Menu Close

Thỏa thuận kiểm soát nguyên tử

Tuần vừa qua, cuộc điều đình giữa Hoa Kỳ cùng 5 cường quốc và Iran về hạch tâm diễn ra khá căng nhưng cuối cùng các bên đã đạt được những thỏa hiệp căn bản. Trên trang báo tuần này, mời quý vị cùng chúng tôi tìm hiểu tại sao việc này luôn thôi thúc Hoa Kỳ và thế giới về chương trình nguyên tử năng của Iran; thỏa hiệp có lợi gì cho Iran và Hoa Kỳ; những mối liên quan gì đến Israel; và vài ẩn khuất phía sau có thể khiến  bàn cờ rắc rối hơn.


alt

Tổng Thống Obama theo dõi đàm phán từ Toà Bạch Ốc. nguồn nbcnews.com

Hôm Thứ Năm, 2-4-2015, Hoa Kỳ và Iran cùng 5 cường quốc Anh, Pháp, Đức, Nga, và Trung cộng, ra tuyên cáo đã đạt được các giao ước tạm thời. Theo đó, Iran hứa hẹn chịu thêm nhiều sự kiểm soát và hạn chế đáng kể của cộng đồng thế giới đối với chương trình hạch tâm của họ. Các giao kèo kiểm soát kéo dài ít nhất 10 năm, một số điều khoản còn có thể được gia hạn lâu hơn nữa. Các ràng buộc này nhằm bảo đảm trong tương lai Iran chỉ có khả năng dùng nguyên tử năng cho mục đích dân sự, không phải để chế tạo võ khí hạch tâm, đúng như điều xứ này vẫn tuyên bố lâu nay.

alt

Ngoại Trưởng John Kerry và các cộng sự xem Tổng Thống Obama diễn thuyết về Iran hôm Thứ Năm, 2/4/2015. Ảnh Reuters

Đây là hoa quả kết tụ sau 2 năm thương thảo gian nan, kết thúc với 8 ngày đêm làm việc liên tục của thương thuyết gia các bên. Thậm chí đã có những thời điểm tưởng như cuộc đàm phán bên bờ vực sụp đổ. Sau đây là một số chi tiết: Mở rộng và tăng cường hoạt động giám sát của các giám sát viên Liên Hiệp Quốc. Họ sẽ có quyền thanh tra bất cứ nơi nào vào bất cứ lúc nào trên toàn cõi Iran. Các cơ sở hạt nhân của Iran từ nay cũng sẽ có mặt các khoa học gia “cố vấn” người ngoại quốc. Iran vẫn được tiếp tục nghiên cứu, khảo sát về nguyên tử năng, nhưng không được ứng dụng/chế biến gì trên thực tế. Các lò phản ứng hạch tâm của Iran sẽ phải tái thiết kế để không thể sản xuất chất plutonium dùng để chế bom nguyên tử. Iran sẽ cắt giảm nguyên liệu nguyên tử từ 8 tấn xuống chỉ còn 600 pound. Trong số gần 20,000 chiếc máy đặc biệt dùng trong kỹ nghệ nguyên tử năng gọi là “Centrifuge”, nay Iran chỉ được vận hành 5,000 chiếc. Đổi lại các nhượng bộ này, Hoa Kỳ và các quốc gia còn lại cam kết hoàn toàn tháo bỏ cấm vận kinh tế Iran.

Một trong những hệ quả là việc gỡ bỏ cấm vận Iran xuất cảng dầu hỏa, ước lượng khoảng 1.5 triệu thùng mỗi ngày. Dầu hỏa đại hạ giá của Iran sẽ tràn vào thị trường năng lượng thế giới nhiều phần chắc sẽ kéo giá xăng dầu xuống thấp hơn nữa. Các khách hàng tiêu thụ dầu hỏa của Iran chánh yếu ở Á Đông (Trung Hoa, Ấn Độ, Nam Hàn, Nhật Bổn, Thổ Nhĩ Kỳ…) Dù vậy, trên thực tế sẽ mất ít nhất 3 tháng để Hoa Kỳ và thế giới tháo gỡ hết mọi ràng buộc và cấm vận lên Iran, và thêm 6 tháng trước khi kỹ nghệ dầu hỏa Iran trở lại mức sản xuất 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Vì vậy, dự báo dầu thô của Iran sẽ chỉ trở nên nhân tố quyết định vào năm 2016.

alt

Ký giả ngồi ngoài hành lang chờ tin đàm phán.

Đối với Hoa Kỳ, thỏa thuận kiểm soát nguyên tử này có thể sẽ giúp kết liễu 36 năm quan hệ song phương lạnh nhạt. Trước hết, nó giúp Hoa Kỳ giảm bớt sự lệ thuộc vào Saudi Arabia về nhập cảng năng lượng. Từ sau khi chánh phủ quốc gia Iran do Hoa Kỳ hậu thuẫn bị sụp đổ năm 1979 trong sự kiện Islamic Revolution (tạm dịch “Cách Mạng Hồi Giáo), Saudi Arabia trở thành đồng minh xuất cảng dầu hỏa quan trọng nhất của Hoa Kỳ trong vùng Vịnh Persian Gulf. Nay với sự góp mặt trở lại của Iran, ngành tiêu thụ năng lượng Hoa Kỳ có thể dễ thở hơn chút nhờ nguồn cung cấp mở rộng, và thêm bạn hàng. Trong khi hầu hết người dân Hoa Kỳ không tin và không thích Iran (84% chấm điểm Iran thấp), các khảo sát xã hội mới nhất cho thấy đa phần dân chúng yểm trợ thỏa hiệp với Iran.

Thái độ của dân chúng Hoa Kỳ qua khảo sát xã hội có phần phản chiếu thực tế địa chánh trị thế giới và các cân nhắc chánh sách của Hoa Kỳ. Thỏa hiệp hạch tâm tạm thời tháo gỡ một mối nguy treo lơ lửng lâu nay: một cuộc đối đầu quân sự để triệt hạ kỹ nghệ nguyên tử của Iran. Năm 1981, Do Thái “Israel” từng đơn phương không tập một lò phản ứng hạch tâm trên đất Iraq. Nhưng hệ thống cơ sở hạch tâm của Iran ngày nay phức tạp hơn nhiều lần, lại rộng lớn, trải đều khắp xứ sở, một số còn nằm sát bên các trung tâm dân cư lớn. Trong 2 thập niên gần đây, Iran đã phát triển chương trình hạch tâm mau lẹ. Năm 2003, họ mới có 200 chiếc máy “Centrifuge”, ngày nay con số này lên gần 20,000 máy. Nước này hiện có hằng ngàn khoa học gia và chuyên viên kỹ thuật về nguyên tử năng.

Một yếu tố chánh trong các toan tính của Hoa Kỳ với Iran mang tên Trung cộng.  Trong 2 thập niên Iran ráo riết mở rộng chương trình nguyên tử dưới tầm cấm vận kinh tế, Trung cộng lẳng lặng trở thành khách hàng mua dầu hỏa của Iran nhiều nhất, và cũng là xứ giao dịch thương mại với Iran sâu rộng nhất. Bắc Kinh lợi dụng sự cô lập của Iran để mưu đồ tư lợi. Nay với cấm vận kinh tế được tháo gỡ, Trung cộng mất thế… một mình một  chợ.

alt

Toàn cảnh cuộc thương lượng tại Thụy Sĩ.

Với Iran, “Nuclear Deal” này có thể là hy vọng sáng sủa nhất kể từ Cách Mạng Hồi Giáo 1979. Từ thời điểm đó, các biện pháp bao vây kinh tế của Hoa Kỳ và Tây Phương khiến kinh tế Iran ngừng tăng trưởng, lạm phát phi mã, không thể đi vay nợ, mà lại thiếu dự trữ ngoại tệ. Nay với cấm vận kinh tế được tháo bỏ, có thể thúc đẩy bùng nổ phát triển kinh tế. Thỏa hiệp hạch tâm có thể bơm thêm nhiều tỉ Mỹ kim vốn đầu tư vào nền kinh tế $420 tỉ của nước này. Vụ này cũng có thể mang nhiều ý nghĩa chưa rõ ràng về phương diện chánh trị, xã hội hướng đến tương lai. Ngoại trừ các phần tử Hồi Giáo cực đoan, theo nhiều đánh giá dân chúng Iran trung bình có học thức cao hơn và chuộng văn hóa Tây Phương hơn các xứ Hồi Giáo khác trong vùng Trung Đông. Thỏa hiệp hạch tâm và tháo gỡ cấm vận kinh tế có thể kích thích, thúc đẩy các vận động cải tổ rộng rãi trong xã hội Iran trong tương lai.

Các quốc gia Ả Rập trong vùng Trung Đông xưa nay nghi kỵ Iran đón nhận tin này khá lạnh nhạt. Thỏa hiệp kiểm soát hạch tâm và gỡ bỏ cấm vận kinh tế rất có thể gây phương hại khó đỡ cho họ. Việc Iran tăng mức xuất cảng dầu hỏa sẽ là thất lợi tức thì cho Saudi Arabia, nhà xuất cảng dầu hỏa lớn nhất trong khối OPEC. Cũng đã thấy có quan ngại là thỏa hiệp này có thể bật đèn xanh cho một cuộc chạy đua không khoan nhượng trong vùng nhằm mưu tìm võ khí hạch tâm. Đặc biệt, Saudi Arabia từng lặp đi lặp lại nhiều lần là sẽ phát triển võ khí nguyên tử nếu Iran không bị chặn đứng.

alt

Ngoại Trưởng Iran Mohammad Javad Zarif được chào đón như nguời hùng khi trở về nhà .

Tuy nhiên, kẻ thua cuộc lớn nhất có lẽ là Do Thái “Israel”. Đa phần dư luận xứ này gọi thỏa hiệp nguyên tử với Iran là đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của họ. Ban đầu, Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu đòi phải tháo gỡ toàn bộ chương trình nguyên tử năng của Iran. Nhưng nay ông phải hạ giọng, chỉ muốn trong bản thỏa hiệp chung cuộc phải có điều khoản yêu cầu Iran phải nhìn nhận Do Thái. Israel là một nước tự do nhỏ nhưng phải sống với nhiều kẻ thù chung quanh. Và dù cho Hoa Kỳ, cách riêng là Tổng Thống Obama có trấn an, hứa hẹn với Do Thái kiểu gì, cũng không hiếm người tin đây không còn chỉ riêng là canh bạc của Do Thái.

Cũng không ít dư luận đánh giá đây là một thỏa hiệp kỷ lục, vì trước nay thế giới, nhất là Hoa Kỳ không thể nào thỏa thuận được việc này. Các bên còn từ nay đến 30-6-2015 để hoàn thiện mọi chi tiết. Người bi quan nói thỏa hiệp này thất bại vì chẳng đóng cửa hoàn toàn một cơ sở hạch tâm nào của Iran. Khuynh hướng lạc quan lại cho rằng bất cứ giải pháp nào giúp trì hoãn việc Iran chế bom nguyên tử dù chỉ 1 thập kỷ cũng là thành công đáng kể. Còn có lợi ích kinh tế. Năm ngoái, giao dịch thương mại giữa Iran và Liên Âu đạt $8.3 tỉ, với lịnh cấm vận tháo bỏ, dự trù sẽ tăng vọt lên $400 tỉ vào giữa năm 2018. Các kỹ nghệ hàng không, tiếp liệu cũng sẽ làm ăn phát đạt bất ngờ vì dính tới kỹ nghệ du lịch.

alt

Cuộc cờ lớn, ai thắng ai thù ?

TD