Với tình hình hạn hán luôn diễn ra ở California, viên chức quận hạt Santa Clara hy vọng nhà máy lọc nước công nghệ cao mới vận hành từ tháng 6 năm vừa qua tại Silicon sẽ giúp cư dân vượt qua “yếu tố dị ứng” và cuối cùng cho phép nước thải đã tinh lọc chảy qua vòi nước nhà mình theo kiểu “nước máy từ toilet”. Trung tâm lọc nước tiên tiến nhất trị giá 72 triệu USD là một nhà máy sử dụng hệ thống tinh vi, thẩm thấu và tia UV (cực tím) để sản xuất nước tinh khiết hơn cả nước uống thông thường.
Các phẩm chất nước sau khi qua các giai đoạn lọc
Người bạn cùng đi field trip với thằng con trai học lớp năm ở Santa Clara. Chuyến đi dã ngoại này làm anh thích thú nhưng không dám cầm ly nước lọc lên uống giống nghệ sĩ Vân Sơn trong phim phóng sự về nhà máy tái chế nước ở Sài Gòn. Anh biết nhà máy lọc nước tái chế do một Việt kiều Mỹ ở California về xây dựng để giải quyết nước và rác thải. Tất cả máy móc, thiết bị tối tân đều nhập từ Mỹ về. Từ lúc nước đen như nước cống, sang giai đoạn lọc chất bẩn và cuối cùng cho nước sạch tinh khiết làm anh quan tâm. Đó là lý do tại sao anh theo thằng con trai đi thăm nhà máy lọc nước tại Thung lũng Silicon để tận mục sở thị.
Giàn lọc qua các ống nhỏ trong một bộ lọc được tạo thành hàng ngàn sợi tơ rỗng giống hình cọng rơm
Anh kể nhà máy không lớn như anh tưởng. Chỉ có các bể lắng chứa nước chuẩn bị lọc là to như hồ bơi. Nước vào bể này từ các đường cống nước thải của thành phố San Jose. Thú thật tôi không biết nó có bao gồm nước từ toilet vì người bạn làm nghề xây dựng bảo nhà ở Mỹ không có làm hầm cầu, mọi thứ thải theo đường cống từ nhà ra hệ thống cống chính ngoài đường và được hút về nhà máy làm phân bón. Và anh quản lý nhà máy lọc nước tại đây giải thích, tất cả nước sinh hoạt dân dụng, nước cống, nước thải công nghiệp, bệnh viện, nước mưa đều được đưa về đây, lọc cho ra 8 triệu gallon nước tinh khiết mỗi ngày, đủ cung cấp cho mọi sinh hoạt của thành phố Santa Clara.
Quá trình bắt đầu với việc cho nước thải qua các ống nhỏ trong một hệ thống lọc được tạo thành bởi hàng ngàn sợi tơ rỗng giống cọng rơm. Vách sợi được lót các lỗ cực nhỏ đường kính 0.1 micron, tương đương 1/300 tiết diện sợi tóc người, giúp lọc bỏ chất lỏng, vi khuẩn, sinh vật đơn bào và một số virus. Thẩm thấu ngược là bước tiếp theo, buộc nước dưới áp suất cao chảy qua màng có lỗ đủ nhỏ để phân tử nước đi qua mà không phải là những thứ khác. Phần bị giữ lại là muối, virus và chất ô nhiễm từ con người như thuốc, sản phẩm chăm sóc cá nhân và thuốc trừ sâu vốn là một vấn đề đang quan tâm hàng đầu đối với các nhà máy lọc nước. Trong bước cuối cùng, nước sẽ chảy qua các buồng được chiếu ánh sáng UV mạnh. Tương tự một chất khử khuẩn mạnh, tia UV làm đảo lộn DNA của bất kỳ virus còn lại và các hợp chất hữu cơ sót lại trong một quá trình tương tự như khử trùng thuốc, thực phẩm và nước trái cây. Tổng thể, quy trình loại bỏ được 99.99% mầm bệnh. Tóm lại là sạch như nước tinh khiết.
Giới thiệu hệ thống lọc nước trong nhà máy tái chế nước tinh khiết tại Santa Clara
Sau khi đi một vòng xem các hệ thống lọc nước, anh quản lý lấy mấy cái ly đưa vào vòi nước cuối cùng bảo, “Quý vị có muốn nếm thử không”. Chẳng ai chịu uống mà đặt ra nhiều câu hỏi như thể vẫn còn nghi ngờ độ tinh khiết gần như tuyệt đối của dòng nước trong veo sẽ hòa vào mạng lưới cung cấp nước của thành phố Santa Clara. Thằng con trai người bạn “xung phong” nhưng anh cản lại “để xem nào”, có thật sự nước thải đủ mọi nơi thu gom về đây tái chế thành nước sạch một cách thần kỳ như thế này! Anh vẫn còn nghi ngờ bởi anh đọc một bài báo của Australia. Nước Úc cũng đang vận động cho phương án sử dụng nước tái chế này nhưng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân. Ông Tim Fletcher, Giám đốc Viện Tài nguyên nước thuộc Đại học Monash ở Melbourne, nói với đài ABC: “Khi chúng ta uống nước đã được tinh lọc, chúng ta có thể tin chắc rằng, phẩm chất của loại nước này ít nhất cũng bằng nước uống, loại nước mà hiện nay chúng ta đang sử dụng, nếu không nói là còn cao hơn”.
Tuy nhiên không phải chuyên gia nào cũng chia sẻ sự lạc quan với ông Tim Fletcher. Thí dụ, nhà vi sinh vật học đồng thời là chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Peter Collignon thì coi giải pháp này là “vô trách nhiệm” khi trong nước thải có vô vàn mầm bệnh khác nhau. Peter Collignon cảnh báo “khả năng tiềm ẩn về một hệ quả kinh hoàng đối với nền y tế là hiện hữu. Thật nguy hiểm nếu như trong quá trình làm sạch đầy rủi ro này có điều gì đó không ổn xảy ra”.
Hiện tại, nước tái chế vẫn đang hướng tới mục đích quảng bá ra công chúng chấp nhận sử dụng. Nước tái chế chỉ mới sử dụng để tưới cây trồng, cỏ sân golf, công viên, trường học, cây trồng trên đường phố và sử dụng trong các nhà máy. Nó cũng đang được sử dụng để làm mát các tòa nhà và trung tâm dữ liệu bao gồm khuôn viên mới của Apple ở Cupertino sẽ khai trương vào giữa năm nay. Theo kế hoạch nước tái chế sẽ được đưa vào nguồn nước máy địa phương vào năm 2025. Nhưng nếu hạn hán vẫn tiếp tục thì dự án có thể xúc tiến nhanh hơn và cư dân ở đây sẽ uống nước tái chế trong vòng chỉ hai năm nữa. Trong tình hình đó, nguồn nước này sẽ được bơm vào tầng ngầm dưới đất, sau đó được bơm lên, lọc lại và dẫn tới các gia đình.
Nhà máy lọc nước từ chất thải con người ở Seattle do Bill Gate tài trợ
Câu chuyện nước sạch như tinh khiết của người bạn khá lý thú trong khi người dân California do dự cho việc sử dụng nguồn nước này thì ở Texas hẳn người dân sung sướng không phải lo âu cho việc hạn hán mặc dầu đây là đồng bằng miền Nam với nhu cầu tiêu dùng nước không thua gì ở bên bờ Tây có biển có núi có rừng nhưng phải đối mặt với hạn hán kéo dài. Ngay cả tiểu bang Washington, mùa đông hay mùa xuân lúc nào cũng mưa, “mưa gieo sầu nhân thế”, ấy thế mà vẫn hạn hán triền miên. Cho nên tại Seattle vừa mới xây nhà máy tái chế chỉ riêng với chất thải thành nước sạch.
Nhà máy có tên gọi là OmniProcessor thanh lọc chất thải với chi phí thấp, sử dụng hơi nước và các hệ thống lọc để tái chế chất thải người. Hệ thống này được quỹ từ thiện của Bill Gates đầu tư phát triển và dự kiến sẽ được thử nghiệm đầu tiên tại Senegal trong thời gian sắp tới. Để thiết kế hệ thống thanh lọc chất thải OmniProcessor này, nhà sáng lập Peter Janicki của công ty Janicki đã đích thân đến châu Phi, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác để xem xét tình hình thực tế. Nhằm chứng minh rằng nguồn nước được tái chế từ OmniProcessor là sạch và an toàn, mới đây Bill Gates đã không ngần ngại uống trực tiếp một cốc nước được lấy từ hệ thống xử lý này. “Tôi đã nhìn thấy chất thải người được đưa vào hệ thống bằng băng chuyền trước khi được lọc. Những chất thải này được hệ thống nung nóng và giải quyết bằng hơi nước và các bộ lọc khác nhau. Một vài phút sau, tôi đã có cơ hội thử nghiệm kết quả, đó là một cốc nước lọc ngon tuyệt. Nó có vị thật tuyệt như những chai nước tinh khiết mà tôi đã uống”. Một đoạn clip được đăng tải lên trang blog của Bill Gates cho thấy nhà sáng lập Microsoft này cười tươi sau khi thưởng thức cốc nước: “Tôi sẽ rất vui để uống nó mỗi ngày bởi vì nó an toàn”.
Bill Gate uống thử cốc nước lọc từ chất thải người
Chi phí để xây dựng nhà máy thanh lọc chất thải OmniProcessor vào khoảng 1.5 triệu USD và có khả năng giải quyết chất thải để cung cấp nước sạch cho cộng đồng 100,000 người. Hệ thống sử dụng nhiệt độ cao lên đến 1000 độ C để xử trí chất thải và không có mùi khó chịu của chất thải cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn gắt gao về khí thải theo quy định của chính phủ Mỹ. “Đây là một ví dụ minh họa hoàn hảo cho câu thành ngữ quen thuộc: Thùng rác của người này lại là kho báu của người kia”, Bill Gates nói trên youtube. Theo ông, hiện tại 2 tỷ người trên thế giới sống mà không có hệ thống giải quyết chất thải hợp vệ sinh. Khi đó, xe tải chở chất thải sẽ thu gom chất thải từ các nhà vệ sinh và đổ chúng xuống sông hoặc biển mà không hề qua quá trình giải quyết, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do vậy, hệ thống này áp dụng được tại nhiều quốc gia nghèo với chi phí rẻ.
Ngay sau khi xem đoạn youtube của Bill Gate, ông Art Larrance – chủ công ty bia Cascade Brewing ở Portland đã trả lời trên đài phát thanh quốc gia rằng sử dụng nước tái chế có thể giúp ngành công nghiệp sản xuất bia trở nên bền vững hơn. “Ở California, người ủ bia thủ công phải vận chuyển nước từ nơi khác đến bởi vì thiếu nước nên đây là một vấn đề thực sự. Tại sao không sản xuất bia từ chất thải con người. Tôi sẽ chế tạo một loại bia từ thứ nước lọc đặc biệt này”.
Một ý tưởng táo bạo. Tiểu bang Oregon, nơi có hàng ngàn nhà máy bia thủ công, từng có loại bia mang tên “Bia Lông Chó”, tại sao lại không thể có “Bia từ chất thải người”. Cư dân ở Portland có thể sẽ sớm được thưởng thức một loại bia vô cùng khác biệt.
Công ty bia Cascade Brewing ở Portland sẽ sản xuất bia từ nước tinh khiết do nhà máy nước tái chế OmniProcessor làm ra
TN