang Việt Nam, nhưng tôi thấy ở hầu hết các cuộc hành quân hay các trận đánh thì cao nhất cũng chỉ có khoảng 15 đến 20 phóng viên. Có một số phóng viên làm cái việc họ muốn dù nó chẳng dễ dàng khi trải qua những đêm dài trong hố cá nhân và bị bắn dữ dội. Nhưng nếu anh muốn tường trình về người lính trong chiến trận thì đó là nơi anh phải đến.

Anh hành quân theo họ, mang đồ như họ và thế nào cũng có lúc nghỉ chân, ngồi kế một người lính,sẽ nghe hỏi, “Mày là thằng nào vậy?”. Khi anh trả lời rằng anh là một phóng viên thì anh ta sẽ ngó anh và bảo, “Mày là tay dân sự mà ở đây với tụi tao, chắc được trả tiền nhiều lắm hả?”. Khi tôi trả lời, “Không, tôi làm cho UPI, hãng mạt rệp nhất thế giới”, anh ta sẽ bảo rằng, ‘Vậy ra mày là thằng điên rồ”. Ở cuối hàng sẽ có tiếng hỏi vọng lên, “Nó là thằng đách nào vậy?”. “Một thằng phóng viên điên”. Nhưng nếu anh ở qua đêm với họ thì ngày hôm sau anh sẽ trở thành một người mà họ chia cho anh miếng nước cuối cùng trong bi-đông của họ. Họ không mang theo gì nhiều, nhưng sẽ san sẻ hết cho anh, thậm chí cả mạng sống và cái chết của họ.

(còn tiếp)